Tìm kiếm thuốc điều trị Covid-19: Một cuộc thử nghiệm toàn cầu quy mô lớn

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị nào cho loại virus corona chủng mới xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái và kể từ đó đã sinh sôi nảy nở và lan rộng ra toàn cầu, lây nhiễm hơn nửa triệu người và cướp đi hơn 30.000 sinh mạng.

Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu

Các cách tiếp cận đến nay đã thay đổi đáng kể. Một số nhóm nghiên cứu đang xem tác dụng của các loại thuốc đặc hiệu hiện có như là một phương pháp điều trị tiềm năng, một số khác đang thử nghiệm sử dụng lại các loại thuốc thông thường để nâng đỡ sức khỏe người bệnh. Những nhóm nghiên cứu khác thì đang sử dụng công nghệ tiên tiến để tạo ra các loại thuốc điều trị hoàn toàn mới.

Seth Berkley, người đứng đầu Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI), đã cảnh báo rằng, thông thường phải mất từ ​​10 đến 15 năm để một loại thuốc được phát triển, thông qua các giai đoạn thử nghiệm, cấp phép và sản xuất quy mô lớn. "Chúng ta sẽ may mắn như thế nào khi nhận được phản ứng miễn dịch tốt? Cách tiếp cận nào sẽ hiệu quả? Liệu chúng có thể mở rộng được không?" ông Seth Berkley nói trong một cuộc phỏng vấn với tổ chức TED.

Thông thường phải mất từ ​​10 đến 15 năm để một loại thuốc được phát triển, thông qua các giai đoạn thử nghiệm, cấp phép và sản xuất quy mô lớn

Mặc dù thế giới sẽ cố gắng chặn được đại dịch này nhưng thời gian vẫn sẽ phụ thuộc vào quá trình thử nghiệm các loại thuốc và vắc-xin. "Còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo một loại vắc-xin có hiệu quả và an toàn để sử dụng trên hàng tỷ người," ông nói.

GAVI, tổ chức cung cấp tài chính cho các nước thu nhập thấp để đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19, đã thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới đảm bảo các phương pháp điều trị và vắc-xin tiềm năng có thể tiếp cận được với tất cả mọi người.

Trong bối cảnh lo ngại về sự thiếu hụt trong hợp tác toàn cầu về xử lý khủng hoảng virus corona, các quốc gia G20 hôm 30/3 đã tuyên bố bơm 5 nghìn tỷ đô la để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu và cam kết "hợp tác để tăng kinh phí nghiên cứu và phát triển vắc-xin và thuốc điều trị".

Liên minh đổi mới chuẩn bị phòng chống dịch bệnh (CEPI), một tổ chức toàn cầu có trụ sở tại Oslo, đã kêu gọi 2 tỷ đô la để hỗ trợ phát triển vắc-xin. Trong khi đó, Hoa Kỳ đang tài trợ cho một số công ty thông qua Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) và Viện Y tế Quốc gia (NIH).

Tìm kiếm thuốc điều trị thông qua một thử nghiệm toàn cầu quy mô lớn

Trong khi chờ đợi một loại vắc-xin, các nhà khoa học đang thử nghiệm các loại thuốc hiện có để làm phương pháp điều trị cho những bệnh nhân nặng. WHO đã chọn bốn loại thuốc và kết hợp thuốc cho một thử nghiệm toàn cầu quy mô lớn liên quan đến các bệnh nhân từ Argentina đến Thái Lan. Một là, sử dụng tiền chất remdesivir để điều trị kháng virus thử nghiệm; Hai là, kết hợp hai loại thuốc chống HIV là lopinavir và ritonavir; Ba là, hai loại thuốc chỗng HIV này cộng với beta interferon - một loại thuốc tăng cường hệ thống miễn dịch; Bốn là, sử dụng thuốc sốt rét chloroquine.

