(Pháp lý) - Những năm gần đây tại thị trường Việt Nam cũng như trên thế giới có rất nhiều thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A), huy động vốn (IPO) diễn ra, nhưng những hoạt động trên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì thiếu khung khổ pháp lý, tầm nhìn và chiến lược chưa phù hợp. Từ thực tế đó, để việc M&A, IPO trong nước diễn ra sôi động và không đổ vỡ, theo nhiều chuyên gia pháp lý phía doanh nghiệp phải minh bạch trong việc công bố thông tin, các cơ quan nhà nước cần đưa ra các quy định pháp lý sát thực tế để điều chỉnh.
Thấy gì từ những vụ M&A và IPO trong quá khứ?
Trước sự hội nhập sâu rộng trong những năm gần đây, các lĩnh vực sản xuất tiêu dùng và bán lẻ của doanh nghiệp nội gặp nhiều sự cạnh tranh gay gắt khi có nhiều đối thủ đến từ nước ngoài. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh, buộc phải “bán mình”, hoặc kêu gọi góp vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh năng lực kinh doanh và cạnh tranh.
Tuy nhiên, hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nền kinh tế nếu không có cơ chế chính sách điều tiết kịp thời, khung khổ pháp lý chặt chẽ, tầm nhìn và chiến lược phù hợp. Bên cạnh đó, thực tế nhiều thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A) cũng chứa đựng rất nhiều vấn đề.
Vấn đề thứ nhất là nhiều nhà quản trị doanh nghiệp chưa xem việc mua bán doanh nghiệp là công cụ để tái cấu trúc hay cạnh tranh nên không có sự chuẩn bị tốt, làm tăng tỷ lệ thất bại khi thực hiện. Theo Công ty First Asia Limited (thành viên của Hiệp hội tư vấn môi giới mua bán, sáp nhập doanh nghiệp quốc tế - IBBA), có hơn 50% doanh nghiệp Việt Nam phải đóng cửa sau 6 năm hoạt động. Trong khi đó cũng hơn 50% các thương vụ M&A thất bại.
Vấn đề thứ hai là, hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn duy trì hai hệ thống sổ sách kế toán. Thông tin tài chính của nhiều doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần hóa chưa được công bố minh bạch, hoặc công bố trên website của doanh nghiệp với thông tin không được cập nhật. Ðiều này làm cho các nhà đầu tư e ngại về tính chính xác của các con số tài chính. Ngoài ra, việc tiếp cận thông tin về đối tượng tiềm năng cũng khá khó khăn với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư phải mất tương đối nhiều thời gian để thực hiện thương vụ.
Bên cạnh đó, thực tiễn các doanh nghiệp Việt Nam định giá quá cao khi bán, điều này đang ảnh hưởng lớn đến sự thành công của các thương vụ mua bán do hai bên khó thống nhất được giá. Chúng ta có thể thấy rõ điều này ở các thương vụ IPO trong năm những năm qua ở cả Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đều có những thương vụ gọi vốn IPO bất thành.
Tại thị trường Việt Nam, cuối năm 2015, Tạp chí FinanceAsia (tạp chí hàng đầu châu Á về tài chính) cho hay, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam (chủ sở hữu chuỗi cửa hàng Món Huế) đã lên kế hoạch gửi hồ sơ niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong. Thương vụ được dự đoán sẽ tiến hành vào đầu năm 2016, tuy nhiên, đến nay, kế hoạch IPO trên sàn Hong Kong của Huy Việt Nam vẫn chưa được diễn ra, trong khi hầu hết cửa hàng ẩm thực trong nước đã phải đóng cửa vì thua lỗ.
