Những chính sách mới ảnh hưởng đến hoạt động môi trường và kinh doanh BĐS, vận tải, thanh toán mới…

(Pháp lý) - Nhiều chính sách mới có hiệu lực trong tuần qua tác động rộng rãi đến những “ngành nóng” như môi trường, kinh doanh bất động sản, vận tải, rượu , và các hoạt động thanh toán mới…

Hướng dẫn cấp giấy chứng nhận cho căn hộ du lịch Condotel

Ngày 14/02/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành hướng dẫn việc cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở (căn hộ du lịch Condotel, biệt thự du lịch) tại Công văn 703/BTNMT-TCQLĐĐ.

Về việc cấp Giấy chứng nhận, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn dựa trên cơ sở các quy định đã có.

Hướng dẫn cụ thể liên quan đến căn hộ Condotel được hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của loại hình kinh doanh bất động sản mới này (ảnh minh họa)

Trường hợp các dự án có công trình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch đủ điều kiện được chuyển nhượng, việc chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ) cho bên nhận chuyển nhượng thực hiện theo quy định tại Điều 32 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 22 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP.

Về trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận được quy định tại Điều 70, Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Điều 8, Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT; khoản 8 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT.

Bộ cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành rà soát các dự án đầu tư đã được phê duyệt và việc thực hiện giao đất, cho thuê đất của từng dự án để xác định mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và không làm thay đổi quy mô, mục tiêu, quy hoạch của dự án.

Những chính sách liên quan đến cấp giấy chứng nhận cho căn hộ du lịch Condotel hứa hẹn sẽ tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này, thúc đẩy hình thức kinh doanh bất động sản trên phát triển lành mạnh.

Áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành văn bản số 727/NHNN – TT về việc áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán.

Chính sách mới về thanh toán nhằm hạn chế tiêu tiền mặt (ảnh minh họa)

Theo nội dung của văn bản trên, nhằm triển khai các giải pháp về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với dịch vụ công theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ, Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã xây dựng Chương trình miễn, giảm phí dịch vụ, gồm: Miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến (online) các dịch vụ công (dự kiến áp dụng đến hết tháng 12/2020); Giảm phí chuyển mạch đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 đồng/giao dịch trở xuống) từ 1.800 đồng/giao dịch xuống 500 đồng/giao dịch (dự kiến áp dụng từ ngày 25/2/2020).

Để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, phù hợp với Chương trình miễn, giảm phí của NAPAS, cụ thể:

Miễn phí đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến (online) các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương.

Giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ cho người sử dụng dịch vụ: Thời gian áp dụng, mức phí giảm tối thiểu tương đương với thời gian, mức phí giảm mà NAPAS áp dụng đối với các ngân hàng thành viên (1.300 đồng/giao dịch); khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện mức phí giảm lớn hơn mức phí giảm của NAPAS nhằm hỗ trợ thị trường, thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ.

Nội dung của văn bản cũng nêu rõ, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phản ánh kịp thời về NHNN (qua Vụ Thanh toán) để theo dõi, tổng hợp và phối hợp ngiên cứu, xử lý.

Rút Giấy phép công ty nhập ô tô chứa bản đồ vi phạm chủ quyền

Mới đây, Nghị định 17/2020/NĐ-CP đã ra đời nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Rút giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chứa bản đồ vi phạm chủ quyền (ảnh minh họa)

Theo Nghị định này, doanh nghiệp nhập khẩu và tạm nhập ô tô có phần mềm thiết bị định vị chứa bản đồ vi phạm chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước CHXHCN Việt Nam sẽ bị tạm dừng hiệu lực hoặc bị thu hồi Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô.
Tuy nhiên, trong vòng 06 tháng kể từ ngày bị tạm dừng hiệu lực Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, nếu doanh nghiệp khắc phục hoàn toàn vi phạm sẽ được xem xét hủy bỏ việc tạm dừng hiệu lực Giấy phép.

Ngoài ra, Nghị định này cũng bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Cụ thể, doanh nghiệp muốn được cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô sẽ không cần phải đáp ứng các yêu cầu sau kể từ ngày 05/02/2020:

- Có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

- Đáp ứng đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy;

- Có đủ các hồ sơ về bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 7 Nghị định 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 quy định 05 điều kiện doanh nghiệp cần đáp ứng để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô; nay Nghị định 17/2020/NĐ-CP bãi bỏ những điều kiện sau:

- Người phụ trách kỹ thuật các dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô phải có trình độ đại học trở lên, thuộc ngành cơ khí, ô tô và có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô tối thiểu 05 năm.

- Có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

- Đáp ứng đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy.

- Có đủ các hồ sơ về bảo vệ môi trường đối với nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nghị định 17/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 22/3/2020, các quy định về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 05/02/2020.

Điều kiện kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ

Cũng tại Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5/2/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Chính phủ đã bổ sung một chương quy định về kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ.

Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5/2/2020 đã bổ sung một chương quy định về kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ (ảnh minh họa)

Theo Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, điều kiện sản xuất rượu có độ cồn dưới 5,5 độ gồm:

Một là, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.

Hai là, tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Ba là, đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở sản xuất. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.

Nghị định quy định cụ thể về điều kiện nhập khẩu rượu có độ cồn dưới 5,5 độ. Theo đó, để nhập khẩu rượu có độ cồn dưới 5,5 độ, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Đồng thời, rượu chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế; Đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi thương nhân đặt trụ sở chính trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.

Nghị định số 17/2020/NĐ-CP nêu rõ, điều kiện bán rượu có độ cồn dưới 5,5 độ gồm: doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; Đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở kinh doanh trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.

