Ngày 11/11, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án dân sự “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự”. Ông Dương Văn Hòa (SN 1957, ngụ khu phố 3, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, Quảng Trị) là nguyên đơn trong vụ án 10 năm oan sai đòi khiện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Quảng Trị, yêu cầu bồi thường gần 18 tỉ đồng.
10 năm chờ một lời xin lỗi, minh oan!
Theo cáo trạng, tháng 4/2007, ông Hòa làm Giám đốc Công ty TNHH Giống cây trồng vật nuôi Thuận Thành chuyên cung cấp cây trồng, vật nuôi tại Quảng Trị và các tỉnh lân cận. Công ty Thuận Thành thực hiện hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông, khuyến lâm Quảng Trị cấp 142 con bò lai sin, 148 con bò cái lông vàng cho 2 huyện Đắkrông và Hướng Hóa trong dự án giảm nghèo của tỉnh. Ông Hòa ra Thanh Hóa ký hợp đồng với Xí nghiệp Truyền giống gia súc và phát triển chăn nuôi Thanh Ninh mua 150 con bò cái giống lai sin để về cung ứng ở Quảng Trị.
Hai đợt bàn giao với 104 con đều được Chi cục Thú y Quảng Trị và Hội đồng Kiểm tra nghiệm thu con giống kết luận đạt chất lượng, sạch bệnh, đạt tiêu chuẩn làm giống và đồng ý cho phân bổ.
Lúc đó, một số nơi có bò giống xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng. Ngành Thú y lấy 6 mẫu bệnh phẩm, phát hiện dịch bệnh nhưng không lập biên bản; kết quả xét nghiệm không thể hiện mẫu bệnh phẩm được lấy từ con bò nào. Tháng 7/2007, Cơ quan CSĐT Công an Quảng Trị khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Hòa về tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật”. Ngày 2/8/2007, VKSND tỉnh phê chuẩn QĐ khởi tố bị can. Ngày 25/6/2008, TAND tỉnh xét xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Hòa 18 tháng tù. Ông Hòa kháng cáo. Ngày 16/9/2008, TAND Tối cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm, ra QĐ trả hồ sơ để điều tra lại vì chưa đủ cơ sở buộc tội ông Hòa.
Ngày 9/7/2009, VKSND ra cáo trạng truy tố ông Hòa với tội danh trên. Tháng 9/2009, TAND tỉnh ra QĐ trả hồ sơ điều tra bổ sung lần 3. Ngày 2/12/2009, VKSND tỉnh ra QĐ đình chỉ vụ án, miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Hòa.
Đến ngày 25/8/2017, VKSND Tối cao kết luận, không đủ cơ sở xác định ông Hòa có hành vi phạm tội; yêu cầu Viện KSND tỉnh ra QĐ đình chỉ vụ án. Ngày 31/8/2017, VKSND tỉnh ra QĐ đình chỉ vụ án do không đủ cơ sở xác định ông Hòa đã có hành vi phạm tội. Như vậy, sau 10 năm ròng rã khắp nơi, ông Hòa mới được minh oan vô tội.
Ngày 14/6/2018, VKSND tỉnh ban hành QĐ bồi thường thiệt hại, chỉ chấp nhận “bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần” hơn 217 triệu đồng, không xem xét các thiệt hại thực tế như tổn hại về sức khỏe, thu nhập bị mất (hoặc bị giảm sút), tài sản bị xâm phạm. Ông Hòa yêu cầu bồi thường gần 18 tỷ đồng gồm thiệt hại về tài sản, kinh tế hơn 16,2 tỷ đồng và tổn hại về tinh thần hơn 460 triệu đồng. Khi không được đồng ý, ông Hòa khởi kiện dân sự “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự” đối với VKSND tỉnh Quảng Trị và được TAND tỉnh thụ lý.
Ngày 19 và 20/11/2018, TAND tỉnh Quảng Trị đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm; ông Hòa yêu cầu VKSND tỉnh Quảng Trị xin lỗi công khai và bồi thường gần 18 tỷ đồng. Sau 2 ngày xét xử, TAND Quảng Trị tuyên VKSND Quảng Trị bồi thường cho ông Hòa 264 triệu đồng. Ông Hòa kháng cáo bản án của Tòa sơ thẩm.
Những câu chuyện không có trong hồ sơ!
Sáng 11/11, ông Hòa cùng bà con có mặt rất sớm tại TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Ông Hòa cho biết, vào ngày 28/3, tại Quảng Trị, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã hoãn phiên tòa dân sự phúc thẩm lần 1, vì người được triệu tập đến tòa với tư người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt nhiều.
