Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, với các dự án xã hội hoá dịch vụ công như nước sạch phải quản lý chặt chẽ từ khâu đầu khi triển khai quy hoạch tới khâu cuối là chất lượng sản phẩm, giá thành dịch vụ.
Trước lo lắng của người dân về sự chênh lệch giá nước, nơi cao, nơi thấp giữa Nhà máy nước sông Đà và Nhà máy nước sông Đuống, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh "việc xã hội hoá dịch vụ công như nước sạch không thuộc phạm vi của Kiểm toán Nhà nước." Tuy nhiên, đây là lĩnh vực "nóng" cần phải kiểm tra chặt chẽ.
Thông tin thêm về vấn đề trên bên hành lang Quốc hội ngày 15/11, ông Phớc cho rằng: "Các nhà máy nước sạch đầu tư bằng vốn tư nhân, do tư nhân quản lý, sử dụng nên thuộc tài sản tư nhân." Còn hiện nay, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán dịch vụ công khi Nhà nước bỏ vốn đầu tư.
"Trường hợp chưa có vốn và giao cho tư nhân đầu tư, ví dụ như nhà máy nước của thành phố, tư nhân làm và sau thời gian cam kết, nhất định phải hoàn trả lại cho Nhà nước, như hình thức BOT thì Kiểm toán Nhà nước mới có thể vào cuộc kiểm toán," ông nhấn mạnh.
Vậy liệu có bất cập hay không khi dịch vụ công, tư nhân đầu tư và giá thành bán ra lại cao hơn mặt bằng chung? Đơn cử, trong khi giá nước sông Đà khoảng hơn 5.000 đồng/m3, thì giá nước sông Đuống tạm tính tối đa là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm giá trị gia tăng), chưa kể lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm.
Về vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng đây là vấn đề của quản lý Nhà nước khi đàm phán với tư nhân. “Hiện nay, giá nước do cơ quan quản lý và cơ quan tài chính kiểm soát,” ông Phớc nói.
Tuy nhiên, ông Phớc cũng lưu ý cần phải phân loại đầu tư đối với các công trình do tư nhân rót vốn. “Ví dụ tư nhân đầu tư một nhà máy nước và sản phẩm thuộc sản phẩm của tư nhân thì không được kiểm toán nhưng có thể tiến hành thanh tra chuyên ngành, hoặc thanh tra tài chính,” ông Phớc phân tích.
Người đứng đầu ngành Kiểm toán Nhà nước cũng lưu ý, đối với các dự án xã hội hoá dịch vụ công phải quản lý chặt chẽ ngay từ khâu đầu khi triển khai quy hoạch tới khâu cuối là chất lượng sản phẩm, giá thành dịch vụ.
Đặc biệt, vấn đề chính sách liên quan tới thuế, giá, đất đai và nguồn lực ưu đãi của Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ, minh bạch. Về phạm vi quản lý nhà nước thì phải thực hiện giám sát thanh tra, kiểm tra.
"Nếu dự án nước sạch sông Đuống được kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu đã không xảy ra việc giá nước dự án này chênh tới vài nghìn đồng/m3 so với mặt bằng giá chung," đại diện ngành Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.
Trường hợp dự án được đầu tư theo hình thức PPP, theo ông Phớc, đây là tài sản của Nhà nước chứ không phải của tư nhân. Tài sản của Nhà nước thì cần phải được kiểm toán vì ở đây chỉ là huy động vốn tư nhân và tư nhân sẽ được hoàn lại vốn, trả lại tiền./.
Theo vietnamplus.vn
Nguồn bài viết: https://www.vietnamplus.vn/tong-kiem-toan-phai-quan-ly-chat-cac-du-an-xa-hoi-hoa-dich-vu-cong/607583.vnp
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tong-kiem-toan-phai-quan-ly-chat-cac-du-an-xa-hoi-hoa-dich-vu-cong-a214623.html