(Pháp lý) - Trong khi người làm công ăn lương kêu trời vì bị thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) triệt để, với mức giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu, thì ngược lại hàng năm ngành Thuế lại loay hoay theo “đuổi theo” các nghệ sĩ để truy thu tiền tỷ thuế TNCN, thậm chí con số thu được không tương xứng với mức cát xê “cực khủng” mà các nghệ sĩ nhận được.
Thuế TNCN và nghịch lý
Kinh tế - xã hội đất nước phát triển, đời sống tinh thần người dân nâng cao cũng đồng nghĩa với mức thu nhập của giới nghệ sĩ (diễn viên, ca sĩ, người mẫu…) gia tăng đáng kể. Các số liệu lộ diện cho thấy, nhiều nghệ sĩ hành nghề tại Việt Nam có mức thu nhập rất cao. Chỉ cần tham dự một sự kiện, ca sĩ hạng A đã có một khoản thù lao lên tới hàng trăm triệu đồng, hạng B cũng đã tới 70 – 80 triệu đồng/người. Diễn viên hạng A xuất hiện trên các kênh truyền hình giải trí được trả từ 40 – 50 triệu đồng/người. Một diễn viên hay MC, người mẫu hạng B đăng bài chia sẻ trên Facebook cá nhân dao động từ 35 - 55 triệu đồng. Một ca sĩ nổi tiếng hát 1 bài ở một sự kiện lớn có mức cát xê “khủng” 6.000 USD, còn chia sẻ trên Facebook cá nhân có thể lên giá 400 - 500 triệu đồng. Nếu chỉ lấy con số bình quân, “hiện tượng” Sơn Tùng đã kiếm được trên YouTube khoảng 600.000 USD/năm, tương đương khoảng 14 tỉ đồng/năm. Thậm chí ngay cả ca sĩ hạng C (còn gọi là ca sĩ “hội chợ”) thừa nhận “sống khỏe” khi đi hát hội chợ, hát đám cưới. Chưa kể các nghệ sĩ còn nhận được những hợp đồng quảng cáo béo bở khác…
Thu nhập “khủng” nhưng không ít nghệ sĩ lại “nổi tiếng” về sự “trầy trật” trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách Nhà nước. Theo quy định hiện hành, phương pháp tính thuế TNCN dựa trên biểu thuế lũy tiến từng phần, tức thu nhập càng cao thì mức thuế suất áp dụng càng lớn. Cụ thể, tỷ lệ điều tiết của thuế TNCN cao nhất lên đến 35%, tương đương mức thu nhập tính thuế lớn hơn 80 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nghệ sĩ sau khi biểu diễn mới nộp thuế khấu trừ 10% trên giá trị hợp đồng biểu diễn với đơn vị tổ chức. Tuy nhiên, đây chỉ là mức tạm khấu trừ, sau khi xác định thu nhập thực tế của nghệ sĩ trong năm, ngành thuế phát hiện mức thuế phải nộp của các nghệ sĩ lên tới 30%-35%. Các cá nhân này sau đó đã nộp phần thuế bổ sung nhưng thực tế cho thấy đa số các nghệ sĩ đều “lãng quên” nghĩa vụ của công dân.
Tại TP.HCM năm nào ngành thuế cũng phải truy thu thuế TNCN của các nghệ sĩ và luôn dao động ở mức tiền tỷ. Năm 2016, Cục Thuế thành phố đã truy thu 20 nghệ sĩ số tiền 5,3 tỷ đồng. Năm 2017, số tiền thuế truy thu là 6,6 tỷ của 12 nghệ sĩ. Năm 2018, có 5 nghệ sĩ bị truy thu thuế 4,5 tỷ. Trước đó năm 2015, Cục Thuế TP.HCM lật lại hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân của 26 nghệ sĩ và truy thu 6,3 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2019, Cục Thuế TP đã truy thu 15 tỷ đồng tiền thuế của 15 nghệ sĩ. Người bị truy thu nhiều nhất phải nộp bổ sung 2,4 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, dư địa thuế từ “khoảng trống thu nhập” còn khá lớn.
