Hành lang pháp lý quan trọng tạo môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn

(Pháp lý) - Những năm gần đây, có thể thấy Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm cải cách chính sách pháp luật về kinh tế, tạo hành lang pháp lý quan trọng để doanh nghiệp phát triển trong môi trường kinh doanh an toàn.

Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ và một số doanh nhân bên lề Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, ngày 23/12/2019

Nhiều Nghị quyết quan trọng

3 năm gần đây, có 3 Nghị quyết dành riêng cho 3 khu vực kinh tế, đó là: Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Và mới đây nhất là Nghị quyết số 50/NQ -TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội đã có hàng loạt cải cách mạnh mẽ trong sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về đầu tư kinh doanh. Cụ thể, có rất nhiều Luật như Luật Đầu tư, Doanh nghiệp, các luật chuyên ngành về đất đai, tín dụng, thuế, hải quan, lao động, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… đã sửa đổi theo hướng bảo vệ tài sản của nhà đầu tư, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, chống hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Ngay đầu nhiệm kỳ mới, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên tháng 7/ 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nói đi đôi với làm, ngay sau đó, Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác theo dõi thực hiện kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng. Từ đó đến nay, năm nào Thủ tướng cũng gặp gỡ các doanh nghiệp ít nhất một lần, thông qua các Hội nghị, Diễn đàn…

Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp như: Nghị quyết số 02/NQ-CP (trước đây là các Nghị quyết số 19) về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững… cùng nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp về khoa học công nghệ, thị trường, nguồn nhân lực…

Hoàn thiện pháp luật đầu tư, kinh doanh

Luật Đầu tư 2014 có những quy định nhằm bảo đảm đầu tư và được các nhà đầu tư đánh giá về cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các cam kết quốc tế về đầu tư của Việt Nam.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014 đã được xây dựng với cách tiếp cận về quyền tự do kinh doanh theo hướng đơn giản hóa điều kiện, thủ tục cấp phép, dỡ bỏ hàng loạt hạn chế, bất cập của quy định cũ, mở rộng các nhóm quyền tự quyết của doanh nghiệp. Một điểm nổi bật là hướng tiếp cận mới liệt kê một số ngành nghề cấm kinh doanh, ngoài các ngành nghề này, mọi chủ thể đều có quyền kinh doanh. Ngoài ra, đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì cần phải thống kê rõ ràng, minh bạch trong cùng một danh mục để các chủ thể biết để tuân thủ.

Tiến bộ của Luật Doanh nghiệp năm 2014 về quyền tự do kinh doanh còn thể hiện ở việc đăng ký kinh doanh không cần ghi ngành nghề.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn

Đứng ở góc độ điều hành, doanh nghiệp không còn phải lo lắng xem công việc mình đang làm có phù hợp với ngành nghề đã đăng ký hay không, hoặc hợp đồng sẽ hoặc đã ký có bị đối tác kiện ra tòa yêu cầu tuyên vô hiệu với lý do nội dung công việc không nằm trong phạm vi ngành nghề đăng ký hay không…

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, cả hai đạo luật quan trọng này đã bộc lộ những bất cập, trong đó có các vấn đề về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, quyền tiếp cận thông tin,… Và sự không tương thích trong một số quy định của Luật Đầu tư với các luật khác…

Do đó, các Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đang được lấy ý kiến sửa đổi, (dự kiến được Quốc hội thông qua vào năm 2020) đưa ra nhiều quy định nhằm làm tăng độ an toàn và tăng niềm tin cho nhà đầu tư, có những quy định nâng cao nhằm bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp.

Các biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư là yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), đã có những quy định về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật. Bao gồm: Bảo đảm quyền sở hữu tài sản, bảo đảm chuyển tài sản và lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, bảo đảm đầu tư đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.

Trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, có những điểm quan trọng trong việc bảo vệ cổ đông hay bảo vệ nhà đầu tư. Quy định về bảo vệ cổ đông tốt sẽ có đóng góp quan trọng làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh an toàn. Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có các quy định mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và khởi kiện trong trường hợp người quản lý lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông.

