(Pháp lý) - Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, một số Luật có liên quan đến kinh tế như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng... sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến, thảo luận.
Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp
Trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Các đạo luật này đã góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.
Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn hơn hai năm thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của hai đạo luật quan trọng này.
Một là, theo quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư, Quốc hội giao Chính phủ, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, tiến hành rà soát ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Điều 6, 7 của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Hai là, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có quy mô và mức độ cải cách lớn trong nhiều ngành, lĩnh vực và được triển khai trong bối cảnh một số luật khác được ban hành theo cách tiếp cận khác nhau nên quá trình thực hiện đã không tránh khỏi một số vướng mắc phát sinh từ sự thiếu đồng bộ về phạm vi điều chỉnh giữa các Luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.
Thực tế cho thấy, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường và một số luật chuyên ngành khác… cũng điều chỉnh hoạt động đầu tư với phạm vi và mức độ khác nhau, nhưng chưa có sự phân định rõ ràng về phạm vi điều chỉnh, dẫn đến khó khăn trong việc phân định hoạt động đầu tư được điều chỉnh theo quy định của Luật Đầu tư và hoạt động đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật nêu trên.
Ba là, mặc dù đã có nhiều cải cách theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh nhưng một số quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp còn thiếu cụ thể, chưa thật sự bảo đảm tính khả thi.
- Luật Đầu tư chưa quy định cụ thể về khái niệm, mục đích, giá trị pháp lý, phạm vi áp dụng của thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư phù hợp với từng hình thức đầu tư và nguồn vốn sử dụng, đồng thời chưa phân định rõ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tương ứng của Luật Đất đai và Luật Đấu thầu. Luật cũng chưa có quy định hợp lý về phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
- Quy định của Luật Đầu tư về hình thức đầu tư, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và thủ tục triển khai dự án đầu tư (như điều chỉnh, tạm ngừng, giãn tiến độ, chấm dứt dự án đầu tư…) còn một số nội dung thiếu cụ thể dẫn đến cách hiểu không thống nhất trong quá trình thực hiện.
- Luật Đầu tư chưa làm rõ mục đích, giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; hình thức đầu tư ra nước ngoài chưa thật sự phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam; hồ sơ, trình tự quyết định đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước chưa được quy định thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
- Quy định của Luật Doanh nghiệp về việc áp dụng luật chuyên ngành liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp dẫn đến phân tán đầu mối đăng ký thành lập doanh nghiệp, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi có yêu cầu thay đổi hoạt động kinh doanh. Một số quy định về quản trị doanh nghiệp còn thiếu linh hoạt.
Do đó, mục tiêu đặt ra khi sửa luật là hoàn thiện quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.
Hai là, cắt giảm chi phí đầu tư kinh doanh thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động đầu tư kinh doanh; mở rộng, nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh và quản lý doanh nghiệp phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Ba là, hoàn thiện cơ chế phân cấp, phối hợp giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trong quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài trên cơ sở bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Ngoài Phụ lục sửa đổi, bổ sung một số ngành, nghề trong Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Luật Đầu tư sửa đổi 24 điều, bổ sung 01 điều, bãi bỏ 1 khoản, 2 điểm của Luật Đầu tư 2014.
Quốc hội dự kiến sẽ thông qua hai Luật sửa đổi trên tại Kỳ họp thứ 9.
Luật Đất đai và vấn đề thu hồi đất
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Một trong những nội dung người dân cả nước rất quan tâm là quy định về thu hồi đất.
Nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại các Điều 61, 62, 63, 64 và 65 để quy định một cách thống nhất (22/11/2013).
Về các trường hợp thu hồi đất, tại Khoản 3, Điều 54 của Hiến pháp đã quy định nhà nước thu hồi đất do tổ chức cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết cho luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia công cộng và phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, chúng ta có thể hiểu có 3 trường hợp thu hồi đất được hiến định trong Hiến pháp đó là vì mục đích quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia công cộng và vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng tại Điều 16 của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), nếu thể hiện như ở Khoản 1 thì chúng ta lại có thể hiểu rằng ngoài 3 trường hợp thu hồi đất đã được Hiến pháp quy định tại điểm a, luật còn quy định thêm 2 trường hợp nữa là thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai tại điểm b và thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật tự nguyện, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người tại điểm c.
Hai trường hợp trên được liệt kê ở điểm b và điểm c, Điều 16 có thể điều chỉnh vào trường hợp thu hồi đất vì lợi ích quốc gia công cộng, phát triển kinh tế - xã hội, tránh cách hiểu khác nhau về tính thống nhất giữa Hiến pháp và Luật đất đai. Nếu sửa Điều 16 theo hướng đó thì cũng cần rà soát lại các Điều 61, 62, 63, 64 và 65 cho thống nhất bởi vì đây là những điều luật cụ thể hóa các trường hợp thu hồi đất.
