Trong khuôn khổ Tuần lễ pháp luật Việt Đức lần thứ 9, ngày 30.9, Trường Đại học Luật Hà tổ chức hội thảo Khoa học Quốc tế “ Pháp luật Việt Nam và pháp luật Đức về xử lý vi phạm hành chính: hướng hoàn thiện Luật xử lý Vi phạm hành chính 2012 của Việt Nam”.
Phat biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng phụ trách ĐH Luật Hà Nội cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) sau thời gian thi hành đã đạt những kết quả tích cực, khẳng định vai trò trong đời sống kinh tế, chính trị, pháp lý của đất nước.
Tuy nhiên, đến nay Luật cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế cần sửa đổi bổ sung. Với việc tổ chức Hội thảo, TS.Trần Quang Huy hy vọng các đại biểu sẽ cùng đánh giá pháp luật về XLVPHC của Đức và Việt Nam; tham khảo các kinh nghiệm của Đức để đưa ra các kiến nghị, tham vấn với cơ quan chức năng trong việc sửa đổi Luật XLVPHC ở Việt Nam.
Hội thảo đã tiến hành so sánh hệ thống pháp luật về XLVPHC của Đức và Việt Nam; trao đổi giữa các nhà nghiên cứu và nhà thực hành về những nguyên tắc của pháp luật XLVPHC và kinh nghiệm trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật XLVPHC. Đặc biệt tại hội thảo, nhiều đề xuất kiến nghị sửa đổi luật đã được các bên đưa ra nhằm xây dựng Luật mới khả thi, phù hợp với thực tiễn.
TS. Trần Thị Hiền, ĐH Luật cho rằng cần kéo dài thời gian tiến hành một số công việc mà hiện nay Luật XLVPHC quy định thời gian thực hiện quá ngắn như thời hạn định giá tang vật VPHC, thời hạn ra quyết định xử phạt VPHC. Đặc biệt theo TS. Hiền, hiện nay theo quy định của Luật thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt phụ thuộc vào mức tiền phạt của chức danh đó. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các vụ vi phạm, giá trị của các tang vật, phương tiện đều rất lớn, vượt quá mức tiền phạt thuộc thẩm quyền xử phạt của các chức danh có thẩm quyền xử phạt ở cấp cơ sở. Do vậy, cách quy định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện bị giới hạn bởi thẩm quyền xử phạt tiền bộc lộ nhiều bất cập, phát sinh quá nhiều vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới bị dồn lên cấp trên. Do vậy, cần tăng thẩm quyền áp dụng hình thức tịch thu, tang vật vi phạm lên gấp 2 hoặc 3 lần mức phạt theo thẩm quyền.
Còn theo TS. Nguyễn Ngọc Bích, nên quy định thêm hình thức buộc lao động công ích, áp dụng cho cá nhân thực hiện VPHC trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước . Ví dụ hình thức buộc lao động công ích đối với người chua thành niên VPHC từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, hay áp dụng trong các lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường…TS Bích cho rằng hình thức này được quy định và áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm.
Cũng liên quan đến thẩm quyền xử phạt VPHC, TS Trần Kim Liễu, Bộ môn Luật Hành chính kiến nghị nên bổ sung chủ thể có thẩm quyền khám người. Trên thực tế, một số người đang thực thi công vụ là người thực hiện các hoạt động tuần tra, kiểm soát trực tiếp nhưng hiện tại pháp luật XLVPHC lại không quy định họ có thẩm quyền khám người (trong nhiều trường hợp bao gồm cả khám phương tiện, tang vật bị nghi ngờ VPHC). Việc họ phát hiện vi phạm, đợi trình lên người có thẩm quyền lập biên bản sẽ ảnh hưởng đến tính kịp thời xử lý vi phạm. Do đó, theo TS. Liễu nên quy định các chủ thể khám người là công chức hải quan.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: https://baophapluat.vn/tu-phap/hoi-thao-khoa-hoc-ve-hoan-thien-luat-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-2012-o-viet-nam-473157.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/hoi-thao-khoa-hoc-ve-hoan-thien-luat-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-2012-o-viet-nam-a212867.html