An ninh kinh tế - “mặt trận nóng bỏng” chưa khi nào giảm nhiệt

(Pháp lý) - Năm 2019 đã khép lại với nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội, là nền tảng tích cực cho năm 2020. Tuy nhiên, trong bức tranh chung đó vẫn có những mảng xám của tội phạm kinh tế, vi phạm pháp luật khá phức tạp như gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, thất thoát qua các dự án PPP, các dự án đất đai không qua đấu giá, lừa đảo tại các dự án ma, buôn lậu, rửa tiền ...

Gian lận xuất xứ hàng hóa

Tháng 10/2019, cơ quan chức năng phát hiện ra vụ việc có dấu hiệu giả mạo xuất xứ Việt Nam đối với mặt hàng nhôm tại Bà Rịa - Vũng Tàu chờ xuất khẩu sang Mỹ và các nước, ước tính giá trị khoảng 4,3 tỷ USD.

Nhãn mác hàng hóa được thay thế nhãn Trung Quốc
Nhãn mác hàng hóa được thay thế nhãn Trung Quốc)

Công ty Asanzo với thương hiệu “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố điều tra liên quan đến hành vi “buôn lậu” với hàng hóa xuất xứ Trung Quốc.

Ở mức độ thấp hơn, sản phẩm mang nhãn hiệu Seven.Am có dấu hiệu cắt gốc Trung Quốc, thay bằng nhãn mới.

Ngày 4/11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng phát hiện một cơ sở may mặc tại quận Long Biên nhập hàng Trung Quốc sau đó thay nhãn mác IFU trên các sản phẩm quần áo. Trong số hàng bị thu giữ có cả hàng hóa của NEM - thương hiệu khá nổi tiếng trên thị trường với gần 100 cửa hàng trên toàn quốc…

Gian lận xuất xứ hàng hóa rất đáng lo ngại hiện nay. Việt Nam có nguy cơ bị lợi dụng, trở thành nơi trung chuyển hàng hóa sang nước thứ ba cũng như hàng hóa nhập khẩu dán nhãn trong nước, gây ra những thiệt hại không nhỏ.

Theo Bộ Công thương, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình 7 năm, mở ra cơ hội xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như: dệt may, da giày, nông - thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau quả), đồ gỗ… Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện chỉ có hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa kịp tiếp cận những cơ hội từ các FTA này mang lại thì không ít doanh nghiệp FDI đã cố tình tận dụng những kẽ hở từ việc thiếu các quy định bắt buộc, lấy Việt Nam làm "bệ phóng" cho hàng hóa nước ngoài xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và EU một cách hợp pháp mà không phải chịu thuế.

Chuyên gia cho rằng “Việc hàng hóa Trung Quốc mượn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã ký FTA hết sức nguy hiểm bởi sẽ gây ra hậu quả khôn lường tới các thương hiệu Việt cũng như mất lòng tin với thị trường xuất khẩu. Đây là lý do khiến Việt Nam không tránh khỏi việc bị điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.”

Cùng với đó, hàng hóa của Việt Nam có nguy cơ mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Có thể nói, điều này không chỉ khiến doanh nghiệp Việt thua thiệt trên trường quốc tế, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức cạnh tranh của ngành hàng trong nước, đặc biệt trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng.

Một số mặt hàng của Việt Nam hiện nay đã bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như bị áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp. Một số mặt hàng đang bị điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá như pin năng lượng mặt trời, xe đạp, xe tay nâng… Các nước điều tra chủ yếu là Hoa Kỳ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc.

Trong khi đó, cơ chế chính sách còn những kẽ hở, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Có thể nói lỗ hổng lớn nhất nằm trong Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu. Văn bản này không quy định cụ thể về quy tắc xuất xứ và tiêu chí xuất xứ thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Việc ghi xuất xứ hàng hóa như cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” được giao cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định. Lợi dụng kẽ hở này, không ít doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, cụm linh kiện, cụm chi tiết về Việt Nam chỉ cần lắp ráp đơn giản thành sản phẩm hoàn chỉnh gắn nhãn “xuất xứ Việt Nam”, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và gian lận khi xuất khẩu.

Thất thoát qua các dự án PPP

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hiện nay chủ yếu mới được triển khai thông qua hình thức BOT và BT, tập trung ở lĩnh vực giao thông. Bên cạnh những kết quả tích cực, thì theo như ông Nguyễn Thanh Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội) đánh giá: Nhìn lại thời gian qua, có những dự án PPP tốt, nhưng nói chung có 2 khuynh hướng, một là sai phạm và hai là bất lợi về phía Việt Nam. Ông Bình nêu thực tế sau một thời gian kinh doanh, phần vốn của Nhà nước trong không ít dự án PPP bị thấp xuống và mất đi quyền chi phối trong vấn đề hợp tác công tư. Thậm chí, phần đất là tài sản do Nhà nước đưa vào ban đầu cũng phải nhượng cho nhà đầu tư để bù lại lỗ của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết đến nay đã có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng (trong đó, 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác). Thông qua đó, hơn 1,6 triệu tỷ đồng đã được huy động vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia. Bên cạnh các kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy hầu hết các dự án được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.

