Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 5 vụ án nghiêm trọng, phức tạp. Thực hiện chỉ đạo này, từ cuối tháng 11 đến hết tháng 12/ 2019, Tòa án sẽ lần lượt xét xử các vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm.
5 vụ án được Ban chỉ đao Trung ương về phòng, chống tham nhũng quan tâm gồm: Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, liên quan đến Dự án 15 Thi Sách, TP. Hồ Chí Minh; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý đất đai; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TP. Đà Nẵng; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ TT-TT và các đơn vị có liên quan; Vụ án “Giả mạo trong công tác; Sản xuất, buôn bán hàng giả”, xảy ra tại Công ty Lũng Lô và một số Công ty, tổ chức liên quan; Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ TT-TT.
1. Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, liên quan đến Dự án 15 Thi Sách, TP. Hồ Chí Minh
Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) bị truy tố về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong việc ký ban hành chủ trương cho thuê đất, giao nhà công sản tại địa chỉ 15 Thi Sách (Quận 1) cho Phan Văn Anh Vũ
Lô đất 2.337 m2 này trước đây là trụ sở của Công ty TNHH MTV Phim Giải Phóng, do hãng phim này thuê của Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM, trả tiền hàng tháng. Hãng Phim Giải Phóng không đồng ý nhượng lại quyền thuê khu đất số 15 Thi Sách, nhưng không chống được thế lực và thủ đoạn của Vũ "nhôm". Với tư cách sỹ quan tình báo của Tổng cục V (Bộ Công an), Vũ đã nhờ cấp trên tác động thẳng tới cơ quan chủ quản của hãng này, là Bộ VH-TT-DL.
Với cái mác "công ty bình phong" và vẫn dưới lá bùa "hoạt động nghiệp vụ"... trong năm 2014, Vũ đã hai lần ký công văn gửi tới Công ty Phim Giải Phóng giới thiệu Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 đề nghị được sử dụng khu đất 15 Thi Sách cho công tác nghiệp vụ. Khi Hãng Phim Giải Phóng từ chối, Vũ đã đề xuất lãnh đạo của Bộ này ký nhiều văn bản gửi UBND TP. HCM đề nghị tạo điều kiện để được thuê, giao chỉ định tại nhiều khu “đất vàng” trên địa bàn thành phố, trong đó có số 15 Thi Sách.
Cụ thể, ngày 23/6/2014, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân đã gửi công văn đề nghị Bộ VH-TT-DL cho Công ty Bắc Nam 79 được nhận quyền thuê đất tại số 15 Thi Sách. Tới ngày 9/10/2014, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái đã có công văn đồng ý cho Hãng Phim Giải Phóng bàn giao quyền thuê đất tại số 15 Thi Sách cho Công ty Bắc Nam 79 để triển khai dự án theo hướng phục vụ an ninh như kiến nghị của Bộ Công an.
Vậy là chỉ 4 ngày sau, ngày 13/10/2014, ngay trước thềm cổ phần hoá, Hãng phim Giải Phóng đã phải nhượng quyền thuê nhà 15 Thi Sách cho Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 của Vũ "nhôm" với tổng giá trị 29,19 tỷ đồng. Hai ngày sau, ngày 15/10/2014, Công ty Bắc Nam 79 đã chuyển khoản toàn bộ số tiền trên cho Hãng phim Giải Phóng.
Ngày 1/6/2015, ông Đào Anh Kiệt, lúc đó là Giám đốc Sở TN-MT đã ký văn bản đề xuất UBND TP.HCM xem xét quyết định cho Công ty Bắc Nam 79 thuê đất tại số 15 Thi Sách, thời hạn thuê 50 năm. 10 ngày sau (11/6/2015), ông Nguyễn Hữu Tín, lúc đó với cương vị Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ký Quyết định chấp thuận cho Công ty Bắc Nam 79 được thuê đất 50 năm. Đến ngày 10/12/2015, ông Tín tiếp tục ký văn bản công nhận Công ty Bắc Nam 79 làm chủ đầu tư dự án Khu phức hợp thương mại - dịch vụ - căn hộ tại 15 Thi Sách.
