Doanh nghiệp và 3 nỗi lo lớn: Chính sách bất hợp lý, chậm sửa đổi và quan hệ kinh tế bị hình sự hóa

(Pháp lý) - Sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp đã tạo sự chuyển biến tích cực khi môi trường kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên thực tế cho thấy do e ngại đầu tư gặp rủi ro, số lượng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Đáng chú ý là còn không ít chính sách bất hợp lý gây thiệt hại tiền tỉ cho doanh nghiệp; chậm trễ trong sửa đổi chính sách (Nghị định, Thông tư) và thực thi “máy móc” khiến doanh nghiệp khốn đốn. Ngoài ra, doanh nghiệp có một nỗi lo thường trực đó là các quan hệ dân sự, kinh tế bị hình sự hóa…

Có rất nhiều ví dụ minh chứng cho 3 nỗi lo thường trực của doanh nghiệp nêu trên. Chúng tôi chỉ xin nêu 3 ví dụ sau:

1. Chính sách bất hợp lý gây thiệt hại tiền tỉ cho doanh nghiệp…

Một trong những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp (DN) băn khoăn hiện nay là vấn đề bất cập của chính sách hoặc thường xuyên có sự thay đổi về chính sách, nhất là những chính sách thuế, khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Ví dụ cụ thể mới đây nhất liên quan đến Nghị định 20 hướng dẫn giao dịch liên kết ban hành năm 2017. Theo đó Nghị định trên quy định khống chế lãi vay 20% đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Quy định trên bị cho rằng đã chặn đầu tư, gây thiệt hại tiền tỉ cho DN.

Tích cực góp ý, nhưng một số chính sách vẫn chậm thay đổi (ảnh minh họa)

Đại diện Công ty CP thủy sản Hải Nam cho biết, đơn vị đầu tư theo chuỗi giá trị khép kín, để đảm bảo chiết xuất nguồn gốc theo xu hướng của thế giới. Việc thành lập công ty con, hình thành hệ sinh thái trong ngành thủy hải sản là mục tiêu lâu dài và rất tốn kém. Quy định khống chế lãi vay không được quá 20% khiến những công ty đang đầu tư mở rộng, đổi mới công nghệ, cần nguồn vốn lớn, dẫn đến lãi vay lớn, vượt quá mức khống chế trên nhưng lại không được tính vào chi phí. Chưa hết, quy định này còn gây ra những bất hợp lý so với chính sách khác của nhà nước như ưu đãi miễn giảm thuế đối với đầu tư mở rộng. Quy định khống chế lãi vay cản trở hoạt động đầu tư, chưa tạo ra được sự công bằng.

Đại diện Công ty CP XNK tổng hợp Bình Phước (BIGIMEXCO) bức xúc cho biết, NĐ 20 đã gây thiệt hại tiền tỉ cho công ty. Cụ thể vào tháng 7/2017, BIGIMEXCO góp vốn thành lập Công ty Quốc Toản để sản xuất chế biến cao su bán cho BIGIMEXCO. BIGIMEXCO và Công ty Quốc Toản là 2 DN nội địa, không có vốn đầu tư nước ngoài, không có yếu tố

Theo Nghị đinh 20, 2 công ty có quan hệ liên kết nhưng 2 công ty không có thỏa thuận về chi phối trong điều hành kinh doanh, tổ chức bộ máy công ty. Các giao dịch liên kết của 2 DN bảo đảm đúng bản chất thương mại, kinh tế, tài chính như các giao dịch độc lập. Thế nhưng khi đoàn thanh tra vào đã căn cứ mức khống chế lãi vay và xuất toán toàn bộ chi phí lãi vay của năm 2017, 2018. Từ đó không giảm chi phí lãi vay ngân hàng khi tính thuế thu nhập DN hơn 52,7 tỉ đồng, làm tăng số thuế phải nộp của năm lên hơn 10,5 tỉ đồng, phát sinh tiền chậm nộp hơn 815 triệu đồng, tiền phạt 20% trên số tiền thuế thu nhập DN phải nộp lên hơn 2 tỉ đồng. Theo quyết định của Tổng cục Thuế vào tháng 10/2019, tổng số tiền mà công ty phải nộp vào ngân sách trên 13 tỉ đồng.

“Đây là một thiệt hại rất lớn cho DN chúng tôi. Nhiều DN khác cũng gặp phải tình cảnh tương tự do quy định này gây ra”, vị này bức xúc và từng đề nghị Chính phủ xem xét lại để điều chỉnh nội dung khống chế lãi vay cho hợp lý, hợp pháp, hợp tình. Đặc biệt, ra quy định hồi tố hoàn trả các khoản thiệt hại do cách tính áp đặt của quy định, xác định số thuế hoàn trả cho DN.

