Luật gia Đặng Đình Thịnh, Giám đốc trung tâm Trợ giúp pháp luật TP.HCM (Hội Luật Gia Việt Nam) chủ trì buổi tọa đàm “Đòi lại nhà, đất do Nhà nước quản lý và từ các chủ thể khác”.
Tại buổi tọa đàm, luật gia Đặng Đình Thịnh nhấn mạnh, việc tranh chấp đất đai, đòi đất, nhà do Nhà nước quản lý thời gian qua còn phức tạp, trong khi các văn bản pháp luật liên quan lại có lỗ hổng hoặc mâu thuẫn, chưa chặt chẽ, dẫn đến những vướng mắc, tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Để có cơ sở giải quyết các tranh chấp đúng pháp luật, ông Thịnh mong các luật gia, luật sư, các chuyên gia pháp luật đóng góp các ý kiến, kiến nghị sửa đổi các văn bản luật, nghị quyết liên quan.
Buổi tọa đàm cũng nhận được nhiều tham luận của các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc đòi lại nhà, đất do Nhà nước quản lý như: Tham luận của luật gia Trần Đình Dũng, luật gia Phan Minh, luật gia Nguyễn Đức Nhuần… cùng 2 tham luận của nhóm nghiên cứu văn phòng trung tâm Trợ giúp pháp luật TP.HCM và của nhóm văn phòng công ty luật Đông Pháp…
Hầu hết các ý kiến tranh luận, góp ý trong buổi tọa đàm đều liên quan đến những quy định tại 2 Nghị quyết lớn của Quốc hội là Nghị quyết 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội và Nghị quyết 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 2/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với tinh thần nghiêm túc, các luật gia đưa ra nhiều ý kiến sâu sắc, có tính thực tiễn cao, trong đó kiến nghị Chính phủ ban hành một nghị định mới để hướng dẫn rõ tất cả các khái niệm của Nghị quyết 755 và Nghị quyết 23 nói trên, đồng thời quy định rõ việc bồi hoàn, hỗ trợ giá trị quyền sử dụng đất cho chủ cũ trong các trường hợp trả lại trị giá nhà.
Ngoài ra, nhiếu ý kiến cũng cho rằng, Nhà nước cần tổng rà soát lại các vụ tranh chấp đất đai phức tạp, giải quyết kéo dài ở địa phương. Các cơ quan Nhà nước theo phân cấp cần thực thi nghiêm túc pháp luật về trách nhiệm quản lý Nhà nước ở địa phương, khi có tranh chấp xảy ra thì kết hợp với luật gia, luật sư tiến hành làm rõ nguồn gốc, quá trình sử dụng đất để hòa giải.
Liên quan đến Nghị quyết 23 và Nghị quyết 755, các luật gia kiến nghị điều chỉnh một số điểm cho phù hợp với thực tiễn, trong đó có việc Nhà nước khi trưng mua nhà, ngoài tính giá trị nhà, còn tính đến việc hỗ trợ giá trị đất để tránh phát sinh khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.
Đối với những nhà, đất chưa bố trí sử dụng nhưng đã có văn bản quản lý rồi, hiện đang cho người khác ở nhờ thì Nhà nước nên chấm dứt việc quản lý và bán hóa giá, để cho người đang ở và người chủ cũ thương thảo với nhau. Nếu không thể thống nhất được giữa người mua và chủ cũ thì khởi kiện ra tòa, tòa án sẽ căn cứ vào các quy định để giải quyết. Khi Nhà nước thu hồi nhà, đất của dân thì phải có kế hoạch, phương án sử dụng nhà đất.
Tổng rà soát, kiểm tra lại các nhà, đất và công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Nhà nước tại địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bảng điện tử công cộng hoặc trên các kênh chuyên ngành để dân biết, tránh bưng bít thông tin, người dân tránh được những rủi ro khi mua, chuyển nhượng, đăng ký quyền sử dụng đất.
Công khai mức đền bù khi Nhà nước thu hồi đất để xã hội giám sát, người sử dụng đất tự giác chấp hành.
Đối với những dự án treo, quá 24 tháng nếu không triển khai thì trả đất, nhà lại cho dân. Khi đơn vị khác muốn làm dự án khác thì tính quyền sử dụng khác cho dân, vì giá trị đất tăng lên hàng năm. Ngoài ra, Nhà nước thu tiền sử dụng đất cao hơn cũng sẽ tăng ngân sách, tránh thất thoát tài sản Nhà nước.
Theo nguoiduatin.vn
Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/kien-nghi-dieu-chinh-nhieu-noi-dung-trong-cac-nghi-quyet-ve-nha-dat-do-nha-nuoc-quan-ly-a454310.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/kien-nghi-dieu-chinh-nhieu-noi-dung-trong-cac-nghi-quyet-ve-nha-dat-do-nha-nuoc-quan-ly-a213911.html