Phòng, chống gian lận thương mại: Những kiến nghị gửi ngành Công thương và khuyến cáo đối với doanh nghiệp Việt

(Pháp lý) - Năm 2019 vừa qua, trong lĩnh vực kinh doanh, có lẽ từ khóa “gian lận thương mại” được tìm kiếm rất nhiều, rất “nóng”. Tổng cục Hải quan đã phát hiện hàng loạt mặt hàng từ Trung Quốc bóc tem, dán đè, ghi xuất xứ Việt Nam “đột lốt, mượn đường” sang Mỹ và nhiều nước khác nhằm trốn thuế. Từ thực tế này đặt ra nhiệm vụ quan trọng đối với ngành công thương trong năm 2020.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBLaw là người có nhiều trải nghiệm thực tế và có những nghiên cứu sâu các chính sách pháp luật thương mại. Nhìn lại tình trạng gian lận thương mại đáng lo ngại thời gian qua, Luật sư Hà đã có những kiến nghị rất đáng lưu ý.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Luật sư Nguyễn Thanh Hà)

Phóng viên: Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận thương mại diễn biến phức tạp trong thời gian qua?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Gian lận xuất xứ hàng hóa là hình thức bất hợp pháp gây ra những tổn hại đến sản xuất, kinh doanh, uy tín thương hiệu của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này năm 2019 vừa qua, theo tôi phần nhiều là do xung đột thương mại Mỹ - Trung đang chuyển biến một cách phức tạp. Những mặt hàng bị Mỹ đánh thuế nhập khẩu cao, Trung Quốc tìm cách phân tán sang các vùng lân cận. Việt Nam là nước láng giềng giáp với Trung Quốc chắc chắn nằm trong danh sách tẩu tán hàng hóa của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cũng không thể không kể đến những năm gần đây, Việt Nam tích cực tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do với nhiều lợi thế tích cực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đi kèm với những lợi thế thì Việt Nam đang không tránh khỏi việc bị lợi dụng trở thành nơi trung chuyển hàng hóa sang nước thứ ba cũng như hàng hóa nhập khẩu dán nhãn trong nước, gây ra những thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp trong nước.

Ngoài các nguyên nhân trên, theo ông còn nguyên nhân nào khác? Hệ thống các văn bản pháp luật liên quan điều chỉnh lĩnh vực này có lỗ hổng không?

Gian lận thương mại xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể kể đến là do hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành vẫn chỉ đang trong giai đoạn hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh.

Cụ thể như tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu không quy định cụ thể về quy tắc xuất xứ và tiêu chí xuất xứ thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, mà việc ghi xuất xứ hàng hóa như cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” được giao cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định.

Lợi dụng kẽ hở này, không ít doanh nghiệp đã “góp phần” làm cho câu chuyện gian lận xuất xứ hàng hóa “nóng” hơn trong thời gian gần đây.

Lực lượng Hải quan liên tục phát hiện các vụ gian lận thương mại thời gian qua (ảnh minh họa)
Lực lượng Hải quan liên tục phát hiện các vụ gian lận thương mại thời gian qua (ảnh minh họa))

Thực tế cho thấy hiện nay hoạt động ngoại thương đã phát triển nhanh chóng hơn rất nhiều so với thời gian trước, vậy nên văn bản pháp luật cũng cần cập nhật sửa đổi để tạo ra hành lang pháp lý vững chắc hơn.

Có thể khẳng định, còn nhiều khoảng trống về pháp lý trong lĩnh vực này và cũng là nguyên nhân để nhiều đối tác lợi dụng.

Từ thực tế các vụ gian lận thương mại diễn ra trong thời gian qua đặt ra những vấn đề cấp bách nào đối với công tác quản lý và công tác phòng, chống gian lận thương mại, thưa ông?

Từ thực tiễn trên, theo tôi, các Bộ, ngành liên quan cần nâng cao hiệu quả quản lý của mình, tăng cường quản lý Nhà nước về chống gian lận xuất xứ hàng hóa và phòng vệ thương mại đồng thời siết chặt công tác kiểm tra hàng hóa từ biên giới, đường mòn, lối mở, chợ đầu mối. Đặc biệt phải áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm đủ sức răn đe những hành vi vi phạm. Chính phủ cần nhanh chóng ban hành các cơ chế tốt nhất cho lực lượng quản lý thị trường, hải quan, thuế nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp.

Vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành nhiều văn bản quy định như thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hay nói cách khác là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu, giúp hàng hóa của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế khi đi vào các thị trường nước ngoài.

Vậy nên các cơ quan cần xem xét lại quy định của pháp luật, khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm lưu thông tại thị trường trong nước. Cho đến thời điểm này, dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam đã hoàn thành và đang đợi lấy ý kiến phản biện của xã hội, doanh nghiệp, người dân và tổ chức.

Các ý kiến ban đầu cho thấy phạm vi điều chỉnh của Thông tư này cần nghiên cứu kỹ hơn, bởi quy định này dựa trên nền tảng bộ quy tắc xuất xứ của hải quan và có phần sao chép lại các quy định hiện hành. Nếu Bộ Công thương không khẩn trương “chốt” được Thông tư này thì tình hình sẽ rất quan ngại.

Bên cạnh đó cũng cần siết chặt công tác quản lý cấp C/O theo quy định, đồng thời, thực hiện kiểm tra thực tế quy trình sản xuất trước khi cấp C/O hoặc thực hiện dừng cấp C/O với các doanh nghiệp có hành vi gian lận xuất xứ.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tích cực học tập kinh nghiệm nước ngoài trong hoạt động quản lý ngoại thương, tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý ngoại thương.

Trong bối cảnh hiện nay, ông có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp Việt ?

Trước tiên, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng và thực hiện đúng các quy định về xuất xứ hàng hóa; đặc biệt trong việc đào tạo nhân viên nghiệp vụ chuyên phụ trách hoạt động về C/O để biết cách kê khai và biết được thủ tục xin cấp C/O.

Thứ hai, doanh nghiệp cần phối hợp với các hiệp hội liên quan để tìm hiểu cụ thể về những cam kết, quy định trong các hiệp định thương mại liên quan đến ngành sản xuất, kinh doanh của mình. Qua đó, doanh nghiệp có kế hoạch hành động thích hợp để tận dụng cơ hội cũng như có sự chuẩn bị để đối phó với thách thức, nguy cơ, tác động tiêu cực trong bối cảnh xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn và gian lận thương mại về xuất xứ gia tăng.

Thứ ba, doanh nghiệp cũng cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy mở rộng mối quan hệ kinh doanh, thương mại với đối tác thuộc các nước cho hưởng ưu đãi cho phép sử dụng tiêu chuẩn xuất xứ nước bảo trợ. Chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.

Còn đối với các cơ quan chức năng có liên quan, theo ông, họ cần có những hành động gì?

Theo tôi, Chính phủ Việt Nam cần triển khai nhiều biện pháp để chống gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp. Trong đó, Cục Hải quan các tỉnh, TP cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc khai báo xuất xứ trên tờ khai hải quan và việc ghi nhãn hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, phân tích các số liệu thống kê xuất nhập khẩu để xác định danh sách các mặt hàng trọng điểm, có rủi ro cao về nghi vấn gian lận xuất xứ.

VCCI - một trong những tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa cần tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, chuyển tải từ Việt Nam đi các nước để thực hiện việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa đúng quy định.

Bên cạnh đó, các hiệp hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo để các doanh nghiệp tỉnh táo, thận trọng trong hợp tác làm ăn; tránh cách làm ăn chụp giật, chạy theo những lợi ích trước mắt, tiếp tay cho các hành vi lợi dụng, gian lận thương mại, gây ảnh hưởng đến uy tín, thậm chí thiệt hại đến các ngành sản xuất trong nước.

Việt Nam tham gia hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), vì vậy, sự chung tay của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất trong nước để ngăn chặn vấn nạn này là việc làm cần thiết.

Đình Nguyễn (thực hiện)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/phong-chong-gian-lan-thuong-mai-nhung-kien-nghi-gui-nganh-cong-thuong-va-khuyen-cao-doi-voi-doanh-nghiep-viet-a214955.html