Những văn bản quan trọng làm căn cứ pháp lý để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19.

(Pháp lý) - Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan mạnh ra cộng đồng, ngày 1/4, sau khi ban hành Chỉ thị 16, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành quyết định 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc.

Vậy ý nghĩa của các văn bản này như thế nào? giá trị pháp lý của nó ra sao? Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Pháp lý đã có cuộc trao đổi với Ths. Luật sư Đăng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội).

Phóng viên: Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, xin luật sư cho biết ý nghĩa của Quyết định này?

Luật sư Đặng Văn Cường: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan mạnh ra cộng đồng, Chính phủ đã liên tục có những biện pháp quyết liệt và tăng dần cấp độ phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Trong đó, cùng với việc tạm hoãn, dừng mọi chuyến bay quốc tế, Chính phủ quyết định dừng cấp thị thực cho toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Ths. Luật sư Đăng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội)

Đặc biệt, hai Chỉ thị quan trọng của Thủ tướng được ban hành gồm Chỉ thị 15 và 16 đưa ra nhiều biện pháp mạnh, như tạm đình chỉ hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ từ 28/3 đến hết 15/4; áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ 0h ngày 28/3 đến hết ngày 15/4; thực hiện cách ly toàn xã hội từ 0h ngày 1/4…

Ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, Điều 2 của Quyết định 447 quy định tất cả các cơ quan ban ngành, tổ chức cá nhân phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban bí thư, Bộ chính trị, các Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg… Đây là cơ sở pháp lý để “luật hóa” hai Chỉ thị này, là căn cứ để xử lý với các trường hợp vi phạm pháp luật.

Kể từ thời điểm Quyết định 447/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực pháp luật, mọi hành vi vi phạm quy định này và các văn bản mà Quyết định này dẫn chiếu đều là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trước đó, tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định cách ly toàn xã hội từ 0h ngày 1/4/2020. Hiểu về ý nghĩa của Chỉ thị này thế nào, thưa luật sư?

Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định cách ly toàn xã hội từ 0h ngày 1/4/2020 theo nguyên tắc nhà nào ở nhà đó, thôn nào ở thôn đó, huyện nào ở huyện đó, tỉnh nào ở tỉnh đó. Chỉ những người đi làm việc ở các lĩnh vực thiết yếu chưa bị hạn chế kinh doanh thì mới được ra ngoài đi làm, người dân chỉ được ra ngoài khi mua lương thực thực phẩm, thăm khám, cấp cứu người bệnh… không phải là văn bản công bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.

Đây chỉ là văn bản có tính chất tình huống, cần kíp, khẩn thiết để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh khác theo điều 52 Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm và ban hành theo Điều 30, Luật Tổ chức Chính phủ.

Cụ thể điều 52, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch sau đây: Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch; Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch…

Thẩm quyền ban hành các biện pháp chống dịch tại điều 52, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 và khoản 2, Điều 30, Luật tổ chức Chính phủ thuộc về Thủ tướng Chính phủ nên việc Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg để hạn chế việc tập trung đông người, tạm dừng các cơ sở kinh doanh đảm bảo cho việc phòng chống dịch là rất cần thiết và đúng thẩm quyền.

Quyết định 447/QĐ-TTg – căn cứ pháp lý để xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong phòng chống dịch Covid-19

Đây là một biện pháp chống dịch cần thiết, kịp thời thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm chặn đứng tình trạng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Văn bản này là tiến tới một bước tiếp theo trong phòng chống dịch bệnh, là cơ sở để chuẩn bị cho các biện pháp mạnh mẽ hơn nếu tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.

Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đã công bố các lệnh cấm, thậm chí ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch Covid-19, vậy tại sao Việt Nam vẫn chưa thực hiện các biện pháp mạnh này?

