Thường xuyên lọt vào danh sách top những nền kinh tế dễ kinh doanh nhất thế giới, đứng đầu vẫn là Newzeland, nơi mà các nhà đầu tư chỉ cần nửa ngày để bắt đầu kinh doanh. Còn Hàn Quốc có một hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh đồ sộ, khá đồng bộ và hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh. Nhưng “thiên đường” cho các nhà đầu tư kinh doanh chính là Đan Mạch. Là thành viên của EU, pháp luật và các quy định về đầu tư kinh doanh của Đan Mạch phù hợp với hầu hết các tiêu chuẩn của Liên minh này.
Vậy môi trường pháp lý kinh doanh ở Mỹ - cường quốc số 1 về kinh tế thế giới và môi trường kinh doanh ở Singapore – “con rồng” kinh tế ở châu Á có gì đặc biệt?
Mỹ: hết sức coi trọng doanh nghiệp vừa và nhỏ
Đa số các nhà nghiên cứu đều đánh giá rằng, việc bắt đầu một doanh nghiệp (DN) ở Mỹ tương đối dễ dàng vì những quy định rất đơn giản, gọn nhẹ về thủ tục đăng ký kinh doanh. Bên cạnh hệ thống đăng ký kinh doanh, nhà nước thiết lập cơ chế xin giấy phép và chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền rất rõ ràng và cụ thể để kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các DN.
Hệ thống pháp luật của Mỹ bao gồm hệ thống pháp luật liên bang, hệ thống pháp luật bang. Do đó, khi thực hiện hoạt động kinh doanh ở quốc gia này, doanh nghiệp (DN) phải tuân thủ một loạt các quy định của địa phương, tiểu bang và của liên bang. Pháp luật DN Mỹ cũng có những quy định về điều kiện kinh doanh gắn liền với loại hình DN hoặc một số loại ngành nghề nhất định.
Nhiều thành phố lớn ở Mỹ có trung tâm thương mại quốc tế (international bussiness center) hoặc tổ chức tương tự để hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài thành lập doanh nghiệp và triển khai hoạt động nhanh chóng. Những trung tâm này có thể cung cấp nhiều dịch vụ từ cho thuê trụ sở “chìa khóa trao tay” (có đầy đủ phương tiện làm việc) với giá phải chăng và thời hạn thuê linh hoạt (kể cả thuê ngắn hạn) đến tư vấn có giảm giá về thị trường, luật pháp, thuế, thiết lập quan hệ bạn hàng, tiếp cận vốn, thuê nhân viên, quảng cáo, tiếp thị.
Ở Mỹ có hai hệ thống cấp phép: Giấy phép và sự chấp thuận của Liên bang; Giấy phép và sự chấp thuận của tiểu bang. Hai hệ thống này song song tồn tại và chi phối đến hoạt động kinh doanh của DN.
Ngoài những điều kiện kinh doanh này, ở mỗi bang, tùy từng thời kỳ khác nhau, DN sẽ phải đáp ứng các điều kiện khác mà cơ quan quản lý đưa ra chẳng hạn như: chứng minh vốn pháp định (bang Delaware, bang NewYork), chứng minh khoản nợ của DN (ở Columbia)…
Tuy có sự khác biệt giữa các bang tuy nhiên việc thành lập công ty ở Mỹ tương đối dễ dàng và nhanh chóng. Cơ quan chịu trách nhiệm đăng ký kinh doanh ở các bang cũng khác nhau, có thể là sở thương mại hoặc văn phòng phát triển doanh nghiệp…, hoặc thậm chí được phân cấp cho quận.
Vậy, thành lập công ty ở Mỹ có những điểm gì khác so với Việt Nam hay các nước khác như Singapore, Anh, Pháp…?
Tại Mỹ, không có một quy định chung về việc thành lập công ty được áp dụng chung cho cả nước mà ở mỗi bang lại có những quy định khác nhau. Tại Mỹ không có loại hình văn phòng đại diện như ở Việt Nam. Hầu hết các bang đều không yêu cầu vốn tối thiểu để thành lập doanh nghiệp. Thủ tục thành lập doanh nghiệp ở các bang đều đơn giản và nhanh chóng. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chịu sự điều tiết của pháp luật giống như các công ty trong nước.
Tại Mỹ, không có một quy định chung về việc thành lập công ty được áp dụng chung cho cả nước mà ở mỗi bang lại có những quy định khác nhau. Tại Mỹ không có loại hình văn phòng đại diện như ở Việt Nam. Hầu hết các bang đều không yêu cầu vốn tối thiểu để thành lập doanh nghiệp. Thủ tục thành lập doanh nghiệp ở các bang đều đơn giản và nhanh chóng. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chịu sự điều tiết của pháp luật giống như các công ty trong nước.
Đáng chú ý, tuy Mỹ là một quốc gia có nền kinh tế phát triển bậc nhất trên thế giới, nhưng Chính phủ nước này vẫn hết sức coi trọng sự tồn tại và phát triển của DN nhỏ và vừa, rất đáng để các nước khác học tập kinh nghiệm.
