(Pháp lý) - Giao kết JEDI giữa Lầu Năm Góc và Microsoft để thực hiện một dự án cung cấp dịch vụ nhằm hiện đại hóa công nghệ trong hoạt động công. Tuy nhiên, gần đây dự án trên đã bị Tập đoàn Amazon đệ đơn kiện lên Tòa án Liên bang Mỹ. Và giao kết bị tạm đình chỉ thực hiện do quyết định phong tỏa thực hiện hợp đồng của thẩm phán Liên bang. Điều đó cho thấy, bất cứ sự thiếu minh bạch nào trong quan hệ kinh tế cũng đều bị xem xét, không có vùng cấm.
Dự án hợp tác công tư về công nghệ
Sự việc bắt đầu bằng việc Lầu Năm Góc tìm doanh nghiệp để kí hợp đồng cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trị giá lên tới 10 tỉ USD và sẽ kéo dài 10 năm. Hợp đồng quân sự này nằm trong dự án đầu tư có tên Joint Enterprise Defense Infrastructure (JEDI). JEDI tạm hiểu là dự án hạ tầng dữ liệu đám mây chung do doanh nghiệp tạo ra, lưu trữ và cung cấp cho quốc phòng. Thực hiện dự án JEDI là việc việc chuyển dữ liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ cho một doanh nghiệp duy nhất thắng thầu, giúp dễ quản lý hơn và bảo mật tốt hơn.
Dự án này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin của Lầu Năm Góc. Hợp đồng công tư này hứa hẹn mang lại giá trị to lớn cho nền tảng phát triển của hai bên đối tác về kinh tế thương mại và đặc biệt là về an ninh Hoa Kỳ nếu các bên cùng thống nhất mục tiêu trong nội dung giao dịch.
Khi tìm đối tác cho dự án JEDI, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận được hàng loạt những ứng cứ viên nặng kí về công nghệ như: Amazon Web Services, IBM, Microsoft, Oracle, Google ứng cử.
Trong giai đoạn sơ tuyển, Amazon và Microsoft được Bộ Quốc phòng Mỹ lựa chọn để tiếp tục là hai đơn vị đấu thầu gói dịch vụ điện toán đám mây trị giá lên đến 10 tỉ USD cho Lầu Năm Góc. Amazon đã thống trị thị trường điện toán đám mây từ lâu với 45% thị phần trong khi Microsoft bám theo sau với 25% thị phần. Hai doanh nghiệp này là diện mạo của ngành công nghiệp điện toán đám mây khi mà ngày một nhiều các doanh nghiệp thuê không gian máy chủ để có thể truy xuất nhanh hơn và tiết kiệm hơn vào dữ liệu cũng như khai thác năng lực tính toán của nền tảng này.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng, Elissa Smith, thông báo: "Chúng tôi xác nhận Amazon Web Service và Microsoft là những công ty đáp ứng được yêu cầu tối thiểu được đưa ra".
Để tránh những nguy cơ đổ bể hợp đồng hợp tác công tư giữa các đơn vị trên, đã có những thận trọng nhất định trong việc lựa chọn đối tác. Lí do vì đây là hợp đồng có quy mô lớn và khó để đạt được thỏa thuận, có nguy cơ kiện tụng và bị điều tra.
Sau một thời gian tuyển lựa thận trọng, ngày 25/10, Lầu Năm Góc thông báo đã chọn Microsoft cho dự án cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trị giá 10 tỷ USD.
Tuy nhiên chiến thắng của Microsoft đã khiến Amazon bất bình và khiếu nại. Bà Smith cho biết thanh tra của Bộ Quốc phòng đã phải điều tra sự vụ này. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy: Không phát hiện những xung đột lợi ích có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sự minh bạch. Cuộc đấu thầu đã được thực hiện theo luật pháp và quy định hiện hành. Tất cả các nhà cung cấp đều được đối xử công bằng và được đánh giá nhất quán với các tiêu chí đã nêu.
Tòa án xem xét một quan hệ đối tác công tư khi thấy dấu hiệu phạm luật
Sau khi Microsrt được chọn, Thanh tra Bộ Quốc Phòng Mỹ từ chối xem xét khiếu nại. Ngày 23/11, Tập đoàn Amazon đã đệ đơn kiện lên Tòa án Liên bang Mỹ để giải quyết tranh chấp liên quan đến quyết định của Lầu Năm Góc trao hợp đồng điện toán đám mây “béo bở” cho đối thủ Microsoft.
Người phát ngôn của Amazon Web Services xác nhận rằng vụ kiện đã được đệ trình lên Tòa án Liên bang Mỹ.
Việc khiếu kiện của Amazon là hành vi hoàn toàn bình thường khi nhìn nhận dưới góc độ lợi ích kinh tế to lớn mà nhà đầu tư bị mất. Họ vừa bị mất một cơ hội đầu tư cũng như nguồn lợi không lồ trong gói 10 tỉ USD và danh tiếng. Cụ thể, Amazon là Tập đoàn đang thành công vang dội và giữ vị thế dẫn đầu. Doanh thu mà Amazon thu về từ các hợp đồng chính phủ liên bang vào năm 2014 là 200 triệu USD nhưng đến nay đã là 2 tỉ USD, chủ yếu đến từ CIA và các tổ chức tính báo khác thì việc để thua đấu thầu sẽ tác động đến danh tiếng của Amazon.
