Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập hội Luật gia Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội đã có những chia sẻ đáng nhớ về những mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển Hội; đồng thời, thay mặt cho hơn 64 nghìn hội viên trong cả nước bày tỏ quyết tâm xây dựng Hội ngày càng vững mạnh.
Thưa Chủ tịch, hội Luật gia Việt Nam đã trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Chủ tịch có thể cho biết khái quát về quá trình phát triển của Hội từ khi thành lập đến nay và những dấu mốc, kết quả quan trọng trong lịch sử phát triển của Hội?
Năm nay, hội Luật gia Việt Nam và giới luật gia cả nước kỷ niệm 65 năm ngày thành lập (4/4/1955 – 4/4/2020). Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng của giới luật gia cả nước. Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi vì tôn chỉ, mục tiêu và ý chí quyết tâm của toàn thể cán bộ, hội viên, hội Luật gia Việt Nam luôn vững bước trên con đường phát triển với kim chỉ nam “Đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, phát triển” trong niềm tin yêu của Đảng và Nhà nước.
Nhìn lại những chặng đường đã đi qua, có thể thấy quá trình phát triển của hội Luật gia Việt Nam luôn gắn liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều thế hệ luật gia đã cùng toàn dân chịu đựng hy sinh, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đóng góp trí tuệ cùng toàn Đảng, toàn dân ta giành nhiều thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Hội Luật gia Việt Nam được thành lập dưới sự động viên, khuyến khích của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 29/3/1955, khoảng 40 luật gia ở các ngành khác nhau tham gia hội nghị thành lập hội Luật gia Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Điều lệ Hội và bầu Luật sư Phan Anh làm Chủ tịch Hội. Ngày 4/4/1955 Chính phủ đã công nhận việc thành lập Hội và Điều lệ của Hội bằng Nghị định số 130/NĐ-NV. Ngày 4/4/1955 đã đi vào lịch sử vẻ vang của Hội, là ngày thành lập và ngày truyền thống của hội Luật gia Việt Nam.
Từ ngày thành lập đến nay, hội Luật gia Việt Nam đã trải qua 13 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc và không ngừng phát triển, trưởng thành về mọi mặt. Trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, phương thức tổ chức và hoạt động có những điểm khác nhau nhưng mục tiêu, tôn chỉ của Hội vẫn bảo đảm giữ vững. Có thể khái quát các giai đoạn xây dựng, phát triển của Hội trong 65 năm qua như sau:
Giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1980: Giai đoạn hình thành tổ chức, khẳng định tính chất, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội, từng bước xây dựng tổ chức, phát triển hội viên, mở rộng các hoạt động của Hội, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh pháp lý bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Cùng với nhân dân cả nước, hội viên của Hội đã tham gia tích cực trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cụ thể, Hội đã tham gia và góp phần tích cực trong cuộc đấu tranh pháp lý đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ. Đây là một nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao cho Hội. Nhiều hội viên đã tham gia viết sách, viết báo để giải thích và phổ biến rộng rãi Hiệp định, vạch trần những thủ đoạn xảo quyệt của các đế quốc thù địch trên diễn đàn pháp lý trong nước và quốc tế nhằm phá hoại việc thực thi Hiệp định.
Ngoài việc tham gia tích cực cuộc đấu tranh pháp lý gắn với cuộc đấu tranh của dân tộc, hội Luật gia Việt Nam còn góp phần không nhỏ vào việc phát triển pháp luật quốc tế hiện đại thông qua các kiến nghị, đề xuất để hoàn chỉnh khái niệm các quyền dân tộc cơ bản với 4 nội dung “Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ”; hoàn chỉnh khái niệm chủ thể pháp luật quốc tế.
Trong công tác đối ngoại, Hội đã trở thành thành viên của hội Luật gia Dân chủ quốc tế. Hoạt động của Hội luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao và đã góp phần đáng kể vào thắng lợi chung của dân tộc.
Giai đoạn từ năm 1980 đến năm 2004: Giai đoạn củng cố và phát triển tổ chức hội Luật gia Việt Nam thực sự là một tổ chức nghề nghiệp mang tính chính trị, xã hội sâu sắc của những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật; mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, tham gia tích cực vào quá trình đổi mới tư duy pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Với tính chất, vị trí, vai trò khác với giai đoạn mới thành lập, trong giai đoạn này, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng cho công tác Hội, cụ thể như: Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 14/4/1988 của Ban bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hội Luật gia Việt Nam; Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 19/4/1993 của Ban bí thư Trung ương Đảng về việc lãnh đạo công tác hội Luật gia Việt Nam và Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của hội Luật gia Việt Nam; Chỉ thị số 06/2001/CT-TTg ngày 09/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của hội Luật gia Việt Nam.
