Hội thảo về áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại TAND

Chiều nay 16/12, TANDTC đã tổ chức Hội thảo về áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại TAND. Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội thảo.

Những vi phạm thường gặp

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã nhấn mạnh đến những nội dung đã được định hướng trong buổi sáng nay. Chánh án cho biết, việc áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án, Luật đã trao thẩm quyền cho Tòa án áp dụng biện pháp này, nhưng có rất nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Thời gian vừa qua, trước thông tin của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đại biểu Quốc hội xung quanh việc áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời, TANDTC đã giao cho cơ quan Thanh tra TANDTC tiến hành thanh tra một số nơi có áp dụng biện pháp này nhưng chất lượng không tốt. Kết quả cho thấy cũng có những vướng mắc cần hướng dẫn.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc tại hội thảo
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc tại hội thảo)

Để đảm bảo chất lượng công tác này được tốt, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của TAND, Chánh án TANDTC đề nghị các đại biểu đánh giá những tồn tại hạn chế, vướng mắc, và đề xuất những biện pháp khắc phục kịp thời để việc áp dụng biện pháp này đảm bảo tính khả thi.

Khái quát chung về tình hình áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC Nguyễn Chí Công cho biết, qua công tác giám đốc việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại… cho thấy, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại các Tòa án về cơ bản đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra nghiệp vụ cho thấy một số Tòa án có những sai sót, vi phạm khi áp dụng biện pháp này; Một số quy định của Bộ luật TTDS, Bộ luật dân sự, Luật Xuất nhập cảnh… còn chưa được hiểu và áp dụng thống nhất.

Một số những sai sót thường gặp trong quá trình áp dụng của Tòa án, đó là: vi phạm về thẩm quyền, thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trường hợp buộc thực hiện biện pháp bảo đảm, hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời,…

Cụ thể, các biện pháp khẩn cấp tạm thời gồm: Kê biên tài sản đang tranh chấp, cấm chuyển dịch về quyền tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, cấm thay đổi hiện trạng quy định tại Điều 120, 121, 122 Bộ luật tố tụng dân sự. Biện pháp khẩn cấp tạm thời trên chỉ áp dụng đối với tài sản đang tranh chấp nhưng có Tòa án áp dụng đối với cả những tài sản không có tranh chấp.

Theo ông Nguyễn Chí Công, để kịp thời hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong áp dụng biện pháp này, TANDTC đang nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 02/2005/NQ-HĐTP quy định về vấn đề này.

Về cơ bản Nghị quyết này đã kế thừa Nghị quyết 02, đồng thời quy phạm hóa một số nội dung đã được hướng dẫn trong giải đáp (như hướng dẫn về trách nhiệm của Tòa án phải xem xét, áp dụng, thay đổi hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án); Hướng dẫn một số nội dung mà Nghị quyết 02 chưa hướng dẫn rõ; Bổ sung một số nội dung mới trên cơ sở những vướng mắc trên thực tế có liên quan đến Bộ luật tố tụng dân sự 2015…

Xây dựng Nghị quyết hướng dẫn

Để xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 02 đảm bảo chất lượng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Nguyễn Chí Công cũng đề xuất một số nội dung cần thảo luận sâu, đó là: Có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự hay không; Việc tuyên áp dụng, duy trì, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trong bản án sơ thẩm, phúc thẩm theo quy định của Bộ luật TTDS 2015 như thế nào? Có áp dụng biện pháp này đối với tài sản đang thế chấp tại ngân hàng, và trong giai đoạn kể từ khi Tòa án cấp sơ thẩm xét xử xong vụ án cho đến khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án để giải quyết theo trình tự phúc thẩm thì Tòa án có áp dụng biện pháp này hay không?...

Các đại biểu tham dự hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo)

Thực tiễn cho thấy, khi đương sự yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhưng tài sản yêu cầu áp dụng đang được thế chấp tại ngân hàng, thì một số Thẩm phán vẫn ra quyết định áp dụng biện pháp này. Khi áp dụng cũng có quan điểm cho rằng không đúng, không bảo vệ được tổ chức nhận thế chấp tài sản, nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là biện pháp khẩn cấp tạm thời, do tính chất tạm thời nên không phải là quyết định cuối cùng để giải quyết vụ án nên không vi phạm các quy định của pháp luật.