Trong khi ngành Thuế loay hoay chạy theo “đuôi” nghệ sĩ trong việc truy thu thuế TNCN thì ngược lại đối với những người làm công ăn lương, những lao động có mức thu nhập “khiêm tốn” thì lại bị ngành Thuế tận thu thuế TNCN qua công thức giảm trừ gia cảnh, ngay từ khâu đầu vào. Thậm chí ngay cả những người tự nguyện trích tiền lương hằng tháng để đóng góp từ thiện nhưng không được đưa vào chi phí để trừ khi tính thuế TNCN. Lãnh đạo Chi cục thuế tại một quận trung tâm TP.HCM cho biết trong thực tế đã có cá nhân đóng góp từ thiện lên đến 300 - 400 triệu đồng/năm để hỗ trợ cho các trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc hở hàm ếch phẫu thuật. Tuy nhiên, do họ ủng hộ thông qua các bệnh viện chứ không qua các tổ chức theo quy định nên cơ quan thuế không thể tính giảm trừ cho họ khi tính thuế TNCN (?!)
Nghệ sĩ “né” luật bằng cách nào ?
Những năm gần đây, công tác thu thuế đã được đổi mới và nâng cao nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ điện tử, cho phép xử lý và lưu trữ tập trung thông tin quản lý thuế TNCN trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, ứng dụng sẽ thể hiện đầy đủ thông tin như cá nhân người nộp thuế, mã số thuế, thời gian làm việc, thu nhập chịu thuế, số thuế khấu trừ, đã nộp; cơ quan thuế có thể phát hiện những trường hợp có thu nhập ở nhiều nơi. Mặc dù vậy, ngành Thuế cả nước thừa nhận việc thu đúng và đủ thuế đối với giới văn, nghệ sĩ còn nhiều khó khăn, bất cập.
Thực tế cho thấy, giới nghệ sĩ luôn biết cách để giảm khoản thuế TNCN họ phải nộp, đó chính là hướng đến các khoản thu nhập được miễn thuế và né tránh các khoản thu nhập chịu thuế được quy định trong Luật Thuế TNCN. Trước hết là “chiêu” thành lập doanh nghiệp để hợp thức hóa chi phí hợp lý; nhất là từ khi bỏ đi quy định được trừ 25% thu nhập trước khi tính thuế TNCN. Tại Điều 10 Luật Thuế TNCN 2007 quy định: “Thu nhập chịu thuế từ kinh doanh được xác định bằng doanh thu trừ các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập chịu thuế từ kinh doanh trong kỳ tính thuế”. Trong khi đó chi phí hợp lý (được quy định tại khoản 3 Điều 10): Tiền lương, tiền công, các khoản thù lao và các chi phí khác trả cho người lao động; chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng, hàng hoá sử dụng vào sản xuất, kinh doanh, chi phí dịch vụ mua ngoài; chi phí khấu hao, duy tu, bảo dưỡng tài sản cố định sử dụng vào sản xuất, kinh doanh; chi trả lãi tiền vay; chi phí quản lý... được các ông “bầu” – nhà đại diện quản lý cho các nghệ sĩ rất dễ dàng “đẻ” ra và hợp thức hóa chứng từ, theo hướng kê khai cao chi phí hoạt động, dẫn đến lợi nhuận thấp nhằm nộp thuế ít.
Không thể “quơ đũa cả nắm” việc các nghệ sĩ thành lập doanh nghiệp là để trốn thuế, song có thể nói bằng “chiêu” thành lập doanh nghiệp, luôn có lợi cho các nghệ sĩ, đặc biệt nhìn từ góc độ nộp thuế TNCN. Theo đó tiền thù lao hàng trăm triệu mỗi show diễn của nghệ sĩ thay vì phải khấu trừ 10% thuế TNCN tạm thu, được biến thành doanh thu công ty. Trong khi họ ghi nhận thu nhập đóng thuế trên sổ sách bằng tiền công, tiền lương, thưởng và thường “tự biên” giá trị hợp đồng xuống mức khiêm tốn. Bởi mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sau khi cân đo đong đếm bao giờ cũng nằm ở mức thấp hơn nhiều so với mức cao nhất của thuế TNCN. Đó là chưa kể tình trạng doanh nghiệp khai báo thua lỗ, không phải nộp thuế TNDN…
Một hình thức “né” thuế TNCN khác khiến ngành Thuế phải “bó tay”, được các nghệ sĩ tận dụng phổ biến đó là thanh toán bằng tiền mặt, không cần hóa đơn. Thỏa thuận dân sự bằng miệng được xác lập (không cần hợp đồng) giữa một bên là đơn vị đăng cai tổ chức biểu diễn với người đại diện quản lý nghệ sĩ, trả tiền “tươi” trực tiếp không cần xuất hóa đơn. Trong những trường hợp như vậy, theo các cán bộ ngành Thuế việc truy thu thuế là bất khả thi. Ngay cả khi sau đó họ nộp tiền vào tài khoản cũng khó có thể yêu cầu giới nghệ sĩ chứng minh nguồn tiền từ đâu mà có, gây mất kiểm soát. Đại diện một công ty nghệ thuật kiêm tổ chức sự kiện ở Hà Nội và TP.HCM từng tiết lộ với báo giới các nghệ sĩ hạng A khi ký hợp đồng bao giờ cũng có câu cửa miệng “tiền cầm tay nhé”. Họ chỉ quan tâm đến số tiền “ba-rem” ứng với tên tuổi của họ, còn khoản nộp thuế thế nào là việc của bên tổ chức… Vì vậy, có thể nói so với tổng mức thu nhập thì mức thuế TNCN mà các nghệ sĩ đóng chưa tương xứng, thậm chí bị thất thoát rất lớn.
