(Pháp lý) – Thời gian gần đây, nổi nên hiện tượng nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh, sự khan hiếm của thị trường… thu gom, găm trữ, tăng giá bán gấp nhiều lần một số mặt hàng thiết yếu, thu lợi bất chính. Tuy thực tế nhiều cơ sở kinh doanh đã bị các cơ quan chức năng xử phạt hành chính , nhưng dư luận vẫn không tâm phục khẩu phục. Họ cho rằng cần thiết phải xử lý hình sự mới có tác dụng răn đe. Các chuyên gia cho rằng hành vi này có dấu hiệu của tội “Đầu cơ” theo Điều 196 Bộ luật Hình sự (BLHS). Vậy nguyên nhân là do đâu? phải chăng do xuất phát từ các quy định của pháp luật còn có bất cập, dẫn đến việc khó xử lý triệt các hành vi này?
Từ nhu yếu phẩm y tế phục vụ phòng dịch…
Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi do virus Corona (Covid – 19), nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch, đặc biệt là khẩu trang y tế, nước sát khuẩn của người dân tăng cao. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thiết bị y tế có hành vi thu gom hàng, tăng giá bán thu lợi bất chính, làm rối loạn thị trường. Cơ quan chức năng đã tích cực kiểm tra, giám sát và xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm. Song tình trạng khan hiếm và đầu cơ, găm hàng, nâng giá khẩu trang vẫn diễn ra khá phổ biến.
Theo ông Trần Hữu Linh, tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết hành vi vi phạm chủ yếu là găm hàng, không niêm yết giá, nâng giá bất hợp lý.
Tại TP.HCM, một số nhà thuốc và chuỗi cửa hàng tiện lợi đều thông báo hết khẩu trang, nhưng quan kiểm tra cơ quan chức năng lại phát hiện một số lượng lớn khẩu trang với 150.000 cái vận chuyển cho khách để xuất đi nước ngoài.
Tại Hà Nội, Công an quận Đống Đa (TP. Hà Nội) cho biết, đơn vị đang phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội xử lý hai vụ gom hơn 77.000 chiếc khẩu trang bán giá cao nhiều lần.
Đội An ninh và Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Đống Đa) cho biết, bước đầu chủ lô hàng đã xuất trình được giấy tờ, hóa đơn của lô hàng, tuy nhiên người này cũng thừa nhận gom hàng, bán giá cao nhiều lần bình thường.
Thông tin từ Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công thương) cho biết, chỉ tính riêng trong ngày 16/2, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát 76 cơ sở kinh doanh, sản xuất thiết bị y tế, trong đó xử phạt 13 cơ sở với số tiền hơn 9 triệu đồng, tạm giữ trên 100.000 chiếc khẩu trang vi phạm.
Cộng dồn từ ngày 31/1 đến 16/2, lực lượng QLTT đã kiểm tra, giám sát, xử lý 4.495 vụ.
…Cho đến thực phẩm thiết yếu như thịt lợn
Trước đó, trong nửa cuối năm 2019, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi mặt bằng giá thịt lợn trong nước chịu áp lực lớn do thiếu hụt nguồn cung. Bên cạnh đó, việc kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế lưu chuyển heo thịt và thịt heo giữa các địa phương đã gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt heo tăng cục bộ, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường xuất hiện hiện tượng găm thịt lợn để tăng giá giá bán.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 25/12/2019, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết qua kiểm tra, có hiện tượng găm thịt lợn để tăng giá. Như ở Bắc Giang, Hưng Yên, giá lợn 140.000-170.000 đồng/kg nhưng người chăn nuôi chưa bán.
Trước tình trạng đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ NN&PTNT tăng cường kiểm soát dịch bệnh, tái đàn lợn an toàn sinh học, tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm soát để lưu thông tốt thịt lợn giữa các địa phương, kiểm soát chặt buôn bán lợn, thịt lợn qua biên giới; có giải pháp dự phòng cung ứng thịt cho Tết Canh Tý và cả sau Tết.
“Đặc biệt, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng cường thêm cung cấp thông tin từ cơ sở”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Các đối tượng cố tình găm hàng, tăng giá thu lợi bất chính, vì sao chưa bị xử lý tội “Đầu cơ” ?
Trao đổi với PV Pháp lý, tiến sĩ Đinh Thế Hưng (Trưởng Phòng Tư pháp Hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, trong thực tế có rất nhiều hành vi thu gom, tích trữ hàng hóa chờ giá cao để bán ra thị trường có dấu hiệu của tội “Đầu cơ”. Đặc biệt, hiện tượng nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thiết bị y tế có hành vi thu gom hàng, tăng giá bán mặt hàng khẩu trang vừa qua. Song, để có thể xử lý hình sự các đối tượng này về tội đầu cơ theo quy định của (BLHS) là rất khó.
Bởi, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người nào đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải xác định hành vi của họ có thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể (bao gồm: khách thể, mặt khách quan, chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm) được quy định trong Bộ luật hình sự.