Đối với Điều 62 của dự thảo luật, quy định cụ thể các loại hình dự án vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội thuộc diện thu hồi đất, gồm: khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ chính thức ODA, dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, cụm công nghiệp, dự án khai thác khoáng sản, khu chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung. Nếu luật chỉ quy định trong phạm vi áp dụng như vậy thì trong thực tế đối với loại hình dự án liên hoàn, quy mô lớn bao gồm chuỗi chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, có ý nghĩa kinh tế - xã hội lớn, mang tính chất là dự án động lực có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đòi hỏi phải có đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn ha đất mới đủ điều kiện để thực hiện dự án. Mà đất lại không tập trung, không liền khoảnh, không thể đưa vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế hay khu chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung vì dự án có cả chăn nuôi, trồng trọt và chế biến.
Những loại dự án như vậy nếu không được đưa vào diện thu hồi đất thì trên thực tế liệu có nhà đầu tư hay tổ chức kinh tế nào có thể đứng ra để thỏa thuận với hàng chục ngàn hộ dân trong vùng để có đất sử dụng vào dự án hay không. Mặt khác, liệu như vậy thì giữa quan điểm và chính sách ưu tiên của nhà nước đối với các dự án có tính chất động lực, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã nhất quán hay chưa? Vai trò, trách nhiệm của nhà nước đối với người dân và với nhà đầu tư như thế là chưa đầy đủ.
Do đó đại biểu kiến nghị Quốc hội cho bổ sung loại hình dự án này vào điểm e hoặc điểm g của Điều 62 dự thảo luật. Ngoài ra, cũng tại Điều 62 dự thảo luật cần có một khoản nhằm xác định rõ tiêu chí cho loại dự án được gọi là dự án kinh tế - xã hội có quy mô lớn và quan trọng, để khi áp dụng trong thực tiễn không bị vướng mắc và không mâu thuẫn với tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại nội dung thứ 7 trang 7 của Báo cáo giải trình rằng: "Nhà nước chỉ thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội có quy mô lớn và quan trọng của đất nước". Như vậy, sẽ hạn chế được việc thu hồi đất tràn lan, không có tiêu chí xác định dự án nào là dự án có quy mô lớn và quan trọng, dự án nào là dự án nhỏ không phải thu hồi đất.
Đối với Điều 64 của dự thảo luật, nên bổ sung thêm một trường hợp nhằm điều tiết đất sản xuất nông nghiệp một cách hợp lý hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra hiện nay, đó là: Những hộ gia đình, cá nhân được giao đất sản xuất nông nghiệp nhưng trong thực tế không sử dụng, bỏ ruộng hoang hóa trong thời gian liên tục 2 năm thì nhà nước thu hồi, giao lại cho những hộ gia đình, cá nhân đang thực sự cần đất sản xuất. Đây là nội dung được cử tri kiến nghị rất nhiều lần, mong Quốc hội cân nhắc kỹ, nếu có được chế định pháp luật sẽ hạn chế được nhiều trường hợp đang cố tình lạm dụng luật giữ đất rất lãng phí, trong khi nhu cầu có đất để sản xuất của nhiều lao động sinh sau năm 1993 đang rất lớn.
Luật Xây dựng và vấn đề cấp phép xây dựng
Việc quy định các trường hợp được điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng như trong Luật Xây dựng 2014 (cả Luật Xây dựng 2003) có giúp ngăn ngừa việc điều chỉnh dự án tràn lan, nhưng trên thực tế nhiều dự án vẫn phải điều chỉnh ngoài các trường hợp được điều chỉnh quy định tại Điều 61.
Chuyên gia Ngô Mạnh Hùng cho rằng: Do năng lực của các bên trong hoạt động đầu tư xây dựng ở nước ta còn hạn chế nên hồ sơ ở bước lập dự án đầu tư xây dựng còn nhiều sai sót như: Phương án thiết kế không hợp lý; tổng mức đầu tư còn thiếu chính xác dẫn đến khi triển khai thực hiện phải tiếp tục điều chỉnh. Trường hợp không được điều chỉnh theo quy định của Luật Xây dựng 2014, cơ quan quyết định đầu tư xử lý bằng cách tách phần khối lượng phát sinh này thành dự án mới, điều này ảnh hưởng đến tính đồng bộ và hiệu quả sử dụng của dự án.
Việc xác định tổng mức đầu tư ở bước lập dự án đầu tư rất khó chính xác, thực tế này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới cũng gặp phải. Do đó nên cho phép điều chỉnh dự án trong trường hợp này, quan trọng là cơ quan quyết định đầu tư bố trí được nguồn vốn để thực hiện điều chỉnh.