Một dự án PPP
Một dự án PPP)

Các dự án BT thanh toán bằng quỹ đất cũng đã bộc lộ nhiều bất cập tương tự như các dự án BOT giao thông được nêu trên về công tác công bố dự án, chủ yếu áp dụng chỉ định thầu, bất cập trong công tác giám sát... Bên cạnh đó, công tác xác định giá trị quỹ đất để thanh toán còn nhiều hạn chế, dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa giá trị công trình BT và giá trị quỹ đất thanh toán, gây bức xúc trong xã hội.

Qua kiểm tra phát hiện 25 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 54 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 422 dự án có thất thoát, lãng phí; 450 dự án phải ngừng thực hiện. Các địa phương có số dự án phát hiện có thất thoát, lãng phí nhiều nhất là tỉnh Bắc Giang có 196 dự án, Phú Thọ có 111 dự án, Quảng Ngãi có 58 dự án. Các dự án có thất thoát lãng phí chủ yếu là các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tổng thể đầu tư năm 2017 phát hiện có 840 dự án có thất thoát lãng phí. Việc thu hút đầu tư tư nhân cũng còn nhiều bất cập, nhất là trong các dự án giao thông.

Thực tế đó, đặt ra những đòi hỏi cao đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, làm sao bảo đảm huy động được nguồn lực của doanh nghiệp, hợp tác có hiệu quả mà không xảy ra thất thoát, lãng phí.

Đất đai không qua đấu giá gây thiệt hại lớn

Trong những năm gần đây, những sai phạm liên quan đến quản lý đất đai được phanh phui, đưa ra xử lý trước pháp luật ngày càng nhiều. Trong đó, đơn cử vụ nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Minh, được các cơ quan chức năng kết luận làm thiệt hại hơn 20 nghìn tỷ, trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng 79, Công ty CP Bắc Nam 79 và 2 Công ty khác), đủ thấy tính chất đặc biệt nghiêm trọng của loại sai phạm này.

Tại 7 dự án bất động sản (bao gồm dự án 29 ha thuộc Khu đô thị Quốc tế Đa Phước, dự án Công viên An Đồn, dự án Habuor Ville, dự án Khu dân cư An Cư 2 mở rộng và An Cư 3 mở rộng, dự án 3,77 ha đường Trường Sa, dự án 1,5 ha đường Trường Sa và dự án Phú Gia Compound) Trần Văn Minh đã cùng các đồng phạm thực hiện các hành vi làm trái quy định của pháp luật về đất đai, trong đó tạo điều kiện cho Vũ được giao quyền sử dụng đất tại 6/7 dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất. Hậu quả thiệt hại cho Nhà nước tại 7 dự án trên giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền là 19,6 nghìn tỷ đồng.

Tại 18 nhà, đất công sản, mặc dù không thuộc diện được mua chỉ định nhưng Vũ đã lợi dụng văn bản pháp lý của UBND TP.Đà Nẵng do Trần Văn Minh ký để bàn bạc, thoả thuận với Giám đốc một số Công ty đứng tên xin mua nhà công sản, xin giảm hệ số sinh lợi. Vũ được mua 15/18 nhà, đất công sản trái pháp luật. Hành vi của ông Minh gây thiệt hại cho Nhà nước tại 18 nhà, đất công sản nêu trên với số tiền là 2,1 nghìn tỷ đồng.

Và rất nhiều vụ sai phạm về đất đai khác ở mức độ khác nhau xảy ra ở nhiều tỉnh thành như Phan Thiết, Bình Dương, Cần Thơ, Khánh Hòa, Hà Nội...

TP. Hồ Chí Minh cũng bộc lộ rất nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, tài sản công như bán rẻ đất công, hợp tác đầu tư dự án bất động sản bằng việc lập pháp nhân rồi thoái vốn, hưởng lợi giá chuyển nhượng “đất vàng” trong khi chưa triển khai, cho thuê đất công tùy tiện. Ngoài hậu quả thất thoát tài sản công là nhiều cán bộ sai phạm bị xử lý, Cơ quan điều tra đã khởi tố các bị can: Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cùng một số lãnh đạo cấp Sở, cấp phòng khác do liên quan đến sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án bất động sản.