Đặc biệt, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Bộ Tài chính soạn dự thảo sửa đổi nhưng Bộ vẫn chưa trình, cơ quan thuế vẫn thu, DN vẫn phải chịu thiệt hại.

2. Chậm trễ chính sách và thực thi “máy móc”: doanh nghiệp khốn khổ

Trước thời điểm 29/10/2018, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không được thông quan vì Hải quan cho biết không thể kiểm tra và thông quan khi chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Thế nhưng sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Thông tư 08, 09 ban hành các quy chuẩn kỹ thuật với phế liệu, có hiệu lực từ 29/10/2018, thì nhiều cơ quan Hải quan vẫn không thông quan với các lô hàng đã đáp ứng được các quy chuẩn kỹ thuật, với lý do chưa có hướng dẫn thống nhất của Tổng cục Hải quan.

Doanh nghiệp vẫn kêu ca về chính sách thuế và thanh tra (ảnh minh họa)

Vấn đề trên đã khiến các doanh nghiệp nhập nguyên liệu kêu cứu tới Chính phủ.

Đại diện Hiệp hội Giấy cho biết các doanh nghiệp thuộc ngành này chịu tới hàng nghìn tỷ đồng cho chi phí lưu kho lưu bãi thời gian qua. “Doanh nghiệp đã khóc quá nhiều trong những tháng qua”.

Ở chiều ngược lại, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho rằng cơ quan này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp và “không bao biện”. Ông cũng cho rằng việc nhập khẩu phế liệu đang qua nhiều lần cấp phép và các Sở Tài nguyên và Môi trường khó có thể đủ người để kiểm tra các container phế liệu nhập khẩu, nên dẫn đến tình trạng một lô hàng chờ đến 10 ngày, thậm chí 30 ngày.

3. Lo sợ hợp tác làm ăn, quan hệ dân sự kinh tế mà bị hình sự hóa…

Việc truy tố doanh nhân doanh nghiệp trong các quan hệ kinh tế, dân sự không đúng bản chất khách quan của hành vi là nguyên nhân gây ra nhiều vụ án oan sai. Việc đó, khiến người dân và doanh nhân thường trực hoang mang, kéo lùi sự phát triển của đất nước.
Đã có nhiều vụ việc mà trong đó quan hệ kinh tế, dân sự bị hình sự hóa. Đó là vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Văn Tấn ở TP.HCM, vụ liên quan đến doanh nhân Hoàng Minh Tiến (Hà Nội), Nguyễn Văn Lượng (Nam Định), Phùng Thị Thu (Thái Bình)… Họ là doanh nhân và từng bị "khép" các tội danh trốn thuế, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản oan gây ra sự hoang mang, sợ hãi khi tiến hành hoạt động kinh doanh.

Vụ ông Nguyễn Văn Tấn (chủ quán cà phê Xin Chào TP.HCM) – một minh chứng về hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự

Hay vụ việc cụ thể khác như vụ ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Công ty TNHH Thành Luân (Nam Định). Công ty của ông này có một tranh chấp hợp đồng đại lý bồn inox, bồn nhựa với với Công ty TNHH Tân Á. Khi tranh chấp về công nợ giữa Công ty Thành Luân và Công ty Tân Á xảy ra, điều tra viên của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã tiến hành tạm giữ các tài liệu liên quan đến việc kinh doanh và công nợ của Công ty Thành Luân; buộc ông Nguyễn Văn Lượng phải giao nộp 100 triệu đồng cho điều tra viên với lý do để “trả cho Công ty Tân Á”. Công ty Tân Á hoàn lại cho Công ty Thành Luân 100 triệu đồng và hai bên thống nhất đã giải quyết xong công nợ và không vướng mắc gì. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lượng vẫn bị khởi tố để điều tra về hành vi chiếm đoạt tiền của Công ty Tân Á. Rất may, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã đình chỉ vụ án vô lý này.

Khó có thể liệt kê hết những vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải trong một môi trường pháp luật còn có những hạn chế và chưa hoàn thiện. Tăng cường trách nhiệm của cơ quan áp dụng pháp luật… Nhìn nhận thẳng vào những vấn đề trên và sẵn sàng đổi thay là việc cần làm.

Phan Phan

Link nội dung: https://phaply.net.vn/doanh-nghiep-va-3-noi-lo-lon-chinh-sach-bat-hop-ly-cham-sua-doi-va-quan-he-kinh-te-bi-hinh-su-hoa-a230865.html