(Pháp lý) - Những ngày vừa qua, mạng xã hội của những người làm công tác pháp luật “nóng ran” về trường hợp một Giám đốc Công ty Luật “ăn chặn” tiền của thực tập sinh. Tìm hiểu ra, dư luận ngỡ ngàng hơn khi phát hiện vị Giám đốc trên chưa có Thẻ Luật sư nhưng vẫn tuyển dụng thực tập sinh về học nghề, học việc, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp. Ví dụ trên là báo động về cả đạo đức lẫn chất lượng xung quanh loại hình tổ chức doanh nghiệp tư vấn luật.
Đăng kí ngành nghề về hoạt động pháp luật quá dễ!
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Luật Doanh nghiệp: thì Doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
Theo quy định của Luật Đầu tư và Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ thì hoạt động pháp luật bao gồm các ngành như tư vấn pháp luật (69101); Hướng dẫn chung và tư vấn, chuẩn bị các tài liệu pháp lý (69102); Hoạt động pháp luật khác (6109).
Tại Điều 7 Luật Đầu tư về Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì ngành nghề kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư. Tìm trong Phụ lục 4 các hoạt động pháp luật và ngành nghề trên không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Gần đây, Bộ Kế hoạch Đầu tư còn có văn bản 1736 hướng dẫn về việc đăng ký thêm mã ngành nghề trên, khẳng định không cần tuân theo Luật Luật sư.
Như vậy cả Luật Đầu tư, văn bản hướng dẫn, các văn bản chuyên ngành đều quy định để thực hiện các ngành nghề về hoạt động pháp luật (ngành chung) và các ngành cụ thể, người hành nghề không cần có điều kiện gì đặc biệt.
Luật Luật sư: Điều kiện khắt khe hơn rất nhiều
Trong khi đó, hoạt động "tư vấn pháp luật" là hoạt động có những yêu cầu, điều kiện khắt khe theo Luật Luật sư. Theo Điều 4 Luật Luật sư: Các hoạt động như các mã ngành đăng kí ở trên là dịch vụ pháp lý của luật sư. Theo đó, dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác.
Điều đó có nghĩa là để có thể thực hiện các dịch vụ pháp lý gồm tư vấn pháp luật, các hoạt động khác thì người thực hiện hoạt động phải là luật sư và hành nghề luật sư. Theo tiêu chuẩn tại Điều 10 Luật Luật sư: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.
Nếu theo quy định của Luật Đầu tư thì chỉ cần đủ 18 tuổi, không bị tâm thần và nộp mức phí 200.000 đồng là có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp và tư vấn pháp luật, đại diện và các hoạt động pháp luật khác. Nhưng theo Luật Luật sư thì điều kiện khắt khe hơn rất nhiều.
Lợi dụng những quy định trên, nhiều cá nhân chưa có chuyên môn về pháp luật, chưa từng hoạt động ngày nào về nghiệp vụ luật sư cũng mở văn phòng tư vấn pháp luật với chức danh trưởng văn phòng hoặc giám đốc dẫn đến tình trạng bát nháo các văn phòng tư vấn luật gây hệ xấu cho người sử dụng dịch vụ là người dân.
Cần thiết phải sửa đổi…
Hiện nay, khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư đã có quy định: Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề (Ngành nghề kinh doanh có điều kiện – PV) quy định tại khoản 2 Điều luật này được quy định tại các Luật, Pháp lệnh, Nghị định và Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Và Điều 8 Luật Đầu tư cũng có quy định về “Sửa đổi, bổ sung ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”. Theo đó: “Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Điều 7 của Luật này theo thủ tục rút gọn.
Như vậy, trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư, để tránh những hệ lụy xấu cho xã hội, cần quy định bổ sung các ngành nghề hoạt động pháp luật (mã 6910) là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và tuân theo Luật Luật sư.
Phan Phan
Link nội dung: https://phaply.net.vn/kien-nghi-sua-quy-dinh-ve-dieu-kien-dau-tu-nganh-nghe-hoat-dong-phap-luat-a214893.html