Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa: Những thách thức với Chính phủ và doanh nghiệp

(Pháp lý) - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một trong những Hiệp định đầu tiên mà Việt Nam ký kết sử dụng hình thức tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá. Các quy định về hình thức tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá của Hiệp định CPTPP được đánh giá là hiện đại, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hoá trong khu vực. Tuy nhiên, hình thức này vẫn còn khá mới mẻ đối với Việt Nam, đặt ra những thách thức không nhỏ đối với cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.

Cán bộ hải quan phải có năng lực rất cao để xây dựng hệ thống tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (ảnh minh họa)
Cán bộ hải quan phải có năng lực rất cao để xây dựng hệ thống tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (ảnh minh họa))

Những khó khăn Việt Nam sẽ phải đối mặt

Đánh giá về quy định tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá được quy định trong CPTPP, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Giảng viên trường Đại học Ngoại thương cho rằng, đó là một phương thức tiếp cận mới, hiện đại, không chỉ giúp cho doanh nghiệp, mà còn giúp cho Chính phủ các quốc gia thành viên tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức đồng thời còn đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch, ngăn chặn tối đa gian lận và chứng nhận xuất xứ không hợp lệ với mục đích hưởng ưu đãi thuế quan tại các quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, các yêu cầu của Hiệp định CPTPP để xây dựng hệ thống tự chứng nhận xuất xứ tại các quốc gia thành viên là không hề đơn giản, đặc biệt là đòi hỏi năng lực rất cao của cán bộ hải quan, năng lực của nhân viên trong các doanh nghiệp, cũng như khả năng xây dựng hệ thống lưu trữ dữ liệu lớn của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại quốc gia thành viên.

Việc đáp ứng các yêu cầu nói trên không khó khăn đối với các quốc gia thành viên phát triển của CPTPP khi họ đã có nhiều kinh nghiệm trong áp dụng như Nhật Bản, New Zealand, Singapore,...Tuy nhiên, lại không dễ để đáp ứng được các yêu cầu nói trên trong việc triển khai thực hiện một hệ thống tự chứng nhận xuất xứ phù hợp với các quy định của Hiệp định CPTPP.

Có thể thấy, Việt Nam đang bước vào một sân chơi lớn với các quốc gia phát triển vượt bậc hơn chúng ta về mọi mặt khi tham gia vào CPTPP, do đó bên cạnh các cơ hội mở ra trong hội nhập thương mại, đây cũng là một thách thức lớn đối với chúng ta để có thể đáp ứng được yêu cầu hội nhập sâu rộng vào môi trường thương mại của khu vực. Nếu không làm được điều này, có nhiều khả năng phần thiệt thòi sẽ thuộc về chúng ta khi phải tuân theo luật chơi của những kẻ mạnh.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức không chỉ đến từ sự cạnh tranh của hàng hoá từ các quốc gia khác do môi trường thương mại đầu tư được mở cửa theo cam kết xoá bỏ các rào cản của CPTPP, mà còn đến từ việc phải thích ứng với những quy định, tiêu chuẩn rất cao của các quốc gia thành viên khác của CPTPP nếu muốn được hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu hàng hoá vào các quốc gia này.

Thứ nhất, có thể các doanh nghiệp sản xuất ra hàng hoá là chủ thể hiểu rõ nhất quy trình sản xuất hàng hoá như thế nào, nhưng lại thiếu những kiến thức nhất định về các quy tắc xuất xứ hàng hoá, về thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hoá, đặc biệt là thiếu kinh nghiệm về tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá. So với các doanh nghiệp của các quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều bỡ ngỡ về hình thức tự chứng nhận xuất xứ này.

Mặc dù Việt Nam đã thực hiện thí điểm chương trình tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN theo Thông tư số 28/2015/TT – BCT ngày 20/8/2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 27/2017/TTBCT ban hành ngày 06/12/2017), tuy nhiên cho tới nay, số lượng doanh nghiệp được phép thực hiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá mới chỉ có hai doanh nghiệp sau 3 năm thực hiện thí điểm. Trên thực tế, ngay cả đối với các hệ thống cấp giấy chứng nhận truyền thống, tỉ lệ vận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam là thành viên của các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất thấp, một trong những nguyên nhân chính của kết quả này là việc các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc nắm được và hiểu rõ các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hoá của các FTA.

