Không nằm ngoài dự đoán, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang bắt đầu xu hướng sụt giảm.
Tác động từ dịch Covid-19
Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính từ đầu năm tới ngày 20/2/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 6,47 tỷ USD, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong số này, vốn đăng ký mới đạt 5 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019; vốn tăng thêm đạt 638,1 triệu USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2019. Còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 827,3 triệu USD, chỉ bằng 16% so với mức đạt được của cùng kỳ năm ngoái.
Không quá khó để lý giải về các con số này. Vốn đăng ký mới tăng nhanh trong 2 tháng đầu năm 2020 là vì Dự án Điện khí Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD. Còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần giảm mạnh là bởi, 2 tháng đầu năm 2019 có thương vụ Beerco Limited (Hồng Kông) góp vốn, mua cổ phần vào Công ty TNHH Vietnam Beverage, với trị giá lên tới 3,85 tỷ USD.
Năm nay, không có thương vụ nào lớn, nên dù số lượt góp vốn, mua cổ phần vẫn tăng 52,4%, song trị giá không lớn. Bình quân trong 2 tháng qua, quy mô góp vốn chỉ có 0,52 triệu USD/lượt góp vốn (nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân của 2 tháng năm 2019 là 5 triệu USD/lượt góp vốn).
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nếu không tính các dự án lớn trên tỷ USD (dự án đầu tư mới 4 tỷ USD tại Bạc Liêu năm 2020 và trường hợp góp vốn, mua cổ phần của Beerco vào Beverage năm 2019), thì tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 53,4% cùng kỳ năm 2019. Số lượt dự án đăng ký mới cũng như mở rộng quy mô dự án đều giảm (97,3% và 85,8% so với cùng kỳ).
“Ngoài yếu tố ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết, thì dịch Covid-19 cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến việc đi lại, cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án hiện có của nhà đầu tư nước ngoài”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Nếu phân tích riêng các con số về thu hút đầu tư nước ngoài trong tháng 2/2020, tháng mà dịch bệnh bùng phát, càng thấy sự ảnh hưởng to lớn của dịch bệnh này tới kinh tế - xã hội Việt Nam, mà cụ thể ở đây là thu hút đầu tư nước ngoài.
Tháng 2/2020, Việt Nam chỉ thu hút được 540 triệu USD vốn đăng ký mới, 304 triệu USD vốn tăng thêm và 292,5 triệu USD vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần. Tức là tính chung cả tháng, cả vốn đầu tư mới, tăng thêm, mua cổ phần chỉ đạt trên 1,13 tỷ USD. Tháng 1/2020, khoản vốn đầu tư mà Việt Nam thu hút được lên tới 5,3 tỷ USD và tính bình quân của năm ngoái, con số luôn ở mức trên 3 tỷ USD/tháng,
Nhận diện thách thức mới
Không quá khó để nhận ra, sau Tết Nguyên đán, cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khá nhiều các chuyến xúc tiến đầu tư, tìm kiếm các cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đã bị hủy bỏ. Điều này được cho là sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong vài tháng tới.
Không những vậy, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và lan rộng cũng tiếp tục ảnh hưởng tới sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc, các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Mặc dù các cửa khẩu ở Lạng Sơn đã được mở cửa trở lại từ ngày 10/2, nhưng hàng hóa được thông quan rất chậm, nên các doanh nghiệp vẫn đang thiếu nguyên vật liệu sản xuất. Ngay như Samsung cũng phải chuyển sang nhập nguyên liệu từ Hàn Quốc, chuyển về Việt Nam qua đường hàng không. Các tập đoàn lớn đều đề nghị tăng nhanh việc thông quan ở cửa khẩu”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.
Ngoài vấn đề nguyên vật liệu đầu vào, theo ông Hoàng, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn về lao động. Chính vì vậy, họ đã đề nghị phía Việt Nam nhanh chóng cho phép thay thế bằng lao động từ ngoài vùng dịch.
“Lao động đúng là vấn đề nổi cộm nhất hiện nay. Ở các doanh nghiệp lớn, như Formosa, Foxconn…, mới chỉ có khoảng 50% lao động Trung Quốc quay trở lại làm việc, thiếu rất nhiều lao động kỹ thuật. Còn nguyên liệu, chỉ những doanh nghiệp đủ mạnh mới có đủ nguyên vật liệu cho đến hết tháng 3. Còn hầu hết các doanh nghiệp khác, kể cả Foxconn, Formosa, Canon thì chỉ đủ duy trì hết tháng 2”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, trong cuộc họp mới đây, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh kiện, phụ kiện để sản xuất đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020; còn dệt may, da giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3/2020 hoặc đầu tháng 4/2020. “Khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành này phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn”, ông Hoài nói.
Mặc dù vậy, một thông tin tích cực vừa được Tờ Nikkei Asian Review đăng tải, đó là dịch Covid-19 đang khiến cả Google và Microsoft đều muốn tăng tốc chuyển sản xuất điện thoại, laptop và các thiết bị khác từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Và Việt Nam là một trong những điểm đến được ưu tiên lựa chọn.
Trên thực tế, điều này cũng đã được nhắc đến lâu nay. Tuy nhiên, điều quan trọng là Việt Nam phải có động thái và chính sách phù hợp để làm sao đón đầu được dòng vốn này.
Vốn giải ngân giảm so với cùng kỳ
Không chỉ là vốn đăng ký sụt giảm, mà vốn giải ngân cũng đã giảm so với cùng kỳ. Hai tháng đầu năm, vốn giải ngân chỉ đạt 2,45 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ. Đây là điều đã không xảy ra trong nhiều năm nay, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân luôn có xu hướng tăng so với cùng kỳ. Trong đó, vốn giải ngân trong tháng 1/2020, tháng có tới 2 kỳ nghỉ Tết, là 1,6 tỷ USD, còn vốn giải ngân trong tháng 2/2020 chỉ là 850 triệu USD, giảm tốc khá mạnh so với tháng trước.
Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/thu-hut-fdi-truoc-thu-thach-moi.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/thu-hut-fdi-truoc-thu-thach-moi-a220518.html