Trên thế giới, câu chuyện WeWork trượt giá từ 47 tỷ USD xuống còn 10 tỷ USD ngay trước thềm IPO mới đây đã khiến xôn xao dư luận. Hay Anheuser-Busch InBev SA (hãng bia lớn nhất thế giới) chi nhánh châu Á - Thái Bình Dương cũng buộc phải tuyên bố hủy bỏ đợt IPO vào tháng 7/2019. Không chỉ có sự thất bại trước thềm IPO, cũng có rất nhiều công ty thất bại sau khi IPO, đơn cử có thể kể đến đó là Uber, hay là Xiaomi.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến IPO không thành công, có thể kể đến như: không định giá đúng giá trị doanh nghiệp, đúng tín hiệu thị trường như trường hợp của Uber vào đúng thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Những trường hợp thất bại sau IPO thường xuất phát từ việc nhà đầu tư điều chỉnh chiến lược kinh doanh nên quyết định rút vốn khỏi doanh nghiệp, sự bất đồng trong quản trị khiến doanh nghiệp không thể tiếp tục phát triển, những thay đổi trong chính sách làm ngành kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn trong phát triển thị trường và mở rộng kinh doanh, hoặc do thị trường phát sinh yếu tố bất lợi như căng thẳng thương mại, chính trị gia tăng…
Có một điểm đáng chú ý, là những thương vụ IPO thành công đa phần đều có những quỹ đầu tư đồng hành cùng, những tổ chức chuyên nghiệp này thường có kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ rất cao trong việc định giá, nghiên cứu thị trường, cùng với đó là đưa ra cho doanh nghiệp những tư vấn trong vấn đề quản trị và định hướng phát triển cho doanh nghiệp, …nên những doanh nghiệp này thường sẽ đạt được kết quả tốt khi IPO.
Một điển hình cho IPO thành công được cả thế giới quan tâm trong năm 2019 là thương vụ IPO Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco của Saudi Arabia. Theo thông tin mới nhất, ngay sau khi IPO, Saudi Aramco trở thành doanh nghiệp có giá trị vốn hóa cao nhất thế giới, vượt xa Apple. Hiện giá trị thị trường của công ty đạt ngưỡng gần 2.000 tỷ USD.
Theo quan điểm của chúng tôi, sự thành công của Saudi Aramco được quyết định bởi những nguyên nhân như: thứ nhất là ngành kinh doanh của tập đoàn này có lợi nhuận cực kỳ cao, là doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất trong ngành dầu mỏ của thế giới; thứ hai người mua là các đại gia trong nước và trong khu vực họ cực kỳ nhiều tiền và muốn nắm một lượng lớn cổ phiếu của tập đoàn để hưởng lợi; thứ ba là tập đoàn hứa từ ngày IPO đến năm 2024, mỗi năm sẽ bỏ ra khoảng 7,5 tỷ đô la để trả cổ tức và cuối cùng là việc định giá giá trị tập đoàn thấp. Đây chính là những bài học quý giá cho nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam khi IPO các doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước.
Nhà nước, doanh nghiệp Việt cần chú ý những vấn đề gì?
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, để M&A, IPO thành công, các doanh nghiệp cần minh bạch và công bố thông tin tốt hơn, chủ động tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế, thúc đẩy niêm yết các công ty nhà nước cổ phần hóa, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách. Đối với các thương vụ IPO, tiêu chí niêm yết của các sở giao dịch chứng khoán nước ngoài nhìn chung đều cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp Việt Nam.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Kể từ khi các Nghị định này có hiệu lực, việc chào bán và niêm yết chứng khoán của doanh nghiệp ở nước ngoài về cơ bản đã có hành lang pháp lý.
Như vậy, theo quy định thì doanh nghiệp muốn chào bán cổ phiếu ở nước ngoài cần đáp ứng ba điều kiện, đó là: Ðược đại hội đồng cổ đông thông qua chào bán; đáp ứng các quy định về chào bán cổ phiếu lần đầu tại thị trường mục tiêu và được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhưng pháp luật chỉ đặt ra các điều kiện đối với các doanh nghiệp khi thực hiện IPO, nên theo Luật sư Hà sẽ không thể bao quát được kết quả cũng như đảm bảo sự thành công đối với các thương vụ IPO.
