Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, các giao dịch dân sự, đặc biệt là các giao dịch thông qua hợp đồng tín dụng ngân hàng diễn ra ngày càng nhiều trên phạm vi rộng, gây khó khăn cho việc giải quyết các tranh chấp này ở Tòa án.
Tại Hội thảo “Thực tiễn giải quyết tranh chấp liên quan đến tín dụng ngân hàng tại TAND” diễn ra trong hai ngày 4-5/10 tại TP. Hội An (Quảng Nam) do TANDTC phối hợp cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng; động thời các đại biểu cũng cho rằng, các tổ chức tín dụng cần nâng cao vai trò của mình, tuân thủ chặt chẽ trình tự thủ tục cho vay nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro khi giao kết hợp đồng tín dụng
Nhiều giải pháp nâng cao giải quyết hợp đồng tín dụng
Trong thực tiễn, hợp đồng tín dụng ngân hàng có nhiều vấn đề phức tạp và chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro nên rất dễ dẫn đến tranh chấp của các bên trong hợp đồng. Khi lợi ích giữa các bên không đạt được, không thể cùng nhau thoả thuận thì thông thường bên bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp sẽ làm thủ tục khởi kiện ra Toà án để được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, những năm gần đây, TANDTC không ngừng chú trọng, đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử nói chung và chất lượng giải quyết tranh chấp về hợp đồng tín dụng nói riêng.
TANDTC đã tạo kênh thông tin tại địa chỉ email phapchetoaan2016@gmail.com để nhận phản ánh, kiến nghị về những hạn chế, vướng mắc trong quá trình giải quyết các loại tranh chấp. Qua đó, kịp thời tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất các biện pháp xử lý nhanh chóng, thống nhất pháp luật. Đa dạng hóa hình thức hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Ứng dụng CNTT, tổ chức Hội nghị trực tuyến hàng tháng… để giải đáp những vướng mắc trong công tác xét xử một cách nhanh chóng. Xây dựng chuyên đề cụ thể về giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại (bao gồm tranh chấp hợp đồng tín dụng). Với cách làm này, TANDTC đã tạo cơ hội cho cán bộ, Thẩm phán được tham gia tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, TANDTC còn thường xuyên tăng cường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan như: NHNN Việt Nam, Công ty thu hồi nơ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam… trong việc giải đáp, hướng dẫn nghiệp vụ bảo đảm TAND các cấp thực hiện đúng quy định pháp luật trong giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng.
Thực hiện Đề án “Đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND” gần 02 năm qua, TAND đã triển khai mô hình trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Kết quả cho thấy, nhiều tổ chức tín dụng thông qua hình thức này đã thỏa thuận với bên vay, bên bảo đảm, giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng một cách nhanh chóng, hiệu quả…
Đặc biệt, Nghị quyết 42/2017/NQ-QH ban hành ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong quá trình giải quyết các tranh chấp về tín dụng của các tổ chức tín dụng được xem là bước tiến quan trọng trong hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành các Nghị quyết hướng dẫn Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…
Nhìn chung, cùng với sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật cũng như các biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả Tòa án, chất lượng giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngày càng nâng cao, công tác giải quyết cơ bản thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp.
