(Pháp lý). Đến thời điểm này, khi mà WHO chính thức công bố đại dịch Covid 19 toàn cầu, có rất nhiều DN đang đứng trên bờ vực của sự mất và thiếu thanh khoản, tức là không đủ tiền, thực sự gặp khó khăn tài chính. Vì vậy có thể nói, gói hỗ trợ 280.000 tỉ đồng rất cần thiết, nó như phao cứu sinh cho các DN. Điều quan trọng nhất là phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể để tránh tình trạng hỗ trợ “sai địa chỉ”…
Bài học từ 2 gói hỗ trợ còn nguyên giá trị
Băn khoăn của các DN không phải là không có cơ sở, bởi trong quá khứ Chính phủ cũng đã từng tung ra các gói hỗ trợ, kích thích nền kinh tế. Bên cạnh những kết quả tích cực góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, các gói hỗ trợ và kích thích trong quá trình triển khai đã để lại những hạn chế, dư âm bất cập ở khâu thực thi…
Nhắc lại bài học đắc giá về trục lợi chính sách và lạm phát từ gói kích thích kinh tế 150.000 tỷ đồng triển khai năm 2009, PGS. TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế khuyến cáo, cần phải cẩn trọng trong việc triển khai gói tín dụng và tài khóa có giá trị 280.000 tỷ đồng lần này, để có sự lường trước, chủ động kiểm soát các rủi ro có thể xảy ra và có các điều chỉnh kịp thời.
Còn nhớ hồi cuối năm 2008, do những bất ổn về kinh tế, Chính phủ quyết định áp dụng gói kích thích kinh tế 150.000 tỷ đồng với loạt chính sách nhằm ngăn chặn suy giảm. Trong đó, gói chính sách gồm hỗ trợ lãi suất 4% một năm cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để sản xuất, kinh doanh; giảm 30% thuế TNDN, 50% thuế VAT, miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng và kích đầu tư… Các chính sách hỗ trợ này được đánh giá là kịp thời, giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua được thời điểm khó khăn nhất, ngăn chặn được suy giảm.
Tuy nhiên sau 2 năm triển khai, gói kích thích bộc lộ hạn chế, tồn tại. Nguồn vốn dành để giảm 30% thuế TNDN chỉ thực sự tác động đến DN làm ăn có lãi, trong khi nhiều DN gặp khó khăn, thua lỗ lại không được hưởng ưu đãi. Tương tự, việc giảm 50% VAT thuế đối với 19 nhóm mặt hàng với mục đích ban đầu là hỗ trợ đầu vào cho DN, để DN thực hiện việc giảm giá có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên trên thực tế người tiêu dùng đã không được hưởng lợi gì từ ưu đãi thuế vì DN không thực hiện giảm giá. Thậm chí theo số liệu báo cáo của Thanh tra Chính phủ ngày 26/5/2011, doanh nghiệp đã vay vốn hỗ trợ lãi suất về cho vay lại…
Tương tự, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng ra đời vào tháng 6/2013, được xem như “một mũi tên trúng hai đích” khi vừa là liều thuốc “cấp cứu” cho thị trường bất động sản đang bị đóng băng, vừa hỗ trợ người thu nhập thấp có điều kiện sở hữu nhà. Chủ trương, mục đích rất đúng, rất hợp lòng dân, nhưng qua thực tế triển khai thực hiện thì bộc lộ khá nhiều “nút thắt”. Cụ thể, người đi vay, đặc biệt là người dân vay mua nhà hoặc vay xây, sửa chữa nhà bị “hành” rất nhiều về mặt thủ tục. Để “chạm” được tới gói 30.000 tỷ, có thể nói người dân phải đi qua nhiều “cửa ải” xin xác nhận đủ loại giấy tờ, thủ tục hành chính, như: Chứng minh thu nhập, chứng minh khả năng trả nợ, phải có tài sản thế chấp…
Như vậy bài học đắt giá cần rút ra từ 2 gói hỗ trợ, kích thích trong quá khứ là chính sách hỗ trợ, kích thích chưa tạo được sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, còn có tình trạng “nhất bên trọng, nhất bên khinh”; còn phân bổ theo kiểu bình quân chủ nghĩa, thiếu trọng tâm, trọng điểm; thiếu cơ chế tổ chức thực thi có hiệu quả; đặc biệc là cơ chế kiểm tra, giám sát để tránh rủi ro với nền kinh tế…
Để gói hỗ trợ 280.000 tỷ phát huy tác dụng đúng hướng
Trước hết cần có quy định thông thoáng hơn, hạn chế những “nút thắt” không cần thiết, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để giúp cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận được gói hỗ trợ. Đến thời điểm này, khi mà WHO chính thức công bố đại dịch Covid 19 toàn cầu, có rất nhiều DN đang đứng trên bờ vực của sự mất và thiếu thanh khoản, tức là không đủ tiền, thực sự gặp khó khăn tài chính. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 0,06%, giảm so với mức tăng 1% cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy các DN đang gặp khó khăn và phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch bệnh.
