(Pháp lý) - Trong vụ án Mobifone mua AVG, lần đầu tiên quan chức hàng bộ trưởng thừa nhận hành vi “nhận hối lộ”, chuyên gia tội phạm học và điều tra cho rằng để có được kết quả này có nhiều yếu tố đồng thời chi phối.
Nhiều vụ án không thể chứng minh được hành vi “đưa – nhận” hối lộ
Thời gian qua, trong nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng mặc dù có dấu hiệu rõ ràng của tội đưa hối lộ và nhận hối lộ song vẫn không thể xử lý được bị can, người liên quan về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Điển hình như, trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ, bị cáo Nguyễn Văn Dương khai đã cho tướng Phan Văn Vĩnh chiếc đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, 27 tỷ đồng, 1,75 triệu USD; chi cho C50 đúng 850 triệu đồng và một phần mềm diệt virút trị giá 30.000 USD; cho tướng Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng; chi khoảng 10 tỷ đồng tiền rượu cho các bữa tiệc của Tổng cục Cảnh sát.
Quá trình điều tra, bị cáo Phan Văn Vĩnh chỉ thừa nhận cầm của Dương áo sơ mi, thuốc bổ gan, rượu… và không nhận tiền.
Cơ quan điều tra chỉ xác định được việc Dương cho C50 bộ phần mềm và 700 triệu đồng. Ngoài ra, chưa có căn cứ làm rõ việc tướng Vĩnh, tướng Hóa nhận tiền từ Nguyễn Văn Dương cho đến nay vẫn chưa xử lý được đối tượng nào về hành vi nhận hối lộ.
Hay, trong vụ buôn thuốc giả VN Pharma, bị cáo Ngô Anh Quốc - nguyên Phó TGĐ Cty CP VN Pharma, khai nhận đã đưa 10,8 tỷ đồng cho luật sư để chạy án. Dù tất cả các lời khai của bị cáo đều trùng khớp, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn không thể khởi tố, đưa ra xét xử bất cứ một đối tượng nào nhận hối lộ. Lời khai của bị cáo cho thấy, những kẻ nhận hối lộ gợi ý đòi đến 500.000 USD và thực tế, các bị cáo đã hối lộ hơn chục tỷ đồng.
Trước đó, vụ án “Vua logo” liên quan đến lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông tỉnh Đồng Nai. Trong khi hơn chục đối tượng bị khởi tố về tội môi giới hối lộ và đưa hối lộ với tổng số tiền là 25 tỷ đồng. Nhưng, 87 đối tượng có liên quan là cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông tỉnh Đồng Nai đều thoát tội ngoạn mục vì họ… không thừa nhận.
Đó là hàng loạt những vụ án lớn, liên quan đến nhiều quan chức cấp cao có dấu hiệu của tội phạm “đưa – nhận” hối lộ mà chưa thể xử lý triệt để do khó khăn trong việc điều tra, thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.
Lần đầu tiên quan chức cấp cao thừa nhận “nhận hối lộ”
Ngày 2/9, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã hoàn tất và tống đạt kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng công ty Mobifone và một số đơn vị.
Theo đó, Cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố 14 bị can liên quan. Trong đó, ông Nguyễn Bắc Son - cựu bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông, ông Trương Minh Tuấn - cựu bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông cùng bị truy tố về 2 tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”.
Ông Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”, cùng hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo của Mobifone vì những sai phạm liên quan đến thương vụ mua bán AVG.
Đáng chú ý, theo kết luận điều tra, căn cứ lời khai của các bị can và tài liệu cơ quan điều tra thu thập cơ quan chức năng đã chứng minh được: sau khi thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG với trị giá gần 8.000 tỷ đồng kết thúc, Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng ông Nguyễn Bắc Son và đưa cho ông này 3 triệu USD.