Thứ hai, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng hệ thống lưu trữ đáp ứng được yêu cầu của CPTPP về yêu cầu lưu trữ toàn bộ các tài liệu liên quan tới việc chứng nhận xuất xứ hàng hoá cho một lô hàng tối thiểu là 5 năm. Chủ yếu các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 98,1% trên tổng số doanh nghiệp cả nước), do đó việc xây dựng một hệ thống lưu trữ hồ sơ, tài liệu trên giấy cũng như lưu trữ trên hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cũng là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp này. Việc không đáp ứng yêu cầu về cơ sở lưu trữ hồ sơ cũng sẽ dẫn đến kết quả là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hoá sẽ không thể đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin của quốc gia nhập khẩu khi họ thực hiện xác minh chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong trường hợp cần thiết. Điều này sẽ khiến cho hàng hoá của các doanh nghiệp này khó có thể được hưởng ưu đãi thuế theo quy định tại Hiệp định CPTPP.

Thứ ba, nếu không hiểu rõ các quy định dẫn đến thực hiện tự chứng nhận xuất xứ không hợp lệ, các doanh nghiệp không chỉ phải đối mặt với nguy cơ không được hưởng ưu đãi thuế quan, mà thậm chí còn phải thực hiện nộp phạt hoặc chịu những hình phạt nặng từ các quốc gia nhập khẩu nếu không chứng minh được hàng hoá của mình có xuất xứ đúng với việc tự chứng nhận.

Các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều thách thức khi thực hiện cam kết tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (ảnh minh họa)
Các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều thách thức khi thực hiện cam kết tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (ảnh minh họa))

CPTPP cho phép các quốc gia sẽ quy định các biện pháp xử phạt trong pháp luật quốc gia mình theo Điều 3.30. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 3.27 CPTPP, khi một doanh nghiệp bị phát hiện gian lận về chứng nhận xuất xứ đối với một loại hàng hoá, CPTPP còn cho phép các quốc gia thành viên có thể áp dụng biện pháp từ chối cho hưởng ưu đãi với các hàng hoá tương tự đến từ quốc gia xuất khẩu đó, chứ không chỉ riêng đối với doanh nghiệp đó, gây thiệt hại cho toàn bộ một ngành sản xuất của Việt Nam.

Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải chuẩn bị tinh thần, nguồn lực trong trường hợp nhận được yêu cầu xác minh tại cơ sở sản xuất từ phía quốc gia nhập khẩu. Bởi vì theo hệ thống cấp giấy chứng nhận xuất xứ quen thuộc với doanh nghiệp Việt Nam, việc xác minh ở cơ sở sản xuất chỉ đến từ phía cơ quan hải quan Việt Nam có thẩm quyền. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này từ phía quốc gia nhập khẩu, rất có thể các doanh nghiệp sẽ gánh chịu thiệt hại lớn khi không những mất khoản thuế ưu đãi mà còn chịu các hình phạt nặng nề khác từ quốc gia nhập khẩu.

Chính phủ cần làm gì?

Theo các thoả thuận tại CPTPP, Việt Nam sẽ có tối đa 10 năm để chuẩn bị cho việc thực hiện hình thức tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định của Hiệp định. Liên quan đến việc triển khai hệ thống tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định của Hiệp định CPTPP, Chính phủ Việt Nam sẽ cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, về việc xây dựng hệ thống các văn bản pháp lý. Với vai trò là quốc gia xuất khẩu, chúng ta cần cân nhắc bổ sung các quy định về thủ tục yêu cầu cung cấp nhà sản xuất, nhà xuất khẩu cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến hoạt động tự chứng nhận xuất xứ để lưu trữ, cung cấp hỗ trợ cho quốc gia nhập khẩu khi được yêu cầu; các quy định về hình phạt áp dụng đối với các nhà sản xuất, nhà xuất khẩu của quốc gia mình trong trường hợp phát hiện ra sự gian lận, cố tình cung cấp thông tin sai lệch để hưởng ưu đãi thuế quan của các thương nhân. Làm điều này cũng là để bảo vệ cho ngành công nghiệp của quốc gia, tránh sự trừng phạt hàng loạt của các quốc gia nhập khẩu khi họ phát hiện có sự gian lận.

Tuy nhiên, cần chú ý, vấn đề lớn đối với Việt Nam là thực hiện vai trò của quốc gia nhập khẩu hàng hoá, Việt Nam cần phải xây dựng các quy định chặt chẽ trong hệ thống pháp luật để bảo đảm thực hiện cơ chế xác minh xuất xứ một cách bảo đảm, giúp phát hiện được các gian lận về thuế quan khi hàng hoá được nhập khẩu vào tránh gian lận về thuế quan dẫn tới thất thu ngân sách Nhà nước. Chẳng hạn như đặt ra quy định về hình phạt như thế nào đối với các doanh nghiệp nhập khẩu vi phạm quy định cũng như cơ chế thu thuế và hoàn trả thuế sau xác minh sẽ được thực hiện ra sao....

