“Siêu Ủy ban” và khối tài sản hơn 1 triệu tỷ đồng: DN muốn xin cơ chế đặc thù để dễ hoạt động

Một bức tranh tươi mới về doanh nghiệp nhà nước được kỳ vọng trong ngày ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt: Ủy ban vốn, “siêu ủy ban”). Nhưng với một bộ máy mới toanh lại được giao trông coi cả khối tài sản lên tới triệu tỷ đồng hẳn không phải là nhiệm vụ nhẹ nhàng. Một năm qua, trong “vai” là cơ quan chủ quản 19 Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước, Ủy ban vốn đã thực sự tròn “vai”?

Sau khi tiếp nhận 5 “Tổng” lớn từ ngành Giao thông - Vận tải (GTVT), Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã nhiều lần lui tới Bộ GTVT để bàn cách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp.

Bộ trưởng GTVT chia sẻ hỗ trợ nhưng Ủy ban cần chủ động thực hiện những việc Chính phủ giao. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban vốn thừa nhận có một số Tổng công ty, Tập đoàn muốn xin cơ chế đặc thù để dễ bề hoạt động hơn.

Tổng số vốn nhà nước đầu tư tại 5 doanh nghiệp ngành GTVT chuyển về Ủy ban vốn hơn 46 ngàn tỷ đồng
Tổng số vốn nhà nước đầu tư tại 5 doanh nghiệp ngành GTVT chuyển về Ủy ban vốn hơn 46 ngàn tỷ đồng)

Vẫn còn lúng túng?

Ủy ban vốn như đã nói là một đơn vị còn non trẻ nhưng đã phải đảm đương một khối lượng công việc khá nặng nề, đòi hỏi kinh nghiệm, năng lực đa lĩnh vực kinh tế. Riêng lĩnh vực GTVT, Ủy ban vốn phải quản lý 5 doanh nghiệp là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Đây thật sự là một thách thức không nhỏ đối với Chủ tịch Ủy ban vốn Nguyễn Hoàng Anh và bộ máy giúp việc của ông ở Ủy ban này.

Còn nhớ, tại buổi làm việc giữa Ủy ban vốn và Bộ GTVT hồi tháng 3/2019, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đề nghị Ủy ban vốn phải tự chủ động trong công việc được giao. “Phải rõ ràng phần việc nào của Bộ thì Bộ làm hết sức, phần việc nào hỗ trợ Ủy ban thì không nề hà, nhưng phần việc mà Chính phủ giao cho Ủy ban thì Ủy ban cũng phải chủ động”, ông Thể nói sau khi 5 “Tổng” trên rời Bộ về Ủy ban vốn.

Cũng theo Bộ trưởng GTVT, Ủy ban vốn hoạt động dựa theo Nghị định 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban. “Nếu cần đề xuất Chính phủ sửa Nghị định trên để các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn và vẫn đúng pháp luật thì Bộ cũng sẽ đồng hành làm”, ông Thể gợi ý.

Như vậy, có thể thấy, khi đến Bộ GTVT làm việc, đại diện Ủy ban vốn có thể vẫn gặp vướng mắc sau tiếp quản 5 doanh nghiệp lớn từ tay Bộ GTVT? Sự lúng túng của lãnh đạo Ủy ban vốn chắc chắn cũng khiến cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nói trên ít nhiều gặp trở ngại?

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến 31/12/2019 , các doanh nghiệp thu phí đường bộ phải hoàn thành các trạm thu phí tự động không dừng (ETC), chỗ nào không làm xong sẽ không được thu phí. Nhưng VEC - đơn vị quản lý nhiều tuyến cao tốc, cần làm khoảng 200 trạm ETC lại phải loay hoay chậm triển khai. Hiện, tiến độ triển khai ETC tại các trạm trên 5 tuyến cao tốc do VEC quản lý rất chậm, gồm Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành.

Nguyên nhân VEC chậm triển khai ETC là do vướng mắc nguồn vốn. Để khắc phục điều này, VEC đề xuất phương án thuê đơn vị cung cấp thiết bị ETC xây dựng và sử dụng chi phí quản lý thu phí để trả chi phí này. Tuy nhiên, khi VEC chuyển về Ủy ban vốn, nhiều việc liên quan đến đấu thầu, chồng chéo quản lý nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chậm trễ.