Ngoài ra, Phạm Nhật Vũ cũng đưa cho Trương Minh Tuấn 200.000 USD tại phòng làm việc; đưa cho Lê Nam Trà cựu Chủ tịch HĐTV Mobifone 2,5 triệu USD; đưa cho Cao Duy Hải cựu Tổng giám đốc Mobifone 500.000 USD.
Theo lời khai của Nguyễn Bắc Son, sau khi nhận tiền từ Phạm Nhật Vũ, ông Son đã đưa số tiền trên cho con gái là Nguyễn Thị Thu H. khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000-400.000 USD, tuy nhiên không có tài liệu chứng minh hành vi này. Ông Son cũng xin nộp số tiền hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cá nhân của mình để khắc phục hậu quả.
Ông Son cũng khai tại cơ quan điều tra việc có nhận 200.000 USD của ông Lê Nam Trà vào dịp Tết âm lịch 2016 và nhận của ông Cao Duy Hải 200 triệu đồng dịp lễ 30-4-2015.
Tuy nhiên, ông Trà khai với cơ quan điều tra, dịp Tết âm lịch 2016 đã biếu ông Nguyễn Bắc Son 700.000 USD. Nhưng ông này cho rằng đây là việc cá nhân giữa ông với ông Son nên đề nghị không xem xét trong vụ án.
Ông Trương Minh Tuấn khai, số tiền 200.000 USD nhận từ Phạm Nhật Vũ đã được ông sử dụng vào việc cá nhân; ông Tuấn cũng xin nộp 2,12 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Đây là vụ án hiếm hoi mà cơ quan tố tụng có thể khởi tố được cả người đưa, người nhận hối lộ trong đó có cả quan chức cấp cao của chính phủ. Vì, trong nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gần đây mặc dù được xác định là có dấu hiệu của tội phạm “đưa - nhận” hối lộ. Một số đối tượng cũng thừa nhận có đưa hoặc nhận, cơ quan điều tra cũng thu giữ được tiền, tài sản được cho là của hối lộ do đối tượng hoặc người thân giao nộp song vẫn không thể chứng minh, truy cứu nghi phạm về tội đưa hối lội, nhận hối lộ.
Yếu tố nào giúp tra ra hành vi “nhận hối lộ” cựu Bộ trưởng
Trao đổi với phóng viên Pháp lý, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm nhận định:
Trước hết, việc điều tra, chứng minh, xử lý tội phạm đưa hối lộ và nhận hối lộ là một việc hết sức khó khăn. Đây là một thách thức đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.
Bởi vì, trong điều tra, xử lý tội phạm có một nguyên tắc là phải xử lý đúng người đúng tội và đúng pháp luật. Phải có căn cứ chứng minh, bằng chứng cứ tài liệu chứng minh một cách chắc chắn, chứ không phải bằng sự suy diễn hay nhận định.
Thông thường, những vụ đưa - nhận hối lộ được thực hiện trong bóng tối, chỉ có người đưa và người nhận với nhau. Để có nhân chứng, vật chứng, tài liệu để chứng minh là không hề đơn giản. Bản thân người đưa và người nhận đều biết rằng nếu như mà bị phát hiện thì sẽ bị xử lý theo pháp luật cho nên họ sẽ tìm cách xóa bỏ chứng, chối tội.
Tuy nhiên khó khăn như vậy không có nghĩa là các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra bất lực trước hành vi đưa và nhận hối lộ bởi lẽ thực tế trong thời gian qua chúng ta đã xử rất nhiều vụ đưa và nhận hối lộ. Để làm được những việc này, đó là cả một quá trình đấu tranh rất phức tạp và lâu dài của các cơ quan điều tra.
Bên cạnh đó, có một phần là do sự thức tỉnh, sự hợp tác của đối tượng; sự tác động, cung cấp thông tin tài liệu từ những người có liên quan để trên cơ sở đó cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ để đấu tranh. Qua đấu tranh sẽ từng bước làm rõ chứng cứ thu thập thêm chứng cứ, chứng minh chứng cứ củng cố lời khai. PGS.TS Thìn nêu quan điểm.