Chừng một năm sau, ngày 29/12/2016, sau khi có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất với diện tích 2.366,9 m2, Sở Xây dựng TP HCM đã cấp phép cho Công ty Bắc Nam 79 được xây dựng công trình khu phức hợp gồm ba tầng hầm, 18 tầng nổi tại 15 Thi Sách. Sau đó, Công ty Bắc Nam 79 đã liên kết với Công ty Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova để triển khai dự án, với tên thương mại là Mandison, có giá bán trên thị trường từ 3.500-7.000 USD/m2.
Trong vụ án này, ông Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó Chủ tịch UBND TP. HCM) bị truy tố cùng một số bị can khác về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Bởi lẽ, với chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP. HCM , ông Tín biết rõ nhà đất số 15 Thi Sách là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, được phê duyệt phương án sắp xếp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù vậy, khi tiếp nhận đề nghị của Vũ “nhôm” và Bộ Công an, ông Tín đã không báo cáo Chủ tịch UBND TP. HCM mà đã bút phê giao Sở TNMT làm thủ tục. Bên cạnh đó, ông Tín còn ký quyết định cho Công ty Bắc Nam 79 được thuê đất 50 năm và văn bản công nhận Công ty này làm chủ đầu tư dự án khu phức hợp trên lô đất 15 Thi Sách.
Ngoài vụ 15 Thi Sách, ông Tín cũng có nhiều vi phạm trong quản lý đất đai liên quan đến việc chuyển giao khu “đất vàng” số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (cũng tại phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM) cho Vũ “nhôm”.
2. Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý đất đai; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại TP. Đà Nẵng
Theo cáo trạng của vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, quy định tại Điều 219 và Điều 229 BLHS năm 2015 xảy ra tại TP.Đà Nẵng, Phan Văn Anh Vũ – nhân vật mang danh sỹ quan tình báo của Tổng cục V, khiến nhiều quan chức nể trọng lại là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự.
Năm 1998, Vũ bị Công an TP.Đà Nẵng xử lý hành chính về hành vi Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Ngày 31/10/2018, Vũ bị TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm, tuyên phạt 8 năm tù giam về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”. Ngày 20/12/2018, Vũ bị TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 17 năm tù giam về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Ngày 7/6/2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên y án sơ thẩm. Ngày 13/6/2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm, tuyên phạt 15 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Thời kỳ ông Trần Văn Minh làm Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng (giai đoạn 2006 – 2011), Vũ đã thâu tóm được hàng loạt nhà đất công sản không qua bán đấu giá. Cụ thể, năm 2006: 17 Lê Duẩn; Năm 2007: 86 Bạch Đằng, 36 Bạch Đằng, 49 Nguyễn Thái Học, 45 Nguyễn Thái Học, 22 Cô Giang; Năm 2008: 38 Bạch Đằng, 106 Trần Phú; Năm 2009: 34 Hoàng Văn Thụ, 20 Bạch Đằng, 7 Bạch Đằng, 38 Bạch Đằng mở rộng; Năm 2010: 100 Bạch Đằng, 57 Lê Duẩn, 47 Nguyễn Thái Học, 2 Hải Phòng, 37 Pasteur, 319 Lê Duẩn; Năm 2011: 39 Pasteur.
Theo cáo trạng, từ năm 2002 đến năm 2010, Vũ thành lập 5 Công ty để sử dụng tư cách pháp nhân các Công ty này để thực hiện hành vi mua nhà, đất công sản và nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Trần Văn Minh đã chỉ đạo cấp dưới hoàn thành thủ tục cho phép chuyển nhượng các nhà, đất công sản và các dự án đất không qua đấu giá, hoặc áp dụng đơn giá chuyển quyền sử dụng đất thấp hơn giá theo quy định của pháp luật cho Vũ “nhôm”.
Các thuộc cấp của Minh là các bị can trong vụ án cũng biết được chủ trương của Trần Văn Minh trong việc bán nhà, đất công sản, chuyển quyền sử dụng đất cho Vũ là không đúng quy định, tuy nhiên liên tục trong thời gian dài, Vũ đã tác động để các bị can ký các Tờ trình cho Vũ, nộp tiền đặt cọc để hoàn thành hồ sơ pháp lý, tạo điều kiện cho Vũ trục lợi tại 4 dự án bất động sản.
