Quy định về chế độ sử dụng đất trong khu công nghiệp không “tương thích” giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai

Cụ thể, quy định về chế độ sử dụng đất trong khu công nghiệp giữa Điều 21 Luật Đầu tư và Điều 149 Luật Đất đai không tương thích, khiến các địa phương lúng túng trong việc áp dụng và gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

[caption id="attachment_214538" align="aligncenter" width="410"]Quy định không thống nhất về chế độ sử dụng đất trong khu công nghiệp đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (ảnh minh họa) Quy định không thống nhất về chế độ sử dụng đất trong khu công nghiệp đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (ảnh minh họa)[/caption]

Quy định không thống nhất gây khó khăn cho doanh nghiệp

Tại Điều 149 Luật Đất đai và quy định hướng dẫn tại khoản 36 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 đối với điều này quy định: Khi lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào hiện trạng các khu dân cư tại địa phương, nhu cầu nhà ở của người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, bố trí quỹ đất ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xây dựng khu chung cư, các công trình văn hóa, xã hội, dịch vụ phục vụ đời sống của người lao động.

Trong khi đó Điều 21 Luật Đầu tư lại quy định các địa phương được điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp để dành một phần diện tích đất phát triển nhà ở, công trình, dịch vụ, tiện ích công cộng nếu gặp khó khăn trong bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích, quy định trên của Luật Đầu tư không xác định rõ phần diện tích để phát triển nhà ở sẽ nằm trong hay ngoài khu công nghiệp. Tôi cho rằng đây là một trong những quy định không tương thích, khiến các địa phương lúng túng trong việc quy hoạch phần diện tích phát triển nhà ở, công trình công cộng phục vụ cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp. Các địa phương không biết nên áp dụng theo quy định của Luật nào. Nếu áp dụng theo Luật Đất đai thì phải quy hoạch bố trí ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp.

Trong khi, nếu áp dụng theo Luật Đầu tư thì có thể xem xét quy hoạch của khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp để dành một phần diện tích đất có thể ở trong khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp. Việc quy hoạch này phải phù hợp với quy hoạch tổng thể chung của địa phương và phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xây dựng khu chung cư, các công trình văn hóa, xã hội, dịch vụ phục vụ đời sống của người lao động, Luật sư Cường nói.

[caption id="attachment_214539" align="aligncenter" width="410"]Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW[/caption]

Còn Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, trong quá trình soạn thảo luật, các bộ chuyên ngành được giao chủ trì soạn thảo đều cố gắng mở rộng tối đa phạm vi điều chỉnh của đạo luật, bao quát các vấn đề của đạo luật, ít chú ý đến sự chồng chéo, xung đột với các quy định pháp luật đã có sẵn. Đây là lý do vì sao Luật Đất đai và Luật Đầu tư có những sự không tương thích như vậy. Về nguyên tắc, thì luật ban hành sau được ưu tiên so với luật ban hành trước, nhưng trên thực tế, Bộ ngành nào khi giải quyết công việc cũng thường viện dẫn luật của bộ ngành mình được giao soạn thảo trước đó. Sự không tương thích về chế độ sử dụng đất trong khu công nghiệp giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư tạo ra thực tiễn thực thi rất khác nhau giữa các địa phương.

Luật sư Hà lấy ví dụ như tỉnh A có một khu công nghiệp, hiện nay tỉnh A đang gặp khó khăn trong bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp đó. Căn cứ theo quy định của Điều 21 Luật Đầu tư năm 2014, tỉnh A được điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp để dành một phần diện tích đất xây dựng, phát triển nhà ở, công trình, dịch vụ, tiện ích công cộng. Như vậy những dự án nhà ở, công trình, dịch vụ, tiện ích công cộng đó sẽ thuộc một phần trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, Điều 149 Luật Đất đai lại yêu cầu việc xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất phải đặt bên ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất. Vậy rốt cuộc việc quy hoạch này phải làm như thế nào? Xây dựng trong hay ngoài khu công nghiệp?. Xây dựng ngoài thì không có đất, mà xây dựng dựa theo quy hoạch đất của khu công nghiệp thì vi phạm luật. Đó là vấn đề gây khó xử lúng túng cho các địa phương hiện nay.

Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, đi lại mất nhiều thời gian, nộp nhiều loại hồ sơ giống nhau cho các cơ quan nhà nước khác nhau. Vì quy định của các đạo luật chồng chéo, không rõ ràng, doanh nghiệp không biết phải thực hiện theo quy định nào, thực hiện quy định này thì lại vi phạm quy định kia. Điều này không chỉ làm các dự án luôn đối mặt với tình trạng đình trệ, phát sinh chi phí mà còn tạo rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp đó là nguy cơ vi phạm pháp luật, Luật sư Hà nói.

Giải pháp nào để tháo gỡ “xung đột”?

Mặc dù thực tế đã chỉ rõ sự không tương tích giữa hai luật về quy định chế độ sử dụng đất trong khu công nghiệp, nhưng trong Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi hiện nay theo Luật sư Hà, vẫn chưa quy định sửa đổi vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo này. Vì thế, Luật sư Hà cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi nội dung này vào dự thảo. Tránh tình trạng nhiều địa phương và thậm chí ở các bộ ngành hiện nay là không dám giải quyết công việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khiến hoạt động đầu tư, kinh doanh bị đình trệ, chậm tiến độ.

Nhìn rộng ra thế giới, Luật sư Hà cho biết, các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều có rất nhiều khu công nghiệp phát triển. Việc phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp đó cũng được các nước rất chú trọng. Chính phủ thường chủ động cho địa phương quy hoạch một khu đất riêng để đáp ứng nhu cầu sinh sống và làm việc cho người dân làm việc tại khu công nghiệp và cũng quy định cụ thể điều đó trong luật. Việt Nam chúng ta cũng có thể học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia này và áp dụng cho phù hợp, linh hoạt tại Việt Nam. Các địa phương có thể chủ động xin ý kiến các bộ ngành có liên quan về việc quy hoạch, dành riêng một khu đất tại địa phương mình để phát triển đời sống cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp. Áp dụng quy định pháp luật có lợi cho người lao động.

Để làm được điều đó, theo Luật sư Hà, thứ nhất cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành rà soát, đánh giá thực tế quy mô và toàn diện về thực trạng và thực tế xung đột pháp luật, đưa ra các giải pháp cụ thể để lồng ghép vào chương trình hành động chung của Chính phủ để sửa các luật.

Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền cần chỉ đạo việc phối hợp làm việc, chia sẻ thông tin và thống nhất định hướng giữa các ban soạn thảo tại các bộ, ngành để tháo gỡ và ngăn ngừa phát sinh được các chồng chéo, xung đột trong các dự thảo luật hiện đang nằm trong chương trình sửa đổi như Luật Đầu tư và Luật Đất đai.

Thứ ba, để rút ngắn thời gian, tháo gỡ ách tắc với những văn bản khác chưa giải quyết được trong các luật đã nằm trong chương trình sửa đổi, thiết nghĩ, cơ quan có thẩm quyền nên triển khai theo cách thức dùng một luật sửa nhiều luật liên quan đến đầu tư kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ tư, cần có một tổ chức độc lập đứng ra giúp Chính phủ chủ trì rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực này. Hạn chế tình trạng “quyền anh, quyền tôi” và đưa ra được các giải pháp đột phá trong cải cách các thủ tục liên ngành.

Đóng góp thêm ý kiến, Luật sư Cường cũng cho rằng, bất cứ Khoản, Điều nào không phù hợp với thực tiễn, mâu thuẫn, chồng chéo thì cũng cần thiết phải sửa để không gây ra rào cản trong việc thực thi pháp luật. Đối với quy định về chế độ sử dụng đất trong khu công nghiệp, cần phải nghiên cứu lại về nhu cầu, đặc điểm, đặc thù, cơ chế hoạt động tại các khu công nghiệp để quy định việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp cần phải nằm ngoài hay có thể nằm trong khu công nghiệp; hoặc tùy vào đặc điểm, tính chất ngành nghề kinh doanh và địa lý của từng địa phương để điều chỉnh phù hợp. Vấn đề này cần phải có sự nghiên cứu của các chuyên gia, khảo sát lấy ý kiến của các khu công nghiệp, công nhân lao động để có quy định thống nhất và vẫn phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể của địa phương.

Đình Nguyễn

Link nội dung: https://phaply.net.vn/quy-dinh-ve-che-do-su-dung-dat-trong-khu-cong-nghiep-khong-tuong-thich-giua-luat-dau-tu-va-luat-dat-dai-a214537.html