Ngày 13/2, một thẩm phán liên bang Mỹ đã ra lệnh tạm thời phong tỏa một hợp đồng lớn mà Lầu Năm Góc trao cho hãng Microsoft sau khi Tập đoàn Amazon đệ đơn kiện Bộ Quốc phòng Mỹ "ưu ái" Microsoft.
Thẩm phán Patricia Campbell-Smith đã cấm Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu thực hiện hợp đồng điện toán đám mây có tên gọi Cơ sở hạ tầng quốc phòng doanh nghiệp chung (JEDI).
Chi tiết của phán quyết không được công bố do có lệnh của tòa án. Tuy nhiên, để có được phán quyết này, Amazon đã phải chấp nhận nộp 42 triệu USD để trả bất cứ chi phí hay thiệt hại nào nếu sau này phán quyết của tòa án được xác định là sai trái.
Vụ việc trên đã cho thấy, các chính sách dài hạn của hành pháp cũng có thể bị cân nhắc trong trình tự tư pháp liên bang. Theo đó, Tòa Liên Bang Hoa Kỳ có quyền xét hành vi, quyết định hành pháp nếu có đầy đủ dấu hiệu phạm pháp hoặc vi Hiến. Tòa án có quyền ngừng việc thực hiện hợp tác của các bên để xem xét lại tính minh bạch của hoạt động hợp tác và yêu cầu đúng đắn từ các bên có giao kết trong JEDI (Trong vụ việc là Amazon yêu cầu xem xét tính đúng đắn của việc hợp tác giữa Lầu Năm Góc và Microsoft).
Tập đoàn Amazon cho rằng nguyên nhân mất hợp đồng trên do chủ sở hữu của tập đoàn này là ông Jeff Bezos - người cũng sở hữu tờ báo Washington Post, đã đưa ra nhiều lời chỉ trích nhằm vào Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã phủ nhận việc chính trị đóng vai trò trong quyết định trong trường hợp này. Bởi vậy, việc dừng thực hiện việc hợp tác còn để làm rõ có hay không yếu tố vụ lợi – tham nhũng hay hành vi cản trở công lý từ chính sự hợp tác này.
Các vấn đề kinh tế và tư pháp quốc tế , Doanh nghiệp cần lưu ý
Từ những vấn đề phát sinh trong giao kết JEDI, có thể thấy các vấn đề kinh tế và tư pháp quốc tế. Nhất là vụ việc lại diễn ra ở Mỹ, một nền kinh tế lớn nhất thế giới, mỗi động thái của nền kinh tế Mỹ có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
Thứ nhất: Các hoạt động hợp tác công tư của Mỹ như hợp tác trong dự án JEDI là chiến lược dài hạn trong nền kinh tế của Mỹ. Theo đó, chiến lược đó là tiên phong trong công nghệ, bảo hộ và cùng nhau tạo ra nền tảng mới trong quản trị công.
Thứ hai: Không có “vùng cấm” trong việc xét lại sự hợp tác công tư. Các giao dịch trong hoạt động công cộng và kể cả thương mại cũng luôn được xem xét, giám sát đánh giá lại tính đúng đắn, bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật. Ở Mỹ, ngay cả người đứng đầu hành pháp là Tổng thống và cơ quan quyền lực như Bộ Quốc Phòng cũng có thể bị xét trách nhiệm nếu có đầy đủ bằng chứng kết tội khi vi phạm pháp luật trong hoạt động của mình.
Thứ ba: Các hợp đồng thương mại luôn được xem xét thấu đáo bởi cơ quan tư pháp. Ở Mỹ, Tòa án sử dụng án lệ. Những vấn đề pháp lý trong giao dịch JEDI có thể trở thành án lệ tố tụng để đánh giá các quan hệ, giao dịch tương tương tự sau này…
Khi tìm đối tác cho dự án JEDI, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận được hàng loạt những ứng cứ viên nặng kí về công nghệ như: Amazon Web Services, IBM, Microsoft, Oracle, Google ứng cử.
----------------------------------
Theo luật pháp của Mỹ, Tòa Liên Bang Hoa Kỳ có quyền xét hành vi, quyết định hành pháp nếu có đầy đủ dấu hiệu phạm pháp hoặc vi Hiến. Tòa án có quyền ngừng việc thực hiện hợp tác kinh tế của các bên để xem xét lại tính minh bạch của hoạt động hợp tác và yêu cầu đúng đắn từ các bên có giao kết trong các giao kết kinh tế, kể cả các hợp tác công tư. (Trong vụ việc là Amazon yêu cầu Tòa án xem xét tính đúng đắn của việc hợp tác giữa Lầu Năm Góc và Microsoft).
Trần Văn Lượng
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-van-de-phap-ly-trong-giao-ket-jedi-giua-lau-nam-goc-va-microsoft-co-the-tro-thanh-an-le-a220143.html