4 dự án gồm dự án 29ha thuộc Khu đô thị Quốc tế Đa Phước, dự án Khu dân cư An Cư 2 mở rộng và Khu dân cư An Cư 3 mở rộng, dự án Habour Ville, dự án 3,77ha và đường Trường Sa gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tại thời điểm cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện khởi tố, điều tra là hơn 18 nghìn tỷ đồng.
Đối với nhà, đất công sản, cáo trạng xác định, Vũ đã trục lợi trực tiếp tại 15/22 nhà, đất công sản. Việc làm của Vũ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tại thời điểm cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện khởi tố, điều tra là gần 2 nghìn tỷ đồng.
3. Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan
Thương vụ Mobifone mua lại 95% cổ phần của AVG đã được phản ánh trên nhiều bài báo, đây cũng là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm vì thủ đoạn đục khoét công quỹ quá kinh khủng, liên quan đến nhiều quan chức lớn.
Thời điểm Mobifone bỏ ra 8.890 tỷ đồng để mua lại 95% cổ phần của AVG, thì AVG đang là một doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh rất tệ hại. Tổng tài sản AVG chỉ có hơn 3.000 tỷ đồng, nhưng món nợ phải trả là hơn 1.200 tỷ đồng, liên tục lỗ lũy kế trong nhiều năm cả nghìn tỷ. Doanh nghiệp đang thua lỗ trầm trọng đó lại được guồng máy tham nhũng thổi giá lên đến hơn 16 nghìn tỷ, để rồi một doanh nghiệp Nhà nước mua lại với giá hơn 8 nghìn tỷ đồng.
Chỉ cần nhìn vào những con số đó, có thể nhận thấy sự câu kết của những quan chức thoái hóa biến chất gây hậu quả khôn lường và sự bưng bít thông tin, thiếu công khai, minh bạch chính là lá chắn tốt nhất cho tham nhũng hoành hành.
Nếu Thanh tra Chính phủ không làm rõ để xử lý theo pháp luật thì nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó có khoản thiệt hại 1.134 tỷ đồng do mua nợ phải trả của AVG.
Để thực thi thương vụ nhơ bẩn này, phải có sự đồng lõa, tiếp tay của nhiều quan chức. Sau khi tiến hành thẩm định, lập và phê duyệt dự án, lãnh đạo Bộ TT -TT không chỉ gạt bỏ ý kiến phản biện của cấp dưới, mà còn báo cáo sai sự thật với Thủ tướng về tình trạng thực tế của AVG. Thậm chí, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son còn “bút phê” giao Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khi đó, lạm quyền ký luôn quyết định phê duyệt dự án thay cho Thủ tướng.
Đến nay, dù thương vụ mua bán AVG đã bị hủy, các bên cùng nhau hủy hợp đồng, trả lại tiền cho Nhà nước nhưng hậu quả để lại vô cùng lớn dẫn đến những thiệt hại không thể đo đếm được.
Đến nay, trong số 14 bị can bị truy tố, đa số bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng cũng có bị can bị truy tố thêm tội “Nhận hối lộ” như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (đều là nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT); Lê Nam Trà, Cao Duy Hải (nguyên là lãnh đạo Mobifone)...
4. Vụ án “Giả mạo trong công tác; Sản xuất, buôn bán hàng giả”, xảy ra tại Công ty Lũng Lô và một số công ty, tổ chức liên quan
Ngày 21/10/2018, Cơ quan Điều tra hình sự các tổ chức sự nghiệp Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng ra quyết định khởi tố vụ án "Giả mạo trong công tác; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; sản xuất, buôn bán hàng giả" liên quan đến hành vi làm xăng giả, xảy ra tại Chi nhánh đầu tư xây dựng Miền Nam thuộc Tổng Công ty Lũng Lô. Tuy nhiên, quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn do Lê Quang Hiếu Hùng là Trưởng phòng kinh doanh của chi nhánh này bỏ trốn ra nước ngoài.