Remdesivir, được sản xuất bởi Gilead Science có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã ở giai đoạn cuối của thử nghiệm lâm sàng ở châu Á và các bác sĩ ở Trung Quốc đã báo cáo rằng nó đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc chống lại căn bệnh này. Remdesivir từng được phát triển để chống lại các loại virus khác bao gồm Ebola (đã được chứng minh là không hiệu quả) và nó vẫn chưa được chấp thuận cho bất cứ loại virus nào. Remdesivir được sửa đổi bên trong cơ thể con người để trở nên giống với một trong bốn khối DNA, được gọi là nucleotide.

Remdesivir - thuốc kháng virus của Gilead đang được thử nghiệm trong nhiều nghiên cứu ở giai đoạn cuối ở Trung Quốc và Hoa Kỳ để điều trị COVID-19.

Benjamin Neuman, một nhà virus học tại Đại học Texas A & M-Texarkana, nói rằng khi virus tự sao chép, chúng làm điều đó "nhanh chóng và hơi ngu xuẩn", nghĩa là chúng có thể kết hợp remdevisir vào cấu trúc của chúng - mặc dù các tế bào của con người, khó tính hơn, sẽ không phạm sai lầm tương tự. Nếu virus kết hợp remdesivir vào chính nó, thuốc sẽ thêm các đột biến không mong muốn có thể tiêu diệt virus.

Trong một thử nghiệm đầu tiên, sự kết hợp lopinavir-ritonavir đã có kết quả đáng thất vọng trong một nghiên cứu trên 199 bệnh nhân ở Vũ Hán, Trung Quốc, được công bố trong tháng này trên Tạp chí Y học New England. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng các loại thuốc không cải thiện đáng kể kết quả lâm sàng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ ra quan tâm tới hydroxychloroquine (HCQ) và chloroquine (CQ), các hợp chất liên quan là các dạng quinine tổng hợp, có nguồn gốc từ cây cinchona và đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ để điều trị bệnh sốt rét.

HCQ, ít độc hơn trong hai loại này, cũng được sử dụng như một chất chống viêm để điều trị các bệnh như viêm khớp dạng thấp và lupus.

Công ty Regeneron năm ngoái đã phát triển một loại thuốc tiêm tĩnh mạch được chứng minh là giúp tăng đáng kể tỷ lệ sống sót ở những bệnh nhân mắc bệnh Ebola sử dụng cái gọi là "kháng thể đơn dòng". Họ biến đổi gen chuột để cung cấp cho chúng hệ thống miễn dịch giống như con người. Những con chuột bị phơi nhiễm với virus, hoặc các dạng yếu của chúng, để tạo ra kháng thể ở người, Christos Kyratsous, Phó Chủ tịch nghiên cứu của công ty này cho biết. Những kháng thể này sau đó được phân lập và sàng lọc để tìm ra những loại mạnh nhất, được nuôi trong phòng thí nghiệm, được tinh chế và truyền cho con người qua đường tiêm tĩnh mạch.

Thuốc có thể hoạt động như cả điều trị và vắc-xin, bằng cách tăng liều cho mọi người trước khi tiếp xúc - mặc dù những tác dụng này chỉ là tạm thời.

Các loại thuốc đã cho thấy những hứa hẹn về việc chống lại bệnh COVID-19 trong các nghiên cứu ban đầu ở Pháp và Trung Quốc.

Nhưng các loại thuốc không phải là không có những rủi ro. Khoảng một phần trăm người có nguy cơ cao bị ngừng tim, co giật hoặc thậm chí đột tử do ngừng tim vì các vấn đề về nhịp tim mà chính họ có thể không biết, Michael Ackerman, bác sĩ tim mạch di truyền tại Mayo Clinic cho biết.

Theo congly.vn

Nguồn bài viết: https://congly.vn/the-gioi/tin-nhanh/tim-kiem-thuoc-dieu-tri-covid-19-mot-cuoc-thu-nghiem-toan-cau-quy-mo-lon-338348.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tim-kiem-thuoc-dieu-tri-covid-19-mot-cuoc-thu-nghiem-toan-cau-quy-mo-lon-a231574.html