Hội Luật gia Việt Nam: Tiên phong trong nhận thức về tầm quan trọng của trọng tài
Tại Việt Nam, trong thời gian qua, việc giải quyết tranh chấp hợp đồng, kinh doanh thương mại bằng phương thức trọng tài, hòa giải thương mại, được Đảng, Nhà nước ta khuyến khích. Bắt đầu từ Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị ngày 2/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã khẳng định: “Khuyến khích việc giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng việc công nhận phán quyết đó”.
Văn bản quy phạm pháp luật chính thức về trọng tài thương mại ban đầu phải kể đến là Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003. Khi Pháp lệnh trở thành “chiếc áo quá chật” trước đòi hỏi của thực tiễn thì Luật Trọng tài thương mại ra đời.
Hội Luật gia Việt Nam đã vinh dự được Quốc hội giao chủ trì soạn thảo Luật Trọng tài thương mại. GS-TSKH Đào Trí Úc – nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, từng là Ủy viên thường trực Ban soạn thảo Luật Trọng tài thương mại, Tổ trưởng Tổ biên tập Luật Trọng tài thương mại. Khi soạn thảo dự luật này, ông từng chia sẻ nhiều quan điểm: Quá trình hội nhập quốc tế hiện nay đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, trong điều kiện đó mỗi quốc gia không thể đứng ngoài, tự tách mình khỏi quá trình hội nhập quốc tế. Đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia, sản phẩm làm ra của mỗi tập đoàn không còn bó buộc trong một phạm vi và lãnh thổ nhất định, mà được gắn kết với nền kinh tế toàn cầu. Quá trình toàn cầu hoá và khu vực hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ cùng với đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng, buộc các nhà sản xuất, kinh doanh không những nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng phục vụ, mà còn mở rộng hợp đồng với rất nhiều đối tác. Quá trình liên doanh, liên kết, mở rộng hợp đồng, sự phát sinh ngày càng nhiều các quan hệ tư tất yếu sẽ nảy sinh những vấn đề tranh chấp. Sự ra đời của trọng tài như là một hệ quả tất yếu trong việc đa dạng hoá các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Pháp luật hoàn toàn cho phép các nhà kinh doanh, các cá nhân, tổ chức có quyền được lựa chọn mô hình mà mình yêu thích để giải quyết những tranh chấp phát sinh. Chính điều này đã tạo cơ sở cho sự ra đời của các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn, mà phương thức có vị trí quan trọng nhất trong số đó là giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Do đó, ở các nước trên thế giới, ngoài toà án, đều có một cơ quan tài phán khác là trọng tài.
Được Quốc hội giao chủ trì xây dựng Luật Trọng tài thương mại, Hội Luật gia VN đã huy động được các luật gia có trình độ cao, có kinh nghiệm và nhiệt tình tham gia vào quá trình xây dựng Dự án luật. Sau gần 2 năm soạn thảo, ngày 17/6/2010, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII, Luật Trọng tài Thương mại đã được Quốc hội thông qua. Việc hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn nhiệm vụ được giao đã cho thấy Hội Luật gia Việt Nam có khả năng tổ chức, huy động lực lượng triển khai và hoàn thành tốt việc soạn thảo các dự án luật khi được Quốc hội giao.
Luật Trọng tài thương mại được ban hành năm 2010với nhiều quy định mới phù hợp với Luật mẫu UNCITRAL - thông lệ quốc tế về trọng tài thương mại, đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại ở Việt Nam, góp phần giảm tải hoạt động xét xử của Tòa án, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc khuyến khích giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua các biện pháp giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án.
Lựa chọn trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp ngày càng phổ biến
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp rất phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Tại Việt Nam, hoạt động trọng tài thương mại đã và đang có những chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện rõ qua số lượng tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài ngày một tăng, cũng như số lượng các tổ chức trọng tài thương mại trên cả nước ngày càng nhiều. Nhà nước cũng có những chính sách khuyến khích phát triển trọng tài thương mại và pháp luật về trọng tài ngày càng hoàn thiện, đồng bộ; đảm bảo quyền lợi của các bên khi tham gia giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cũng như tương đồng với pháp luật trọng tài quốc tế.
Phân tích về những ưu việt của việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, Trọng tài viên Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam) chia sẻ: Vì hoạt động thương mại luôn đòi hỏi phải nhanh chóng, linh hoạt, hiệu quả; và trọng tài hoàn toàn có thể đáp ứng được các tiêu chí này. Bên cạnh đó, trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp mềm dẻo và tiết kiệm thời gian cho các bên. Với trọng tài, các bên được tự do lựa chọn thủ tục, thời gian, địa điểm phương thức giải quyết tranh chấp theo phương thức tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả nhất cho các bên trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Điều này giúp giảm chi phí, thời gian và tăng hiệu quả cho quá trình giải quyết tranh chấp thương mại.
Phán quyết của trọng tài là chung thẩm và có giá trị bắt buộc đối với các bên không thể chống án hay kháng cáo. Nếu xét xử tại hệ thống tòa án phải diễn ra ở nhiều cấp, như: sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm… thì việc xét xử tại trung tâm trọng tài chỉ diễn ra ở một cấp xét xử. Phán quyết của trọng tài có giá trị thi hành ngay sau khi công bố và được Nhà nước đảm bảo thi hành thông qua cơ quan thi hành án. Điều này được quy định cụ thể tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014.