Ông Trần Ngọc Tâm - Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, thừa nhận nếu đưa tiền mặt giữa 2 cá nhân với nhau thì đúng là khó. Khi cá nhân nộp tiền mặt vào tài khoản, cơ quan nhà nước chỉ có thể yêu cầu cá nhân đó chứng minh nguồn tiền trong trường hợp đó là cán bộ nhà nước, việc này nhằm chống tham nhũng. Còn đối với giới văn nghệ sĩ thì khó có thể yêu cầu họ chứng minh nguồn tiền ở đâu mà có. Trong khi ở một số nước, tất cả các thanh toán đều dựa trên tài khoản ngân hàng, trong trường hợp tài khoản có nguồn tiền mặt chuyển vào thì phải chứng minh tiền đó là tiền gì và thực hiện nghĩa vụ thuế chưa (?!)
Hình thức “né” thuế TNCN thứ ba, tương tự nghi án mà diễn viên Phạm Băng Băng (Trung Quốc) đã áp dụng, đó là kê khai các hợp đồng biểu diễn với giá trị thấp. Phần chênh lệch còn lại thực tế có khi nhận bằng tiền mặt và không hề công khai. Trên thực tế, thu nhập của các sao không chỉ “khủng” mà “cực khủng” khi căn cứ vào giá trị các show diễn.
Với mức cát-xê cao như trên nhưng tiền thuế TNCN hàng năm mà giới văn nghệ sĩ đóng lại khá thấp đang khiến dư luận đặt dấu chấm hỏi. Nhiều ca sĩ giải thích rằng vì thuế thu nhập các show diễn của họ phần lớn do nhà tổ chức đóng theo thỏa thuận nên họ không khai nữa…
Để không còn truy thu, thất thu và tận thu…
1. Theo Luật sư Bùi Phú Tuyên (Đoàn Luật sư TP. HCM) nên sửa đổi Luật Thuế TNCN quy định theo hướng khoán thuế TNCN cho nghệ sĩ thay vì tạm khấu trừ sau đó thu theo hướng lũy tiến như hiện nay. Như vậy sẽ thuận lợi hơn cho cơ quan thuế lẫn người nộp thuế trong khi ngân sách lại thu được số thuế TNCN nhiều hơn. “Hiện nay tỉ lệ điều tiết của thuế TNCN cao nhất lên đến mức 35%. Với cách tính thuế lũy tiến như trên, thu nhập càng cao thì mức thuế suất sẽ càng cao. Tuy nhiên nhiều nghệ sĩ thu nhập rất cao nhưng sau khi khấu trừ tại nguồn 10% đã không đi quyết toán nên tính ra số thuế phải nộp ít. Do vậy trong thời gian tới, nên điều chỉnh luật theo hướng quy định một mức khấu trừ tại nguồn khi tổ chức, cá nhân chi trả cho nghệ sĩ cao hơn mức hiện nay, chẳng hạn mức 20%. Như vậy sẽ công bằng với người làm công ăn lương bị chặn trừ tại nguồn trong khi họ có mức thu nhập thấp hơn nhưng số thuế phải nộp cao hơn” – LS. Tuyên nêu quan điểm.
2. Đề cập đến hiện tượng các ca sĩ đi hát hoặc xuất hiện trong các live stream quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ, hội chợ… nhận thù lao bằng tiền mặt, Luật sư Huỳnh Thị Thúy Hoa (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định) thừa nhận, nếu đưa tiền mặt giữa 2 cá nhân với nhau thì đúng là khó nhưng không có nghĩa là bất khả thi, cơ quan thuế không thu được. Cơ quan thuế vẫn có thể phát hiện ra và truy thu được bằng phương pháp đối chiếu với tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập và người nhận thu nhập về khoản cát xê này. Vì DN trả tiền mặt hay chuyển khoản cho ca sĩ thì họ vẫn phải đưa vào chi phí. Mặc dù vậy theo LS. Hoa, để tránh thất thu thuế không chỉ lĩnh vực văn hóa văn nghệ mà cả các lĩnh vực khác, không có biện pháp nào tốt hơn là đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. “Phải khống chế mức sàn thanh toán tiền thù lao mà tổ chức, cá nhân buộc phải thanh toán cho ca sĩ qua tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng ở mức từ 10 triệu đồng trở xuống” – LS. Hoa đề xuất.
