“Nếu có việc kỳ thị sản phụ người Vĩnh Phúc thì phải xử lý nghiêm, thậm chí thu hồi giấy phép”

(Pháp lý) – Đó là quan điểm Phó CT Hội luật gia TP HCM – LG. Nguyễn Văn Hậu khi bình luận về trường hợp của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc bị tố “kỳ thị” sản phụ người Vĩnh Phúc giữa dịch bệnh Covid-19.

Nhiều người tỏ ra vô cùng bức xúc trước thông tin bênh viện “kỳ thị” sản phụ người Vĩnh Phúc

Ngày 17/2, cộng đồng mạng xã hội faceboook vô cùng bức xúc trước thông tin hai sản phụ, được cho là người dân ở Vĩnh Phúc đến Bệnh Viện Đa Khoa Quốc Tế Thu Cúc để chuẩn bị sinh, nhưng sau khi bệnh viện tư vấn lại từ chối tiếp nhận.

Thông tin tố bệnh viện Thu Cúc bị tố kỳ thị sản phụ người Vĩnh Phúc được lan truyền trên mạng xã hội facebook.

Theo đó, thông tin được Facebook có nickname L.T được cho là chồng của một sản phụ đến từ Vĩnh phúc chia sẻ rằng: “Chạy lòng vòng không nhận người Vĩnh Phúc thì bảo ngay từ sáng, để vợ mình bụng to bắt ngồi từ sáng đến chiều dẫn đi các kiểu… mình và một gia đình nữa rất bức xúc luôn”.

Theo anh T., mặc dù bệnh viện Thu Cúc từ chối và không tiếp nhận sản phụ, nhưng ban đầu vào bệnh viện vẫn làm các thủ tục tư vấn và yêu cầu gia đình đóng khoản tiền khoản tiền 42 triệu đồng.

“Bác sỹ coi thường, không hỏi han câu gì thu hết 42.000.000 đồng quá bực mình. Ai định đẻ thì tránh BV Thu Cúc ra nhé”, anh T. viết với tâm trạng bức xúc.

Trong khi đó, nickname N.K.O nhận mình là sản phụ còn lại đến từ Vĩnh Phúc cũng viết trên trang cá nhân facebook của mình với dòng trạng thái bức xúc tương tự rằng: “Lần đầu và cũng là lần cuối nhé, chỉ định mổ cấp cứu rồi đến phút chót đuổi về vì là người Vĩnh Phúc. Thế mà bảo không kỳ thị à? Bệnh viện làm ăn thất đức, lúc tư vấn cầm cả cục tiền thì nhanh thế? Về Vĩnh Phúc đẻ cho vui vẻ”.

Sản phụ N.K.O khẳng định lại một lần nữa bị BV Thu Cúc từ chối do là người Vĩnh Phúc.

Liên quan đến thông tin trên, sáng ngày 18/2, PV Pháp Lý đã liên hệ với Bà Thoa đại diện truyền thông bệnh viện Thu Cúc để tìm hiểu sự việc. Bà Thoa cho biết, phía bệnh viện đã tiếp nhận được thông tin lan truyền trên mạng xã hội và đã họp ngay bộ phận chuyên môn trong sáng nay.

Vị này cho biết thêm, phía bệnh viện đã liên hệ lại với đại diện hai gia đình sản phụ để trao đổi.“Đây chỉ là hiểu lầm. Sau khi nghe giải thích chuyên khoa rõ hơn thì gia đình hai sản phụ đã rất vui vẻ và gỡ các thông tin trên mạng xã hội”, bà Thoa nói.

Tuy nhiên, vụ việc liên tục được rất nhiều ý kiến tranh luận. Hầu hết, mọi người đều cho rằng nếu sự việc đúng như các thông tin chia sẻ thì nên “tẩy chay” Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc.

“Nếu thực sự có việc từ chối, kỳ thị sản phụ người Vĩnh Phúc thì phải xử lý nghiêm, thậm chí thu hồi giấy phép”

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia Tp Hồ Chí Minh cho rằng, hành vi từ chối tiếp nhận người bệnh là hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng. Đây là một hành vi bị nghiêm cấm và đã được quy định rất rõ tại khoản 1, Điều 6, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) 2009.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia Tp Hồ Chí Minh trao đổi với PV Pháp Lý

Theo đó, những hành vi nghiêm cấm quy đinh tại Điều 6 luật bao gồm: Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh; Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu; Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hoạt động; Người hành nghề bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ bác sỹ đông y, y sỹ đông y, lương y và người có bài thuốc gia truyền; Áp dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành trong khám bệnh, chữa bệnh; Quảng cáo không đúng với khả năng, trình độ chuyên môn hoặc quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động; lợi dụng kiến thức y học cổ truyền hoặc kiến thức y khoa khác để quảng cáo gian dối về phương pháp chữa bệnh, thuốc chữa bệnh; Sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh; Người hành nghề sử dụng rượu, bia, thuốc lá hoặc có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi khám bệnh, chữa bệnh; Vi phạm quyền của người bệnh; không tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; lạm dụng nghề nghiệp để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người bệnh; tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh; Gây tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người hành nghề; Ngăn cản người bệnh thuộc diện chữa bệnh bắt buộc vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cố ý thực hiện chữa bệnh bắt buộc đối với người không thuộc diện chữa bệnh bắt buộc; Cán bộ, công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước; Đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám bệnh, chữa bệnh.

Luật sư Hậu cho biết thêm, theo Điều 32 Luật KBCB thì người hành nghề chỉ được từ chối khám chữa bệnh trong 2 trường hợp. Thứ nhất, khi trong quá trình khám chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình. Thứ hai, được từ chối nếu việc khám chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc trái đạo đức nghề nghiệp.

Cá nhân, tổ chức có hành vi từ chối khám chữa bệnh cho người bệnh (không thuộc trường hợp được quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật) có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo quy định tại điểm e khoản 5 Điều 28, Nghị định 173/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Cũng theo quy định của luật này, một trong những nguyên tắc cơ bản đầu tiên trong các nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh mà người, tổ chức hành nghề buộc phải tuân thủ là nguyên tắc “Bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh” được quy định rõ tại khoản 1 Điều 3 Luật khám chữa bệnh 2009.

Trong khi hiện nay, cả thế giới đang gồng mình chống trọi với dich bệnh, việc có thái độ “kỳ thị”, từ chối tiếp nhận người bệnh đến từ địa phương có dịch không những vi phạm quy định pháp luật về khám chữa bện mà còn vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc đạo đức nghề nghệp gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội cần phải xử lý nghiêm.

Đề nghị cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ. Nếu thực sự có việc bệnh viện này kỳ thị, từ chối bệnh nhân người Vĩnh Phúc như thông tin lan truyền trên mạng xã hội facebook thì phải xử lý nghiêm thậm chí thu hồi giấy phép. Luật sư Hậu nói.

Đinh chiến

Link nội dung: https://phaply.net.vn/neu-co-viec-ky-thi-san-phu-nguoi-vinh-phuc-thi-phai-xu-ly-nghiem-tham-chi-thu-hoi-giay-phep-a220109.html