Trước tình hình đó, Thủ tướng phải có Công điện giao Ủy ban vốn khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống ETC tại các dự án do VEC quản lý. Đồng thời Chủ tịch Ủy ban vốn chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tiến độ ETC do VEC quản lý.

Trước đó, để đảm bảo tiến độ hệ thống này, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban vốn đôn đốc, chỉ đạo VEC triển khai hệ thống ETC tại các dự án của VEC. Đồng thời, có giải pháp xử lý nghiêm trường hợp VEC không đảm bảo tiến độ.

Bộ chuyên ngành vẫn phải “đóng thế”?

Gần đây, Bộ GTVT một lần nữa thay “vai” của Ủy ban vốn khi đề xuất Chính phủ mua lại cổ phần ACV. Đáng ra, với tư cách là đơn vị quản lý vốn và chủ quản trực tiếp của các “Tổng” này, việc nâng vốn, hạ vốn của ACV phải là trách nhiệm, thẩm quyền của Ủy ban.

Thực tế, với đề xuất này, Bộ GTVT được dư luận đánh giá là đã “nhầm vai” nhưng cần thiết, vì nhiều đường băng tại 2 Sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài đang bị xuống cấp nghiêm trọng, cần sửa chữa gấp, nhưng do ACV là công ty cổ phần nên không thể dùng tiền của đơn vị này để đầu tư.

Nếu ACV là công ty 100% vốn nhà nước thì sẽ có trách nhiệm sửa chữa, nâng cấp đường lăn, đường cất cánh, hạ cánh (những lĩnh vực đầu tư thuộc hạng mục an ninh quốc gia, chỉ sử dụng vốn từ ngân sách).

Bàn về hướng phát triển của Ủy ban vốn, mới đây, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nhân lực của Ủy ban vốn còn hạn chế về số lượng nên không thể kiểm soát tốt mọi vấn đề của 19 Tổng công ty, Tập đoàn trực thuộc.

“Để thực hiện sân bay Long Thành, Bộ GTVT thuê 6 công ty tư vấn, Bộ Kế hoạch Đầu tư thuê 2 công ty, với số lượng chuyện gia lên đến 500 người, trong khi Vụ Công nghệ và Hạ tầng của Ủy ban vốn chỉ có khoảng 14 người”, ông Kiên nói và cho rằng 14 người của Vụ này năng lực không tốt hơn để có thể thẩm định được dự án mà 500 chuyên gia đầu ngành kia đã nghiên cứu, xây dựng.

Xung quanh vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban vốn Nguyễn Hoàng Anh thừa nhận đang có luồng dư luận cho rằng cách quản trị của Ủy ban làm khó các doanh nghiệp trong việc triển khai các dự án. Ông cũng thừa nhận một số Tổng công ty, Tập đoàn muốn xin cơ chế đặc thù để dễ bề hoạt động hơn.

Như vậy, có thể thấy, vai trò của Ủy ban vốn trong việc quản lý, điều hành, quyết định đầu tư đối với các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc chưa được như kỳ vọng của nhiều người. 5 “Tổng” trong lĩnh vực GTVT chuyển về Ủy ban vốn đều là những doanh nghiệp lớn, là xương sống của lĩnh vực GTVT, với số vốn nhà nước chi phối hoạt động. Nếu Ủy ban vốn thiếu định hướng và không thực sự “chắc tay” trong quản lý thì nguồn vốn trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng ở đây sẽ khó sinh sôi, thậm chí doanh nghiệp có thể mất cơ hội phát triển.

“Các Tập đoàn, Tổng công ty có quyền của người ta; Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc đều có quy định về chức năng của họ. Do đó, cần phân tách chức năng, việc của Uỷ ban là thanh tra giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Uỷ ban không thực hiện kinh doanh vốn, quan niệm thực hiện kinh doanh vốn là hoàn toàn sai lầm, đây là chức năng của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC”

(Ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Ủy ban vốn hồi tháng 3/2019).

Theo baophapluat.vn

Nguồn bài viết: https://baophapluat.vn/kinh-te/sieu-uy-ban-va-khoi-tai-san-hon-1-trieu-ty-dong-dn-muon-xin-co-che-dac-thu-de-de-hoat-dong-478443.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/sieu-uy-ban-va-khoi-tai-san-hon-1-trieu-ty-dong-dn-muon-xin-co-che-dac-thu-de-de-hoat-dong-a214325.html