Mặt khác, không chỉ cần xây dựng hệ thống các quy định phù hợp, Chính phủ Việt Nam còn phải đảm bảo một môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch về thủ tục, nghĩa vụ các chủ thể liên quan.

Thứ hai, về xây dựng cơ chế thực hiện. Hiện nay, nhiệm vụ cơ bản của các cơ quan có thẩm quyền trong việc chứng nhận xuất xứ tại Việt Nam chính là xem xét, xác minh để cấp C/O cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá của mình ra các đối tác là thành viên của các FTA mà Việt Nam tham gia.

Khi thực hiện hệ thống tự chứng nhận xuất xứ theo quy định tại CPTPP, điều quan trọng là phải chuẩn bị được về đội ngũ cán bộ của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam để thích ứng được với những yêu cầu mới về nghiệp vụ. Việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá phụ thuộc rất nhiều vào sự trung thực của các doanh nghiệp, vì vậy Chính phủ Việt Nam cần đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực để nhận biết và xác định đối với những hồ sơ, giấy tờ, tài liệu tự chứng nhận xuất xứ có sự giả mạo, sai lệch từ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu từ các nước đối tác vào Việt Nam để nhằm gian lận về thuế. Ví dụ, đối với quy định về quyền được yêu cầu xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất của nhà sản xuất đặt tại quốc gia xuất khẩu đã đặt ra rất nhiều vấn đề về nâng cao năng lực ngôn ngữ cho cán bộ, chi phí di chuyển để thực thi.
Để làm tốt nhiệm vụ này, Chính phủ Việt Nam cũng cần phải chú trọng vào hoạt động tăng cường sự hợp tác giữa cơ quan hải quan của Việt Nam với cơ quan hải quan của các quốc gia thành viên của CPTPP.

Mặc dù Việt Nam có một khoảng thời gian là 10 năm để xây dựng hệ thống pháp lý và cơ chế thực thi cho việc tự chứng nhận xuất xứ theo CPTPP, Chính phủ Việt Nam cần phải gấp rút học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác, chuẩn bị xây dựng hệ thống pháp lý, cơ sở dữ liệu, xây dựng năng lực cán bộ ngành hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao khả năng tự chứng nhận xuất xứ để có thể tận dụng tối đa lợi ích của việc đẩy mạnh hội nhập.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động tìm hiểu và nắm rõ các quy định về thủ tục chứng nhận xuất xứ và xác minh xuất xứ của các quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP nói chung và các quốc gia mà Việt Nam có ký kết thoả thuận ưu đãi thương mại nói riêng, để nhanh chóng bắt kịp được với các quy định mới, tiến bộ cũng như các yêu cầu pháp lý của các quốc gia này để hàng hoá được hưởng ưu đãi.

Mặc dù Việt Nam đã thực hiện thí điểm chương trình tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN theo Thông tư số 28/2015/TT – BCT ngày 20/8/2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 27/2017/TTBCT ban hành ngày 06/12/2017), tuy nhiên cho tới nay, số lượng doanh nghiệp được phép thực hiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá mới chỉ có hai doanh nghiệp sau 3 năm thực hiện thí điểm. Trên thực tế, ngay cả đối với các hệ thống cấp giấy chứng nhận truyền thống, tỉ lệ vận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam là thành viên của các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất thấp, một trong những nguyên nhân chính của kết quả này là việc các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc nắm được và hiểu rõ các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hoá của các FTA.


Quy định về chứng nhận xuất xứ hàng hoá để được hưởng ưu đãi theo CPTPP được quy định tại Chương 3 – Quy tắc xuất xứ và các thủ tục chứng nhận xuất xứ. Theo quy định tại Điều 3.20, các quốc gia thành viên sẽ thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo hình thức tự chứng nhận xuất xứ, theo đó, nhà nhập khẩu được hưởng thuế quan ưu đãi tại quốc gia nhập khẩu dựa trên chứng nhận xuất xứ được thực hiện bởi nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu.

Nguyễn Hòa (thực hiện)

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-chung-nhan-xuat-xu-hang-hoa-nhung-thach-thuc-voi-chinh-phu-va-doanh-nghiep-a215239.html