Thiệt hại do ô nhiễm môi trường: Kiến nghị doanh nghiệp phải chứng minh thay vì người bị thiệt hại phải chứng minh

(Pháp lý) - Dù pháp luật đã quy định trách nhiệm bồi thường (TNBT) thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thiết lập cơ chế thực thi quy định này. Song, việc thực thi TNBT trên thực tế rất khó khăn do vướng mắc trong việc xác định, chứng minh thiệt hại.... Do đó, chuyên gia kiến nghị thay vì bắt buộc người bị thiệt hại phải chứng minh thiệt hại, thì cần yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh mình đã thực hiện đúng hay chưa các quy định về bảo vệ môi trường?

Một số vụ ô nhiễm môi trường nổi cộm gần đây

Gần đây nhất là vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Rạng Đông khiến một lượng lớn thủy ngân phát tán ra môi trường không khí, đất, nước.

Theo quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường do vụ cháy khoảng từ 15,1 kg đến 27,2 kg, trong đó 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thuỷ ngân lỏng có độc tính cao.

Vụ cháy Công ty Rạng Đông làm phát tán một lượng lớn thủy ngân ra môi trường
Vụ cháy Công ty Rạng Đông làm phát tán một lượng lớn thủy ngân ra môi trường)

Hầu hết lượng thủy ngân trong các bóng đèn đã phát tán ra môi trường cùng với khói và khí thải của đám cháy. Ứớc tính phạm vi phát tán tối đa của khói thải khoảng 1,5 km, phạm vi ô nhiễm khoảng 200 m tính từ tường rào của nhà kho và theo hướng gió có thể ảnh hưởng đến khoảng cách 500m.

Theo các chuyên gia y tế, thủy ngân là kim loại lỏng khó phân hủy trong môi trường và tích lũy sinh học trong chuỗi thức ăn. Thủy ngân giải phóng từ chất thải có chứa thủy ngân tồn tại trong môi trường (đất, nước, không khí, trầm tích, thực vật..) hoặc tích tụ trong chuỗi thức ăn và vào cơ thể con người thông qua tiêu thụ cá và hải sản, hoặc hơi thủy ngân trực tiếp hoặc được hấp thụ trên tóc của con người. Hơi thủy ngân, các hợp chất và muối của nó rất độc, có thể gây tổn thương hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, hệ thống miễn dịch và thận. Gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên, phổi, thận, da, và mắt. Nó cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và gây đột biến.

Cho đến nay, các cơ quan chức năng đã và đang tích cực triển khai biện pháp khắc phục hậu quả vụ cháy. Tính đến ngày 2/10, các lực lượng đã thu gom 1.800 tấn chất thải, Bộ Tư lệnh Hoá học đã hoàn thành việc tiêu tẩy độc khu vực 1 với diện tích 2.500m2. Tuy nhiên, vấn đề xác định và bồi thường thiệt hại đối với người dân bị ảnh hưởng vẫn chưa được đặt ra.

Một trong những vụ ô nhiễm nghiêm trọng nhất lịch sử từng xảy ra cách đây vài năm trước phải kể đến là sự cố môi trường biển miền Trung do nước thải công nghiệp của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Công ty Formosa) gây ra vào năm 2016.

Vụ ô nhiễm môi trường “lộ ra” từ hiện tượng thủy sản chết lan trên diện rộng, bắt đầu từ vùng ven biển Hà Tĩnh, lan tiếp dọc ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Sự cố này đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nhất là ngành thủy sản, tiếp đến là hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch và đời sống sinh hoạt của ngư dân.

Nguyên nhân gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại ven biển 4 tỉnh miền Trung được các cơ quan chức năng xác định do Công ty Formosa gây ra trong quá trình vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy, đã có những vi phạm và để xảy ra sự cố, dẫn tới nước thải có chứa độc tố phenol, xyanua chưa được xử lý đạt chuẩn xả ra môi trường.

Trước những bằng chứng rõ ràng và có cơ sở khoa học, Công ty Formosa đã nhận trách nhiệm, xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam và bồi thường 500 triệu USD.