3. Đẩy mạnh tuyên truyền để giới nghệ sĩ thấy được nộp thuế là vinh dự và trách nhiệm của một công dân sống trong Nhà nước pháp quyền XHCN. Đồng thời phải xem xét lại trách nhiệm công dân, trách nhiệm cá nhân của những đối tượng này theo hướng tăng cường chế tài. “Tại sao sau khi phát hiện truy thu thuế của các nghệ sĩ, chúng ta không thực hiện chế tài phạt hành chính thật nặng đối với cả nơi trả tiền và người nhận (nghĩa là phạt cả đơn vị thuê ca sĩ, người mẫu và chính họ); trong khi người làm công ăn lương và doanh nghiệp chậm nộp thuế thì bị phạt. Mọi công dân và các thành phần kinh tế cần phải bình đẳng trước pháp luật. Thậm chí nên mạnh dạn bêu tên nghệ sĩ cũng như công khai số thuế của họ đã nộp trong năm để công chúng biết, để chính nghệ sĩ cảm thấy xấu hổ và tự giác khai thuế” – LS. Bùi Phú Tuyên đề xuất quan điểm.
4. Về vấn đề thu thuế TNCN đối với người làm công ăn lương theo quy định Luật Thuế TNCN, LS. Hoa cho rằng, trước mắt phải điều chỉnh ngay mức giảm trừ gia cảnh theo hướng tăng lên 12 hoặc 15 triệu/ tháng/người, thay vì 9 triệu/tháng/người như hiện nay, kể cả đối với người phụ thuộc. Bởi theo quy định tại điểm b, khoản 4 Điều 1 Luật Thuế TNCN hiện hành: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”. Trong khi đó, kể từ ngày 01/7/2013 (từ khi Luật Thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực) đến cuối năm 2018, chỉ số CPI đã tăng hơn 25,17%. Thế nhưng đến nay, ngưỡng thu nhập chịu thuế vẫn giữ nguyên, chưa kể ngưỡng chịu thuế cũng đã lỗi thời so với lương tối thiểu.
LS. Hoa đề xuất: “Về lâu dài, theo tôi để giảm áp lực và tạo ra sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với người được trả thu nhập bằng tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công (đối tượng bị điều chỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật Thuế TNCN 2012), những nhà làm luật nên nghiên cứu bổ sung nguồn thu nhập thu vào của cá nhân và những khoản chi hợp lý phát sinh thực tế của họ để có thể cân đối một mức chịu thuế TNCN hợp lý. Ví dụ, anh A có tổng mức thu nhập hàng tháng 15 triệu đồng, ngoài giảm trừ gia cảnh 9 triệu, anh A còn được giảm trừ các chi phí phát sinh thực tế khác như chi phí thuê phương tiện đi lại…”./.
Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải mới đây cho biết Bộ Tài chính đã giải trình về các biện pháp để siết chặt thu thuế đối với hoạt động quảng cáo trên mạng, hay biểu diễn nghệ thuật của ca sĩ, người mẫu... Bà Hải cũng cho biết cử tri TP.HCM đề nghị sớm cải cách chính sách để giảm dần giao dịch bằng tiền mặt và tăng cường thanh toán qua thẻ tín dụng, ngân hàng.
Tại hội nghị phổ biến những điểm mới của Luật Quản lý thuế sửa đổi 2019 diễn ra ngày 27.8, bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ quản lý thuế thu nhập cá nhân (TNCN) - Bộ Tài chính xác nhận chỉ số CPI đã vượt trên 20%, giá cả, do đó mức giảm trừ gia cảnh mỗi người có thu nhập đến mức phải nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng/người; người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng/người, (theo Luật Thuế TNCN hiện hành) đã quá lạc hậu, sẽ được điều chỉnh tăng lên. “Hiện tại, Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính đang chủ trì báo cáo Bộ. Sau đó, Bộ báo cáo Chính phủ cho ý kiến rồi trình ra Quốc hội” - bà Lan thông tin thêm.
VŨ LÊ MINH
Link nội dung: https://phaply.net.vn/thue-thu-nhap-ca-nhan-de-khong-con-tinh-trang-truy-thu-that-thu-va-tan-thu-a213889.html