Do đó, Luật sư Hà khuyến nghị các doanh nghiệp khi có dự định thực hiện IPO cần phải nghiên cứu kỹ nhu cầu thực sự và những biến động của chính trị, kinh tế có khả năng tác động đến thị trường, đứng từ góc nhìn từ nhà đầu tư để xem xét liệu việc chào bán của mình ra thị trường đã thực sự phù hợp với lượng cầu chưa. Cần thuê các đơn vị tư vấn tài chính, thuế và pháp lý để có lộ trình cho việc IPO một cách thành công, lường trước các rủi ro tiềm ẩn.
Bên cạnh đó, cũng cần nhận định được chính xác thực sự giá trị của doanh nghiệp để định giá đúng. Các doanh nghiệp nếu chưa đủ khả năng thì cần đến sự tư vấn các chuyên gia trong toàn bộ quá trình thực hiện về mọi mặt pháp lý, định giá, lựa chọn tổ chức bảo lãnh phát hành, …
Về phía các cơ quan nhà nước, cần tập trung nghiên cứu đưa ra các quy định, điều kiện để hạn chế tốt nhất những rủi ro về những thương vụ IPO đổ bể.
Đối với các thương vụ M&A, Thạc sỹ Trần Thị Ngọc Anh, khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp nhận định, thời gian tới được dự đoán sẽ rất sôi động. Vì thế, một môi trường kinh tế - chính trị - xã hội ổn định và một môi trường pháp lý đồng bộ, lành mạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động M&A doanh nghiệp nói riêng phát triển bền vững.
Theo quan điểm của bà Ngọc Anh, hiện nay, các văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp hoạt động mua lại và sáp nhập dành cho các doanh nghiệp chưa rõ ràng, vì thế quá trình thực hiện thương vụ mua lại và sáp nhập diễn ra gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp muốn thực hiện M&A phải nộp hồ sơ xin phép và chờ xem xét trả lời bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần thúc đẩy nhanh quá trình soạn thảo các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động M&A doanh nghiệp để đảm bảo lợi ích cho các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy sự hợp tác và tăng năng lực cạnh tranh trong nước khi bị các công ty tài chính nước ngoài mua lại.
Hơn nữa, các hình thức M&A ở Việt Nam khá đơn giản. Do đó, Nhà nước cần tạo điều kiện để đa dạng hóa các hình thức hoạt động, góp phần làm phong phú thêm nguồn cung cầu cho thị trường M&A Việt Nam. Sự kiểm soát của nhà nước đối với thị trường M&A là rất cần thiết nhằm hạn chế những tiêu cực do độc quyền mang lại cho nền kinh tế và người tiêu dùng. Đồng thời, việc xác định thị phần sau mua lại, sáp nhập có nhiều cách tính với nhiều kết quả khác nhau. Chính vì vậy, Nhà nước cần phải quy định cách tính cụ thể, nên chăng tính thị phần theo phương pháp riêng lẻ từng dịch vụ, bởi vì trong nhiều trường hợp cách này cho kết quả chính xác hơn, nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng cách tính để gây nên tình trạng độc quyền.
Nhà nước nói chung và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói riêng cũng nên quy định cụ thể các giao dịch M&A bị cấm trong văn bản pháp luật. Tóm lại, luật pháp và các chính sách cho hoạt động M&A nên được thiết kế theo hướng hỗ trợ cho sự phát triển thị trường M&A, phát huy lợi ích cũng như hạn chế những tác động xấu do nó mang lại. Đồng thời, khung pháp lý cho M&A phải có tầm nhìn dài hạn, tránh sự chồng chéo và phải đạt được độ thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nguyễn Nguyễn
Link nội dung: https://phaply.net.vn/sap-nhap-mua-ban-doanh-nghiep-va-huy-dong-von-nhung-van-de-phap-ly-doanh-nghiep-can-luu-y-a216127.html