TS. Nguyễn Trí Hiếu: Để không còn những đại án ngân hàng, cần thanh tra, giám sát theo mô hình CAMELS

(Pháp lý) - “Hoa Kỳ thanh tra giám sát ngân hàng theo mô hình CAMELS. Theo đó, họ nhìn tổng thể một ngân hàng từ vấn đề vốn cho đến chất lượng tài sản, quản trị, lợi nhuận, thanh khoản, sự nhạy cảm của thị trường với ngân hàng ,… Từ cái nhìn tổng thể đó, họ sẽ xếp hạng ngân hàng theo hệ thống tiêu chuẩn A, B, C, D,…”.

Để không còn những vụ án xảy ra trong ngành ngân hàng ở Việt Nam như thời gian vừa qua, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chúng ta cần phải rà soát hoàn thiện các quy định pháp luật, đẩy mạnh hoạt động giám sát thanh tra các ngân hàng một cách chặt chẽ hơn. Đồng thời phải áp dụng chuẩn mực quốc tế theo mô hình CAMELS trong hoạt động thanh tra các ngân hàng .

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng trao đổi với PV Pháp lý

2 đại án đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ

Vài năm trở lại đây, đã xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho ngành ngân hàng. Trong đó nổi lên 2 đại án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Đông Á Bank và Ngân hàng Xây dựng (VNCB), với con số thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng.
Vụ ở Đông Á Bank, cơ quan điều tra cho rằng ông Trần Phương Bình phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền 9.642 tỉ đồng của DongA Bank.

Trước đó trong giai đoạn một của vụ án, ông Bình bị cáo buộc cùng Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") và 24 đồng phạm chiếm đoạt, gây thiệt hại cho DAB hơn 3.600 tỷ đồng. Hồi cuối năm 2018, ông Bình bị TAND TP HCM tuyên án chung thân về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Một vụ án khác không thể không nhắc đến là vụ Phạm Công Danh tại ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Bị cáo Phạm Công Danh tại Tòa

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 46 bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại VNCB giai đoạn 2 hồi tháng 7/2018, Hội đồng xét xử nhận định, Phạm Công Danh và đồng phạm đã thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội gây thiệt hại cho VNCB hơn 15.000 tỷ đồng.

Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt với bản án đã tuyên ở giai đoạn 1 của vụ án là 30 năm tù.

Trên đây chỉ là hai trong số hàng chục vụ án kinh tế ngân hàng xảy ra trong thời gian qua. Hậu quả của nó là đặc biệt nghiêm trọng, làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng và ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành ngân hàng . Cho đến nay hậu quả của nó vẫn chưa thể nào khắc phục triệt để. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến các vụ án kinh tế lớn như trên?

Truy nguyên nhân

Trao đổi với PV Pháp lý, chuyên gia tài chính ngân hàng Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những sai phạm của ngân hàng trong mấy năm vừa qua đến từ rất nhiều nguyên nhân. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính là sự lạm dụng quyền hành trong ngân hàng. Rất nhiều sai phạm đều bắt nguồn từ chủ tịch hội đồng quản trị hoặc được chủ tịch hội đồng quản trị tiếp tay, từ việc phê chuẩn những tín dụng cho các bên liên quan, cho các công ty con, công ty liên quan của các thành viên hội đồng quản trị cho đến lập chứng từ khống để cho vay… cuối cùng là số tiền đó vào túi của các lãnh đạo ngân hàng.

Nhìn từ vụ án tại VNCB cho thấy, người đứng đầu ngân hàng này là Phạm Công Danh có thể chỉ đạo thuộc cấp rút ruột ngân hàng cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng rất dễ dàng. Hay trong vụ án ngân hàng Đông Á, ông Trần Phương Bình lạm dụng chức vụ để chỉ đạo cấp dưới xuất quĩ chi sai nguyên tắc, lập chứng từ thu khống hàng nghìn tỉ đồng… Điều đó cho thấy, hệ thống giám sát nội bộ của ngân hàng hoàn toàn tê liệt, nhất là khi sai phạm lại được chỉ đạo bởi chính người đứng đầu.

Bên canh đó, cơ chế chính sách thanh tra kiểm tra của NHNN đối với các ngân hàng hiện nay chưa hiệu quả. Thực tế cho thấy NHNN thường tỏ ra bị động, bị động hoàn toàn khi phát hiện các hành vi vi phạm hoặc có thông tin vi phạm mới tiến hành thanh tra, kiểm tra. Chính việc này phần nào đã để cho tần suất “đại án” về ngân hàng diễn ra nhiều như thế trong thời gian qua.

Cùng quan điểm, TS Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế cho rằng qua những đại án ngân hàng cho thấy những sai phạm trong các ngân hàng không chỉ do chính những cán bộ chủ chốt tại ngân hàng, đó còn là trách nhiệm giám sát của cơ quan quản lý mà ở đây trực tiếp là tổ giám sát của NHNN.

