Trái phiếu doanh nghiệp là một trong những kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, nhất là thị trường bất động sản. Tất nhiên, kênh huy động nào cũng có những khiếm khuyết cần phải khắc phục trong quá trình phát triển.
Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP nhằm siết lại điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Sở dĩ động thái này của cơ quan chức năng xuất phát từ thực tế doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu với tần suất phát hành cao, cùng với số vốn huy động vượt nhiều lần vốn chủ sở hữu dẫn đến nguy cơ vỡ nợ trái phiếu.
Gọi vốn quá đà?
Theo thông tin từ Sở GDCK Hà Nội (HNX), CTCP Tập đoàn Sovico (Sovico Group) từ ngày 3-6/3 đã phát hành 4 đợt trái phiếu, thu về 500 tỷ đồng với tỷ lệ thành công 100%. Các lô trái phiếu đều có kỳ hạn 3 năm, lãi suất năm đầu 11%/năm, nhà đầu tư không được định danh.
Nếu tính từ đầu năm 2020 đến nay, Sovico đã liên tục chào bán trái phiếu với tổng giá trị 2.050 tỷ đồng. Trái phiếu các đợt chào bán đều tương tự là trái phiếu thông thường, không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo, lãi suất 11%/năm.
Tổng cộng, từ khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp hồi giữa năm ngoái đến nay, Sovico Group đã tổ chức 70 đợt phát hành trái phiếu, thu về khoảng 10.000 tỷ đồng.
Nếu cộng các doanh nghiệp cùng nhóm như CTCP Khu du lịch Bắc Mỹ An, CTCP Hàng không Vietjet, CTCP Bất động sản Sài Gòn Vi Na, CTCP Đầu tư và Xây dựng Kiên Trung, Công ty TNHH Dịch vụ Khách sạn Thuỳ Dương Việt Nam, thì con số này lên tới 105 đợt, với dư nợ gần 15.000 tỷ đồng, trở thành nhà phát hành số 1 trên thị trường trái phiếu hiện nay.
Trước tốc độ phát hành trái phiếu "chóng mặt" của Sovico Group, nhiều ý kiến cho rằng, nếu đặt cạnh mức vốn điều lệ 9.600 tỷ đồng cùng khoản trái phiếu ngót cả chục nghìn tỷ thì doanh nghiệp có gì đáng giá?
Thực tế, những dữ liệu xoay quanh Sovico Group không nhiều bởi các hoạt động của doanh nghiệp này đều khá kín đáo.
Cũng có tiến độ phát hành trái phiếu dày đặc, CTCP Đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam đã phát hành tới 60 đợt trong tháng 1/2020, chiếm quá nửa trong số 102 thương vụ phát hành trái phiếu thành công trên toàn thị trường trong tháng.
Tính ra trung bình trong tháng này, công ty phát hành tới 2 thương vụ/ngày. Tần suất phát hành dày đặc không phải là chuyện cá biệt của công ty trong tháng 1. Ngày 14/2/2020, công ty công khai 40 đợt phát hành khác được thực hiện trong thời gian từ ngày 13/11/2019-13/2/2020. Đây đều là trái phiếu phát hành riêng lẻ, không có tài sản đảm bảo.
Một cái tên khác là Công ty TNHH Vinametric (có trụ sở hoạt động ở TP.HCM), trong tháng 12/2019 đã phát hành tới 24 đợt phát hành, tức là trung bình 1 ngày thực hiện 1 thương vụ.
Theo thông tin mà Vinametric vừa công khai, đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu của công ty ghi nhận ở mức gần 1.983 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 3,99 lần…
Hiểu đúng về "thẻ vàng"
Thực tế, từ góc độ tích cực, dấu hiệu khởi sắc của thị trường TPDN với hoạt động giao dịch, chào bán trái phiếu khá sôi nổi cho thấy sự đa dạng hoá về nguồn tài trợ vốn trên thị trường tài chính Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trên thị trường trái phiếu đang xuất hiện hiện tượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành nhiều đợt không gắn với nhu cầu huy động vốn cho sản xuất - kinh doanh; doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu thấp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu.
Trong 2 tháng đầu năm, tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 19.398 tỷ đồng có kỳ hạn 4,75 năm, lãi suất bình quân là 10,07%. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 11.639 tỷ đồng (chiếm 60%); các doanh nghiệp khác chiếm 31%.
Trước thực trạng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đang chiếm ưu thế có thể tiềm ẩn rủi ro đối với nền kinh tế. Và động thái sửa đổi, bổ sung Nghị định 163 vốn được xem là "phao" của TPDN cách đây 1 năm cùng với động thái siết tín dụng của các ngân hàng thương mại dấy lên luồng ý kiến về việc "hết cửa" huy động vốn của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông PGS.,TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM, sau một thời gian thử nghiệm mở cửa, thị trường trái phiếu đã xuất hiện những tín hiệu bất thường đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua nhưng việc Bộ sửa đổi điều kiện phát hành TPDN không nên hiểu là siết thị trường trái phiếu.
Ông Bảo cho rằng, đây là các lỗ hổng của thị trường mà cơ quan quản lý chưa lường trước, khi phát hiện ra thì việc trám lại là hết sức cần thiết vì chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý thị trường này.
"Tất nhiên, Việt Nam vẫn phải khuyến khích thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, song cũng cần nắn lại cho thị trường đi vào nề nếp, hạn chế tối đa tiêu cực", ông Bảo cho biết thêm.
Theo đó, động thái của Bộ Tài chính đơn giản là ban hành một hệ thống văn bản, xây dựng hệ thống hành lang pháp lý đầy đủ để thị trường TPDN phát triển một cách hài hoà, ổn định và an toàn đối với nền kinh tế.
Thực tế, TPDN là sân chơi chung cho cả nền kinh tế, dĩ nhiên, siết TPDN sẽ khiến thị trường bất động sản khó khăn hơn nhưng đây cũng là điều cần thiết để đưa nhà đất trở về đúng giá trị của nó.
Theo thoibaokinhdoanh.vn
Nguồn bài viết: https://thoibaokinhdoanh.vn/giao-dich/sua-dieu-kien-phat-hanh-trai-phieu-khong-nen-hieu-la-siet-thi-truong-1066149.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/sua-dieu-kien-phat-hanh-trai-phieu-khong-nen-hieu-la-siet-thi-truong-a228217.html