Do đó cần bổ sung vào khoản 1 Điều 61 thêm trường hợp được điều chỉnh dự án, cụ thể bổ sung điểm e “e. Các trường hợp khác được người quyết định đầu tư chấp thuận”.
Về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán quy định tại Điều 68, Điều 72, Điều 82 và Điều 83, nên sửa theo hướng (đối với công trình sử dụng vốn nhà nước): “Người quyết định đầu tư phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt dự án, quyết toán vốn đầu tư xây dựng; cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định thiết kế, dự toán; chủ đầu tư phê duyệt thiết kế, dự toán”.
Bổ sung quy định về kiểm toán độc lập để giúp chủ đầu tư phát hiện và khắc phục các sai sót trong dự toán làm thiệt hại cho Nhà nước, cụ thể “Dự án thuộc diện phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải được kiểm toán độc lập trước khi quyết toán”.
Khoản 7 Điều 83 sửa đổi theo hướng “Khuyến nghị chủ đầu tư trong việc vận dụng định mức, đơn giá để xác định dự toán công trình”, để cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp tập trung vào nội dung thẩm định phương án thiết kế mang lại hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao nhất, rút ngắn được thời gian thẩm định.
Đối tượng và các loại giấy phép xây dựng quy định tại Điều 89, cấp giấy phép xây dựng công trình nhà ở là một thủ tục hành chính ảnh hưởng đến hơn 5,3 triệu hộ gia đình đang sống tại đô thị của nước ta (tính trên số lượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở tại đô thị đã cấp), đây cũng là thủ tục gây ra nhiều bức xúc nhất cho người dân đến mức từng có đề nghị bỏ quy định về giấy phép xây dựng khi dự thảo Luật Xây dựng 2014.
Nguyên nhân người dân xây dựng nhà không phép, sai phép thường là xây dựng trên đất chưa phải là đất ở; Do công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) còn chậm; Người sử dụng đất chưa có đủ tài chính để nộp tiền sử dụng đất: Đến thời điểm này, sổ đỏ cấp cho các đối tượng thuộc diện không phải nộp tiền sử dụng đất đã cơ bản hoàn thành, các đối tượng còn lại xin cấp sổ đỏ thuộc diện phải nộp 50%, 100% tiền sử dụng đất theo giá đất của Nhà nước hoặc giá thị trường, số tiền này không hề nhỏ, vượt quá khả năng tài chính hiện tại của hộ gia đình, cá nhân.
Luật Xây dựng 2014 không có quy định về miễn giấy phép xây dựng đối với nhà tạm mà chỉ có quy định miễn giấy phép xây dựng đối với công trình tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính và quy định giấy phép xây dựng có thời hạn đối với công trình xây dựng trong khu vực có quy hoạch được phê duyệt, công bố. Như vậy khi người dân nộp đơn xin phép xây dựng nhà tạm, cơ quan cấp phép sẽ từ chối cấp phép.
Không thể xin được giấy phép xây dựng nhà tạm, vì nhu cầu bức thiết của cuộc sống là phải xây nhà ở, nhà trọ để cho thuê hoặc cửa hàng để kinh doanh buôn bán ...vv, người dân buộc phải xây dựng không phép hoặc sai phép (xin giấy phép xây dựng nhà kiên cố theo quy hoạch nhưng thực tế lại xây nhà tạm), khi đó người dân phải đối mặt với nguy cơ bị phạt vi phạm hành chính đến 30 triệu đồng và buộc phải phá dỡ công trình xây dựng không phép, sai phép, gây thiệt hại rất lớn cho người dân, đây là một thực tế đang xảy ra ở đô thị trên cả nước (vụ việc 44 phòng trọ của người dân ở Quận Thủ Đức - TP. Hồ Chí Minh bị cưỡng chế trong năm 2017 là một minh chứng điển hình).
Do đó, nên bổ sung vào khoản 2 Điều 89 theo hướng bổ sung công trình được miễn giấy phép xây dựng “Công trình nhà cấp IV xây dựng trên đất ở hoặc đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt là đất ở”; sửa đổi cách thức quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị đối với công trình nhà có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 (tương đương với nhà để ở tại đô thị); sửa đổi cách thức quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị đối với công trình xây dựng trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp theo hướng khi phê duyệt quy hoạch các khu này thì bao gồm cả nội dung quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Trường hợp quy hoạch đã được phê duyệt thì ban hành bổ sung quy chế quản lý kiến trúc đô thị trong các khu này và công bố công khai để doanh nghiệp chấp hành khi xây dựng. Quy định này nếu được áp dụng sẽ giúp giảm đáng kể thủ tục hành chính liên quan.
Trần Đức
Link nội dung: https://phaply.net.vn/co-gi-dang-chu-y-trong-cac-du-luat-quan-trong-lien-quan-den-kinh-te-duoc-trinh-quoc-hoi-cho-y-kien-a214436.html