Tại tỉnh Khánh Hòa, sai phạm trong quản lý đất đai cũng diễn ra hết sức nghiêm trọng, nguy cơ gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.

Những sai phạm nghiêm trọng về đất đai trên đây bộc lộ những lỗ hổng trong pháp luật về quản lý đất đai, quản lý tài sản công khiến những quan chức thoái hóa dễ dàng tham nhũng, tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật để trục lợi. Khắc phục những lổ hổng này đang được đặt ra một cách cấp thiết.

Dự án bất động sản “ma”

Chưa khi nào tội phạm lừa đảo qua các dự án bất động sản “ma” xảy ra nhiều như thời gian vừa qua. Khủng nhất có lẽ là vụ Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba và em trai Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba mới đây đã bị bắt tạm giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công ty Alibaba và các Công ty thành viên đã thu gom mua một số lượng đất nông nghiệp lớn tại các tỉnh như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, trong đó có một số ít là đất ở tại nông thôn và giao cho các cá nhân đứng tên. Sau đó, Công ty Alibaba tự ý “vẽ” ra khoảng 40 dự án “ma” trên giấy. Hầu hết các dự án do Công ty Alibaba tự vẽ đều không được các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép cho làm dự án. Thế nhưng, Công ty này vẫn quảng cáo, giới thiệu rầm rộ để tiếp cận người mua. Kết cục, Công ty Alibaba đã bán đất nền, huy động vốn của 6.700 người, với số tiền hơn 2.500 tỉ đồng theo hình thức đa cấp. Sau khi Nguyễn Thái Luyện bị bắt, hàng ngàn khách hàng kéo đến Công ty Alibaba tố cáo nhưng hy vọng lấy lại tiền là rất khó.

Một dự án “ma” của Công ty Alibaba bị chính quyền thông báo cấm phân lô, mua bán
Một dự án “ma” của Công ty Alibaba bị chính quyền thông báo cấm phân lô, mua bán)

Mới đây nhất, hàng trăm khách hàng đã gửi đơn đến Bộ Công an tố cáo bà Nguyễn Kim Phượng, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng BĐS Hưng Thịnh tại Long An; bà Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên BĐS Đất Xanh Long An và một số cá nhân khác có hành vi lừa đảo tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường và Hưng Thịnh Cát Tường 2 (Đức Hòa, Long An). Hai dự án này đến nay chủ đầu tư đã bán cho họ nhưng vẫn chưa hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng. Thậm chí tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường 2, Giám đốc Công ty TNHH MTV BĐS Đất Xanh Long An còn bị người dân tố cáo chưa bồi thường đã tự ý chiếm dụng đất của người dân để phân lô bán nền.

Ngày 21/11/2019, Công an TPHCM cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trần Thị Hồng Hạnh (SN 1970, ngụ TPHCM, là Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư BĐS Hoàng Kim Land (Công ty Hoàng Kim Land) để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" bằng thủ đoạn chuyển nhượng đất nền dự án không có thật, qua đó chiếm đoạt số tiền lớn của khách hàng.

Và một số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác tại Hà Nội cũng đã được đưa ra xét xử.

Có thể nói lừa đảo bằng dự án bất động sản “ma” diễn ra rất phức tạp và bị hại rất khó thu hồi lại tài sản đã trao cho những kẻ lừa đảo, gây hậu quả xã hội rất phức tạp.

Theo các chuyên gia bất động sản, đất nền phân lô vùng ven đô thị thời gian qua nở rộ bởi giá rẻ, phù hợp với số đông, nhất là những người ít tiền. Dòng sản phẩm này đánh đúng tâm lý ưa thích đất nền đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người. Ngoài ra, thủ thuật dùng cam kết lợi nhuận khủng của các chủ đầu tư là miếng mồi ngon để lừa người khác bỏ tiền mà không tìm hiểu kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, chế tài và quy định pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn kẽ hở, dễ bị lợi dụng và không nghiêm khiến dự án phân lô bán nền lừa đảo nở rộ.

Nhằm hạn chế, giảm thiểu tình trạng có dấu hiệu lừa đảo trong rao bán đất nền, không có cách nào khác là chính quyền phải tăng cường công tác quản lý, thực thi nghiêm pháp luật về kinh doanh bất động sản tại các địa phương theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần chấn chỉnh ngay những cán bộ thoái hóa, biến chất, tiếp tay hoặc làm ngơ cho cái xấu hoành hành và phải có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn các dự án “ma”. Bởi lẽ, các địa phương thường dựng bảng cảnh báo tại địa điểm dự án “ma” mà không có bất kỳ động tác quyết liệt.

