Vào những thời điểm quan trọng, chính quyền Trung Quốc đã đặt trật tự lên trên hết thay vì công khai dịch bệnh mới và chấp nhận những xáo trộn trong xã hội. Bài phân tích của báo New York Times của Mỹ.
Đầu tháng 12-2019, một căn bệnh bí ẩn được phát hiện trên vài bệnh nhân ở bệnh viện Vũ Hán, Trung Quốc. Một bác sĩ tên Li Wenliang cố cảnh báo các bạn bè học cùng trường y: "Họ đang bị cách ly trong khoa cấp cứu".
"Thật kinh khủng. Liệu có phải SARS đang trở lại?". Đây là dòng trao đổi của họ trên group chat ngày 30-12. Người bạn của ông Li nhắc lại dịch SARS hồi năm 2002 vốn cũng bắt nguồn từ Trung Quốc và giết gần 800 người trên toàn cầu.
Ngay trong đêm, các quan chức y tế Vũ Hán triệu tập bác sĩ Li, yêu cầu ông giải trình tại sao lại chia sẻ thông tin đó. Ba ngày sau, cảnh sát tiếp tục bắt ông ký biên bản thú nhận hành động cảnh báo đó là "bất hợp pháp".
Cơn ác mộng thành hiện thực
Căn bệnh mới không phải là SARS, nhưng cũng không kém phần nguy hiểm.
Theo báo New York Times, qua lời kể của cư dân, bác sĩ và một số quan chức thành phố Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra nhiều quyết định khiến công tác chống dịch bị chậm trễ trong suốt 7 tuần đầu tiên tính từ lúc virus corona chớm xuất hiện.
Những ngày đó, họ nỗ lực bắt những tiếng nói quan ngại im lặng, trong đó có nhiều bác sĩ. Cảnh báo về mối nguy hiểm của căn bệnh mới bị giảm xuống, khiến 11 triệu dân Vũ Hán không hiểu rằng họ cần phải tự bảo vệ bản thân.
Nhà chức trách đóng cửa khu chợ động vật Vũ Hán - nơi được xem là tâm điểm ổ dịch - nhưng lại thông báo việc này chỉ phục vụ "công tác sửa sang".
Giới quan sát nhận xét sự do dự của chính giới Trung Quốc một phần cũng vì họ chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội lớn thường niên trong tháng 1. Và cũng vì giữ thể diện chính trị, họ đã để mất đi cơ hội tốt nhất chặn đứng dịch bệnh trước khi nó lây lan rộng.
"Giới chức y tế Vũ Hán đã không làm gì để cảnh báo người dân về mối nguy hiểm" - chuyên gia Yanzhong Huang thuộc tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), đưa ra nhận xét.
Đến khi cả guồng máy nhà nước Trung Quốc báo động vào ngày 20-1-2020, virus corona đã bắt đầu lan khắp thế giới, làm rung chuyển thị trường tài chính và buộc các nước phải áp lệnh giới hạn đi lại với Trung Quốc.
Trở lại làm việc sau khi bị khiển trách, bác sĩ Li - một chuyên gia về nhãn khoa - đã bị nhiễm virus corona sau khi điều trị chứng tăng nhãn áp cho một phụ nữ vào ngày 10-1. Bệnh nhân này lại bị lây từ cô con gái…
Sự im lặng đáng sợ
Ông Hu Xiaohu bán thịt heo ở chợ hải sản Vũ Hán cảm thấy có gì đó không ổn hồi cuối tháng 12-2019. Quanh ông, nhiều người đột ngột đổ bệnh với triệu chứng sốt cao, vài người bị cách ly trong bệnh viện mà không ai hiểu tại sao.
Trong bệnh viện, bác sĩ và y tá bối rối khi tiếp nhận một loạt bệnh nhân với các triệu chứng của viêm phổi virus nhưng không ai đáp ứng với phác đồ điều trị sẵn có. Họ nhanh chóng nhận ra sự lạ: những người đó đều làm việc ở chợ Vũ Hán.
Ngày 1-1-2020, cảnh sát bao vây khu chợ và ra lệnh đóng cửa lập tức. Hãng tin Tân Hoa xã nói động thái này phục vụ công tác "sửa chữa", nhưng buổi sáng hôm đó lại xuất hiện thêm nhiều người trong trang phục chống độc đến khử trùng khu vực này.
Trước đó 1 ngày, Trung Quốc đã chính thức thông báo cho văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Bắc Kinh về ổ dịch, tuy nhiên lúc đó họ vẫn lạc quan rằng mọi thứ "đều trong tầm kiểm soát".
9 ngày sau khi chợ Vũ Hán đóng cửa, một người đàn ông vốn là khách thường xuyên trở thành nạn nhân tử vong đầu tiên của virus corona. Ông Zeng, 61 tuổi, đã mang trong người nhiều bệnh mãn tính khi nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao và khó thở.
Chính quyền thông báo về cái chết của ông 2 ngày sau. Họ chỉ không nhắc đến một chi tiết hết sức quan trọng: vợ ông Zeng phát triệu chứng bệnh 5 ngày sau chồng.
Bà chưa từng đến chợ Vũ Hán lần nào.