Vì vậy có thể nói, gói hỗ trợ 280.000 tỉ đồng rất cần thiết, nó như phao cứu sinh cho các DN. Điều quan trọng nhất là phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể để tránh tình trạng hỗ trợ “sai địa chỉ”. Muốn vậy, cơ quan chức năng cần nắm tình hình khó khăn của DN từng ngành hàng để có sự hỗ trợ hợp lý, chính xác. Việc hỗ trợ không đúng đối tượng, hỗ trợ bình quân dàn đều, không đúng trọng tâm… có thể gây nguy cơ dòng tiền chảy vào những kênh đầu tư không hiệu quả hoặc kém bền vững, dẫn tới không bảo đảm chất lượng tăng trưởng đặt ra.
Hiện chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng đầu năm đang ở mức khá thấp trong khi lực cầu có xu hướng giảm nên rủi ro lạm phát trong ngắn hạn là không cao. Hơn nữa bản chất, gói tín dụng 250.000 tỉ đồng lần này không phải nguồn vốn NSNN bơm ra mà là dư nợ từ tiền gửi của người dân và DN. Tuy nhiên, về dài hạn nếu việc thực thi chính sách hỗ trợ kém hiệu quả, nguồn tiền không đổ vào những lĩnh vực sản xuất tạo giá trị bền vững cho tăng trưởng kinh tế thì lạm phát có thể trở thành mối lo ở giai đoạn hậu Covid 19; đặc biệt là độ bền của các ngân hàng thương mại, rủi ro của sự gia tăng nợ khó đòi trong hệ thống ngân hàng trong trung hạn.
Bơm tiền mặt không phải là giải pháp của mọi giải pháp, khi mà hiện không ít DN đang gặp khó khăn về nguồn cung và cầu do ảnh hưởng đại dịch. Nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu không cao trong khi nguồn nhập khẩu nguyên vật liệu đang bị hạn chế. “Do đó, về lâu dài bên cạnh giải pháp tiền tệ, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần tiến hành đồng thời giải pháp kết nối, xúc tiến thương mại, đa dạng hóa nguồn cung và cầu, giúp DN có đơn hàng để sản xuất và có thị trường để tiêu thụ”.
Cũng cần nhắc lại bài học đắt giá về trục lợi chính sách ưu đãi từ gói kích thích kinh tế 150.000 tỷ đồng hồi năm 2009 cho đến thời điểm này vẫn còn nguyên giá trị, để gói hỗ trợ kinh tế lần này phát huy hiệu quả và minh bạch.
Vì vậy đi liền với gói hỗ trợ ưu đãi rất cần có các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn vốn hỗ trợ phân bổ, đảm bảo đúng DN, đúng ngành và hợp lý. Cụ thể là Chính phủ, cơ quan quản lý có chức năng phải có kế hoạch phân công phân nhiệm phối hợp tổ chức hậu kiểm theo từng giai đoạn, nắm chắc từng đối tượng được thụ hưởng đảm bảo phù hợp với tiêu chí; sơ kết, tổng kết từng giai đoạn, đánh giá hiệu quả nguồn tiền được hấp thụ đến đâu, hấp thụ như thế nào, có sử dụng đúng mục đích... để có điều chỉnh và ngăn ngừa kịp thời. Kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách ưu đãi từ gói hỗ trợ để trục lợi làm giàu bất chính (nếu có), gây ảnh hưởng xấu đến chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đem lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp./.
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân vừa công bố kết quả khảo sát trên 1.200 DN về ảnh hưởng của COVID-19 tới hoạt động kinh doanh. Theo đó, 74% DN nói sẽ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài sáu tháng, chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay NH, thuê mặt bằng… Ngoài ra, gần 30% mất 20%-50% doanh thu, 60% DN thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.
------------------
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM: “Chính phủ cần nắm tình hình khó khăn của DN từng ngành hàng để có sự hỗ trợ hợp lý, chính xác. Bởi đối với một số ngành thì gói tín dụng hỗ trợ lúc này là cần thiết nhưng đối với các ngành như nhựa, cao su thì dù được bơm tiền mà vẫn tắc đầu ra thì không giải quyết được gì. Do đó, cái họ cần là kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra. Nói cách khác, gói vay hỗ trợ này sẽ có tác dụng khi thị trường hồi phục, còn hiện tại NH nên tập trung hạ lãi suất vay, khoanh nợ cho DN sẽ thiết thực hơn.”
--------------------
PGS. TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, Chỉ thị 11 đã được ban hành kịp thời, song cần khẩn trương xây dựng các tiêu chí thực thi và tính toán cách thức thực hiện thật hiệu quả, đặc biệt là khâu giám sát để tránh các rủi ro với nền kinh tế.
VŨ LÊ MINH