Vướng mắc từ các tổ chức tín dụng
Theo Ths. Nguyễn Văn Tiến – Thẩm phán TANDTC những tồn tại hiện nay trong giải quyết các tranh chấp hợp đồng tín dụng còn xuất phát từ chính các tổ chức tín dụng khi thực hiện các hợp đồng tín dụng. Như về thủ tục cho vay, mỗi tổ chức tín dụng có quy trình, thủ tục khác nhau. Một số tổ chức tín dụng nhận thế chấp quyền sử dụng đất nhưng chỉ căn cứ trên giấy CNQSDĐ mà không tiến hành thẩm định thực tế đối với tài sản thế chấp. Và trên thực tế nhiều người thế chấp đã chuyển nhượng cho rất nhiều người, người thế chấp chỉ còn đứng tên trên giấy CNQSDĐ chứ không còn quản lý, sử dụng. Một số tổ chức tín dụng có thực hiện quy trình thẩm định trước khi cho vay nhưng do cán bộ tín dụng phụ trách trong quá trình thẩm định không thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình, chỉ căn cứ vào lời khai của người vay rồi tiến hành ký kết hợp đồng. Qua thu thập chứng cứ phát hiện, tài sản thế chấp đã cầm cố, mua bán, tặng cho… hoặc có nhiều nhiều căn nhà, vật kiến trúc trước khi có hợp đồng thế chấp, điều này gây không ít khó khăn trong việc giải quyết vụ án.
Cũng theo Ths Nguyễn Văn Tiến, trên thực tế các tổ chức tín dụng đều xây dựng cho mình quy trình thẩm định hồ sơ khách hàng một cách chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do sai sót của cán bộ các tổ chức tín dụng hoặc cán bộ tín dụng thông đồng với bên vay cố ý làm trái quy định dẫn đến nhiều trường hợp tài sản thế chấp không phải của người thế chấp, giá trị của tài sản thế chấp thấp hơn nhiều so với hợp đồng thế chấp, lập giải lập khống hồ sơ tín dụng…
Đồng quan điểm. TS. Trần Văn Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC cho biết, một số tổ chức tín dụng khi ký kết hợp đồng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình nhưng không yêu cầu toàn bộ thành viên có quyền sử dụng đất chung với hộ gia đình ký hợp đồng, hoặc một thành viên gia đình ký thay cho các thành viên còn lại… dẫn đến hợp đồng thế chấp bị người thứ ba tranh chấp.
Thực tế, nhiều tổ chức tín dụng không thông báo cho khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ… về nội dung bán nợ giữa tổ chức tín dụng với Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Theo TS. Trần Văn Hà trong nhiều vụ việc, Tòa án giải quyết tranh chấp không được thông báo về nội dung mua bán này. Hoặc có trường hợp, tổ chức tín dụng sau khi bán nợ cho VAMC vẫn nộp đơn khởi kiện, tham gia tố tụng làm ảnh hưởng đến công tác xét xử của Tòa án, dẫn đến có vụ án phải hủy để giải quyết lại vì xác định không đúng tư cách đương sự.
Trước những vướng mắc từ các tổ chức tín dụng, nhằm giảm thiểu tranh chấp, rủi ro trong giao kết hợp đồng tín dụng, Thẩm phán TANDTC Nguyễn Văn Tiến khuyến nghị các tổ chức tín dụng cần rà soát, hoàn thiện bộ quy trình thẩm định, cấp tín dụng phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn ở nước ta hiện nay.
Đồng thời, tăng cường giám sát quá trình thực hiện bộ quy trình thẩm định; hạn chế cán bộ tín dụng lợi dụng kẽ hở, cấu kết, dễ dãi trong việc thẩm định hồ sơ; đồng thời có chế tài thích đáng đối với những cán bộ tín dụng vi phạm khi thực hiện nhiệm vụ. Tuyệt đối tuân thủ quy định về hình thức các loại giao dịch, tránh lợi dụng kẽ hở pháp luật “nhập nhèm” giữa các hình thức văn bản này để giao dịch có lợi cho tổ chức tín dụng…
Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng cũng cần giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn của người vay dẫn đến sử dụng vốn vay không hiệu quả, không đúng mục đích…
Theo congly.vn
Nguồn bài viết: https://congly.vn/hoat-dong-toa-an/tieu-diem/nang-cao-hieu-qua-giai-quyet-tranh-chap-hop-dong-tin-dung-tai-tand-315362.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nang-cao-hieu-qua-giai-quyet-tranh-chap-hop-dong-tin-dung-tai-tand-a213192.html