Hầu hết chính quyền các bang đều có bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể tìm đến tổ chức này để được giúp đỡ trong đó có việc hướng dẫn thủ tục và giúp đỡ đăng ký doanh nghiệp. Những dịch vụ do tổ chức này cung cấp thường là miễn phí hoặc với giá cả phải chăng.
Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ (Small Business Administration - SBA) là một tổ chức độc lập để hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ. Thông qua việc hỗ trợ vốn và tạo cơ hội ký hợp đồng, SBA giúp doanh nghiệp nhỏ phát triển và tạo việc làm bền vững. Để giảm thiểu rủi ro cho khoản vay, SBA sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nguồn vốn bằng cách đảm bảo cho các khoản vay, doanh nghiệp sẽ không vay vốn trực tiếp từ nhà đầu tư mà thông qua SBA.
Chính phủ liên bang Mỹ được biết đến là người mua lớn nhất thế giới. Hàng năm, những hợp đồng hàng trăm tỷ USD được sử dụng mua hàng hóa và dịch vụ cho cơ quan liên bang. SBA sẽ đóng vai trò giám sát cơ quan liên bang để đạt được 23% giá trị hợp đồng của chính phủ liên bang sẽ được ký kết với doanh nghiệp nhỏ. Cơ quan chính phủ liên bang công khai danh sách những hợp đồng và một số hợp đồng được đưa vào danh sách đặc biệt dành cho doanh nghiệp nhỏ.
Tuy Mỹ là một quốc gia có nền kinh tế phát triển bậc nhất trên thế giới, nhưng Chính phủ nước này vẫn hết sức coi trọng sự tồn tại và phát triển của DN nhỏ và vừa, rất đáng để các nước khác học tập kinh nghiệm. Tại Mỹ, 30 triệu doanh nghiệp nhỏ là động lực chính của nền kinh tế, tạo ra hai phần ba việc làm mới của khu vực tư nhân và sử dụng hơn 50% nguồn lao động quốc gia.
Singapore: quan tâm bảo vệ tài sản trí tuệ
Singapore tuy là một quốc đảo nhỏ ở Đông Nam Á với số dân khoảng 4 triệu người nhưng lại là một trong những “Con Rồng” kinh tế của Châu Á. Pháp luật doanh nghiệp của Singapore chịu ảnh hưởng nhiều của pháp luật Anh (trừ những nội dung mang tính địa phương) và được đánh giá có nhiều điểm tiến bộ đem lại hiệu quả hiệu chỉnh cao đối với hoạt động kinh doanh của các DN trong và ngoài nước.
Chủ thể khi muốn thành lập DN thì nộp hồ sơ thông báo đến cơ quan có thẩm quyền về đăng ký kinh doanh, đó là Cơ quan quản lý kế toán và DN của Singapore (ACRA). Thủ tục này có thể được thực hiện hoàn toàn qua hệ thống đăng ký trực tuyến của ACRA.
Cũng như nhiều nước trên thế giới, để thực hiện việc đảm bảo lợi ích nền kinh tế và yêu cầu của quá trình quản lý nhà nước, bên cạnh cơ chế đăng ký thành lập, Singapore đặt ra quy định về điều kiện kinh doanh trong một số những ngành nghề nhất định . Theo pháp luật Singapore, để có thể đăng ký kinh doanh hoặc thực hiện kinh doanh trong một số ngành nghề cụ thể, DN phải được cấp giấy phép hoặc được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
Tại Singapore có 3 loại giấy phép phổ biến, đó là: Giấy phép bắt buộc; Giấy phép nghề nghiệp và Giấy phép hoạt động kinh doanh.
Theo Luật thành lập doanh nghiệp tại Singapore, các thành viên sẽ là những người có quyền lực nhất. Việc điều hành, bộ máy quản lý hoạt động cũng phải thông qua và chịu trách nhiệm trước các thành viên trong công ty. Với tư cách là chủ sở hữu cũng như là các thành viên góp vốn vào công ty, các thành viên cũng có quyền, lợi ích và nghĩa vụ gắn với tư cách của chủ sở hữu.
Một lưu ý khác, Luật thành lập doanh nghiệp tại Singapore quy định, không cho phép người nước ngoài tự đăng ký thành lập doanh nghiệp. Nếu muốn điều hành doanh nghiệp với tư cách là một người bản xứ thì bạn cần phải có giấy phép lao động dạng Employment Pass hay Entrepreneur Pass. Và một điều đặc biệt khá hay cho các doanh nghiệp hoạt động tại đây là mọi hoạt động của công ty, doanh nghiệp không cần sự hiện diện của bạn trừ các trường hợp mở khóa tài khoản ngân hàng.
Thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Singapore là khá nhanh, chỉ từ 01 đến 02 ngày làm việc và thường có 02 bước: chứng thực tên công ty và hợp nhất công ty.
Các điều kiện kinh doanh đều được Chính phủ Singapore công khai trên các trang thông tin điện tử chính thức, các DN có thể sử dụng dịch vụ cấp phép EnterpriseOne kinh doanh trực tuyến (OBLS) để thực hiện việc xin những giấy phép cần thiết trong thành lập và hoạt động. Điều này rất hữu ích, các DN không phải mất thời gian để đến trực tiếp gặp các cơ quan có thẩm quyền.
