Cuối tuần qua, Thủ tướng đã ký ban hành chỉ thị số 11 cấp bách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiêp hàng không (là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng). Tuy nhiên, giới doanh nghiệp và chuyên gia lo ngại tình trạng ‘trên nóng dưới lạnh’ trong triển khai chỉ đạo của Chính phủ.
Hàng không, trọng điểm cần được giải cứu
Phòng, chống dịch Covid-19 được xác định là như chống giặc, toàn hệ thống chính trị cần thực hiện nhiệm vụ kép: Phòng chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội. Dù vừa có hàng chục ca nhiễm mới nhưng những chiến sỹ trên mặt trận bảo vệ tính mạng nhân dân đang liên tiếp lập chiến công thì ngược lại, mặt trận kinh tế khá lúng túng , điển hình là trong lĩnh vực hàng không.
Số lượng lớn tàu bay của các hãng đã phải ngừng hoạt động, thiệt hại hàng chục triệu đô la mỗi tháng. Cục Hàng không ước tính hãng hàng không bị thiệt hại 25.000 tỷ doanh thu trong năm nay. Nhưng những diễn biến mới, bất lợi của dịch đã ngay lập tức khiến hàng không tiếp tục gánh chịu những tổn thất. Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (IATA) vừa nâng mức thiệt hại hàng không toàn cầu lên hơn 110 tỷ USD, so với con số thiệt hại 29 tỷ USD mà tổ chức này đưa ra cách đây không lâu.
Những khó khăn, thiệt hại của ngành hàng không đã đẩy kinh tế toàn cầu suy thoái nhanh hơn. Bởi hàng không là con đường rộng nhất, nhanh nhất rút ngắn khoảng cách của mỗi quốc gia với thế giới. Số liệu tính toán trên thế giới cho thấy hàng không tăng trưởng 2 – 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng 1% GDP. Đây là bệ phóng của ngành du lịch, thu hút đầu tư, giao thương, quan hệ quốc tế….
Ở Việt Nam, ngành hàng không cũng đóng góp rất quan trọng trong việc bùng nổ du lịch, giúp đạt doanh thu hơn 30 tỷ USD trong năm 2019. Ngành hàng không Việt Nam vận chuyển 116 triệu lượt khách trong năm qua. Các doanh nghiệp hàng không trực tiếp tạo ra doanh thu khoảng 180.000 tỷ đồng và nộp ngân sách trên 20.000 tỷ đồng trong năm 2019…
Chính vì vậy, trong chỉ thị số 11, hàng không và du lịch là 1 trong 7 nhiệm vụ, giải pháp lớn Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.
Vào cuộc nhanh, giải cứu chậm!
Chính vì vai trò quan trọng của ngành hàng không nên nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan coi hàng không là một trong những công cụ chính để điều chỉnh ngành du lịch và kinh tế quốc gia. Chính phủ Thái Lan đã ngay lập tức giảm 96% thuế môi trường đối với nhiên liệu trong 7 tháng (từ 6/2/2020 đến 30/9/2020) cho các đường bay nội địa. Chính phủ nước này cũng đang xét duyệt giảm 20% - 50% phí bay qua bầu trời; giảm 50% phí cất hạ cánh, sân đỗ; giảm 30% phí sân bay cho khách hàng không nước này.
Tại Singapore, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ lên đến 4 tỷ USD trong đó bao gồm miễn giảm thuế TNDN (25% trên tổng số thuế phải đóng), đồng thời giảm chi phí cất cánh, hạ cánh, chi phí phục vụ mặt đất tại sân bay Changi.
Tại Trung Quốc, các hãng hàng không đã được Chính phủ hỗ trợ bằng tiền với mức cụ thể đối với mỗi ghế bay của từng chặng…
Ở Việt Nam, theo đánh giá của hãng hàng không, cơ quan quản lý vào cuộc khá kịp thời. Tháng trước, Cục Hàng không đã đề xuất giảm các loại phí, giảm thuế cho các hãng hàng không… Cụ thể, cơ quan quản lý, hãng hàng không và các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp hỗ trợ cho hãng hàng không: Miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với nhiên liệu bay; Giảm 70% giá đối với các khoản phí cất, hạ cánh, phí phục vụ hàng không, phí điều hành bay tại các cảng hàng không; Tạm hoãn nộp các loại thuế (thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, bảo vệ môi trường…) đến hết năm 2020; ban hành gói vay với lãi suất ưu đãi cho các hãng hàng không…
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (đơn vị đang quản lý, khai thác kinh doanh 21/22 cảng hàng không ở Việt Nam) cũng được yêu cầu rà soát, chủ động hỗ trợ, cho các hãng kéo dài thời gian thanh toán hàng hóa, dịch vụ; áp dụng mức giá thấp nhất trong khung giá, khung phí cho thuê quầy làm thủ tục, thuê mặt ở nhà ga…
Đặc biệt, để giảm chi phí đi lại cho hành khách, người dân, kích cầu hàng không, du lịch, giải pháp miễn khoản phí phục vụ và phí an toàn hàng không cho hành khách (hãng hàng không thu hộ cho các cảng hàng không) cũng đã được đề xuất và nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia kinh tế.
Nếu Nhà nước cho phép miễn phí phục vụ thì vé máy bay có thể giảm được cho hành khách khoảng 10.000 tỷ đồng/năm. Hoặc nếu được miễn giảm thuế bảo vệ môi trường, hãng hàng không sẽ tiết kiệm được khoản chi hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Đây là những khỏan hỗ trợ rất hữu ích cho các hãng hàng không.
Biện pháp giải cứu ngành hàng không đã có nhưng thực tế công tác hỗ trợ doanh nghiệp đang diễn khá chậm, dù Cục hàng không đang chạy đôn chạy đáo gõ cửa các cơ quan ban ngành. Dù phải gồng mình chịu thiệt hại đã 2 tháng và tiếp tục chịu trận vì dịch Covid-19 đang lan rộng nhưng đến nay, chưa hãng hàng không nào nhận được sự hỗ trợ trong các giải pháp nói trên.
PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, ‘cần nhận thức rõ hỗ trợ doanh nghiệp hàng không nói riêng và doanh nghiệp nói chung không phải là xin - cho, mà là Nhà nước đầu tư, nuôi dưỡng nguồn thu và để phục hồi, phát triển kinh tế’.
"Chính phủ coi chống dịch như chống giặc, ai chậm triển khai hoặc vì lợi ích nhóm mà không kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, theo tôi cần xử như quân luật. Thời chiến có thể áp dụng các biện pháp, chế tài phi thông thường (như đã làm với các đại lý đầu cơ khẩu trang).
Chúng ta đang bên bờ khủng hoảng kinh tế, hậu quả khó lường, cần phải tăng chi viện, tăng nguồn lực và cần có chế tài mạnh như quân luật trên mặt trận hàng không nói riêng và mặt trận kinh tế nói chung. Nếu không, chúng ta không phát huy được thắng lợi trên mặt trận phòng chống dịch bảo vệ sức khỏe nhân dân và sẽ thua trên mặt trận kinh tế", ông Thiên nói.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: https://baophapluat.vn/kinh-te/can-quan-luat-tren-mat-tran-hang-khong-va-kinh-te-499409.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/can-quan-luat-tren-mat-tran-hang-khong-va-kinh-te-a220831.html