Tình hình dịch bệnh ở nước ta hiện nay chưa đến mức nghiêm trọng đến mức phải áp dụng quy định pháp luật này để ban bố tình trạng khẩn cấp. Nếu toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ nêu trên , chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn những ổ dịch đang có nguy cơ lây lan trong cộng đồng mà không phải ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, không cần phải ban hành các quyết định để quy định các lệnh cấm.

Sau Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ mà dịch bệnh được kiểm soát, không còn các ổ dịch trong xã hội, đây là một thành công rất lớn, là kết quả thực hiện quyết tâm của toàn hệ thống chính trị và nhân dân cả nước. Các hoạt động kinh tế, xã hội sẽ dần dần phục hồi trở lại.

Còn nếu trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, nguy cơ lây lan trong cộng đồng khó kiểm soát hơn, nhiều ổ dịch xuất hiện, …thì có thể sẽ chuyển trạng thái cao hơn, quyết liệt hơn nữa. Khi đó, có thể sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, sẽ có thể có những quyết định phong toả, cách ly và các lệnh cấm cụ thể theo từng cấp, theo thẩm quyền pháp luật quy định.

Về nguyên tắc ở mỗi cấp độ nguy hiểm của dịch bệnh sẽ có những thủ tục hành chính pháp lý khác nhau và sẽ kéo theo những tác động, hệ lụy cho xã hội khác nhau.

Khi ban hành tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh mức độ nguy hiểm của dịch bệnh ở mức độ cao nhất, những chi phí, nguồn lực cho phòng chống dịch bệnh cũng ở mức độ cao nhất, các quyền cơ bản của công dân như quyền đi lại, cư trú, hội họp, kinh doanh cũng sẽ bị hạn chế tối đa, khi đó chính quyền hoàn toàn có thể ban hành các lệnh cấm và có quyền huy động mọi nguồn lực của cả xã hội vào để chống dịch…

Tình huống này không ai mong muốn, tuy nhiên nếu dịch bệnh khó kiểm soát, ở mức độ nguy hiểm thì rất có thể vẫn phải áp dụng.

Trong tình thế hiện nay Luật sư có khuyến cáo gì đối với người dân ?

Trong vòng 15 ngày tới đây, nếu mọi người đều thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng, nhà nào ở yên nhà đó, hạn chế việc tiếp xúc xã hội giữa con người với con người thì tất cả những người mang mầm bệnh, có nguy cơ mắc bệnh sẽ phát bệnh trong thời gian cách ly tại chỗ, chúng ta sẽ cách ly kịp thời và tiến hành cứu chữa cho họ, số người còn lại là những người an toàn và cuộc sống có thể sẽ dần bình an trở lại, tình trạng dịch bệnh cơ bản sẽ được kiểm soát. Các hoạt động kinh tế, xã hội sẽ dần dần được hồi phục. Sẽ giảm bớt được những thiệt hại rất lớn cho xã hội.

Nếu người nào đó có ý thức kém, không chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng, không tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh thì có nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng sẽ gia tăng, khi đó công sức của hàng triệu người trong những ngày qua sẽ đổ xuống sông xuống biển, thiệt hại cho lên kinh tế sẽ rất lớn…

Những người vi phạm làm lây lan bệnh dịch ra cộng đồng, gây mất an toàn công cộng sẽ phải chịu những chế tài của pháp luật, trong đó không loại trừ các chế tài hình sự về các tội danh đã có hướng dẫn, thống nhất áp dụng pháp luật trong văn bản số 45 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ngày 30/3/2020.

Bởi vậy trong lúc này, tất cả mọi người cần phải nghiêm túc chấp hành Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người nào cố tình vi phạm, gây mất an toàn công cộng, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh thì sẽ bị xử lý nghiêm minh bằng các chế tài của pháp luật, trong đó không loại trừ việc áp dụng chế tài hình sự.

Văn Chiến (thực hiện)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-van-ban-quan-trong-lam-can-cu-phap-ly-de-xu-ly-nghiem-cac-truong-hop-vi-pham-trong-phong-chong-dich-covid-19-a231464.html