Mở rộng thi hành án chủ động nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tiền tài sản thất thoát do tham nhũng

Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự được ban hành ngày 18/7/2015 và có hiệu lực từ ngày 01/9/2015. Sau 4 năm thực hiện, thực tiễn cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định này đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập, làm hạn chế hiệu quả hoạt động THADS. Do đó, Bộ Tư pháp đã soạn Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.

6

Dự thảo sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 34 khoản, điểm liên quan đến 18/85 Điều (các Điều: 4, 5, 6, 7, 9, 12, 13, 16, 17, 24, 27, 38, 49, 50, 51, 64, 66, 71) của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Trong đó, bãi bỏ 01 điểm; sửa đổi, bổ sung 33 khoản, điểm gồm 09 nhóm vấn đề, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về thời hiệu yêu cầu thi hành án và thỏa thuận thi hành án của đương sự (khoản 1, khoản 2 Điều 1 Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4; khoản 2,3,4 Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP)

Bổ sung căn cứ khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án trường hợp chuyển giao bắt buộc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp;.

Quy định rõ: (i) thỏa thuận thi hành án phải được lập thành văn bản; (ii) trường hợp đương sự đã yêu cầu, thỏa thuận đình chỉ thi hành án; đã được giải thích rõ hậu quả pháp lý và đã ra được ra quyết định đình chỉ thi hành án thì không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại nhằm đảm bảo tính ổn định của hoạt động thi hành án dân sự…

Thứ hai, về ra quyết định thi hành án chủ động và theo yêu cầu (khoản 3, khoản 4 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1,3 Điều 6; khoản 1,4 Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP).

Đối với việc ra quyết định thi hành án chủ động, nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tiền tài sản thất thoát do tham nhũng, Dự thảo: (i) bổ sung trường hợp cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án đối với khoản bồi thường cho cơ quan nhà nước và doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng; (ii) mở rộng trường hợp ra quyết định thi hành án chủ động trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng (không chỉ giới hạn trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng như hiện hành); (iii) hướng dẫn ra chung một quyết định thi hành án trong trường hợp một người vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ.

Đối với việc ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu, quy định đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án đã được bản án, quyết định ghi nhận, theo đó: (i) quy định 03 trường hợp bản án tuy tuyên không rõ người phải thi hành án nhưng đã xác định rõ nghĩa vụ phải thi hành thì không thuộc diện từ chối yêu cầu thi hành án; (ii) khẳng định rõ hơn việc ra quyết định thi hành án trong trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định.

Thứ ba, về xác minh và thông báo về thi hành án (khoản 5, khoản 6 Điều 1 Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 2,6 Điều 9; khoản 2 Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP)

Về xác minh điều kiện thi hành án: (i) bổ sung làm rõ việc thống kê, theo dõi đối với vụ việcchưa có điều kiện thi hành; (ii) quy định rõ bên nhận ủy quyền xác minh phải chịu trách nhiệm về kết quả xác minh.

Về thông báo thi hành án, Dự thảo quy định rõ trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt thì thủ tục thông báo thông qua người thân thích được thực hiện tương tự như đối với người được thi hành án, người phải thi hành án.

Thứ tư, về ủy thác thi hành án (khoản 8 Điều 1 Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 1,2,3,4 Điều 16 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP)

Dự thảo quy định: (i) phải ủy thác khi có các căn cứ theo quy định tại Điều 55 Luật THADS (bỏ quy định “có thể ủy thác” để tránh tùy tiện); (ii) sửa đổi cho chính xác căn cứ để xác định thứ tự ủy thác trong trường hợp tài sản của người phải thi hành án có ở nhiều địa phương khác nhau (iii) bổ sung trường hợp tài sản tại địa bàn đang có tranh chấp mà đương sự có tài sản ở địa phương khác thì được ủy thác đến nơi có tài sản đó; (iv) bổ sung quy định về duy trì hiệu lực của các quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, quyết định tạm hoãn xuất cảnh và các quyết định về thi hành án khác.

Thứ năm, về áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án (khoản 7, khoản 10 Điều 1 Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 13; khoản 1, điểm c khoản 2, khoản 5 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP)

Tại Điều 13, Dự thảo quy định: (i) biện pháp xử lý nhằm hạn chế việc trốn tránh, chống đối việc thi hành án, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật (ii) bổ sung phương án giải quyết, tăng cường sự phối hợp của chính quyền địa phương trong trường hợp việc bảo quản tài sản theo quy định tại Điều 58 Luật THADS không thực hiện được.