Việc để Phạm Công Danh và đồng phạm tùy tiện thực hiện hành vi rút tiền, sử dụng tiền trái pháp luật mà không chủ động có biện pháp ngăn chặn là trách nhiệm của Tổ giám sát. Nhưng qua đó cũng cho thấy một số vấn đề: Thứ nhất, có thể do năng lực kém. Thứ hai, có thể do đạo đức cán bộ. Và thứ ba là cũng có thể có nguyên nhân từ các quy định pháp lý về tài chính ngân hàng. Bởi những cách thức mà ông Danh rút tiền khỏi ngân hàng cũng liên quan đến một số quy định như cho vay liên quan và không liên quan trong việc thành lập các doanh nghiệp, mà nhiều khi thực chất thành lập chỉ với mục đích rút tiền từ ngân hàng ra. Kể cả những quyết định phân cấp về cho vay cũng khá phức tạp trong một ngân hàng ,…

Các bị cáo trong phiên xét xử đại án Ngân hàng Đông Á

Thực tế, có những người được tin tưởng giao nhiệm vụ kiểm soát ngân hàng nhưng đã không những không làm tròn được chức trách, nhiệm vụ của mình mà còn thông đồng, cấu kết gây nên thất thoát lớn cho ngân hàng. Thí dụ, liên quan những sai phạm tại VNCB, cơ quan chức năng đã truy tố, xét xử Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh là thành viên Tổ giám sát của NHNN đặt tại VNCB và các cá nhân có liên quan về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Từ những sai phạm cá nhân cũng cho thấy, dưới góc độ quản lý nhà nước đã bộc lộ sự thiếu chặt chẽ, chưa sâu sát trong quản lý, dẫn đến hiệu quả quản lý chưa cao.

Kiến nghị thanh tra giám sát ngân hàng theo mô hình CAMELS

Đánh giá về cơ chế kiểm soát nội bộ tại các ngân hàng thương mại, TS Hiếu cho rằng kiểm soát nội bộ ở các ngân hàng hiện nay chưa hiệu quả. Các thành viên trong Ban kiểm soát của các ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu. Họ tiến hành thanh kiểm tra một cách hời hợt, thiếu trách nhiệm điều đó gây khó khăn cho việc phát hiện các hành vi sai phạm, hồ sơ gian lận của lãnh đạo, nhân viên tại các ngân hàng .

“Tôi đã từng làm việc nhiều năm ở Mỹ, Đức…, các định chế tài chính ở các nước này tuân thủ pháp luật rất chặt chẽ. Dĩ nhiên, họ cũng có những trường hợp gian lận, lừa đảo, nhưng mức độ nhỏ bé, riêng lẻ chứ không lớn như Việt Nam. Những vụ án vừa qua cho thấy, vi phạm tạo thành chuỗi trong một ngân hàng từ cấp cao đến cấp trung và cấp thấp. Các trường hợp như thế khó xảy ra ở các nước tiên tiến. TS Hiếu chia sẻ.

Ở Việt Nam, tính tuân thủ tại một số tổ chức tài chính, tín dụng rất lỏng lẻo, quản lý còn thiếu sót. Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động của Ban kiểm soát, thành viên HĐQT độc lập tại các ngân hàng ở Việt Nam thực sự là không hiệu quả và nó rất khác với các nước phát triển trên thế giới. Ví dụ như ở nước Mỹ, Ủy Ban kiểm soát trực thuộc HĐQT, còn ở Việt Nam về nguyên tắc Ban kiểm soát trực thuộc Hội đồng cổ đông điều này là tốt, nhưng thực tế đại hội đồng cổ đông không có quyền lực gì đối với ban kiểm soát. Bởi Hội đồng cổ đông một năm thường chỉ họp một đến 2 lần hoặc khi có sự kiện bất thường, cho nên khi đặt ban kiểm soát dưới sự chỉ đạo của hội đồng cổ đông là không hiệu quả.

“Một điểm nữa, theo luật, mỗi ngân hàng phải có ít nhất 1 thành viên HĐQT độc lập, thành viên này có quan điểm độc lập nhằm giám sát, kiểm soát hoạt động của HĐQT. Nhưng hiện nay trong nhiều ngân hàng , thành viên HĐQT độc lập này chỉ có để cho đúng quy định, còn vai trò độc lập rất mờ nhạt. Chính tôi đã từng là thành viên HĐQT độc lập của hai ngân hàng tại Việt Nam. Họ không thể hiện được vai trò của họ, tiếng nói của họ rất nhỏ bé trong HĐQT. Đáng lẽ ra họ phải là người đại diện cho các cổ đông nhỏ bé, họ phải có vai trò giám sát các hoạt động của HĐQT. Tuy nhiên trên thực tế họ không được tôn trọng, họ không thể hiện được vai trò của họ. Thành ra đây cũng là một nguyên nhân để tội phạm có đất để thực hiện hành vi” – TS. Hiếu phân tích.