Mặt khác, Sở Xây dựng ở các tỉnh, thành cần kiểm tra ngay khi có thông tin dự án được mở bán để kịp thời phát hiện những dự án chưa đủ điều kiện mở bán theo Luật Kinh doanh bất động sản và cung cấp thông tin cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Người nước ngoài đứng tên mua nhà đất

Báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội mới đây cho thấy, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch đô thị được ban hành khá đầy đủ, tuy nhiên, lĩnh vực này còn không ít tồn tại, hạn chế, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đáng lưu ý là đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.

Một thông tin đáng quan tâm là cuối năm 2018, tại Hội nghị bất động sản, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao Công ty Nghiên cứu thị trường CBRE, tiết lộ một thống kê qua các giao dịch thành công tại các dự án do Công ty này phân phối cho thấy, tỷ lệ người Trung Quốc mua nhà tại TP.HCM đạt 31%, trong khi người Việt Nam chỉ đạt 24%. Những con số này cho thấy nhu cầu đầu tư của người Trung Quốc nói riêng và nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam là có thật.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật thì người nước ngoài không được phép mua đất nền, do đó có thông tin phản ánh về tình trạng người Trung Quốc đã thuê người Việt đứng tên để mua. Ngoài thị trường đất nền, các phân khúc bất động sản khác của Việt Nam cũng đang rất hấp dẫn người nước ngoài, không chỉ riêng nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

Liên quan đến vấn đề này, một Luật sư khẳng định, pháp luật hiện hành mà cụ thể là Luật Đất đai 2013 không cho phép người nước ngoài đứng tên sở hữu đất ở Việt Nam.

Tuy nhiên, với những thủ đoạn tinh vi, luồn lách để “đúng quy trình” hiện nay có thể thực hiện không khó, nhất là có sự tiếp tay của người Việt Nam, cùng với sự tắc trách hay tiêu cực của cơ quan chức năng, vấn đề người nước ngoài mua nhà đất còn rất phức tạp…

Buôn lậu, rửa tiền

Ngày 18/11, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Phú Trọng. Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thống nhất bổ sung vụ án buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp - Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường và các đơn vị có liên quan vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Đường dây Nhật Cường buôn lậu có tổ chức do Bùi Quang Huy cầm đầu. Khám xét khẩn cấp 9 địa điểm liên quan đến Nhật Cường Mobile, cảnh sát đã thu giữ hàng nghìn điện thoại di động, iPad, phụ kiện các loại... Bước đầu cơ quan điều tra xác định Huy và đồng phạm đã thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán tài chính để ngoài sổ sách hàng nghìn tỷ đồng doanh thu.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường thành lập năm 2001. Năm 2011, Nhật Cường thành lập trung tâm phần mềm quản lý doanh nghiệp phục vụ nhu cầu của Công ty. Chỉ một năm sau, Công ty này đã trúng thầu dự án cơ sở dữ liệu cho 7,9 triệu dân của Công an Hà Nội.

Theo hồ sơ năng lực, Công ty đã tham gia xây dựng 126 dịch vụ công, phục vụ hàng triệu người dân Hà Nội như xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online và đặc biệt là giải pháp dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp, phần mềm quản lý tội phạm. Nhóm khách hàng khối cơ quan, Nhà nước của Công ty bao gồm UBND Hà Nội, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công thương, Sở Tư pháp...

Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị phối hợp, đôn đốc chỉ đạo cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án. Theo đó, trong quá trình điều tra vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nhật Cường (Nhật Cường), Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software), Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phát hiện ra nhiều tình tiết lắt léo, như: Công ty Nhật Cường sử dụng các khoản tiền từ buôn lậu để phục vụ cho hoạt động của Nhật Cường Software.

Một cửa hàng của Công ty Nhật Cường bị khám xét
Một cửa hàng của Công ty Nhật Cường bị khám xét)

Vụ Nhật Cường khá phức tạp, không chỉ đơn thuần là buôn lậu. Hy vọng khi kết thúc điều tra, những góc khuất sẽ được phanh phui.

Về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong 9 tháng đầu năm 2019 cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 149.502 vụ việc vi phạm (giảm 18 % so với cùng kỳ 2018), thu nộp NSNN đạt 12.388 tỷ 709 triệu đồng (giảm 11% so với cùng kỳ 2018), khởi tố 1.635 vụ (tăng gần 40% so với cùng kỳ 2018), với 1.908 đối tượng (tăng 44% so với cùng kỳ 2018).

Có thể nói chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn là một mặt trận nóng bỏng từ nhiều năm qua, chưa khi nào giảm nhiệt.

Thái Vũ

Link nội dung: https://phaply.net.vn/an-ninh-kinh-te-mat-tran-nong-bong-chua-khi-nao-giam-nhiet-a215134.html