(Pháp lý) - Dịch COVID- 19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng kinh tế và sức khỏe người dân của rất nhiều quốc gia. Đối với doanh nghiệp, bên cạnh khó khăn rất lớn về Thị trường, thì khó khăn thường trực đang đè nặng các doanh nghiệp hơn hai tháng nay là chi phí thuê mặt bằng, thuế, phí, bảo hiểm, lương nhân công … Còn đối với người lao động thì nỗi lo mất việc…
“Sức khỏe” doanh nghiệp là “sức khỏe” của nền kinh tế. Vậy nên, đây là thời điểm rất cần khoan sức doanh nghiệp bằng những chính sách kinh tế thiết thực, quyết liệt , kịp thời từ các Bộ ngành để giúp DN giảm thiểu tác hại của dịch bệnh gây ra.
Chính phủ đã phát lệnh…
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, số DN tạm ngừng kinh doanh và chờ giải thể tăng vọt trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số DN đăng ký mới giảm về quy mô vốn và quy mô lao động. Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm 2020 có trên 16.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019), nguyên nhân do dịch COVID-19.
Theo các chuyên gia kinh tế, dịch COVID-19 nằm ngoài tất cả dự báo, Chính phủ, các tổ chức quốc tế lẫn giới chuyên gia và cộng đồng DN đã không lường trước được vì dịch bệnh, thiên tai vẫn luôn là ẩn số khó lường. Hiện một số ngành, lĩnh vực kinh tế đang chịu những ảnh hưởng khá rõ từ COVID-19 như tình trạng ứ đọng sản phẩm hàng hóa, tình trạng thiếu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu từ Trung Quốc để bảo đảm đơn hàng cho các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; thị trường vận tải, dịch vụ bị thu hẹp, khách du lịch thưa thớt, sản xuất kinh doanh đình đốn, người lao động phải nghỉ việc do thiếu việc làm… Nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa, rất khó khăn để cầm cự và duy trì sản xuất. Số DN thành lập mới giảm, DN ngừng sản xuất, đóng cửa giải thể tăng lên. Đó là những tác động trực tiếp trên diện rộng của dịch cúm.
Nhận định tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch COVID-19 với 7 giải pháp trọng tâm.
Thủ tướng yêu cầu rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho DN như cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt… Xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 về thuế, hải quan đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm… Chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý 1 và quý 2/2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý…Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo phải tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử. Ngoài gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng sẽ tập trung vào việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí…
Tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh
Về phía ngân hàng đã có dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lấy ý kiến.
Theo dự thảo Thông tư, các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước thời điểm ngày 23/1/2020 đối với phần dư nợ của các khoản nợ quy định trên mà thời hạn trả nợ gốc, lãi trong khoảng từ ngày 23/1/2020 đến thời điểm liền sau 90 ngày, kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch COVID -19.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tài chính và doanh nghiệp (DN) thì băn khoăn và lo ngại tình trạng trên nóng dưới lạnh. Bởi tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế VN rất lớn và hệ quả của nó không chỉ trong năm 2020 mà còn có khả năng kéo dài đến năm 2021. Do vậy, cần giải pháp tổng thể để vực dậy nền kinh tế.
Một vấn đề nữa là chưa rõ là tái cơ cấu, giãn nợ, giảm lãi suất các ngân hàng có được hỗ trợ gì từ Nhà nước hay không. Liệu có tình trạng ngân hàng cảm thấy bị thiệt nên làm theo kiểu đối phó, không mang lại hiệu quả cao ?
Điều DN mong muốn nhất lúc này là được sự “tiếp sức hà hơi” từ ngân hàng, cơ quan quản lý bằng nhiều biện pháp. Giải pháp tái cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ, kéo dài thời gian trả nợ là giải pháp đúng, nhưng chưa đủ vì doanh nghiệp không thể đứng yên mà không hoạt động sản xuất. DN vẫn cần dòng tiền nhằm duy trì sản xuất kinh doanh dù ở mức tối thiểu để nuôi lao động và tìm cơ hội phục hồi. Do vậy, cùng với việc giãn nợ, kiến nghị các ngân hàng cũng nên tiếp tục cho vay để DN duy trì sản xuất mà không phải đòi hỏi các điều kiện như phương án kinh doanh khả thi, tài sản thế chấp… Nếu đòi như vậy trong lúc này, DN không thể nào đáp ứng được. Nếu không được hỗ trợ vay vốn, nhiều DN có nguy cơ phải đóng cửa, không còn khả năng trả nợ cũ. Thời gian hỗ trợ cũng lâu dài, từ 6 tháng trở lên chứ không nên chỉ hỗ trợ trong thời gian quá ngắn.
Về phía Bộ Tài chính, ngày 10/3 đã đưa ra lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị định gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề do dịch COVID-19.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các nhóm ngành kinh tế gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép; sản phẩm từ cao su; sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ôtô (trừ sản xuất, lắp ráp ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống); Vận tải đường sắt; đường bộ; đường thủy; hàng không; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải; dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng được gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế GTGT.
Tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề nghị thời gian gia hạn là 5 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp của các tháng 3, 4, 5 và 6 năm nay kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế này theo quy định hiện hành. Thời hạn nộp thuế GTGT tháng 3 chậm nhất là ngày 20/9 thay vì ngày 20/4. Thuế GTGT của tháng 4 được gia hạn nộp đến ngày 20/10. Còn thuế GTGT của tháng 5 có hạn chót phải nộp là 20/11 và của tháng 6 là ngày 20/12.