Bên cạnh đó, hoạt động thanh kiểm tra của cơ quan quản lý trước nay tại Việt Nam mang tính chất tuân thủ, xem ngân hàng này có thực hiện đúng quy định hay không. Nhưng thanh tra ở các nước khác, chẳng hạn như Hoa Kỳ, họ thanh tra giám sát theo mô hình CAMELS. Theo đó, họ nhìn tổng thể một ngân hàng từ vấn đề vốn cho đến chất lượng tài sản, quản trị, lợi nhuận, thanh khoản, sự nhạy cảm của thị trường với ngân hàng ,… Từ cái nhìn tổng thể đó, họ sẽ xếp hạng ngân hàng theo hệ thống tiêu chuẩn A, B, C, D,…” - TS Hiếu nói.

Như vậy có thể thấy, từ các vụ án xảy ra trong ngành ngân hàng, nhiều bài học đã được rút ra, trong đó có bài học về công tác thanh tra giám sát, và cả những bài học về kiểm tra giám sát trong chính nội bộ các ngân hàng.

Để không còn những vụ án như thời gian vừa qua, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chúng ta cần:

Thứ nhất, về phía NHNN cần phải rà soát hoàn thiện các quy định pháp luật, đẩy mạnh hoạt động giám sát thanh tra các ngân hàng một cách chặt chẽ hơn. Đồng thời phải áp dụng chuẩn mực quốc tế theo mô hình CAMELS trong hoạt động thanh tra các ngân hàng . Phát triển đội ngũ cán bộ thanh tra, giám sát ngân hàng đủ về số lượng và có năng lực, trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu cao hơn về quản lý, thanh tra, giám sát ngân hàng.

Việt Nam cần phải có một công ty xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng để tránh những ngân hàng yếu kém, hiện tại Việt Nam không có, trong khi trên thế giới đều có những công ty xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng như: Moody's, Fitch Ratings, Standard & Poor's.
Bên cạnh đó, để ngăn ngừa những trường hợp rủi ro không lan tỏa ra hệ thống, NHNN khi thanh tra, phát hiện ra sai phạm của ngân hàng cần khoanh vùng và xử lý kịp thời. Đồng thời, nếu đến cuối cùng ngân hàng đó vẫn không thể tự xử lý, tự điều chỉnh thì nên cho phá sản. “Dù nhạy cảm, nhưng đây là điều kiện tiên quyết để hệ thống ngân hàng trở nên trong sạch hơn. Chúng ta không thể bảo trợ, bao cấp các ngân hàng mãi được. Đã đến lúc các ngân hàng cần phải tự đứng vững bằng đôi chân của mình trong nền kinh tế thị trường” – TS. Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị.

Thứ hai, về phía bản thân các ngân hàng, vai trò của Ban kiểm soát, thành viên độc lập của HĐQT, Ban kiểm soát phải làm việc với các thành viên HĐQT để những thành viên đó đưa những sai phạm ra ánh sáng, sớm có biện pháp ngăn chặn những sai phạm, tránh để đến khi cơ quan chức năng qua thanh tra, kiểm tra mới phát hiện thì đã muộn. Ngân hàng nhà nước cần có cơ chế để theo dõi kiểm soát các hoạt động thanh kiểm tra nội bộ. Bên cạnh đó, trong nội bội ngân hàng phải có bộ quy tắc về đạo đức kinh doanh trong ngân hàng và phải thực hiện nghiêm chỉnh. Tiếp nữa một điều hết sức quan trọng là về đào tạo, phải thường xuyên tổ chức các khóa huấn luyện đào tạo từ HĐQT đến nhân viên.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO: Từ các đại án ngân hàng, bài học lớn nhất dành cho các ngân hàng đó là bài học về quản trị ngân hàng. Các vụ án đều giống nhau ở chỗ bắt nguồn từ những nguyên tắc quản trị ngân hàng bị phá vỡ, hoặc không có điều kiện bảo đảm thực thi. Chỉ cần một vài quy trình bị bẻ gẫy, hàng trăm tỷ đồng có thể bị xâm phạm, chiếm đoạt dễ dàng. Chỉ cần một cá nhân nắm hoàn toàn quyền chi phối và không màng đến rủi ro pháp lý, hàng nghìn tỷ đồng của ngân hàng có thể “bốc hơi”.

ĐINH CHIẾN

Link nội dung: https://phaply.net.vn/ts-nguyen-tri-hieu-de-khong-con-nhung-dai-an-ngan-hang-can-thanh-tra-giam-sat-theo-mo-hinh-camels-a216149.html