Quan trọng hơn, phạm vi thi hành phán quyết của trọng tài rộng hơn rất nhiều so với quyết định của tòa án. Hiện nay chưa có công ước đa quốc gia về công nhận quyết định của tòa án nhân dân. Nhưng, quyết định của trọng tài đã có công ước New York năm 1958, đến nay có hơn 149 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên. Việt Nam cũng là một thành viên của công ước này, nên phán quyết của các tổ chức trọng tài tại Việt Nam sẽ được công nhận và cho thi hành tại các nước khác là thành viên của công ước New York.
Thời gian tới đây, với những cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao kim ngạch xuất khẩu từ Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hàng loạt các thách thức mới cho Việt Nam, trong đó có thách thức khi xảy ra tranh chấp thương mại giữa các bên khi thực hiện TPP. Thực tiễn giải quyết tranh chấp về thương mại trên thế giới cho thấy, hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp giữa các bên.
Hiện nay trong cả nước có khoảng hơn 20 Trung tâm trọng tài. Một địa chỉ tin cậy mà nhiều doanh nghiệp tìm đến đó là Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) . VLCAC được thành lập theo Giấy phép số 12/BTP/GP ngày 14/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Đây là một tổ chức phi Chính phủ, độc lập và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. VLCAC có 58 Trọng tài viên là các luật gia, luật sư, các chuyên gia kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm và uy tín cao trong lĩnh vực giải quyết các tranh chấp. Với mục tiêu là xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp thân thiện, tin cậy, khách quan, công bằng, thuận lợi và hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp.
Hoàn thiện thể chế về Trọng tài thương mại để hội nhập quốc tế
Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, có nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao năng lực của đội ngũ trọng tài. Tăng cường năng lực tổ chức và hoạt động của các tổ chức trọng tài. Ngoài việc khắc phục hạn chế cố hữu của các trung tâm trọng tài Việt Nam về cơ sở vật chất và trình độ của đội ngũ trọng tài viên thì các trung tâm trọng tài nên đổi mới bộ máy tổ chức theo hướng tăng cường năng lực quản trị của tổ chức. Đồng thời, có ý kiến cho rằng, đa số các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài đều được giải quyết bằng con đường trọng tài, nên có ý kiến cho rằng, cần tạo điều kiện để các luật sư, trọng tài viên nước ngoài hoạt động ở cơ quan trọng tài.
Bằng kinh nghiệm của mình, Trọng tài viên Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch VLCAC) cho rằng: Tôi băn khoăn về vị thế của trọng tài so với tòa án. Trọng tài phải đối lập với tòa án, nhưng theo quy định của pháp luật hiện nay thì Quyết định của Trọng tài có thể bị xem xét ở Tòa án. Tòa án có thẩm quyền hủy các quyết định của Tòa án, nhưng đôi khi lý do hủy lại không rõ ràng. Ông Hậu kiến nghị: Từ thực tế đó cần có những giải pháp để nâng cao chất lượng của Tòa án khi xem xét giải quyết các yêu cầu, quyết định về trọng tài. Về lâu dài cần có Tòa chuyên trách về lĩnh vực trọng tài.
Ngoài ra hiện nay, nhiều loại hợp đồng mẫu còn mặc định chọn Tòa án là cơ quan giải quyết tranh chấp. Thiết nghĩ, cần có quy định mở trong vấn đề quy định trong hợp đồng mẫu, tạo cơ chế để trọng tài tham gia giải quyết vụ việc có yếu tố kinh tế thương mại.
Ông Hậu cũng cho hay: Mới đây, ngày 2/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định 1268 “Phê duyệt Đề án hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại”. Mục tiêu của đề án là hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại theo hướng thống nhất, đồng bộ, khả thi, góp phần giảm thiểu các tranh chấp hợp đồng, nâng xếp hạng chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng. Cụ thể, đề án xác định những bất cập, những vấn đề chưa có quy định pháp luật điều chỉnh, hoặc quy định chưa rõ, cần ban hành văn bản hướng dẫn giải quyết… Đề án còn xác định hướng hoàn thiện pháp luật về hợp đồng, pháp luật giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại theo hướng thống nhất, đảm bảo hiệu lực thực thi và bảo vệ quyền sở hữu tài sản; xác định lộ trình hoàn thiện hệ thống pháp luật; đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Ông Hậu có kiến nghị Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế về hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng, rà soát tính tương thích của pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hệ thống hóa quy định của pháp luật Việt Nam về hợp đồng. Và Hội Luật gia Việt Nam cần chủ trì rà soát, đánh giá pháp luật và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay trong cả nước có khoảng hơn 20 Trung tâm trọng tài. Một địa chỉ tin cậy mà nhiều doanh nghiệp tìm đến đó là Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) . VLCAC được thành lập theo Giấy phép số 12/BTP/GP ngày 14 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Đây là một tổ chức phi Chính phủ, độc lập và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. VLCAC có 58 Trọng tài viên là các luật gia, luật sư, các chuyên gia kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm và uy tín cao trong lĩnh vực giải quyết các tranh chấp. Với mục tiêu là xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp thân thiện, tin cậy, khách quan, công bằng, thuận lợi và hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp.
Tĩnh Phan