Ở Singapore có các loại hình DN: DN tư nhân (DN một chủ); Hợp danh; Công ty. Theo Luật Cty, các Cty nước ngoài cũng có thể chọn việc thành lập chi nhánh công ty để kinh doanh thay việc phải thành lập một Cty.
Tại Singapore, không có những quy định riêng cho chủ doanh nghiệp cá nhân như ở Việt Nam. Tài sản của doanh nghiệp tư nhân không tách bạch với các tài sản khác của chủ doanh nghiệp. Khi tham gia các hoạt động kinh tế hay dân sự thì chủ doanh nghiệp được đối xử như một thể nhân. Khi chủ DN tư nhân chết thì DN đương nhiên chấm dứt sự tồn tại.
Đáng chú ý, Singapore có khung pháp lý tốt về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đối với nhãn hiệu thương mại, theo Luật của Singapore, nhãn hiệu hàng hóa là bất cứ dấu hiệu, hình ảnh nào có thể phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ cùng loại của người khác và những dấu hiệu đó có thể bao gồm chữ cái, từ ngữ, tên gọi, chữ ký, chữ số, hình mẫu bao gói, nhãn hàng, hình mô phỏng, mầu sắc hoặc tổng hợp các yếu tố đó.
Nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ tại Singapore có thể xác lập thông qua đăng ký hoặc thông qua sử dụng. Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Singapore là không bắt buộc. Tuy nhiên, đối với nhãn hiệu hàng hóa chưa đăng ký, việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hàng hóa phải dựa trên thông luật về chống mạo danh- quá trình này sẽ tốn kém và chiếm nhiều thời gian hơn so với các biện pháp thực thi áp dụng đối với quá trình bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu đã đăng ký.
Việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đối với đơn nhãn hiệu đang trong thời gian xử lý đơn hoặc nhãn hiệu đang có hiệu lực phải được ghi nhận tại Cơ quan đăng ký thì mới có giá trị pháp lý. Đạo luật nhãn hiệu hàng hóa quy định chủ sở hữu mới có nghĩa vụ đăng ký việc chuyển nhượng.
Hành vi sử dụng nhãn hiệu hàng hóa trùng hoặc tương tự đối với hàng hóa/dịch vụ cùng loại gây nhầm lẫn bị coi là hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa. Việc sử dụng nhãn hiệu gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng cũng bị coi là hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng. Khi có dấu hiệu bị xâm phạm,chủ sở hữu có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền Singapore bảo vệ quyền của mình. Các biện pháp thực thi bao gồm các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự và biện pháp kiểm soát biên giới.
Nếu ở Việt Nam chưa chú trọng vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ , thì ở Singapore, vấn đề này lại được chính phủ quan tâm nhiều. Đất nước của start-up có ban hành khá nhiều điều luật xoay quanh vấn đề này như đăng ký nhãn hiệu độc quyền, hợp đồng độc quyền,…
Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Việc tìm hiểu pháp luật về điều kiện kinh doanh của các quốc gia trên thế giới là rất cần thiết để có thể rút ra bài học kinh nghiệm đáng quý trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.
Thứ nhất, cần phải học tập các quốc gia khác trên thế giới thiết lập cổng thông tin điện tử cung cấp toàn bộ các nội dung liên quan đến điều kiện kinh doanh cho các chủ thể kinh doanh. Mặc dù Luật Đầu tư năm 2014 đã đưa ra danh sách các ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng các điều kiện kinh doanh đó là gì thì lại được quy định rải rác trong rất nhiều các văn bản khiến các chủ thể kinh doanh khó có thể tra cứu xem mình phải đáp ứng những gì gây ra mất thời gian, mà cũng gây khó khăn cho phía cơ quan quản lý.
Thứ hai, phải xác định rõ căn cứ thiết lập các điều kiện kinh doanh.
Ở Việt Nam, việc đưa ra căn cứ thiết lập điều kiện kinh doanh còn chưa thực hiện được. Theo Luật Đầu tư năm 2014, Việt Nam có 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, việc xác định tại sao các ngành nghề này phải đáp ứng điều kiện mà pháp luật đặt ra và những điều kiện đó cụ thể là gì sẽ thực sự quan trọng. Nếu không làm tốt việc này rất có thể sẽ tạo ra những rào cản cho các chủ thể kinh doanh khi gia nhập thị trường và làm giảm hiệu quả quản lý vốn có của điều kiện kinh doanh.
Thứ ba, qua nghiên cứu kinh nghiệm của Mỹ trong chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn cho thấy rằng, dù đối với nền kinh tế phát triển hay đang phát triển thì vai trò của DNNVV là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đứng trước những biến động kinh tế và sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình kinh tế khác, chính sách hỗ trợ tích cực của nhà nước cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp có thể khắc phục được những hạn chế, tồn tại và tạo điều kiện cho DNNVV phát triển.
Văn Thư - Lê Phúc
Link nội dung: https://phaply.net.vn/moi-truong-phap-ly-kinh-doanh-o-my-va-singapore-a231227.html