Lần đó, ông Hoàng Văn Vỹ (62 tuổi, thôn Bình Long, xã Gio Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) là một trong 21 người làm chứng được TAND cấp cao tại Đà Nẵng triệu tập trong vụ án, chờ đợi để mong muốn góp tiếng nói đòi quyền lợi cho ông. Xót xa ở chổ, ông Hoàng Văn Vỹ đang bị ung thu máu. Do đã trải qua đến lần thứ 8 xạ trị bệnh ung thư máu nên ông Vỹ rất mệt. Ông đến Tòa với tờ giấy được viết sẵn nhét trong túi phòng khi HĐXX hỏi mà trình bày, nhưng phiên Tòa không diễn ra được.
Ông Vỹ cùng từng trình bày với rất nhiều người liên quan trong vụ việc, vào 2004, ông Vỹ được ông Hòa nhận vào làm nhân công, chăn nuôi bò, trồng cây, chăm sóc trang trại… Năm 2007, dịch lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc bùng phát ở xã Gio Phong, huyện Gio Linh, ông chứng kiến người ta chôn lấp của ông Hòa đợt 1 14 con bò, đợt 2, hơn 100 con. Vì người chăn bò, ông biết đàn bò này chưa nhiễm bệnh và không cho lùa đi chôn lấp nhưng cơ quan nhà nước lúc ấy vẫn tiến hành. Ông chỉ ông Vỹ, ông Nguyễn Văn Nhân, ông Trần Văn Thức, bà Nguyễn Thị Thủy (đều là những người làm tại trang trại ông Hòa, ngụ huyện Gio Linh) vừa thương tiếc đàn bò, vừa thương cho ông Hòa mất nhiều tài sản, dính vào lao lý…
Ngày 11/11, sau khi xem xét các tình tiết, HĐXX tuyên chấp nhận một phần bản án dân sự, chấp nhận một phần yêu cầu, buộc VKSND tỉnh Quảng Trị 281,275 triệu đồng, trong đó, tổn thất tinh thần 279 triệu đồng; chi phí khác 31 triệu đồng; không chấp nhận yêu cầu bồi thường của nguyên đơn hơn 17 tỉ đồng.
Ông Hòa ngậm ngùi: “Sau 10 năm kêu cứu, công lý đã được thực thi nhưng hậu quả để lại khá nặng nề. Từ một Giám đốc doanh nghiệp có uy tín; đóng góp ngân sách, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động địa phương; có uy tín với các đối tác, trên thị trước…Tôi vốn là đảng viên gương mẫu, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương của Chủ tịch nước, các Bộ, ngành và địa phương. Nhưng bỗng chốc phải mất tất cả. Tổng thiệt hại của tôi gần 18 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về kinh tế, tài sản, sức khỏe, tinh thần, uy tín, danh dự hệ lụy nhân phẩm vô cùng lớn…
Cần Thơ: Xin lỗi 2 người bị oan sai, bồi thường hơn 900 triệu
Công an quận Cái Răng (TP Cần Thơ) mới đây đã tổ chức xin lỗi, cải chính công khai đối với ông Nguyễn Văn Triều (60 tuổi) và đại diện gia đình ông Nguyễn Văn Tuân (SN 1920, đã chết), cùng ngụ phường Ba Láng.
Theo nội dụng vụ việc, ngày 30/6/1995, Công an huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (cũ) ra quyết định khởi tố bị can, cho tại ngoại đối với ông Nguyễn Văn Tuân điều tra về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai”, xảy ra tại xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành (nay là khu vực 5, phường Ba Láng, quận Cái Răng).Đến ngày 10/3/1996, Công an huyện Châu Thành tiếp tục khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Triều điều tra cùng về hành vi trên. Sau đó, VKSND và TAND huyện Châu Thành tiếp tục ra lệnh tạm giam đối với ông Triều. Ngày 13/7/1996, TAND huyện Châu Thành đưa vụ án ra xét xử và trả tự do cho ông Triều tại tòa.
Sau đó, hồ sơ vụ án được chuyển trả cho Công an huyện Châu Thành để điều chỉnh, bổ sung tài liệu xác minh (Hồ sơ đất bị sai về thửa đất tranh chấp) theo yêu cầu của VKSND.
Ngày 28/2/1997, cán bộ điều tra chuyển toàn bộ hồ sơ cho Văn phòng UBND huyện Châu Thành tiếp nhận, chỉnh lý theo thẩm quyền. Ngành tư pháp kiểm tra, phát hiện hồ sơ thất lạc tại UBND huyện Châu Thành, do công tác bàn giao hồ sơ sau khi chia tách không chặt chẽ nên không có cơ sở xử lý.
Ngày 10/5/2016, cơ quan CSĐT Công an quận Cái Răng ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Triều và ông Tuân, theo điểm b khoản 2 Bộ luật tố tụng hình sự do hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can có tội.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: https://baophapluat.vn/cau-chuyen-phap-luat/doanh-nhan-ky-oan-an-doi-boi-thuong-18-ty-cho-10-nam-oan-sai-480583.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/doanh-nhan-ky-oan-an-doi-boi-thuong-18-ty-cho-10-nam-oan-sai-a214876.html