Tại hội thảo các đại biểu đã thảo luận xung quanh các nội dung như: Chế định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật TTDS 2015 và một số vấn đề cần hướng dẫn.

Góp ý về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và một số quy định trong dự thảo Nghị quyết, đại diện Tòa dân sự TAND TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là biện pháp có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ việc dân sự. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, không kịp thời có thể dẫn đến hậu quả không thể khắc phục được. Ngoài ra, còn phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ luật TTHS 2015. Đại biểu cũng kiến nghị một số nội dung cần hoàn thiện trong dự thảo Nghị quyết.

Góp ý về những bất cập trong thực hiện biện pháp này, đại diện TAND TP Hà Nội nêu lên những khó khăn vướng mắc trong áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo quy định của Bộ luật TTDS 2015, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình Tòa án thụ lý giải quyết vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính… là hết sức cần thiết để bảo vệ chứng cứ, ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra.

Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể dưa trên cơ sở đơn đề nghị của một trong các bên đương sự hoặc Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án xét thấy cần thiết thì có thể tự mình ra quyết định áp dụng. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 113 Bộ luật TTDS và quyết định 120 của Chánh án TANDTC, thì Thẩm phán luôn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp áp dụng hay không áp dụng biện pháp này.

Thẩm phán từ chối áp dụng hoặc áp dụng không đúng về thời gian hoặc áp dụng không đầy đủ theo yêu cầu của người đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì bị xử lý trách nhiệm và Tòa án có thể phải bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra. Đây là quy định khó khăn, cản trở hoạt động của các Thẩm phán khi tiến hành tố tụng.

Bên cạnh đó, hiện nay biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ áp dụng đối với tài sản đang tranh chấp quy định tại các Điều 120, 121 và 122 Bộ luật TTDS sẽ hạn chế khả năng áp dụng đối với tài sản không tranh chấp để bảo vệ chứng cứ hoặc đảm bảo thi hành án. Trên thực tế, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản không phải là tài sản tranh chấp nhưng có liên quan đến vụ án đang giải quyết như cấm chuyển dịch tài sản đối với tài sản của người có nghĩa vụ để bảo đảm khả năng thực hiện nghĩa vụ của người đó là điều cần thiết…

Kết luận hội thảo, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Khẩn cấp tạm thời là biện pháp quan trọng và có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người dân, bảo đảm thi hành án, thu thập chứng cứ, chống việc trốn tránh các nghĩa vụ mà Luật đã quy định cho Tòa án thẩm quyền thực hiện.

Vừa qua, lãnh đạo TANDTC đã yêu cầu cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra công tác này tại một số địa phương như Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh. Tất cả những tồn tại, thiếu sót được thống kê để có biện pháp giải quyết kịp thời. Những hạn chế trong công tác do nhiều nguyên nhân khác nhau: do quy định của pháp luật, do thiếu kinh nghiệm, sự hiểu biết pháp luật..

Để khắc phục tình trạng trên cần phải ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Hiện đã có Nghị quyết 02 và hai văn bản hướng dẫn thi hành biện pháp này. Nhưng Nghị quyết 02 là hướng dẫn luật cũ, hiện Bộ luật TTDS mới được ban hành cần phải có hướng dẫn thay thế.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, sẽ ghi nhận và nghiên cứu các ý kiến đóng góp của các đại biểu và tổ chức hoàn thiện dự thảo nghị quyết hướng dẫn này. Trước mắt, cần chấn chỉnh kịp thời những tiêu cực (nếu có) trong công tác này hiện nay.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì khả năng rủi ro cao. Vì vậy, Chánh án TANDTC đề nghị Chánh án Tòa án cấp tỉnh có biện pháp kịp thời để việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện một cách công tâm, khách quan, đúng pháp luật.

Đánh giá hội thảo đã được các đại biểu đóng góp ý kiến rất chất lượng, cung cấp nhiều thông tin quý giá cho ngành Tòa án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình yêu cầu cơ quan tham mưu tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu để quán triệt trong hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án tới đây.

Theo congly.vn

Nguồn bài viết: https://congly.vn/hoat-dong-toa-an/tieu-diem/hoi-thao-ve-ap-dung-thay-doi-huy-bo-bien-phap-khan-cap-tam-thoi-tai-tand-325022.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/hoi-thao-ve-ap-dung-thay-doi-huy-bo-bien-phap-khan-cap-tam-thoi-tai-tand-a215210.html