Nghị định cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ. Theo đó, thương nhân được nhập khẩu, mua, bán rượu có nguồn gốc hợp pháp; Đảm bảo thời hạn sử dụng của sản phẩm rượu theo công bố của cơ sở sản xuất; Thực hiện trách nhiệm theo quy định Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định khác của pháp luật. Không phải thực hiện dán tem rượu theo quy định.

Quy định mới trong kinh doanh taxi, xe khách

Các điều kiện trong kinh doanh vận tải bằng ô tô sẽ chặt chẽ hơn, buộc doanh nghiệp (DN) vận tải phải tăng thêm chi phí, nhưng bù lại sẽ đảm bảo công bằng, minh bạch hơn. Đó là những quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô sẽ có hiệu lực vào ngày 1/4/2020, thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP.

Nghị định thay thế Nghị định 86 với nhiều điểm mới để quản lý thị trường kinh doanh vận tải (ảnh minh họa)

Điểm mới của Nghị định số 10/2020 là hoạt động taxi công nghệ khi kết thúc chuyến đi, DN, hợp tác xã sử dụng phần mềm tính tiền phải gửi (qua phần mềm) hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời, gửi về cơ quan thuế các thông tin của hóa đơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Theo nghị định mới, trường hợp xe taxi phải dán cố định cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe, kích thước tối thiểu của cụm từ “XE TAXI” là 6cm x 20cm nếu trong trường hợp không gắn hộp đèn có chữ “TAXI” cố định trên nóc xe (với kích thước tối thiểu là 12cm x 30cm).

Ngoài ra, ô tô kinh doanh vận tải hành khách phải có phù hiệu “XE TAXI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe. Quy định này sẽ giúp giảm taxi “dù”.

Đối với xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền trên xe, phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, phải có thiết bị in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; đồng hồ tính tiền và thiết bị in phải được gắn cố định tại vị trí hành khách dễ quan sát; lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình. Phiếu thu tiền phải có các thông tin: tên đơn vị kinh doanh vận tải, biển kiểm soát xe, cự ly chuyến đi (km) và tổng số tiền hành khách phải trả.

Riêng xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi thì buộc trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số.

Phần mềm tính tiền phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của DN, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển đầy đủ nội dung gồm tên đơn vị kinh doanh vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, hành trình, cự ly chuyến đi (km), tổng số tiền hành khách phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách.

Như vậy, việc lâu nay hãng taxi công nghệ không cung cấp số điện thoại để khách hàng phản ánh khiếu nại thì với Nghị định số 10/2020 buộc phải bổ sung thông tin này.

Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô đã được quy định cụ thể. Về điều kiện đối với ô tô, phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp (theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô với tổ chức, cá nhân, hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật).

Như vậy, đối với các xe gia đình tự kinh doanh hoặc cho thuê chở hành khách là không đúng quy định pháp luật, sẽ bị xử phạt. Do vậy, cá nhân kinh doanh vận tải buộc phải đăng ký thành viên hợp tác xã, phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã.

Đối với ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, phải có sức chứa từ 9 chỗ trở lên (kể cả người lái xe) và có niên hạn sử dụng như sau: Không quá 15 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động tuyến cự ly trên 300km, không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất) đối với xe hoạt động trên tuyến có cự ly từ 300km trở xuống.

Đặc biệt, nghị định quy định đến ngày 1/7/2021, buộc tất cả ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả tài xế và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.

Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km; tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km.

Như vậy, mọi tranh chấp, sai phạm trong quá trình vận chuyển sẽ được dùng dữ liệu camera để xử lý. Quy định này tuy khiến DN vận tải tăng chi phí nhưng bù lại, sẽ tạo minh bạch và bảo vệ DN kinh doanh chân chính.

Công tác liên quan đến môi trường phải công khai dân chủ

Ngày 31/12/2019, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát môi trường; Thông tư gồm 03 chương 12 điều. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 18/02/2020 và thay thế Thông tư số 55/2009/TT-BCA ngày 02/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát môi trường.

Theo đó, Thông tư này quy định mục đích, nguyên tắc và nội dung thực hiện dân chủ trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường của Cảnh sát môi trường.

Theo quy định tại Điều 5, những việc Cảnh sát môi trường phải thông báo công khai, gồm: Trụ sở, nơi làm việc của Cảnh sát môi trường; số điện thoại trực ban đơn vị; người có thẩm quyền giải quyết các đơn, thư, tin báo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; Chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm thuộc nhiệm vụ của Cảnh sát môi trường có liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát môi trường khi làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân (trừ những nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác). Các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm và hậu quả (nếu có) mà Cảnh sát môi trường đã xử lý trong quá trình thực hiện chức năng của mình đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (trừ nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác).

Đồng thời, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Trách nhiệm của Cảnh sát môi trường được quy định tại Điều 7 và Điều 8.

Chính sách mới về quản lý chi phí đầu tư xây dựng

Ngày 26/12/2019, Bộ Xây dựng ban hành văn bản số 09/2019/TT-BXD về Hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Ảnh minh họa

Theo đó, Thông tư này hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (sau đây viết tắt là dự án PPP) gồm: sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, suất vốn đầu tư và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình.

Đối tượng áp dụng của Thông tư là: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án PPP; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án đầu tư xây dựng, xác định chi phí đầu tư xây dựng làm căn cứ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của các dự án sử dụng vốn.

Quy định của thông tư tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế của các quy định pháp luật liên quan đến thanh, quyết toán vốn đầu tư công. Nó được kì vọng hỗ trợ việc giải ngân và quyết toán vốn đầu tư xây dựng hiệu quả và minh bạch hơn.

Quy định trên có hiệu lực vào 15/2/2020.

Phan Phan (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-chinh-sach-moi-anh-huong-den-hoat-dong-moi-truong-va-kinh-doanh-bds-van-tai-thanh-toan-moi-a220082.html