Còn với những đơn vị đang kê khai và nộp thuế GTGT theo quý thì được gia hạn tiền thuế của quý 1 và quý 2 năm nay. Theo đó, thời hạn nộp thuế GTGT quý 1 chậm nhất là ngày 30-9, còn của quý 2 là ngày 30/12.
Ông Đinh Tiến Dũng (Bộ trưởng Bộ Tài chính) cho biết: Các khoản phí, lệ phí nào thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính và các Bộ, ngành khác sẽ được cắt giảm ngay, nếu vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội.
Khoan sức Doanh nghiệp: Nên giảm thuế
Theo TS. Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ), mặc dù chưa có con số ước tính cụ thể về ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới nền kinh tế nhưng chắc chắn tác động của dịch bệnh này sẽ rất lớn. Ngoài việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thủ tục hành chính, Chính phủ cần có chính sách như giãn, hoãn, giảm thuế để DN có thể trụ được qua lúc khó khăn. Trước mắt phải có các biện pháp để hỗ trợ ngay cho DN, nhất là giảm thuế suất thuế thu nhập DN với các DN vừa và nhỏ xuống mức 15-17%.
Singapore đã công bố gói hỗ trợ 4 tỉ USD trong các tháng tới cho người lao động và các doanh nghiệp. Chính phủ Singapore cũng giới thiệu chương trình hỗ trợ việc làm trong đó giúp các doanh nghiệp có tiền để giữ người lao động. Để giúp các doanh nghiệp đang thiếu tiền mặt, Singapore đã thông báo giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 và một loạt các biện pháp về thuế doanh nghiệp khác trong thời gian một năm. Riêng với hàng không, giảm chi phí cất cánh, hạ cánh, chi phí phục vụ mặt đất tại sân bay Changi.
Tại Trung Quốc, các hãng hàng không đã được Chính phủ hỗ trợ bằng tiền với mức cụ thể đối với mỗi ghế bay của từng chặng…
Chính phủ Thái Lan đã ngay lập tức giảm 96% thuế môi trường đối với nhiên liệu trong 7 tháng (từ 6/2/2020 đến 30/9/2020) cho các đường bay nội địa. Chính phủ nước này cũng đang xét duyệt giảm 20% – 50% phí bay qua bầu trời; giảm 50% phí cất hạ cánh, sân đỗ; giảm 30% phí sân bay cho khách hàng không nước này.
Ở Việt Nam, theo đánh giá của hãng hàng không, cơ quan quản lý vào cuộc khá kịp thời. Ngay từ tháng 2, Cục Hàng không đã đề xuất giảm các loại phí, giảm thuế cho các hãng hàng không… Cụ thể, cơ quan quản lý, hãng hàng không và các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp hỗ trợ cho hãng hàng không: Miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với nhiên liệu bay; Giảm 70% giá đối với các khoản phí cất, hạ cánh, phí phục vụ hàng không, phí điều hành bay tại các cảng hàng không; Tạm hoãn nộp các loại thuế (thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, bảo vệ môi trường…) đến hết năm 2020; ban hành gói vay với lãi suất ưu đãi cho các hãng hàng không…
Nếu Nhà nước cho phép miễn phí phục vụ thì vé máy bay có thể giảm được cho hành khách khoảng 10.000 tỷ đồng/năm. Hoặc nếu được miễn giảm thuế bảo vệ môi trường, hãng hàng không sẽ tiết kiệm được khoản chi hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Đây là những khỏan hỗ trợ rất hữu ích cho các hãng hàng không.
Tuy nhiên đó mới chỉ là những đề xuất của Cục Hàng không về kiến nghị các biện pháp giải cứu DN, còn biện pháp đó có thành hiện thực hay không thì vẫn phải chờ…
Kết mở
PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, ‘cần nhận thức rõ hỗ trợ doanh nghiệp nói chung trong bối cảnh hiện nay không phải là xin – cho, mà là Nhà nước đầu tư, nuôi dưỡng nguồn thu và để phục hồi, phát triển kinh tế’. “Chính phủ coi chống dịch như chống giặc, ai chậm triển khai hoặc vì lợi ích nhóm mà không kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, theo tôi cần xử như quân luật. Thời chiến có thể áp dụng các biện pháp, chế tài phi thông thường (như đã làm với các đại lý đầu cơ khẩu trang).
Chính phủ đã phát lệnh, điều quan trọng còn lại là sẽ thực thi như thế nào, sẽ đi vào nền kinh tế qua kênh truyền dẫn như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, để tạo ra tấm lá chắn vững vàng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đi vào nhanh, kịp thời, đúng đối tượng và tránh việc lợi dụng chính sách.
DN đang rất ngóng trông và mong mỏi những quyết định kịp thời nhất, lắng nghe, thấu hiểu “hơi thở” cuộc sống từ Quốc hội và Chính phủ, nhất là vào thời gian này. “Sức khỏe” DN là “sức khỏe” của nền kinh tế. Vậy nên, đây là thời điểm rất cần khẩn trương khoan sức DN bằng những chính sách kinh tế thiết thực, quyết liệt từ ngành tài chính để giúp DN khôi phục kinh tế và giảm thiểu tác hại của dịch bệnh gây ra. Đừng làm nửa vời, đừng chậm trễ, đừng trên nóng dưới lạnh,…sẽ gây tác hại rất lớn.
Lê Phúc
Link nội dung: https://phaply.net.vn/khoan-suc-doanh-nghiep-phong-chong-dich-covid-19-nen-giam-thue-suat-mot-so-sac-thue-a220842.html