Chính sách pháp luật chậm đi vào cuộc sống: Nhìn từ việc hàng nghìn hồ sơ chậm giải quyết…

(Pháp lý) - Chuyện về Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định mới đây bức xúc yêu cầu xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân vì để tồn đọng gần 4.000 hồ sơ của người dân và doanh nghiệp, một lần nữa cho thấy cần gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực hiện thủ tục cải cách hành chính ở một số địa phương đang có dấu hiệu thụt lùi.

Không chỉ là vị trí xếp hạng

Với 3.988/24.390 hồ sơ giải quyết trễ hạn, Bình Định đã bị điểm trừ về hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng hạn được công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Bình Định năm 2019, thấp dưới mức tối thiểu do Bộ Nội vụ quy định (dưới 95%). Theo đó đã làm ảnh hưởng đến vị trí xếp hạng cải cách hành chính của địa phương, tác động tiêu cực đến những nỗ lực chung của cả tỉnh trong việc cải cách hành chính. (Chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2018 của tỉnh đạt 41,04 điểm, rơi vào nhóm “đạt điểm thấp nhất”, xếp vị trí 61/63 tỉnh, thành phố).

Hệ lụy của việc để tồn đọng hàng ngàn hồ sơ, thủ tục hành chính không chỉ là câu chuyện xếp hạng vị trí cải cách TTHC mà “góp phần” làm gia tăng sự bất cập trong việc đưa chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống

Trước đó vào tháng 4/2019, số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương này tồn 7.070 giấy chứng nhận QSDĐ tại các Văn phòng đăng ký đất đai, chi nhánh các huyện chưa trao cho người dân… Ngoài lý do người dân nợ nghĩa vụ tài chính, Sở TNMT Quảng Ngãi thừa nhận trách nhiệm thuộc về đội ngũ CBCC đã để xảy ra sai sót về chủ sở hữu, diện tích, hiện trạng đất không đúng với hồ sơ, cấp nhầm đất, nhiều trường hợp một thửa cấp cho nhiều người, mất hồ sơ gốc… Tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, rà soát tình trạng tồn đọng lượng lớn hồ sơ để tìm cách giải quyết, trả lại cho người dân. Tuy nhiên, hàng nghìn hồ sơ đất do sai sót của ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp để trao trả cho người sử dụng.

Năm 2018, TP. HCM tiếp nhận giải quyết hơn 14,2 triệu hồ sơ, trong đó có hơn 68.200 hồ sơ trễ hạn. Đây là con số được báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2018 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019. Trong đó lĩnh vực nhà đất có số lượng “áp đảo”, Hiệp hội BĐS TP.HCM kêu trời vì có quá nhiều hồ sơ tính tiền sử dụng đất bị đùn đẩy, kéo dài cả năm vẫn chưa giải quyết xong, bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng, không trình được lên Hội đồng thẩm định giá đất và UBND thành phố…

Còn nhớ tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào giữa năm 2015, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi đó còn là Phó Thủ tướng) đã thừa nhận: Vẫn còn một số CBCC làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, chiều cắp về”. Từ đó cho đến nay, mặc dù chưa có cơ quan nào khảo sát về sự chuyển biến song nhìn từ địa phương Bình Định, Quảng Ngãi và TP. HCM cũng có thể hình dung được phần nào thực trạng năng suất làm việc của đội ngũ CBCC hiện nay.

Hệ lụy của việc để tồn đọng hàng ngàn hồ sơ, thủ tục hành chính không chỉ là câu chuyện xếp hạng vị trí cải cách TTHC mà “góp phần” làm gia tăng sự bất cập trong việc đưa chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; làm “méo mó” chủ trương, chính sách pháp luật đã được hoàn thiện trong mắt người dân và doanh nghiệp. Đơn cử như Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai quy định về thời gian cấp sổ đỏ không quá 15 ngày đối với các trường hợp: Đăng ký, cấp GCN quyền sử dụng đất, nhà ở, tài sản gắn liền với đất, khi thay đổi tài sản gắn liền với đất; trường hợp tách thửa, hợp thửa đất; trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý… Song trên thực tế, khi làm sổ đỏ người dân phải chờ đợi nhiều tháng , thậm chí cả năm.

Theo Luật Xây dựng năm 2014, công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn được miễn giấy phép xây dựng. Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương không cập nhật luật hoặc có tình phớt lờ đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế tháo dỡ nhà ở riêng lẻ ở nông thôn của người dân vì không xin phép xây dựng…

Nguyên nhân và giải pháp

Liên quan đến lĩnh vực cải cách TTHC, lần đầu tiên Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/04/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, những nội dung của Nghị định được tổ chức và người dân quan tâm nhất, đó là: CBCC, VC được giao nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và tại cơ quan có thẩm quyền không được cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân; nếu để chậm giải quyết TTHC, trong thời hạn 01 ngày trước ngày hết hạn, cơ quan có thẩm quyền phải gửi văn bản xin lỗi tổ chức, cá nhân…Thế nhưng nhìn từ thực tế cho thấy, số lượng cơ quan có thẩm quyền làm đúng theo quy định của Chính phủ không nhiều. Tổ chức và người dân vẫn còn ở tư thế “cửa dưới” khi thực hiện TTHC tại Bộ phận một cửa và tại các cơ quan có thẩm quyền.