Ngoài ra, những năm qua trên địa bàn cả nước còn xảy ra hàng loạt những vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần đầu tư Royal tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên gây ô nhiễm khí thải hủy hơn chục nghìn mét vuông cây trái hoa màu của người dân xung quanh nhà máy, Công ty Cổ phần Mía đường Hoà Bình xả thải chưa qua xử lý ra sông Bưởi làm hơn 17,5 tấn cá của 34 hộ dân nuôi cá lồng kéo dài hơn 30 km dọc sông huyện Thạch Thành, bị chết trắng…

ThS. Lê Văn Hợp – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ TNMT nhận định, quá trình giải quyết các vụ việc trên cho thấy có một số đặc điểm chung trong giải quyết tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường. Theo đó, hầu hết các tranh chấp, khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại về môi trường được giải quyết thông qua thương lượng, thỏa thuận vì rất khó xác định được thiệt hại cụ thể; các thiệt hại được bồi thường chủ yếu là thiệt hại về sức khỏe, tài sản vật chất, còn các thiệt hại về môi trường tự nhiên như gây chết cá trên sông, trên biển, chết hoa màu, cây cối… thì chưa giải quyết được do khó chứng minh.

Kiện đòi bồi thường: Nhiều rào cản

Bàn về vấn đề thực thi trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ông Dương Đình Khuyến - Trưởng Ban Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý Hội Luật gia Việt Nam cho rằng: trong các vụ ô nhiễm môi trường thiệt hại có thể gây ra cho nhiều người, trên phạm vi rộng như vụ cháy Công ty Rạng Đông vừa qua hay chôn vụ thuốc bảo vệ thực vật ở Thanh Hóa; vụ Formosa Hà Tĩnh cách đây vài năm… vấn đề thực thi trách nhiệm bồi thường không hề đơn giản mặc dù pháp luật đã có quy định.

Cá chết trắng do nước sông bị ô nhiễm (ảnh minh họa)
Cá chết trắng do nước sông bị ô nhiễm (ảnh minh họa))

Điều 602 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường được xác định như sau: “Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi.”

Theo quy định trên, cá nhân, tổ chức có hành vi làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại, ngoài việc phải chịu trách nhiệm theo quy định của luật chuyên ngành thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại, kể cả chủ thể đó không có lỗi.

Bên cạnh đó, Điều 112, Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định: tổ chức cá nhân gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường và hạn chế lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân trong khu vực; Bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan…

Điều 13 của Nghị định 03/2015/NĐ-CP cũng quy định tổ chức, cá nhân làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với môi trường do mình gây ra.

Về nguyên tắc, để được bồi thường, người bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường buộc phải chứng minh được thiệt hại do hành vi sai phạm gây ra. Điều này đặt ra rào cản cho việc thực thi trách nhiệm bồi thường.

Thứ nhất, bên yêu cầu bồi thường phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình, bao gồm hành vi vi phạm, thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại xảy ra.

Thứ hai, để bồi thường thiệt hại thì bên yêu cầu bồi thường phải chỉ ra mức thiệt hại thực tế. Vấn đề này thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn đối với các thiệt hại về kinh tế, người dân rất khó để chứng minh do không có hoá đơn, chứng từ.

Thứ ba, để có các chứng cứ chứng minh thiệt hại sẽ cần tiến hành một loạt hoạt động kỹ thuật phức tạp mà chỉ những tổ chức chuyên môn, có đủ thiết bị và đội ngũ chuyên gia có trình độ và kỹ năng mới có thể đảm nhận. Công việc này đòi hỏi chi phí lớn.

Cùng quan điểm, PGS.TS. Phạm Văn Lợi - Viện trưởng Viện khoa học Môi trường cho rằng việc xác định thiệt hại do ô nhiễm môi trường trong một số trường hợp là rất khó. Để xác định được thiệt hại, phải thuê tổ chức giám định thiệt hại, mất chi phí, mất thời gian. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể xác định chính xác con số thiệt hại cụ thể; nhiều trường hợp thiệt hại không xuất hiện ngay mà để di chứng cho các thế hệ sau. Trong khi pháp luật hiện hành quy định, yêu cầu bồi thường thiệt hại chỉ được chấp nhận khi có thiệt hại thực tế và người yêu cầu phải chứng minh được các thiệt hại này.

