Trả lời chất vấn liên quan lô nhôm 4,3 tỷ USD giả hàng Việt để đi Mỹ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết doanh nghiệp này do người Trung Quốc đầu tư.
Cuối phiên chất vấn chiều 6/11, vấn đề lô hàng 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc nằm ở kho ngoại quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chờ xuất sang Mỹ được đại biểu Quốc hội nêu ra.
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đặt câu hỏi khi doanh nghiệp tìm cách gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương có trách nhiệm và biện pháp gì để ngăn chặn những trường hợp tương tự.
Đã đến lúc rung chuông cảnh báo chưa?
Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết qua thông tin phản ánh quốc tế, đã nắm được sự việc từ cuối năm 2016.
Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu (chủ lô hàng 1,8 triệu tấn nhôm - thông tin Tổng cục Hải quan cung cấp) do người Trung Quốc đầu tư tại Vũng Tàu và nhập rất nhiều nhôm đưa về kho ngoại quan và khu chế xuất để phục vụ xuất khẩu.
Thời điểm đầu năm 2017, hoạt động xuất khẩu nhôm của doanh nghiệp này sang Mỹ và các thị trường khác chưa có gì đột biến. Sau khi Nhôm Toàn Cầu có những biến động bất thường, Tổng cục Hải quan đã tăng cường giám sát hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
“Trên thực tế, doanh nghiệp này xuất khẩu nhôm nguồn gốc Trung Quốc đi các nước không đáng kể và không gây ra những vướng mắc liên quan đến quan hệ thương mại quốc tế với Mỹ”, Bộ trưởng nói.
Tranh luận lại với Bộ trưởng Công Thương, đại biểu Diến đặt câu hỏi về tình trạng gian lận xuất xứ, giả về chất lượng và thương hiệu, lừa dối người tiêu dùng ở Việt Nam đang ở mức độ nào, đã đến lúc phải rung chuông cảnh báo chưa.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết theo cơ chế phòng vệ thương mại, có danh mục 25 mặt hàng được cảnh báo có nguy cơ bị gian lận thương mại. Ông thừa nhận “rất khó” để đảm bảo môi trường đầu tư, vừa đảm bảo hiệu quả trong chính sách xử lý gian lận thương mại.
Về vấn đề gian lận xuất xứ, lừa dối khách hàng trong nước, Bộ trưởng Công Thương khẳng định có hiện tượng mua sản phẩm hàng hóa nước ngoài rồi tráo, dán mác Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Ông cho rằng đây là vấn đề phức tạp, không chỉ quyết tâm, mà cần những cơ sở pháp lý để điều chỉnh những hành vi liên quan đến lợi dụng, gian lận xuất xứ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Bộ trưởng Công Thương cam kết với đại biểu Quốc hội và cử tri rằng sẽ làm hết trách nhiệm chứ không phải làm với thái độ thiếu kiên quyết hay vô cảm, thờ ơ.
‘Asanzo, Khải Silk là điển hình gian lận xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng’
Vấn đề chống gian lận xuất xứ hàng hóa, lừa dối người tiêu dùng cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng lỗ hổng về mặt pháp luật, đặc biệt là sự công khai minh bạch về quy định thế nào là hàng Việt Nam đẩy người dân và doanh nghiệp vào thế rủi ro rất cao.
“Chính sự thiếu minh bạch đã làm cho nhiều doanh nghiệp như kiểu Asanzo không biết mình có vi phạm không. Asanzo, Khải Silk có đơn thuần là gian lận thương mại hay không”, ông Sinh đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết ngoài Nghị định 31 hướng dẫn thực hiện Luật Ngoại thương, còn có Nghị định 43 quy định những nội dung điều chỉnh trong việc chứng nhận nhãn mác cũng như xuất xứ hàng hóa lưu thông trong nước.
Theo Nghị định 43, hàng hóa lưu thông trong nước bắt buộc phải dán nhãn tên người sản xuất, tổ chức cá nhân, xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, Điều 15 lại quy định các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân dán nhãn phải có trách nhiệm tự xác định thông tin về xuất xứ mình đưa ra.
“Từ đây, trong một thời gian dài đã bước đầu có những hành vi gian lận thương mại và xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng, điển hình như Khải Silk, Asanzo”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Ông cho biết Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng pháp quy về ghi chứng nhận xuất xứ với hàng hóa Việt Nam sản xuất trong nước. Sau gần 1 năm xây dựng, cơ quan này đã hoàn thành dự thảo thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hóa sản xuất, lưu thông trong nước, đang lấy ý kiến phản biện của nhân dân và các tổ chức.
Qua 2 vòng lấy ý kiến, một số quan điểm cho rằng phạm vi điều chỉnh cần cụ thể hơn, tránh ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, tránh việc các tổ chức nước ngoài căn cứ vào quy định để siết chặt hơn ưu đãi của hàng Việt Nam xuất khẩu đi nước ngoài.
Theo news.zing.vn
Nguồn bài viết: https://news.zing.vn/cong-ty-so-huu-lo-nhom-4-3-ty-usd-gia-hang-viet-do-nguoi-tq-dau-tu-post1010649.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/cong-ty-so-huu-lo-nhom-43-ty-usd-gia-hang-viet-do-nguoi-tq-dau-tu-a214320.html