Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo tham vấn dự thảo Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hoá xuất nhập khẩu (XNK) do Tổng cục Hải quan phối hợp với Dự án tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID) tài trợ tổ chức ngày 12/9 tại TPHCM.
Top 6 nền thương mại điện tử phát triển
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong giai đoạn phát triển công nghệ 4.0 của các nước trên thế giới và Việt Nam không thể đứng bên ngoài sự phát triển này.
Theo số liệu công bố của Statista (Hãng nghiên cứu thị trường của Đức), năm 2018, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt 2,269 triệu USD và nằm trong top 6 nền thương mại điện tử phát triển nhất năm 2018. Theo đánh giá của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tại báo cáo về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI) năm 2018 thì tốc độ tăng trưởng trung bình năm của Việt Nam từ 25% đến 30%. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này thì quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan.
Tại Việt Nam hiện nay đã xuất hiện các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi... Tốc độ tăng trưởng của các trang thương mại điện tử cao, điều này cho thấy người tiêu dùng Việt Nam không còn xa lạ trong việc mua hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Ngoài ra, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng thì người tiêu dùng còn có thói quen mua hàng từ các sàn giao dịch thương mại điện trên thế giới như: ebay, amazon…
Ông Felipe Garcia, Chuyên gia quốc tế Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã tạo nên thách thức trong hoạt động quản lý hải quan cả ở những quốc gia có nền kinh tế đã phát triển và đang phát triển. Cơ quan Hải quan ở mỗi quốc gia đều phải nghiên cứu và phát triển một cách tiếp cận mới để đảm bảo hoạt động quản lý hải quan và tạo thuận lợi cho việc giao thương. Tại một vài quốc gia phát triển có những chính sách hỗ trợ thông quan để tạo thuận lợi cho giao dịch điện tử và kiểm soát chặt chẽ hàng hoá giao dịch điện tử xuyên biên giới.
Nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm
Hiện nay, Việt Nam chưa có các quy định riêng đối với quản lý nhà nước về thương mại điện tử đối với hàng hoá XNK. Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hoá XNK như hàng hoá thông thường. Khi đó, hàng hoá XNK được thực hiện về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hải quan, áp dụng chính sách thuế được thực hiện như đối với hàng hoá XNK thông thường.
Việc quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về hàng hoá được giao dịch qua thương mại điện tử được thực hiện từ khi người khai thực hiện khai báo với cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, thông tin liên quan thông tin liên quan về hàng hóa được gửi đến cơ quan quản lý tại thời điểm muộn hơn rất nhiều so với thời điểm giao dịch thương mại điện tử được xác lập và cơ quan quản lý không biết được thời điểm thực tế phát sinh các giao dịch thương mại điện tử.
Đặc biệt, theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, hiện cơ quan quản lý còn gặp một số khó khăn vướng mắc trong công tác đấu tranh và xử lý vi phạm liên quan đến giao dịch điện tử thương mại xuất phát từ chính sách “mở” của Nhà nước trong việc đăng ký, thành lập doanh nghiệp cùng với chính sách hải quan điện tử thông thoáng trong việc phân luồng kiểm tra tờ khai hàng hóa XNK các đối tượng buôn lậu đã thực hiện hành vi phạm tội và khi cơ quan hải quan phát hiện thì những đối tượng này bỏ trốn.
Bên cạnh đó, đối tượng buôn lậu sử dụng việc liên lạc, trao đổi, thỏa thuận thông qua “giao dịch thương mại điện tử” gây khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh làm rõ vi phạm. Khi cơ quan hải quan phát hiện vi phạm thì những đối tượng này lại thông đồng với nhau dưới các hình thức “gửi nhầm hàng”, “từ bỏ” nhằm trốn tránh trách nhiệm.
Các vụ vi phạm liên quan đến giao dịch điện tử thương mại thường liên quan đến yếu tố nước ngoài, nên cũng khó khăn trong công tác đấu tranh và xử lý vi phạm.
Ngoài ra, để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy, thuận lợi trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng nhà nước quy định nhiều hình thức xác lập giao dịch giữa các bên với nhau. Lợi dụng điều này, các đối tượng vi phạm đã làm giả nhiều hồ sơ, chứng từ, tài liệu để thực hiện các vi phạm. Do các bên thỏa thuận với nhau thông qua hình thức giao dịch điện tử nên gây khó khăn cho công tác giám định, đánh giá chứng cứ trước khi đưa ra quyết định xử lý.
Theo haiquanonline.com.vn
Nguồn bài viết: https://haiquanonline.com.vn/nhieu-kho-khan-trong-xu-ly-vi-pham-thuong-mai-dien-tu-qua-bien-gioi-111450.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhieu-kho-khan-trong-xu-ly-vi-pham-thuong-mai-dien-tu-qua-bien-gioi-a212606.html