Giai đoạn từ năm 2004 đến nay: Giai đoạn đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, xây dựng và phát triển tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, xây dựng đội ngũ luật gia giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về chính trị tư tưởng, tận tụy với nghề, vì dân, vì công lý. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phát huy dân chủ, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ được thể hiện trong Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị, Kết luận số 19-KL/TW ngày 23/5/2012 của Ban Bí thư, Thông báo kết luận số 50-TB/TW ngày 17/7/2018 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 24/5/2013, Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 30/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, hội Luật gia Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng chú ý như:
Về công tác xây dựng pháp luật: Hội đã chủ trì xây dựng thành công hai dự án Luật quan trọng đó là: luật Trọng tài thương mại (trước đó là Pháp lệnh Trọng tài thương mại) và luật Trưng cầu ý dân. Trong đó, luật Trọng tài thương mại đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ bảy, tháng 6/2010 và luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10. Bên cạnh đó, Hội đã cử cán bộ tham gia ban soạn thảo, tổ biên tập, đồng thời tổ chức góp ý kiến cho hàng trăm dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định quan trọng do các cơ quan khác soạn thảo, đặc biệt là tổ chức việc lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Hiến pháp 2013 và đóng góp những ý kiến thiết thực, có giá trị cho Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Hội được Chính phủ tin tưởng giao thực hiện Đề án Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013-2016. Kết thúc giai đoạn I, tiếp tục được giao thực hiện tiếp giai đoạn II đến năm 2021.
Về công tác đối ngoại, Hội đã có những bước phát triển mạnh mẽ, được bạn bè quốc tế khen ngợi, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao. Hội Luật gia Việt Nam đã tích cực, chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức luật gia quốc tế và các nước để trao đổi, làm rõ các khía cạnh pháp lý liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông để các tổ chức có tiếng nói ủng hộ cho quan điểm của Việt Nam giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.
Đánh giá cao những thành tích xuất sắc, những đóng góp to lớn của Hội Luật gia đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho Hội nhiều phần thưởng cao quý. Nhiều cán bộ, hội viên của Hội được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các loại Huân, Huy chương cao quý ghi nhận và biểu dương xứng đáng những thành tích xuất sắc trong suốt 65 năm xây dựng và phát triển vừa qua. Những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng luôn là nguồn cổ vũ, động viên to lớn, là niềm tự hào sâu sắc của các thế hệ cán bộ, hội viên tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao trong thời gian tới.
Thưa Chủ tịch, khi mới thành lập, hội Luật gia Việt Nam có 40 hội viên, đến nay đã có hơn 64.000 hội viên. Bên cạnh sự phát triển về số lượng thì một vấn đề cũng được quan tâm là chất lượng hội viên. Vậy, Chủ tịch đánh giá như thế nào về chất lượng hội viên và định hướng nâng cao chất lượng hội viên trong giai đoạn mới?
Kể từ ngày thành lập, hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức 13 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc và không ngừng phát triển, trưởng thành về mọi mặt. Từ chỗ chỉ có 40 hội viên, đến nay Hội đã có hơn 64.000 hội viên ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội viên gồm những luật gia đã và đang công tác tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, mặt trận, các đoàn thể, tổ chức kinh tế và các trường đại học, viện nghiên cứu… hoạt động trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh. Trong các giai đoạn phát triển, nhiều hội viên của Hội được giao những cương vị trọng trách trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Hội viên của Hội sinh hoạt tại tổ chức Hội ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 483 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; 52 cơ quan, ban, ngành, tổ chức ở Trung ương và hàng ngàn phường, xã, thị trấn.
Công tác phát triển hội viên luôn được quan tâm, tăng cường về số lượng, coi trọng chất lượng, tuân thủ những quy định về điều kiện, tiêu chuẩn kết nạp hội viên, từng bước chú ý công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực pháp lý và kinh nghiệm công tác hội cho hội viên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho hội viên được các cấp hội quan tâm. Hằng năm, Trung ương Hội và các cấp hội đều tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, về kỹ năng hoạt động Hội.
Bên cạnh đó, Hội đã ban hành quy định 6 chuẩn mực đạo đức của Hội viên hội Luật gia Việt Nam để thống nhất thực hiện, đó là:
Đại hội đại biểu toàn quốc hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII đã thành công tốt đẹp. Xin Chủ tịch cho biết dấu ấn quan trọng nhất của Đại hội đối với sự phát triển của Hội trong thời gian tới?
Như nhà báo đã biết, hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2019-2024 vào tháng 9/2019. Đại hội đánh giá trong nhiệm kỳ khóa 12 hội Luật gia Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước với nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội trong giai đoạn mới. Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao đó của Đảng, Nhà nước vừa là cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho tổ chức và hoạt động của các cấp Hội, vừa là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với giới luật gia, cùng nhau đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực thực hiện nhiều nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao và hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc hội Luật gia Việt Nam lần thứ 12 đã đề ra.