Tại Điều 24, Dự thảo quy định: (i) phân biệt rõ cách thức xử lý của Chấp hành viên đối với trường hợp người phải thi hành án thực hiện các giao dịch về tài sản thi hành án sau khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật (ii) xác định biên bản về việc người phải thi hành án tự nguyện giao tài sản theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7a Luật THADS để thi hành nghĩa vụ trả tiền là cơ sở xác định thứ tự ưu tiên thanh toán tiền thi hành án.

Thứ sáu, về định giá, bán đấu giá tài sản (khoản 9, khoản 11 Điều 1 Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 1,2 Điều 17; khoản 1,3,5 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP)

Tại Điều 17, Dự thảo quy định bổ sung việc định giá lại tài sản theo yêu cầu khi có sự thay đổi về giá chỉ được thực hiện khi người phải thi hành án không tự nguyện giao tài sản hoặc không tự nguyện thanh toán giá trị tài sản theo nội dung bản án, quyết định; (ii) giảm thời hạn Chấp hành viên tiến hành thủ tục định giá lại từ 30 ngày xuống còn o5 ngày.

Tại Điều 27, Dự thảo quy định bổ sung trường hợp trong cùng một cuộc đấu giá mà có nhiều tài sản của người phải thi hành án bị kê biên để thi hành nghĩa vụ cụ thể thì đấu giá theo thứ tự từ tài sản có giá trị lớn nhất; trường hợp số tiền thu được đã đủ để thi hành nghĩa vụ và các chi phí theo quy định thì không tiếp tục đấu giá các tài sản còn lại.

Thứ bảy, về thứ tự thanh toán tiền thi hành án (khoản 13 Điều 1 Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP)

Xác định người được thi hành án được ưu tiên thanh toán theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật thi hành án dân sự phải là những người được thi hành án đã yêu cầu thi hành án theo các bản án, quyết định đang do cơ quan thi hành án đó tổ chức thi hành tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế hoặc có biên bản về việc tự nguyện giao tài sản.

Thứ tám, về giải quyết khiếu nại, ủy thác tư pháp và tạm hoãn xuất cảnh (khoản 12, 14, 15 Điều 1 Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 38; khoản 3 Điều 50; khoản 1,2,4 Điều 51 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP)

Nhằm giảm thiểu khiếu nại tố cáo kéo dài, ổn định kết quả thi hành án, tại khoản 4 Điều 38, Dự thảo quy định thời hiệu xem xét lại các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật là 03 năm. Về ủy thác tư pháp trong thi hành án, Dự thảo đề xuất sửa đổi Điều 50 theo hướng: (i) bỏ quy định ủy thác tư pháp lần thứ hai trong trường hợp không nhận được kết quả hoặc có nhận được thông báo về việc không thực hiện được việc ủy thác tư pháp; bổ sung thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để thay thế việc ủy thác tư pháp; (ii) quy định ủy thác tư pháp lần thứ hai trong trường hợp nhận được kết quả ủy thác tư pháp nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.

Về việc cho tạm hoãn xuất cảnh (Điều 51), Dự thảo: (i) thu hút các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người đang có nghĩa vụ thi hành án; (ii) bỏ quy định: Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định tại điểm e khoản 2 do không phù hợp thực tiễn.

Thứ chín, về hồ sơ đề nghị miễn nhiệm Chấp hành viên, thẩm quyền quy định tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, mã số ngạch Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án (khoản 16, 17 Điều 1 và Điều 2 Dự thảo Nghị định sửa đổi Điều 64, 66,71 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP)

Dự thảo quy định: (i) bãi bỏ quy định về yêu cầu xuất trình các tài liệu chứng minh lý do sức khỏe trong trường hợp xin miễn nhiệm Chấp hành viên; (ii) sửa đổi thẩm quyền quy định tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, mã số ngạch Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án từ Bộ Nội vụ sang Bộ Tư pháp để phù hợp với Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xay-dung-phat-luat/mo-rong-thi-hanh-an-chu-dong-nham-nang-cao-hieu-qua-thu-hoi-tien-tai-san-that-thoat-do-tham-nhung

Link nội dung: https://phaply.net.vn/mo-rong-thi-hanh-an-chu-dong-nham-nang-cao-hieu-qua-thu-hoi-tien-tai-san-that-thoat-do-tham-nhung-a212179.html