Làm sao để thúc đẩy kinh doanh liêm chính tại Việt Nam?

Nhiều kinh nghiệm và thực tiễn tốt về doanh nghiệp cùng các hiệp hội khi vận động doanh nghiệp ký "cam kết kinh doanh liêm chính" đã được ghi nhận.

Thúc đẩy doanh nghiệp cam kết kinh doanh liêm chính. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN
Thúc đẩy doanh nghiệp cam kết kinh doanh liêm chính. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN)

Sáng 13/11 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) tổ chức hội thảo "Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp thông qua thúc đẩy cam kết kinh doanh liêm chính".

Chương trình nằm trong khuôn khổ hoạt động của dự án “Cải thiện môi trường kinh doanh công bằng trong khu vực ASEAN” do Quỹ Thịnh vượng của Vương quốc Anh tài trợ. Sự kiện thu hút đông đảo đại diện các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp tham gia mạn đàm và thảo luận.

Khai mạc hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá cao sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đã cùng các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội và VCCI trong nỗ lực chung nhằm thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh ở Việt Nam.

Nhiều kinh nghiệm và thực tiễn tốt về doanh nghiệp cùng với các hiệp hội khi vận động doanh nghiệp ký "cam kết kinh doanh liêm chính" đã được ghi nhận. Liêm chính là vấn đề hết sức quan trọng với doanh nghiệp và là cái "neo" giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Ông Lộc cho biết, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thì hàng năm, mức chi cho tham nhũng chiếm tới 50% GDP toàn cầu, tương đương 2.600 tỷ đô la Mỹ (USD). Ngân hàng Thế giới thì ước tính riêng mức chi cho hối lộ là 1.000 tỷ USD/năm.

Đây là những con số quá lớn! Tham nhũng làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và tạo ra bất ổn cho sự phát triển của doanh nghiệp. Tham nhũng dẫn tới việc sử dụng ngân sách kém hiệu quả với lý do ngân sách đầu tư thường không được đến với những khu vực cần đầu tư.

Ở Việt Nam hay ở những quốc gia đang phát triển, việc vẫn còn tồn tại cơ chế xin - cho khiến nguy cơ dẫn tới tham nhũng là rất cao, tác động lớn tới việc phân bổ đất đai, tài nguyên và nhiều nguồn lực khác của xã hội vào những nơi không có hiệu quả. Chống tham nhũng thực sự trở thành mối quan tâm hàng đầu, nhất là với những nước đang phát triển.

Với đội ngũ doanh nghiệp quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ hiện chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam, vấn đề phòng chống tham nhũng và xây dựng văn hóa liêm chính trong kinh doanh là hết sức quan trọng.

Theo ông Lộc, đây cũng là đối tượng rất dễ bị tổn thương bởi chi phí tham nhũng. Các doanh nghiệp lớn thì thường có những công cụ, hệ thống quản trị hay những chuẩn mực tốt để phòng ngừa tham nhũng. Trong khi đó, nền tảng quản trị của các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ lại rất mỏng manh và yếu nên nguy cơ tổn hại rất lớn.

Đó là lý do vì sao họ phải nâng cấp trình độ và khả năng quản trị, giúp tạo dựng được chỗ đứng và khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường.

Theo ông Lộc, để thực hiện phòng chống tham nhũng và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, VCCI đã xây dựng và cho triển khai 1 bộ công cụ nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao kỹ năng quản trị, minh bạch hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh... Song để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và vận dụng, không thể thiếu sự hỗ trợ của tiếp dẫn của các hiệp hội.

Cả nước hiện có hơn 400 hiệp hội doanh nghiệp trên nhiều ngành và lĩnh vực. Nhiều hiệp hội hoạt động hết sức tích cực, góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển của các doanh nghiệp thành viên hiệp hội nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Đây cũng là cánh tay nối dài giúp VCCI đưa bộ chỉ số và các công cụ phòng chống tham nhũng về các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp nâng cao hệ thống quản trị, nâng cấp được trình độ và năng lực cạnh tranh, thực hành nghiêm túc liêm chính trong các doanh nghiệp Việt Nam,

Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc phòng chống tham nhũng, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Yêu cầu thúc đẩy những giá trị công bằng, liêm chính và minh bạch... để "không bỏ ai lại phía sau" đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Thực tế cho thấy, đã có hơn 50% doanh nghiệp khi được điều tra đã trả lời rằng đang phải gánh những chi phí không chính thức hết sức nặng nề, ảnh hướng lớn tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Việt Nam hiện dang lồng ghép và thâm nhập sâu vào kinh tế khu vực nên sự tham gia của khu vực kinh doanh vào nỗ lực phòng chống tham nhũng là rất quan trọng và không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ. Luật Phòng chống Tham nhũng đã được xây dựng, triển khai và sửa đổi đã cung cấp 1 điều khoản mới qua đó khuyến khích các doanh nghiệp không tham gia vào các hoạt động tham nhũng và cam kết xây dựng liêm chính trong kinh doanh.

Có thể thấy rằng, đây là một khởi đầu của hành trình dài. Nhưng cam kết đã có và đã ký vẫn là không đủ mà cần phải được thể hiện bằng hành động. Thay đổi luôn cần thời gian và cũng cần phải đặt ra những tiêu chuẩn rõ ràng, mục tiêu, kế hoạch rõ ràng. Cam kết cần là những công cụ và là hành động của tập thể để chứng minh cho quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công cuộc phòng chống tham nhũng.

Cũng tại hội thảo, các diễn giả tập trung thảo luận và đưa ra những ý tưởng đầu vào nhằm giúp các hiệp hội doanh nghiệp phát triển kế hoạch hoạt động sơ bộ 1 năm nhằm thúc đẩy kinh doanh liêm chính tại Việt Nam; cũng như lập đề xuất xin cấp tài trợ.

Các thành viên trong nhóm cần chia sẻ và xác định những thách thức, rủi ro khiến doanh nghiệp phải chi trả những khoản chi phí không chính thức trong các giao dịch kinh doanh; thiết lập mục tiêu giảm thiểu hiệu quả các tác động tiêu cực thông qua việc nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực và vận động chính sách...

Đã có 11 hiệp hội doanh nghiệp tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được trao chứng nhận về những nỗ lực cam kết ban đầu về đóng góp xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính tại Việt Nam.

Đó là Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Cao su Nhựa Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh..../.

Theo bnews.vn

Nguồn bài viết: https://bnews.vn/lam-sao-de-thuc-day-kinh-doanh-liem-chinh-tai-viet-nam-/139947.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/lam-sao-de-thuc-day-kinh-doanh-liem-chinh-tai-viet-nam-a214531.html