Cuộc đua với thời gian
Cách chợ hải sản Vũ Hán hơn 30km, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu virus Vũ Hán cố tìm hiểu các mẫu bệnh phẩm gửi về từ khắp các bệnh viện.
Bà Zheng-Li Shi, người từng bám đuổi virus SARS ở Quảng Đông hồi năm 2002, cũng nằm trong nhóm nghiên cứu.
Giữa lúc công chúng không hay biết gì về bóng ma đang lơ lửng, bà Zheng và các đồng nghiệp nhanh chóng xâu chuỗi được rằng virus mới có họ hàng với SARS. Bộ gen trùng hợp của chúng gợi ý rằng vật chủ mang mầm bệnh có thể là dơi - một trong nhiều động vật hoang dã được tiêu thụ ở chợ Vũ Hán.
Cùng thời điểm đó, bác sĩ Li và nhiều chuyên gia y khoa ở Vũ Hán bắt đầu phát đi cảnh báo trong khi chính quyền vẫn còn án binh bất động.
Trả lời phỏng vấn nhật báo China Youth Daily, bác sĩ Lu Xiaohong, trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện thành phố số 5, cho biết từ ngày 25-12-2019 bà đã nghe tin đồn rằng bệnh đã lây lan trong cộng đồng y bác sĩ - tức 3 tuần trước khi chính quyền chịu thừa nhận.
Bà Lu không lên tiếng công khai, nhưng bà âm thầm cảnh báo cho một trường học nằm gần một khu chợ khác trong thành phố.
Đến tuần đầu tiên của tháng 1-2020, khoa cấp cứu Bệnh viện số 5 đã chật cứng bệnh nhân. Nhiều trường hợp có nguyên cả gia đình cùng bị bệnh. Đây là bằng chứng rõ nhất cho thấy bệnh có thể lây từ người sang người - nhưng chính quyền Trung Quốc khi đó vẫn nói "ít có khả năng".
"Tôi nhận ra chúng tôi đã đánh giá thấp nguy cơ" - bác sĩ Lu thừa nhận.
Đến ngày 7-1-2020, các nhà khoa học Trung Quốc đã định danh được kẻ thù và công bố cho thế giới. Tên của nó là 2019-nCoV.
Ưu tiên sai lầm
Ông chủ tịch tỉnh Hồ Bắc Wang Xiaodong có lẽ đã nhận ra cái giá cho sai lầm của mình khi chọn ưu tiên là "chính trị" trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày 7-1.
Sau hôm đó, Vũ Hán vẫn thản nhiên tổ chức một lễ hội thường niên cho 40.000 gia đình. Sự kiện này bị chỉ trích là bằng chứng cho thấy chính quyền quá xem thường con virus mới. Thậm chí đến người dân cũng chủ quan.
Khi Dong Guanghe phát sốt hôm 8-1, gia đình ông vẫn không chút cảnh giác. Ông được chữa trị ở bệnh viện rồi cho về nhà. Nhưng 10 ngày sau, vợ ông cũng ngã bệnh với cùng triệu chứng.
"Tin tức không nói gì về tính nghiêm trọng của dịch bệnh. Tôi nghĩ cha tôi chỉ bị cảm lạnh thông thường", cô con gái Dong Mingjing kể.
Ngày 20-1, hơn 1 tháng sau khi các ca bệnh đầu tiên xuất hiện, những lo lắng dồn nén trong công chúng chạm tới điểm bùng nổ. Người ta chính thức thừa nhận virus corona mới có thể lây từ người sang người, tệ hơn, một bệnh nhân thậm chí đã lây cho 14 nhân viên y tế.
2 ngày sau, thành phố Vũ Hán ban bố lệnh phong tỏa - một động thái chỉ có thể thực hiện với sự đồng ý của Bắc Kinh. Đến lúc này nhiều người dân mới bắt đầu cảm thấy sức nặng của tình hình.
Đám đông hối hả đổ ra sân bay, nhà ga để thoát khỏi thành phố trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực sáng 23-1. Các bệnh viện thì chật cứng bệnh nhân, nhiều người lo lắng không biết mình có bị nhiễm virus chưa.
"Chúng tôi không đeo khẩu trang vì sợ khách hàng lo lắng. Khi họ phong tỏa Vũ Hán tôi mới nghĩ thôi rồi, đây không phải là chuyện bình thường nữa", cô Yu Haiyan làm nghề phục vụ nhà hàng ở Hồ Bắc kể.
Cuộc khủng hoảng đang nghiêm trọng hơn theo mỗi ngày trôi qua. Những nỗ lực của bác sĩ Li không còn bị coi thường nữa. Trên mạng xã hội, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã bênh vực ông và chỉ trích cảnh sát vì hành động điều tra vô căn cứ.
"Nếu chính quyền công bố thông tin dịch sớm hơn, có lẽ mọi thứ không tệ như bây giờ. Chúng ta cần sự cởi mở và minh bạch", ông Li trao đổi với báo NYT từ trong bệnh viện. Ông đang phục hồi tốt.
Theo tuoitre.vn
Nguồn bài viết: https://tuoitre.vn/bai-hoc-chong-dich-tu-trung-quoc-20200202113728506.htm
Link nội dung: https://phaply.net.vn/bai-hoc-chong-dich-tu-trung-quoc-a216695.html