Chẳng hạn, mở rộng quyền tiếp cận thông tin của cổ đông về tình hình hoạt động của công ty; tạo thuận lợi hơn cho cổ đông thực hiện quyền như bãi bỏ nội dung hạn chế về thời hạn tối thiểu sở hữu cổ phần (để có thể thực hiện một số quyền nhất định); bổ sung quyền cho đại hội đồng cổ đông quyết định thù lao hội đồng quản trị, quyết định lựa chọn kiểm toán độc lập; giảm yêu cầu điều kiện về tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 10% xuống 1% để cổ đông thực hiện các quyền quan trọng…

Dự thảo luật còn có các quy định về cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 1% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền như: Yêu cầu xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính và các báo cáo của Ban kiểm soát; yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường…Việc sửa đổi nêu trên sẽ giúp mở rộng quyền tiếp cận thông tin của cổ đông về tình hình hoạt động của công ty, tạo thuận lợi hơn cho cổ đông thực hiện quyền của mình. Quy định trên phù hợp với xu hướng quốc tế là đề cao quyền cổ đông. Điều đó giúp người dân bỏ vốn vào ít vốn nhưng được bảo đảm quyền lợi.

Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế

Dẫn chứng về những điểm sáng trong nỗ lực không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, có thể thấy khi sửa đổi Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi 2009), Quốc hội đã tiếp thu kiến nghị và đã bãi bỏ Tội kinh doanh trái phép; Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế; Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ; Tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng và tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Các tội danh trên trước đây được coi như là một cái túi để xử lý tất cả những trường hợp mà cơ quan tố tụng không thể hoặc không muốn xử lý người phạm tội về những tội phạm khác. Điều này lại càng nghiêm trọng hơn khi hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế của ta đang trong quá trình hoàn thiện, tính ổn định không cao, nên việc tiếp tục duy trì tội này trong BLHS thực sự là một rào cản rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế, là cơ sở để các cơ quan tố tụng áp dụng nguyên tắc tương tự – vốn là điều cấm kỵ trong một nền tư pháp hiện đại – để xử lý các hành vi mà BLHS chưa dự liệu trước.

Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) không chỉ không còn những tội danh trên mà còn cụ thể một số tội danh mới (mang đặc trưng của tội cố ý làm trái) vào từng lĩnh vực cụ thể nhằm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, song cũng không bỏ lọt tội phạm hình sự. Cụ thể, BLHS năm 2015 đã quy định 41 tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thuộc 3 nhóm lĩnh vực: 1) sản xuất, kinh doanh, thương mại; 2) thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; 3) lĩnh vực kinh tế khác.

Những điều chỉnh cơ bản trên của Bộ Luật hình sự sửa đổi đã và đang có hiệu lực có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường pháp chế, đảm bảo sự đúng đắn và tương thích của pháp luật, hạn chế hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhằm bảo vệ doanh nghiệp.

Nhiều đạo luật mới được ban hành nhằm ưu tiên giải quyết các tranh chấp xã hội, dân sự, thương mại theo hướng thân thiện, 2 bên cùng thắng như Luật Hòa giải, Luật Trọng tài thương mại…

Những đổi thay thấy rõ về môi trường kinh doanh

Sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp đã tạo sự chuyển biến tích cực khi môi trường kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Đến năm 2018, Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã lên vị trí 77/137 quốc gia; Chất lượng Môi trường Kinh doanh (DB) đứng thứ 69/190 nền kinh tế; Chỉ số Đổi mới Sáng tạo (GII) đứng thứ 45/126 quốc gia, còn Chỉ số Quan sát Doanh nhân toàn cầu (GEM) xếp thứ 15/54 nền kinh tế được xếp hạng.

Chính phủ sẽ tiếp tục kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp (ảnh minh họa)

Trong những năm gần đây, bên cạnh các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp FDI lớn, đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân với quy mô ngày càng tăng, tiềm lực lớn, tham gia đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội đất nước như phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực chế tạo kỹ thuật cao…

Đặc biệt, với việc tăng 3,5 điểm và 10 bậc theo đánh giá của WEF, Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019. Đây rõ ràng là kết quả bước đầu minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua. Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng.

Nhìn xa hơn, sau 1/3 thế kỷ đổi mới, chúng ta đã có một đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đông đảo. Đó không chỉ là trên 700.000 doanh nghiệp theo quan niệm của Luật Doanh nghiệp mà còn bao gồm cả trên 5 triệu hộ kinh doanh (trong đó có 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký)

Minh Minh (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/hanh-lang-phap-ly-quan-trong-tao-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-an-toan-a230788.html