Mỹ và EU leo thang căng thẳng giữa khủng hoảng Covid-19

Trong khi các cơ quan y tế toàn cầu và các nhà kinh tế toàn cầu kêu gọi sự ứng phó toàn cầu đối với dịch bệnh Covid-19 thì mối quan hệ giữa Mỹ và Liên minh châu Âu đã thêm một bước leo thang căng thẳng.

Ngày 11/3, chính quyền Mỹ quyết định bất ngờ khi cấm du khách từ Liên minh châu Âu, nhưng ngoại trừ nước Anh, nơi quan hệ ngoại giao đã trở nên tốt hơn. Tổng thống Trump cho rằng ngoại lệ đối với Vương quốc Anh vì họ có các biện pháp mạnh tại biên giới và tích cực trong cuộc chiến chống lại virus.

Các dấu hiệu đến nay cho thấy Mỹ đang tiến đến tăng cường căng thẳng thương mại với châu Âu vào tuần tới, khi thuế quan bổ sung đối với nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 18/3, làm tăng chi phí cho các hãng hàng không hiện đang vật lộn với tổn thất của Covid-19. Các quan chức châu Âu đã lên án lệnh cấm du khách châu Âu của chính quyền Trump khi đã được đưa ra mà không có cảnh báo hay thảo luận với châu Âu.

Covid-19 là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, không giới hạn ở bất kỳ lục địa nào và đòi hỏi sự hợp tác chứ không phải là hành động đơn phương. Đó là tuyên bố chung của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Liên minh châu Âu không chấp nhận thực tế rằng quyết định của Mỹ áp dụng lệnh cấm du khách châu Âu đã được đưa ra một cách đơn phương và không có sự tham khảo ý kiến. Liên minh châu Âu đang hành động mạnh mẽ để hạn chế sự lây lan của virus. Tổng thống Donald Trump lý giải thêm rằng Covid-19 là trường hợp cần quyết định khẩn cấp nên không tham vấn với phía châu Âu về quyết định của Mỹ, nhưng sẽ nhanh chóng thiết lập lại việc chấp nhận du khách châu Âu một khi nguy hiểm từ virus qua đi.

Lệnh cấm du khách từ châu Âu có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh từ các khu vực của châu Âu đặc biệt nghiêm trọng, như Italia, Pháp, Tây Ban Nha và Đức. Nhưng Mỹ cũng phải đối mặt với những chỉ trích nhất định. Ngoại trừ Anh không nằm trong diện bị cấm, đã báo cáo có 456 trường hợp nhiễm virus corona mới (tính đến ngày 12/3), nhiều hơn các nước châu Âu khác như Bỉ, Áo, Hy Lạp, Cộng hòa Séc, Phần Lan và Bồ Đào Nha, là những người đang phải đối mặt với lệnh cấm của Mỹ.

Phát ngôn của Nhà Trắng cho biết, lệnh cấm của Mỹ được áp dụng cho Khu vực Schengen của châu Âu vì số lượng các trường hợp nhiễm bệnh và việc đi lại không bị hạn chế qua 26 biên giới quốc gia, và quyết định được đưa ra theo khuyến nghị của các quan chức y tế Mỹ. Mỹ đang thảo luận với Anh để đảm bảo tuân thủ chính sách cho những người cố gắng đến Mỹ. Nhưng ông Trump đã thực hiện một cách tiếp cận dựa trên mối quan hệ đặc biệt với các chính sách toàn cầu khác trước đây - bao gồm cả quyết định miễn thuế thép của Australia trong khi tấn công các đồng minh khác như Canada, Nhật Bản và châu Âu.

Mỹ đang bất đồng với châu Âu về một loạt các vấn đề thương mại. Trong khi hai bên đang hướng tới một thỏa thuận thương mại hạn chế, họ đang tranh cãi về trợ cấp máy bay, thuế ô tô, số phận của Tổ chức Thương mại thế giới và kế hoạch của Pháp và các nước châu Âu khác về áp thuế các công ty công nghệ Mỹ. Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) cho biết, Mỹ đã cố gắng tìm kiếm một kết quả đàm phán với Liên minh châu Âu về trợ cấp máy bay. WTO đã xác định các khoản trợ cấp bất hợp pháp khổng lồ của EU đối với Airbus khiến các công ty hàng không vũ trụ và công nhân Mỹ mất hàng trăm tỷ đôla doanh thu. Do đó, các mức thuế bổ sung của Mỹ có thể sẽ mang lại động lực khiến EU ngừng trợ cấp cho Airbus theo những cách có tác động xấu đến Mỹ.

Theo congthuong.vn

Nguồn bài viết: https://congthuong.vn/my-va-eu-leo-thang-cang-thang-giua-khung-hoang-covid-19-134012.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/my-va-eu-leo-thang-cang-thang-giua-khung-hoang-covid-19-a228283.html