Kinh nghiệm kiểm soát giá cả trong dịch bệnh bằng pháp luật

(Pháp lý) - Tình trạng lợi dụng dịch bệnh để kinh doanh kiếm lời vừa là hành vi bị xã hội lên án và phải chịu trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, thực tế thì chế tài pháp luật dành cho vi phạm đó còn nhẹ và chưa thuyết phục.

Chỉ xử lý phạt tiền, tịch thu khoản tiền thu lợi mà khó xử lý hình sự

Tối 31/1, Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03, Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội quản lý thị trường (QLTT) số 1 Hà Nội kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế có dấu hiệu đẩy giá khẩu trang cao gấp nhiều lần nhằm trục lợi.

Tổ công tác đã kiểm tra cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế trụ sở số 120 Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) do chị Nguyễn Thị Nhung, trú huyện Phú Xuyên làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, đại diện cửa hàng cho biết trong ngày 31-1 đã bán ra 30 hộp khẩu trang y tế với giá từ 130.000-220.000 đồng/hộp. Bình thường mỗi hộp khẩu trang có giá 50.000 đồng.

Sau khi kiểm tra, tổ công tác đã tạm giữ gần 700 chiếc khẩu trang chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ.

Cần những quy định chặt chẽ để kiểm soát giá cả nhiều mặt hàng trong tình trạng Chính phủ đã công bố dịch.

Cũng trong đêm 31/1, tổ công tác tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế số 118 Ngọc Khánh do chị Nguyễn Thị Thu làm chủ. Đại diện cửa hàng khai báo nhận trong ngày đã bán ra 134 hộp khẩu trang y tế với giá cao gấp 6-7 lần bình thường (khoảng 300.000-350.000 đồng/hộp). Đây cũng là loại khẩu trang bình thường được bán với giá 50.000 đồng/hộp.

Sau khi kiểm tra cửa hàng, tổ công tác đã thu giữ 266 chiếc khẩu trang chưa xuất trình hóa đơn, chứng từ.

Đại tá Phùng Anh Lê - trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, cho biết nhiều cơ sở kinh doanh thiết bị y tế đã gom hàng, lợi dụng tình hình dịch virus Corona có nhiều diễn biến nhanh và phức tạp khiến người dân lo lắng để đẩy giá khẩu trang lên cao nhằm trục lợi.

Sau khi nhận được tin báo, Công an Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tập trung nắm bắt tình hình và tiến hành kiểm tra hàng loạt cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế trên phố Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội).

Kết quả kiểm tra xác định chủ hai cơ sở kinh doanh thiết bị y tế số 118 và 120 phố Ngọc Khánh đã có hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, dịch bệnh và điều kiện bất thường… để định giá mua bán hàng hóa bất hợp lý được quy định tại Điều 17, Nghị định 109 của Chính phủ.

Tổ công tác liên ngành đã lập biên bản, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hai cơ sở này. Ngoài ra, theo quy định của Nghị định 109 - Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, chủ cửa hàng còn phải nộp vào ngân sách số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán bất hợp lý.

Sáng 1/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, chủ trì hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo với lãnh đạo các tỉnh, thành phố và ban, ngành về việc thực hiện các chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng trong phòng, chống dịch.

Phát biểu chỉ đạo, ông Đam cho rằng: “Thay mặt Thủ tướng, tôi chỉ đạo, không được phép tăng giá khẩu trang, phải giữ nguyên giá, yêu cầu rút giấy phép bất kể hiệu thuốc nào tăng giá bán khẩu trang.

“Từ giờ phút này trở đi, người dân có bằng chứng, hình ảnh bất kỳ cửa hiệu thuốc tăng giá bán, không cần thanh tra xuống làm việc, Bộ Y tế rút giấy phép ngay lập tức cửa hiệu đó. Đây là vấn đề kỷ cương và đạo đức”.

Như Pháp lý đã đưa tin, theo quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản liên quan, hành vi lợi dụng dịch bệnh để bán khẩu trang với giá cao bất thường có thể bị xử phạt hành chính và xử phạt hình sự.

Các quy định xử phạt hành chính và hình sự còn bất cập….

Điều 17, Nghị định 109 của Chính phủ quy định: “Hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý”.

Luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ về những bất cập khi xử lý các hành vi vi phạm của các thương nhân lợi dụng tình trạng dịch bệnh để tăng giá. Vị Luật sư này cho rằng: Trong quá trình xử lý các hiệu thuốc vi phạm, các cơ quan chức năng có thể kiểm tra, xử phạt nhiều vi phạm như nhãn hiệu, chất lượng, quảng cáo, niêm yết, thuế, hoá đơn… tuy nhiên không phạt nghiêm được việc tăng giá khẩu trang, dung dịch sát khuẩn (Khó xử lý hình sự - Pv).

Bởi chỉ xử phạt hành chính việc tăng giá hàng hóa bất hợp lý nếu bán “cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước”, theo Điều khoản 13.1, Nghị định 109/2013 và Nghị định 49/2016/NĐ-CP.

Theo quy định của BLHS 2015 (sửa đổi năm 2017), chỉ xử phạt hình sự về tội đầu cơ khi “mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính”. Việc bình ổn giá hàng hóa thông thường không phải là việc của thương nhân, mà là nghĩa vụ của Nhà nước, theo Luật Giá 2012.

Từ kinh nghiệm quốc tế: Tăng chế tài xử phạt, xiết lại luật…

Xử phạt nặng đối với hành vi vi phạm cố tình đẩy giá là cách Trung Quốc áp dụng khi doanh nghiệp có hành vi cố tình đẩy giá tăng cao. Ngày 29/1, cơ quan quản lý thị trường thành phố Bắc Kinh thông báo trên trang web của họ về việc đã gửi văn bản xử phạt hành chính với cửa hàng dược Beijing Jimin Kangtai Pharmacy, vì tăng quá cao giá bán khẩu trang phòng dịch.

Cửa hàng này đã tăng giá bán khẩu trang nhãn hiệu 3M lên 850 nhân dân tệ (hơn 2,8 triệu đồng) mỗi hộp, trong khi giá bán một hộp khẩu trang cùng loại này trên mạng chỉ là 143 nhân dân tệ/hộp.

Khi tăng giá khẩu trang lên gấp 6 lần, Trung Quốc đã áp dụng mức phạt 3 triệu nhân dân tệ (tương đương 10 tỷ đồng) do tăng giá khẩu trang gấp 6 lần.

Không chỉ tăng chế tài xử phạt, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, phải sửa tội đầu cơ trong quy định của pháp luật hình sự.

Trước đây, khi sửa đổi BLHS 1999, một trong những sửa đổi có nhiều ý kiến tham gia nhất là quy định về tội đầu cơ (Điều 160). Đầu cơ là việc nắm giữ các loại hàng hoá, tài sản rồi bán nhằm thu lợi khi có sự biến động giá mạnh của chúng. Có nhiều ý kiến nên bỏ tội đầu cơ, vì đây chỉ là hình thức kinh doanh đơn thuần, mà trong kinh doanh phải biết nắm bắt cơ hội để sinh lời…

Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định hành vi đầu cơ chỉ hình thành tội danh khi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh kinh doanh, mua vét hàng hoá có số lượng lớn mà hàng hóa đó phải có trong danh mục nhà nước bình ổn về giá hoặc nhà nước định giá nhằm bán lại thu lợi bất chính gây hậu quả nghiêm trọng mới bị xử lý hình sự.

Trong hoàn cảnh cấp bách như hiện nay nếu như văn bản của Chính phủ quy định các mặt hàng phục vụ việc phòng chống dịch viêm phổi cấp thuộc danh mục hàng hóa bình ổn giá thì vi phạm của các thương nhân có thể bị xem xét hình sự. Tuy nhiên, đối với nhiều loạt dịch bệnh khác nhau thì hàng hóa trong danh mục bình ổn giá khác nhau. Pháp luật hình sự sẽ “bị động” trước những vi phạm khác nhau của các thương nhân khi có dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh.

Bởi vậy, thiết nghĩ cần xem xét lại quy định về tội đầu cơ. Nên quy định hành vi đầu cơ cấu thành tội danh khi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh - kinh doanh, mua vét hàng hoá có số lượng lớn nhằm thu lợi bất chính là đủ cấu thành tội hình sự và bị xử lý hình sự.

Phan Phan – Văn Chiến

Link nội dung: https://phaply.net.vn/kinh-nghiem-kiem-soat-gia-ca-trong-dich-benh-bang-phap-luat-a216675.html