Vẫn còn một số CBCC làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, chiều cắp về”. Ảnh minh họa

Công bằng mà nói hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện là nguyên nhân khiến cho đội ngũ CBCC chùn tay, không dám làm sợ trách nhiệm. Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Lê Hoàng Châu thừa nhận do chưa có khung cơ chế về quy trình tính giá đất cụ thể theo quy định của Luật Đất đai, phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố, để CBCC thực hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án yên tâm. Từ đó dẫn tới sợ trách nhiệm, sợ sai nên có thái độ thụ động, không dám đề xuất chính kiến.

Trong khi đó ở Bình Định, để gần 4.000 hồ sơ chậm giải quyết, ngoài lý do chủ quan, các địa phương đổ lỗi do phần mềm một cửa điện tử rắc rối nên nhiều cán bộ vẫn chưa quen thao tác (Cụ thể: 51 UBND cấp xã được đầu tư xây dựng, hoàn thành phần mềm VNPT – IGate nhưng không thực hiện để giải quyết thủ tục hành chính theo quy định).

Trước thực trạng đó, ông Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng cơ quan đơn vị, địa phương bị “bêu tên” phải kiên quyết xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân tắc trách, thiếu trách nhiệm để hồ sơ tồn đọng và thực hiện nghiêm túc việc gửi thư xin lỗi tổ chức, công dân… Để tồn hơn 68.200 hồ sơ trễ hạn năm 2018, người đứng đầu chính quyền TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong cũng đã từng khẳng định, thành phố sẽ tiến hành kỷ luật nghiêm CBCC nhũng nhiễu, có những biểu hiện “hành” dân khi thụ lý, giải quyết hồ sơ hành chính.

Song cả TP.HCM và Bình Định cho đến thời điểm này chưa thấy có một “công bộc” nào bị xử lý kỷ luật vì lý do trên ? Bởi rất khó quy trách nhiệm tổ chức và cá nhân. Lấy ví dụ, quy trình cấp sổ đỏ, không phải một mình Văn phòng Đăng ký đất đai là quyết được mà phải qua UBND phường, xã xác nhận nguồn gốc đất (đối với đất không có giấy tờ). Trong khi đó để xác nhận nguồn gốc đất, UBND phường phải lấy ý kiến khu dân cư, thông qua Hội đồng nhà đất…

Nghị định 61/2018/CP có nhiều quy định mang tính đột phá nhưng lại không có quy định về chế tài khiến cho CBCC vi phạm phải run sợ. Nghị định đã dành hẳn một chương (bao gồm 5 điều) để quy định về quy trình thu thập thông tin và đánh giá giải quyết thủ tục hành chính của CBCC, nhưng lại không có quy định cơ quan độc lập để giám sát về kết quả lấy ý kiến từ phía tổ chức và cá nhân khi thực hiện TTHC. Đây chính là kẽ hở làm hạn chế tính hiệu quả của Nghị định 61 khi triển khai thực hiện vào thực tế.

Trong khi đó với các văn bản pháp luật hiện hành, người đứng đầu cơ quan muốn xử lý CBCC cấp dưới làm sai không hề đơn giản. Nếu là sai phạm do tham ô, tham nhũng thì chỉ cần căn cứ vào kết quả xử lý của cơ quan chức năng để ban hành hình thức kỷ luật tương ứng. Cho đến nay, chưa có một CBCC, VC nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì chậm giải quyết thủ tục hành chính. Nghị định số 08/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định Chủ tịch UBND huyện muốn cách chức Chủ tịch UBND xã thì phải căn cứ trên kết quả bỏ phiếu bãi nhiệm của HĐND cấp xã hoặc phải dựa vào kết quả xử lý đảng viên của Huyện ủy… Thậm chí ngay cả việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên UBND cũng phải bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín do HĐND cùng cấp quyết định.

Như vậy giải pháp để làm thay đổi kết quả giải quyết TTHC, thúc đẩy chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, đồng thời với hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan (trước hết là sửa đổi bổ sung Nghị định 61/2018 của Chính phủ) theo hướng phải quy định cụ thể trách nhiệm CBCC, VC khi thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là trao quyền xử lý trực tiếp cho người đứng đầu cơ quan khi CBCC để xảy ra vi phạm trong giải quyết TTHC.

Phát biểu tại Lễ phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, sáng 19/5/2019 do Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: …Một bộ phận cán bộ công chức mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm với dân, không nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế, có lời nói, hành xử không chuẩn mực, không tôn trọng cấp trên, thiếu công bằng với cấp dưới, gây bức xúc trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp”.

VŨ LÊ MINH

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chinh-sach-phap-luat-cham-di-vao-cuoc-song-nhin-tu-viec-hang-nghin-ho-so-cham-giai-quyet-a231165.html