Cụ thể trong trường hợp này đối với tội “Đầu cơ” quy định tại Điều 196 BLHS, cơ quan chức năng phải chứng minh được hành vi thu gom, tích trữ hàng hóa sau đó bán ra với giá cao thỏa mãn các điều kiện:
Khách thể: là trật tự quản lý kinh tế, cụ thể là trật tự quản lý việc lưu thông hàng hóa, chống đầu cơ trục lợi và xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Đối tượng tác động của tội phạm là hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá, trừ những hàng hóa vật phẩm là đối tượng tác động của các tội phạm khác đã được quy định thành tội phạm riêng.
Mặt khách quan: Có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa một cách giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế để mua vét hàng hóa (được coi là khan hiếm) có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính.
Số lượng hàng hóa phải là có số lượng lớn. Nếu số lượng không lớn thì không đủ yếu tố cấu thành tội này. Việc có bán lại hàng hóa hay chưa, có thu lợi hay chưa không phải là dấu hiệu cấu thành bắt buộc.
Gây hậu quả nghiêm trọng: Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản. Việc mua vét hàng hóa bán lại nhằm thu lợi bất chính như nêu trên mà không gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc gây hậu quả nghiêm trọng ở đây được thể hiện như làm rối loạn thị trường, đẩy giá cả tăng vọt dẫn đến Nhà nước không kiểm soát được; làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, gây hoang mang lo sợ trong một bộ phận nhân dân hoặc gây chết nhiều người do không đủ điều kiện để khắc phục tình trạng dịch bệnh …
Thực tế, để chứng minh được đầy đủ các yếu tố này rất khó như đối với khẩu trang y tế vừa qua dù chứng minh được các đối tượng này lợi dụng tình hình dịch bệnh thu gom, găm hàng khẩu trang, tăng giá bán thu lợi bất chính. Nhưng các mặt hàng này lại không thuộc đối tượng hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá.
Hay đối với thịt lợn, lợi dụng tình hình khan hiếm nhiều cơ sở cố tình găm hàng đẩy giá cao nhưng không thể chứng minh được yếu tố trục lợi bởi không kiểu soát được giá đầu vào, đầu ra. “Người ta nói mua vào giá cao thì phải bán ra với giá cao thì chứng minh kiểu gì?” Ts Hưng chia sẻ.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Vp Luật sư Chính Pháp) cho rằng: tội Đầu cơ không phải là tội mới trong Bộ luật hình sự. Trước đây Bộ luật Hình sự năm 1985, Bộ luật Hình sự 1999 cũng đã quy định về tội danh này.
Hiện nay, tội Đầu cơ được quy định điều 196 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…
Như vậy, về mặt chủ thể của tội danh này thì không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Một điểm mới của BLHS 2015 là pháp nhân thương mại cũng có thể là chủ thể của tội danh này. Bởi vậy hiện nay tội danh này sẽ xử lý cả đối với cả nhân và pháp nhân thương mại.
Hành vi đầu cơ theo quy định Bộ luật Hình sự 2015 bao gồm các hành vi sau đây:
Lợi dụng tình trạng khan hiếm hoặc tạo ra khan hiếm giả tạo trong tình hình chiến tranh, đói nghèo, dịch bệnh hoặc tình trạng kinh tế khó khắn để mua vét hàng hóa nhằm bán lại với giá cao và thu lợi bất chính. Trong đó, lợi dụng tình trạng khan hiếm. Được hiểu là trong tình hình cụ thể như chiến tranh,dịch bệnh hay trong tình trạng kinh tế khó khắn, một số mặt hàng trở nên khan hiếm ( ví dụ như trong một đợt dịch lớn thì loại thuốc kháng sinh trở nên khan hiếm vì không đủ cung cấp , điều trị cho người dân), dẫn đến khan hiếm. Người phạm tội đã lợi dụng tình hình đó, mua lại với số lượng lớn sau đó bán lại với giá cao hơn nhằm thu lợi bất chính.
Tạo ra sự khan hiếm giả tạo. Được hiểu là trong tình trạng chiến tranh, dịch bệnh hay tình hình kinh tế khó khăn, mặc dù mặt hàng đó là cần thiết ( nhưng chưa đến mức cạn kiệt và khan hiếm) nhưng người phạm tội đã lợi dụng tình hình đó thu mua hàng hóa với số lượng lớn, tích trữ để tạo ra sự khan hiếm giả tạo và sau đó bán ra với giá thành cao nhằm thu lợi.
Mua vét là hành vi mua hàng với số lượng lớn sau đó bán ra với giá cao hoặc đẩy giá lên cao nhằm thu lợi bất chính.
Như vậy, có thể thấy có ba hành vi điển hình của hành vi đâu cơ, lợi dụng tình trạng đặc biệt trong xã hội (thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh…) và thực hiện một trong ba hành vi này dẫn đến hệ quả tạo ra sự khan hiếm của thị trường, khó khăn của tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận với một số mặt hàng nhất định gây ảnh hưởng tới đời sống xã hội.