Các hội viên rất vui mừng và tự hào bởi tất cả các lĩnh vực hoạt động của các cấp hội đều có một bước phát triển mới, vững chắc hơn; vị trí, vai trò của Hội được củng cố, phát triển, được các cấp ủy đảng, chính quyền, Nhân dân và bạn bè quốc tế tin tưởng và đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội và điều kiện cho hoạt động của Hội trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, các hội viên cũng nhận thức rất rõ, bên cạnh những kết quả đạt được và những thuận lợi nhất định, trong tổ chức và hoạt động của Hội vẫn còn có nhiều hạn chế, phía trước còn có nhiều khó khăn, thách thức và cần tiếp tục hoàn thiện, khắc phục trong thời gian tới.
Cũng tại Đại hội lần này, một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra là việc sửa đổi Điều lệ Hội để làm cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của các cấp hội trong thời gian tới. Điều lệ hội Luật gia Việt Nam được Đại hội đại biểu toàn quốc hội Luật gia Việt Nam lần thứ 11 thông qua ngày 31/12/2009 và được bộ Nội vụ phê duyệt ngày 31/8/2010. Qua 10 năm triển khai thực hiện, Điều lệ đã khẳng định vị trí, vai trò của hội Luật gia Việt Nam trong hệ thống chính trị, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Nhà nước pháp quyền XHCH của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, hội Luật gia Việt Nam đứng trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới, đòi hỏi cấp thiết xây dựng Điều lệ mới để phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, khắc phục những bất cập, tồn tại, đưa công tác Hội tiếp tục phát triển. Trên cơ sở kế thừa Điều lệ năm 2010, Điều lệ năm 2019 đã có những sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới. Ngày 13 tháng 9 năm 2019, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam đã thông qua Điều lệ hội Luật gia Việt Nam năm 2019 thay thế Điều lệ hội Luật gia Việt Nam năm 2010. Điều lệ lần này được nâng lên một tầm cao mới, nay mai sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện thống nhất trong hệ thống Hội.
Phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được trong thời gian qua, xin Chủ tịch cho biết thêm những nhiệm vụ chủ yếu của Hội đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đặt ra trong thời gian tới?
Để tiếp tục đạt được nhiều thành tích và có những đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, hội Luật gia Việt Nam cần bám sát định hướng, quan điểm, đường lối; đổi mới phương pháp làm việc; nỗ lực, cố gắng để triển khai, thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp hội và hội viên về tính chất, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hội Luật gia Việt Nam. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt các quan điểm, định hướng, nội dung của Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị; Kết luận số 19/KL-TW ngày 23/5/2012 của Ban Bí thư; Thông báo số 50-TB/TW ngày 17/7/2018 của Ban Bí thư về sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 19-KL/TW; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 30/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, phát huy tốt vai trò của hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới; đồng thời tổ chức học tập, quán triệt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để vận dụng, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể của mỗi cấp hội phù hợp với tính chất, chức năng, nhiệm vụ của Hội.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tổ chức, cán bộ và hội viên. Triển khai thực hiện Điều lệ hội Luật gia Việt Nam mới được thông qua để tiếp tục củng cố, phát triển hội Luật gia Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh, thống nhất; tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng công tác Hội, nâng cao trình độ, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Hội và Hội viên.
Thứ ba, chủ động triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ thường xuyên, đồng thời thực hiện tốt những nhiệm vụ đột xuất được Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền địa phương giao; chú trọng mở rộng và thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ trọng tâm và có thế mạnh như: tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại; tham gia giám sát việc thi hành pháp luật, đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật; tham gia cải cách tư pháp, cải cách hành chính; đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hoá, hoàn thành tốt Đề án “Xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý”.
Thứ tư, đổi mới nội dung, phương thức tổ chức và hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương hội với Đảng đoàn, Ban cán sự đảng của các bộ, ban, ngành, với cấp ủy đảng và chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thống nhất chỉ đạo công tác hội Luật gia và tạo điều kiện cho các cấp hội Luật gia có điều kiện thuận lợi để hoạt động.
Thứ năm, phát huy vai trò của hội Luật gia Việt Nam với tư cách là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời mở rộng và tăng cường quan hệ với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tăng cường quan hệ phối hợp trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, giám sát, phản biện xã hội và thực hiện chủ trương xã hội hoá của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực pháp luật.
Thứ sáu, tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hội Luật gia Việt Nam với hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP), Hiệp hội luật gia các nước ASEAN (ALA), hội Luật gia các nước và các tổ chức quốc tế khác mà hội đã có mối quan hệ; chủ động mở rộng mối quan hệ với các tổ chức và cá nhân luật gia tiến bộ trên thế giới, động viên người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia các hoạt động xây dựng đất nước.
Thứ bảy, đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng và xây dựng truyền thống của hội Luật gia Việt Nam. Tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước hội Luật gia Việt Nam lần thứ ba.
Thứ tám, Chỉ đạo các cơ quan ngôn luận của Hội nâng cao hơn nữa vai trò trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, hội viên và nhân dân trong cả nước.
Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!
Theo hoiluatgiavn.org.vn
Nguồn bài viết: http://hoiluatgiavn.org.vn:8080/65-nam-la-nhung-chang-duong-khong-the-quen-d2117.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/65-nam-la-nhung-chang-duong-khong-the-quen-a231628.html