Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng ở trên thế giới và Việt Nam”.
Trong khoảng vài thập kỷ gần đây, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị Nhà nước là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức quốc tế, các Chính phủ và người dân của các quốc gia.
Nghĩa vụ thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền bắt nguồn từ học thuyết về chủ quyền của nhân dân và kiểm soát quyền lực Nhà nước, mà theo đó các Nhà nước - với tư cách là một thiết chế quyền lực công do người dân lập ra phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân và phải thông tin, giải thích cho người dân biết về tổ chức và hoạt động của mình.
Thúc đẩy sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình là việc làm mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang thực hiện và đã chứng tỏ tác dụng to lớn trong việc ngăn chặn tình trạng lạm quyền, quan liêu, tham nhũng cũng như tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia.
Chính vì vậy, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị Nhà nước hiện đã trở thành một yêu cầu, điều kiện trong nhiều cơ chế và điều ước quốc tế, là một trong những “luật chơi chung” trong “sân chơi chung” của toàn cầu hóa. Một trong những ví dụ cụ thể đó là, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình được đề cập như là một trong những biện pháp phòng ngừa cơ bản nhất trong Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.
Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị Nhà nước ở Việt Nam vẫn còn một số điểm, vấn đề cần được tiếp tục hoàn thiện để nâng cao năng lực quản trị quốc gia, đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong thời kỳ mới và đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đang quyết tâm thực hiện trong suốt thời gian qua.
Chia sẻ về thực trạng pháp luật và thực hiện pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động tư pháp ở Việt Nam hiện nay, PGS.TS Nguyễn Ngọc Chi, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, cùng với công khai, thì minh bạch tư pháp cũng được các nghiên cứu ở Việt Nam đề cập đến như một phạm trù riêng mặc dù có mối quan hệ mật thiết với phạm trù công khai tư pháp.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Chi cho biết, minh bạch tư pháp trước hết là sự rõ ràng về thủ tục tố tụng của quá trình giải quyết vụ án hình sự, nhất là thủ tục xét xử. Những thủ tục này bao gồm: căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp tố tụng (điều tra, ngăn chặn, cưỡng chế…).
“Minh bạch tư pháp đòi hỏi cần phải có sự rõ ràng, công khai trong việc xác lập chứng cứ giữa các bên tham gia tố tụng. Chứng cứ thu được trong quá trình giải quyết vụ án không chỉ được xuất trình khi kết thúc điều tra hoặc khi đưa vụ án ra xét xử mà phải được các bên thông tin, trao đổi với nhau trong suốt quá trình giải quyết vụ án nhằm từng bước củng cố chứng cứ, lập luận để xác định sự thật khách quan vụ án, không làm oan người có vô tội góp phần bảo vệ quyền con người bị buộc vô tội”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Chi chia sẻ thêm.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Quang, Trung tâm Con người và thiên nhiên - Điều phối viên Liên minh khoáng sản cho ý kiến về việc thúc đẩy công khai, minh bạch ngành Công nghiệp khai thác khoáng sản ở Việt Nam.
Ông Quang cho biết, khai khoáng là ngành công nghiệp phức tạp, trong đó, muốn quản trị tốt đòi hỏi phải có mức độ minh bạch cao. Các thách thức chính liên quan đến quản trị công nghiệp khai thác gồm tham nhũng, trốn thuế, quản lý nguồn thu thiếu hiệu quả và gây các tác động tiêu cực đối với môi trường và xã hội.
Do tính phức tạp của công nghiệp khai thác khoáng sản, thế giới đã phát triển nhiều sáng kiến để hỗ trợ quản trị, trong đó, Sáng kiến Minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) được coi là công cụ hiệu quả nhất. Nguyên tắc EITI là công khai một số thông tin liên quan tới chu trình khai thác bao gồm: Cấp phép, dữ liệu sản xuất, doanh nghiệp Nhà nước, các nguồn thu chính, nguồn thu địa phương, quản lý nguồn thu và các tác động xã hội.
Cung cấp thêm thông tin, ông Quang cho hay, tính đến tháng 12/018, trên thế giới đã có 52 quốc gia thực thi EITI, gồm các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Nauy và các quốc gia đang phát triển như Indonesia, Myanmar, Phillippines, Nigeria. Hiệu quả của EITI cũng đã được chứng minh ở nhiều quốc gia, chẳng hạn như Nigeria đã tránh được thất thu 1 tỷ đô la Mỹ hàng năm từ lĩnh vực khai khoáng từ thực thi sáng kiến này.
“Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam có khá nhiều quy định đáp ứng các yêu cầu của EITI về báo cáo minh bạch thông tin. Đây được coi là điểm thuận lợi khi thực thi EITI. Tuy nhiên, so với các nguyên tắc của EITI, chính sách của Việt Nam còn thiếu vắng cơ chế giám sát và giải trình, dẫn đến những hạn chế trong việc thực thi chính sách, pháp luật trên thực tế. EITI sẽ bổ trợ những thiếu vắng này và thúc đẩy việc cải thiện chính sách và thực thi chính sách, pháp luật tốt hơn”, ông Quang nhận định.
Theo thanhtra.com.vn
Nguồn bài viết: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/cong-khai-minh-bach-ngan-chan-quan-lieu-lam-quyen-tham-nhung_t114c1160n154853
Link nội dung: https://phaply.net.vn/cong-khai-minh-bach-ngan-chan-quan-lieu-lam-quyen-tham-nhung-a213104.html