Ở một góc độ khác, Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Anh – Giảng viên Học viện Tư pháp cho biết, theo quy định tại Điều 588, Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Theo đó, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường là 3 năm kể từ ngày có hành vi vi phạm. Thời hiệu này là quá ngắn, chưa đảm bảo đủ thời gian để đánh giá chính xác về thiệt hại có thể gây ra từ hành vi vi phạm về môi trường của doanh nghiệp.

Hơn nữa, người bị thiệt hại khi khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí. Đây cũng là một vấn đề lớn với những người dân thuộc diện khó khăn bị tác động bởi ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, sự thiếu ý thức tuân thủ pháp luật, đặc biệt thiếu ý thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng là một rào cản đối với quá trình thực thi trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bởi lẽ, những hành vi vi phạm vốn đã khó xác định, cộng thêm sự cố ý che dấu bằng những thủ đoạn tinh vi thì việc phát hiện, tìm ra những bằng chứng chứng minh những thiệt hại càng khó khăn hơn nhiều.

Điển hình như vụ cháy Công ty Rạng Đông, theo báo cáo ban đầu của Công ty Rạng Đông ngay sau khi vụ cháy xảy ra, từ năm 2016, Công ty chỉ sử dụng viên amalgam (hỗn hống của Hg - Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kg. Tuy nhiên, Tổng cục Môi trường cho biết qua kiểm tra thực tế và qua "đấu tranh" quyết liệt, lãnh đạo Công ty Rạng Đông mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng (độc tính cao hơn so với viên amalgam), có khối lượng thủy ngân theo tính toán của các nhà khoa học là 30 mg/bóng. Khối lượng hóa chất còn lại tại nhà máy sau vụ cháy gồm: 4.510.712 viên amalgam với trọng lượng là 41,75 kg; 108,9 kg Hg lỏng, trong đó 34,3 kg được bảo quản an toàn cùng với viên amalgam trong tủ cấp đông tại khu vực bị cháy. Lượng thủy ngân đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ có thể từ 15,1 kg đến 27,2 kg.

Do đó, để xác định được mức độ ô nhiễm cũng như thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra trong thực tế rất khó khăn nếu như không có sự hợp tác, trung thực từ chính những doanh nghiệp để xảy ra ô nhiễm.

Kiến nghị một số giải pháp

Từ những phân tích trên cho thấy, nhiều vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ra thiệt hại lớn và trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất và sức khỏe của người dân, tuy nhiên mức bồi thường vẫn còn chưa tương xứng hoặc thậm chí không được bồi thường.

Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này là do còn tồn tại rất nhiều vấn đề về mặt pháp luật và nhận thức khiến cho trách nhiệm pháp lý về bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường khó thực thi trên thực tế. Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện đồng thời một số giải pháp:

Trước tiên phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những sai phạm, có sự quyết tâm cao, xử lý nghiêm minh, triệt để đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật để xảy ra ô nhiễm môi trường. Mặt khác, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến người dân để người dân có thể hiểu được những quyền và lợi ích hợp pháp của mình được pháp luật bảo vệ. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội và ý nghĩa phát triển bền vững.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường được quy định trong cả Bộ luật Dân sự và Luật Bảo vệ môi trường
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường được quy định trong cả Bộ luật Dân sự và Luật Bảo vệ môi trường)

Đồng thời, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cần tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ người dân khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường, bao gồm cả việc giám định, tính toán thiệt hại.

Về cơ chế chính sách pháp luật, cần cụ thể hóa các cơ chế xác định nguyên nhân hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật môi trường.

Pháp luật có thể quy định theo hướng thay vì bắt buộc người bị thiệt hại phải chứng minh thiệt hại và chủ thể gây thiệt hại, thì yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh doanh nghiệp đó đã thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, không gây tác động/ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Đinh Chiến

Link nội dung: https://phaply.net.vn/thiet-hai-do-o-nhiem-moi-truong-kien-nghi-doanh-nghiep-phai-chung-minh-thay-vi-nguoi-bi-thiet-hai-phai-chung-minh-a213582.html