Ngày 9/3/2019, Cơ quan điều tra hình sự các tổ chức sự nghiệp Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng phối hợp với Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an), Văn phòng Interpol Việt Nam và tổ chức Interpol quốc tế mới dẫn độ được đối tượng Lê Quang Hiếu Hùng từ Cuba về Việt Nam.
Lê Quang Hiếu Hùng, sinh 1974, từng là công nhân viên quốc phòng Chi nhánh đầu tư xây dựng miền Nam thuộc Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc phòng).
Sau khi bị khởi tố, bị can Lê Quang Hiếu Hùng đã bỏ trốn ra nước ngoài, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã đề nghị Văn phòng Interpol Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế.
Trong quá trình lẩn trốn, đối tượng Lê Quang Hiếu Hùng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, tạo vỏ bọc, thường xuyên di chuyển, thay đổi chỗ ở nhằm tránh bị các lực lượng chức năng phát hiện, truy bắt.
Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô trực thuộc Bộ Quốc phòng là đơn vị doanh nghiệp quân đội kinh doanh xây dựng điện dân dụng; khai thác quặng, thiết kế kiến trúc công trình...
5. Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Thông tin và Truyền thông
Theo dự kiến, ngày 25/11, TAND tỉnh Phú Thọ xét xử (nhưng sau đó lại hoãn xử) bị can Đặng Anh Tuấn về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo cáo trạng ra ngày 21/10, tháng 10/2016, Thanh tra Bộ TT-TT thông phát hiện 14 game trên mạng Internet hoạt động có dấu hiệu cờ bạc nên lập đoàn kiểm tra. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ký quyết định lập đoàn với 5 thành viên.
Quá trình kiểm tra, đoàn có ba báo cáo xác định nhiều cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng nguồn tài nguyên Internet để vận hành trò chơi điện tử có yếu tố cờ bạc. Trong số này có game RikVip.com liên quan Công ty VTC Online đã bị chuyển qua cơ quan công an xử lý từ tháng 9/2016 song vẫn hoạt động dưới tên miền Tip.Club. Ba báo cáo xác định rõ các cá nhân, tổ chức vi phạm và đề xuất biện pháp giải quyết, được gửi đến Chánh Thanh tra Đặng Anh Tuấn và Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.
Trong báo cáo số hai, đoàn kiểm tra nêu game bài Tip.Club vẫn hoạt động mạnh, thậm chí quảng cáo rầm rộ, công khai bán thẻ nạp tiền cho game trên trang thông tin điện tử. Báo cáo số ba nêu rõ một số trò chơi vẫn hoạt động bằng cách thay đổi tên. Đoàn thanh tra đề xuất chuyển sang cơ quan công an, xử lý các sản phẩm trò chơi điện tử trên mạng có dấu hiệu hình sự.
Với tư cách Chánh Thanh tra, ông Đặng Anh Tuấn nhận được ba bản báo cáo và biết rõ về các vi phạm nhưng không có ý kiến hay đề xuất Bộ trưởng xử lý, trái lại, còn nhiều lần nhắn tin yêu cầu người lập báo cáo ghi thêm đề xuất "dừng đoàn kiểm tra". Khi người lập báo cáo số ba không nghe theo, ông Đặng Anh Tuấn tiếp tục chỉ đạo cấp dưới soạn phiếu trình đề xuất Bộ trưởng dừng đoàn kiểm tra. Từ đề xuất trên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đồng ý dừng đoàn kiểm tra khi các trò chơi trên mạng và các hành vi liên quan chưa được xử lý.
Cáo trạng xác định, hành vi của ông Đặng Anh Tuấn là cố ý làm trái công vụ, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng Internet vận hành game đánh bạc trong thời gian dài. Trong số này có game đánh bạc Tip.Club quy tụ số lượng người và số tiền tham gia đánh bạc rất lớn. Những người liên quan vận hành game bài này như Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa đã bị cơ quan công tố tỉnh Phú Thọ xử lý.
Minh Khôi
Link nội dung: https://phaply.net.vn/5-vu-an-diem-lam-nong-phap-dinh-cuoi-nam-2019-a214909.html