Một quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng bị kháng nghị tái thẩm, nội dung tái thẩm có nhiều vấn đề. Trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ bình luận 01 nội dung trong quyết định kháng nghị tái thẩm, đó là xác định tư cách đại diện theo ủy quyền và đề xuất một nội dung án lệ.
Nội dung vụ án
– Nguyên đơn: Ngân hàng.
– Bị đơn: Công ty H.
Người đại diện theo pháp luật: Ông A – Giám đốc.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông P và bà T1; Ông C và bà C1; Ông T và bà M.
Ngày 29/3/2006, Ngân hàng cho Công ty H vay 20.000.000.000đ. Ngân hàng đã giải ngân cho Công ty H vay 20.000.000.000đ.
Do Công ty H vi phạm nghĩa vụ thanh toán, Ngân hàng đã khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết, buộc Công ty H phải trả cho Ngân hàng tiền gốc và tiền lãi. Trường hợp Công ty H không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì đề nghị xử lý các tài sản bảo đảm sau đây để thu hồi nợ:
Quyền sử dụng 43,2m2 đất và nhà ở trên đất 43,2m2 của hộ ông P và vợ là bà T1.
Quyền sử dụng 92,1m2 đất và nhà ở trên đất 250m2 của hộ ông C và vợ là bà C1.
Quyền sử dụng đất 37,96m2 đất và nhà ở trên đất 100m2 của ông T và vợ là bà M.
Tài sản hình thành từ vốn vay của Công ty H.
Quá trình tham gia tố tụng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là các ông bà thực hiện việc ủy quyền như sau:
– Ông P và bà Vũ Thị T1 ủy quyền cho ông A.
– Ông C và bà C1 ủy quyền cho ông A.
– Ông T và bà M ủy quyền cho bà B.
Việc ủy quyền của các bên đều được lập hợp đồng có công chứng. Tòa án đã chấp nhận việc ủy quyền này.
Viện kiếm sát nhân dân cấp cao X kháng nghị có nội dung: Tòa án đã vi phạm trong việc xác định tư cách đại diện theo ủy quyền của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Theo VKSND cấp cao X lập luận: “Trong vụ án này, bị đơn là Công ty H là Công ty TNHH có 02 thành viên là ông A – Giám đốc (là người đại diện theo pháp luật của công ty) và bà B (vợ ông A). Bà B tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của ông T và bà M. Ông A tham gia tố tụng với tư cách đại diện theo pháp luật của công ty H (bị đơn) và đại diện theo ủy quyền của ông P, bà T1, ông C, bà C1 (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan). Có thể thấy nếu Công ty H không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng thì tài sản bảo đảm của các ông bà trên sẽ bị xử lý để thu hồi nợ. Như vậy lợi ích của Công ty H và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án là đối lập và xung đột nhau. Việc ông A, bà B đại diện cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án là vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 75 (BLTTDS 2004) (nay là Điều 87 BLTTDS 2015). Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm vẫn chấp nhận tư cách đại diện trên là không đúng”
Bình luận
Về nội dung kháng nghị này của VKSND cấp cao X, chúng tôi nhận thấy nội dung kháng nghị này là không có căn cứ bởi:
Một là, theo điểm b khoản 1 Điều 87 BLTTDS 2015 về trường hợp không được làm người đại diện: “Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc”. Xét về tư cách tham gia tố tụng trong vụ án này thì giữa bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hay giữa nguyên đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án không có quan hệ đối lập nhau. Bởi Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án là người là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Khoản 4 Điều 68 BLTTDS 2015) còn Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm (Khoản 2 Điều 68 BLTTDS 2015); Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm (Khoản 3 Điều 68 BLTTDS 2015). Như vậy, trong một vụ án dân sự, sự đối lập giữa nguyên đơn và bị đơn là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, theo tác giả việc xác định có sự đối lập nhau giữa chủ thể là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án với bị đơn hoặc nguyên đơn chỉ đặt ra trong trường hợp đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án có yêu cầu độc lập, khi đó mới phát sinh sự đối lập. Trong vụ án này người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có sự đối lập với nguyên đơn hay bị đơn.
Hai là, cách lập luận của nội dung kháng nghị là thiếu cơ sở, thiếu căn cứ pháp lý, bởi: Quá trình giải quyết vụ án là quá trình tố tụng trải qua các trình tự, thủ tục theo luật định và chỉ có kết quả khi Tòa án ban hành quyết định hoặc bản án có hiệu lực pháp luật. Trong nội dung kháng nghị có đặt giả thiết “Nếu công ty H không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng thì tài sản bảo đảm của các ông bà nêu trên sẽ bị xử lý để thu hồi nợ cho Ngân hàng. Như vậy lợi ích của Công ty H và lợi ích của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là đối lập và xung đột nhau…” Vậy sao kháng nghị không đặt giả thiết ngược lại là nếu Công ty H thực hiện nghĩa vụ trả nợ Ngân hàng thì …?
Theo quan điểm của tác giả, ngay cả trường hợp theo giả thiết của nội dung kháng nghị là Nếu công ty H không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng, thì phía người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và phía nguyên đơn và người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn cũng không có sự đối lập nhau về quyền lợi và nghĩa vụ. Bởi trong vụ án này là vụ án mà nguyên đơn là phía ngân hàng đang khởi kiện bị đơn là Công ty H với người đại diện theo pháp luật là ông A; còn những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án đều không có yêu cầu độc lập. Do đó sự đối lập về quyền và nghĩa vụ mà Điều 87 BLTTDS 2015 hướng tới là sự đối lập giữa ngân hàng với công ty H và giữa ngân hàng với ông A chứ sự đối lập không hướng tới người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Ngay cả trường hợp Tòa án tuyên xử lý tài sản bảo đảm thì sự đối lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này với Công ty H hay với ông A cũng không phát sinh, mà sự đối lập giữa người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan với công ty H chỉ phát sinh khi những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khởi kiện yêu cầu Công ty H hoàn trả nghĩa vụ bảo đảm được ghi nhận tại Điều 335 BLDS 2015; khi đó sự đối lập giữa các bên khi tham gia tư cách tố tụng là trong vụ án khác chứ không phải là vụ án này.
Như vậy, theo quan điểm tác giả thì việc chấp nhận ủy quyền trong vụ án và xác định tư cách đại diện theo ủy quyền của Tòa án là có căn cứ và đúng pháp luật.
Qua vụ án trên, tác giả thấy cần nghiên cứu xây dựng án lệ có nội dung pháp lý: Trong vụ án dân sự, sự đối lập về quyền và lợi ích hợp pháp giữa nguyên đơn và bị đơn là điều hiển nhiên. Việc xác định có sự đối lập về quyền và lợi ích hợp pháp giữa chủ thể là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án với bị đơn hoặc nguyên đơn chỉ đặt ra trong trường hợp đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án có yêu cầu độc lập, khi đó mới phát sinh sự đối lập.
Trên đây là một số bình luận của tác giả về nội dung kháng nghị, cũng như tình huống pháp lý phát sinh, tác giả rất mong nhận được ý kiến bình luận, góp ý của quý bạn đọc.
Theo tapchitoaan.vn
Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/an-le/xac-dinh-tu-cach-dai-dien-theo-uy-quyen-trong-vu-an-kinh-doanh-thuong-mai
Link nội dung: https://phaply.net.vn/xac-dinh-tu-cach-dai-dien-theo-uy-quyen-trong-vu-an-kinh-doanh-thuong-mai-a230760.html