Việc tra ra được hành vi hối lộ hàng triệu USD trong vụ AVG, PGS.TS Nguyễn Cảnh Thìn cho rằng đây là một sự thành công của các cơ quan tiến hành tố tụng và đặc biệt là cơ quan điều tra trong điều tra xử lý tội phạm đưa hối lộ và nhận hối lộ.
“Với ý trí quyết tâm chính chị của mình, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của mình trong việc thu thập thông tin tài liệu, lấy lời khai, củng cố chứng cứ chứng minh tội phạm. Cơ quan điều tra đã buộc các đối tượng phải thừa nhận hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ của mình”. PGS.TS Thìn nói.
Để có được thành công này, theo PGS.TS Thìn, trước hết các cơ quan điều tra đã có những biện pháp, cách thức thu thập triệt để những tài liệu chứng cứ liên quan. Trên cớ sở những tài liệu chứng cứ đó có căn cứ để đấu tranh với các bên… chứng minh sự luân chuyển của tài sản, chứng minh hành vi của các đối tượng.
Bên cạnh sự đấu tranh, có sự giáo dục, thuyết phục đối với các đối tượng để họ có thể nhận thức được những vấn đề về xử lý, về pháp luật, về sự khoan hồng của pháp luật.
Qua đó, ý chí chủ quan các đối tượng thấy được rằng: hành vi phạm tội ấy nếu như mình không nhận thì cơ quan tố tụng cũng sẽ có căn cứ để buộc tội; nếu như mình thừa nhận và thành khẩn khai báo, hợp tác tích cực cơ quan tiến hành tố tụng thì cũng là tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật, được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Cho nên, các đối tượng đã thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác, chủ động cung cấp thông tin, tài liệu. Từ đó, cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ, có cơ sở để củng cố tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội.
Kết mở
Thiết nghĩ, việc điều tra, xử lý tội phạm nói chung trong đó có tội phạm về kinh tế, tham nhũng và đặc biệt là tội phạm đưa hối lộ, nhận hối lộ là việc hết sức khó khăn. Tuy nhiên khó khăn như vậy không có nghĩa là không thể.
Từ vụ AVG vừa qua cho thấy, để công tác phòng chống và xử lý tội phạm nói chung, tội phạm “đưa – nhận” hối lộ nói riêng đạt hiệu quả, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Yêu câu đặt ra đối với các cơ quan tố tụng, đặc biệt đối với cơ quan điều tra, điều tra viên trong công tác điều tra phá án phải kiên quyết, bài bản, đúng quy định, nêu cao tinh thần "thượng tôn pháp luật", không có vùng cấm, không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai.
Phải vận dụng một cách linh hoạt những biện pháp, cách thức thu thập triệt để những thông tin, tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ án để củng cố tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội.
Tích cực học tập nâng cao hiểu biết pháp luật, bồi dưỡng nâng cao về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ điều tra. Bên cạnh đó, đối với điều tra viên cần nâng cao hiểu biết về tâm lý, về mặt đời sống xã hội của các đối tượng. Từ đó, có các biện pháp thuyết phục, giáo dục đấu tranh phù hợp.
Về cơ chế chính sách pháp luật, chúng ta cần chích sách đặc biệt, phù hợp nhằm khuyết khích người có hanh vi phạm tội thành khẩn, hợp tác tích cực, chủ động cung cấp tài liệu, thông tin liên quan cho các cơn quan tố tụng trong quá trình điều tra, phá án.
Mặt khác, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến người dân. Để khi phát hiện họ chủ động tố giác người nhận hối lộ và cung cấp bằng chứng chứng minh người đưa và nhận hối lộ./.
Đinh Chiến
Link nội dung: https://phaply.net.vn/dieu-tra-toi-pham-dua-nhan-hoi-lo-kinh-nghiem-tu-dai-an-avg-a212113.html