Tại cuộc họp báo về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện mới có hơn 40% sản phẩm ngành hàng của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan GSP. Vì vậy, Hiệp định EVFTA sẽ là nền tảng giúp các DN Việt Nam có thêm giá trị gia tăng khi xuất khẩu vào thị trường này. Với việc thông qua hai hiệp định ( Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVFTA), đồng nghĩa mối quan hệ thương mại Việt Nam – EU có những nền tảng mới và hết sức ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Châu Âu là thị trường tiềm năng rất lớn với quy mô tới 18.000 tỷ USD cho các ngành hàng của Việt Nam.
Cơ hội và thời cơ đối với doanh nghiệp Việt Nam
Hiện tại EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn, bởi năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam (đặc biệt là giá) còn hạn chế. Vì vậy, việc xóa bỏ tới trên 99% thuế quan theo EVFTA, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa khi nhập khẩu vào thị trường này. Ngay cả khi EU áp hạn ngạch thì đây cũng là cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam, ngoài lượng hàng xuất khẩu chịu mức thuế theo quy định, sẽ có một lượng hàng nhất định xuất theo hạn ngạch sẽ được hưởng thuế suất 0%. Đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định để giảm giá bán sản phẩm trên thị trường. Trong đó, các ngành được hưởng lợi nhiều nhất là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà hiện EU vẫn đang duy trì thuế quan cao như dệt may, giày dép, đồ gỗ và thủy sản.
Về sản phẩm Dệt may: EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỷ USD. EVFTA sẽ giúp giảm mức thuế hiện tại mà EU đang áp dụng đối với mặt hàng may mặc từ 12% xuống 0%, sẽ thúc đẩy xuất khẩu với mức tăng trung bình trên 20%; Giày dép: Việt Nam hiện là nước cung cấp giày dép lớn thứ hai vào thị trường EU sau Trung Quốc. EU là một trong hai thị trường tiêu thụ hàng giày dép lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch trung bình hàng năm đạt hơn 2 tỷ USD. Hiệp định EVFTA sẽ giúp ngành da giày sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn khi thuế suất sẽ được cắt giảm từ 12,4% về 0%. Lúc đó Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để tăng kim ngạch và thị phần xuất khẩu tại EU, dự kiến sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng gấp đôi so với hiện nay.
Hiện nay Việt Nam có 461 DN thủy sản đủ điều kiện được cấp phép xuất khẩu vào EU, chỉ đứng sau Trung Quốc. Do đó, FTA với EU được nhận định sẽ mang lại nhiều cơ hội mở rộng thị phần tại EU. Ngành chế biến gỗ cũng được hưởng thuế suất 0% cho ít nhất 90 sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam, đồng thời sẽ được giảm giá máy móc thiết bị ngành gỗ nhập khẩu từ các nước EU.
Về nhập khẩu: các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu từ EU. Đặc biệt, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của mình. Đồng thời, hàng hóa, dịch vụ từ EU nhập khẩu sẽ tạo ra một sức ép cạnh tranh để doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.
Về Đầu tư: Hiệp định EVFTA tạo ra môi trường đầu tư của Việt Nam thông thoáng và thuận lợi hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn.
Về Môi trường kinh doanh: Với việc thực thi các cam kết trong EVFTA về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật Việt Nam sẽ có những thay đổi, cải thiện phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thách thức để Doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường
Thông thường hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU và/hoặc Việt Nam), đặc biệt là ngành hàng may mặc. Theo đó các doanh nghiệp dệt may cần phải chú ý tới những quy định nghiêm ngặt của hiệp định về xuất xứ của mặt hàng may mặc. Bởi vì, để được hưởng mức thuế suất 0% các doanh nghiệp dệt may phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ kép tức là ít nhất vải và việc may mặc phải được làm tại Việt Nam hoặc ngoại lệ duy nhất đối với các loại vải được sản xuất tại Hàn Quốc.
Ngoài ra, phải nói đến các rào cản TBT, SPS và yêu cầu khắt khe của EU, một thị trường khó tính và có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Các yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường…của EU rất khắt khe và không dễ đáp ứng. Vì vậy, dù có được hưởng lợi về thuế quan thì hàng hóa của Việt Nam cũng phải hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để có thể vượt qua các rào cản này.
Đặc biệt đó là các nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại: Thông thường khi rào cản thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ, doanh nghiệp ở thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa. EU là một trong những thị trường có “truyền thống” sử dụng các công cụ này.
Sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ của EU: Mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay tại thị trường nội địa. Trên thực tế, đây là một thách thức rất lớn, bởi các doanh nghiệp EU có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các FTA. Tuy nhiên, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, do đó EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI cho rằng, thách thức là đương nhiên là khi tham gia bất kỳ một FTA nào, không riêng gì EVFTA. Việt Nam được mở cửa để tạo thuận lợi hơn trong việc thâm nhập vào thị trường EU thì ngược lại, các doanh nghiệp EU cũng thuận lợi hơn trong việc cạnh tranh với doanh nghiệp nội ngay trên sân nhà, ngay trước cửa nhà mình. Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Tham gia EVFTA, không phải thả doanh nghiệp xuống hồ, xuống sông mà xuống đại dương. Cạnh tranh thách thức là có nhưng không phải quá nghiêm trọng, chúng ta đã mở cửa cho rất nhiều đối thủ mạnh thông qua các FTA từ trước đến nay như Nhật Bản, Hàn Quốc… hay các nước thành viên CPTPP. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm mà Việt Nam có sức cạnh tranh thấp Hiệp định cũng có lộ trình để doanh nghiệp có thời gian thích nghi và hoàn thiện.
Tại cuộc họp báo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Cùng với những cơ hội về thương mại, Hiệp định EVFTA cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội về đầu tư, hợp tác mới cho doanh nghiệp hai bên. Ông nhấn mạnh: "Cùng với cơ hội thì việc thực thi các FTA thế hệ mới đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp và nền kinh tế, như sức ép cạnh tranh, xu hướng bảo hộ sản xuất của các nước nhập khẩu, quy định về phòng vệ thương mại… Để tận dụng tốt cơ hội, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh, linh hoạt trong việc tiếp cận thị trường. Chỉ khi đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu thì những ưu đãi thuế quan mới phát huy được hiệu quả”.
Như vậy, với việc Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA Việt Nam – EU dự báo sẽ là một cú huých lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn. EVFTA sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường tiềm năng với quy mô GDP lên tới 18.000 tỷ USD.
EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỉ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỉ USD. Do vậy, Hiệp định sẽ giúp chúng ta có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới".
Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế và hơn 99% dòng thuế của Việt Nam được gỡ bỏ sau 7 năm, 1% còn lại sẽ được tự do hóa thông qua hạn ngạch thuế quan. Ngược lại, Việt nam cũng cam kết bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hóa EU, sau 7 năm xóa bỏ 91,8% số dòng thuế và 98,3% số dòng thuế sau 10 năm.
Thành Chung (Tổng hợp)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/khi-evfta-co-hieu-luc-nhieu-co-hoi-ve-thuong-mai-dau-tu-hop-tac-cho-doanh-nghiep-viet-a217098.html