Thực hiện nhiệm vụ được giao, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đã góp phần không nhỏ vào công tác phòng, chống tham nhũng, đem lại nhiều kết quả tích cực, tạo niềm tin trong nhân dân.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm nâng cao vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong hoạt động đấu tranh, phòng chống tệ nạn xã hội thời gian tới.
Tăng thu cho ngân sách nhà nước
Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm tra, đối chiếu các đơn vị liên quan, đã phát hiện nhiều sai phạm, truy thu cho ngân sách nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán năm 2018 đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 92.600 tỷ đồng, trong đó, tăng thu, giảm chi cho ngân sách nhà nước 44.466 tỷ đồng.
Qua đối chiếu thuế 2.969 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 43 địa phương, Kiểm toán Nhà nước xác định tăng thu ngân sách nhà nước 1.684,6 tỷ đồng, kiến nghị giảm lỗ 3.341,5 tỷ đồng.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, theo pháp luật thuế hiện hành, người nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế.
Khoảng 82% đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra, phát hiện. Việc trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, hiện làm thất thu lớn ngân sách nhà nước.
Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, như Unilever,…truy thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, Kiểm toán Nhà nước gặp không ít các trường hợp đơn vị có hành vi chống đối, không hợp tác, không chấp hành cung cấp tài liệu, gây khó khăn cho hoạt động, như không cung cấp hồ sơ, tài liệu hoặc từ chối làm việc với Kiểm toán Nhà nước; không hợp tác khi Kiểm toán viên nhà nước đến làm việc; không bố trí kế toán, người liên quan làm việc với Kiểm toán Nhà nước...
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh, thực liện Luật Phòng, chống tham nhũng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm, các lĩnh vực trọng yếu dễ xẩy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, các dự án BT, BOT, hệ thống ngân hàng thương mại với phương châm phòng là chính.
Kiểm toán Nhà nước đã tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát.
Bên cạnh đó, việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước được thực hiện định kỳ, có định hướng đã tạo được dư luận tốt.
Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân nhiều vụ việc; chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, nghiêm minh và kịp thời.
Bổ sung quy định trong Luật
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, để thực hiện tốt yêu cầu của Luật Phòng, chống tham nhũng, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tương thích phù hợp với Luật Thanh tra, cần quy định thêm căn cứ ban hành quyết định kiểm toán trong trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng vào Luật Kiểm toán Nhà nước theo hướng bổ sung căn cứ để ban hành quyết định kiểm toán “Có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Kiểm toán Nhà nước được xác định là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng.
Do đó, để bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật Kiểm toán Nhà nước với Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý để Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng, dự thảo Luật bổ sung vào Điều 10 nội dung: Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Đồng thời, dự thảo Luật quy định quyền xác minh của Kiểm toán Nhà nước, phương pháp xác minh để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng.
Cụ thể, trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng , Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Trong quá trình thực hiện kiểm toán, khi nghi ngờ một nội dung nào đó có dấu hiệu tham nhũng, cần phải được kiểm tra, xác minh, làm rõ. Trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm, Kiểm toán Nhà nước chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Để có cơ sở hướng dẫn chi tiết về trình tự thực hiện, các biện pháp tổ chức xác minh, tránh lạm dụng việc xác minh khi được giao nhiệm vụ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cần ban hành quy trình, biện pháp nhằm kiểm tra, xác minh hiệu quả và quản lý Kiểm toán viên nhà nước trong việc thực hiện xác minh.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt yêu cầu của Luật Phòng, chống tham nhũng, dự thảo Luật quy định thêm căn cứ ban hành quyết định kiểm toán trong trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Việc quy định này phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thanh tra hiện hành.
Xuất phát từ thực tế, nhiều trường hợp các cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện giám định đối với một số vụ việc cụ thể về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng,... phục vụ cho giải quyết vụ án tham nhũng, kinh tế; xét thấy ngành kiểm toán có nhân lực đảm bảo yêu cầu giám định nên Kiểm toán Nhà nước đề xuất bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng tại Điều 10: “Thực hiện giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công trong các vụ án tham nhũng theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, cần bổ sung vào Luật Kiểm toán Nhà nước một số quy định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Kiểm toán Nhà nước trong việc phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 đã quy định nhiều điều khoản để Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng nên cần rà soát các điều khoản dự thảo Luật đang bổ sung để hạn chế tối đa việc dẫn chiếu lại các quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng dẫn đến trùng lặp, không cần thiết.../.
Theo bnews.vn
Nguồn bài viết: https://bnews.vn/tao-co-so-phap-ly-de-kiem-toan-nha-nuoc-phong-chong-tham-nhung/138101.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tao-co-so-phap-ly-de-kiem-toan-nha-nuoc-phong-chong-tham-nhung-a213796.html