Theo Ls Đặng Văn Cường, vấn đề quan trọng của tội danh này là đối tượng mà hành vi phạm tội hướng tới đã thu hẹp dần qua các thời kỳ. So với Điều 160 BLHS năm 1999, thì không phải mọi hàng hóa đều thuộc phạm vi điều chỉnh của điều luật này. Chỉ có một số loại hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được nhà nước định giá, mà người nào đầu cơ các loại hàng hóa này thì mới vi phạm pháp luật. Chỉ có các loại hàng hóa này thì mới bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015.
Đối tượng là những loại hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá. Ví dụ: lúa, gạo, muối, xăng dầu, xi măng, thép xây dựng… Danh mục hàng hóa bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá được quy định theo Luật Giá và các văn bản hướng dẫn.
Như vậy, các quy định pháp luật đã có sự thay đổi về đối tượng tác động. Thời kỳ trước đây, thời bao cấp và thời kỳ đầu đổi mới thì đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, các loại hàng hoá được phép lưu thông trên thị trường còn ít, nguồn cung hàng hóa không rồi rào nên hành vi đầu cơ với bất cứ loại hàng hoá nào được lưu thông trên thị trường thì cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Còn theo quy định BLHS sự hiện nay thì chỉ có những hàng hóa quan trọng, thiết yếu của cuộc sống thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa nhà nước quy định giá thì mới cấm các hoạt động đâu cơ. Còn hành vi mua gom, mua vét, tăng giá, tạo ra sự khác hiếm hoặc lợi dụng sự khác điểm của thị trường để tăng giá hàng hóa đối với các loại hàng hóa không thuộc các hàng hóa quy định tại điều 196 BLHS thì là hành vi đầu cơ nhưng không bị xử lý bằng chế tài của pháp luật hình sự.
Đối với khẩu trang và cồn y tế thì hiện nay các loại hàng hóa này là vật tư y tế, không phải là nhu yếu phẩm thiết yếu trong đời sống hằng ngày, không thuộc loại hàng hoá trong danh mục hàng hóa bình ổn giá, cũng không thuộc loại hàng hóa nhà nước định giá nên hành vi đâu cơ các loại hàng hóa này không có phạm vi xử lý hình sự. Hàng hóa này chỉ là loại hàng hóa phải niêm yết giá bán tại nơi bán hàng. Hành vi không niêm yết giá hoặc bán giá không đúng niêm yết sẽ bị xử phạt hành chính. Đây là vấn đề quan trọng dẫn đến khó khăn trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi đầu cơ các loại mặt hàng này.
Tuy nhiên, chưa bao giờ có loại dịch bệnh nào lại bùng phát, lan nhanh và nguy hiểm như Covid- 19, dịch bệnh này bắt nguồn từ Trung Quốc, một nước láng giềng của nước ta và đã nhanh chóng lan nhanh sang nước ta. Trước tình hình đó, Chính Phủ đã công bố tình trạng dịch bệnh, một xã thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã được xác định là nơi có ổ dịch bệnh và đã được tổ chức cách ly… Trên tinh thần của Chính phủ là chống dịch như chống giặc, Phó Thủ tướng chính phủ và các lãnh đạo trung ương, nhiều địa phương đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt đối với việc nâng giá khẩu trang, vật tư y tế trái quy định, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm bằng các chế tài hành chính, thậm chí hình sự và tước giấy phép… Như vậy, đến nay theo chỉ đạo của trung ương thì khẩu trang y tế được xác định là hàng thiết yếu trong giai đoạn hiện nay, nghiêm cấm tăng giá loại mặt hàng này.
Để có cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý hình sự về tội đầu cơ , theo Ls Đặng Văn Cường nhà nước cần sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật để quy định, bổ sung loại hàng hóa này vào loại mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá hoặc quy định giá đối với mặt hàng này thì mới đủ căn cứ pháp lý vững chắc để xử lý hình sự về tội đầu cơ.
Trước mắt, khi chưa kịp bổ sung bằng các văn bản luật hoặc văn bản dưới luật loại mặt hàng này là hàng bình ổn giá hoặc hàng nhà nước quy định giá để thuộc đối tượng điều chỉnh của điều 196 BLHS thì vẫn có thể xem xét xử lý hành chính là phạt tiền, đồng thời có thể áp dụng biện pháp hành chính cao nhất là tước giấy phép hành nghề, giấy phép hoạt động của cơ sở kinh doanh loại mặt hàng này. Ngoài ra, các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, buôn lậu qua biên giới cũng có thể áp dụng các chế tài hình sự hiện hành để xử lý với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Ngoài việc củng cố, hoàn thiện các loại chế tài hành chính và hình sự để xử lý với các đối tượng vi phạm thì cơ quan chức năng có thể vận dụng các quy phạm pháp luật khác để xử lý đối với các trường hợp vi phạm như thế này. Ls Đặng Văn Cường kiến nghị.
Đinh Chiến
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-vu-khau-trang-y-te-den-gia-thit-lon-chuyen-gia-ly-giai-vi-sao-chua-xu-ly-toi-dau-co-a220090.html