Tạp chí Pháp lý và những nỗ lực đóng góp cho công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng

(Pháp lý) - Có nhiều cách để báo chí tham gia phòng, chống tham nhũng (PCTN). Cách mà báo chí thường làm là đấu tranh trực diện, trực tiếp tác nghiệp, phát hiện điều tra đưa vụ việc tiêu cực ra ánh sáng. Nhưng có một cách khác, cũng công phu và vất vả không kém, đó là báo chí xâm nhập thực tế thực thi pháp luật để phát hiện những lỗ hổng, khuyết thiếu, bất cập của pháp luật, từ đó tham gia phản biện, kiến nghị, góp ý để cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về PCTN, để có được công cụ pháp lý sắc bén giúp PCTN hiệu quả hơn.

Nhiều năm nay, Tạp chí Pháp lý đã thực hiện loạt Chuyên đề dài kỳ góp ý hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Nhiều năm nay, Tạp chí Pháp lý đã thực hiện loạt Chuyên đề dài kỳ góp ý hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng.)

Đóng góp này của báo chí thường âm thầm và không dễ thấy, nhưng lại vô cùng quan trọng. Vì một trong những nguyên nhân căn bản “giúp” tội phạm tham nhũng lộng hành đó là lỗ hổng cơ chế, lỗ hổng chính sách pháp luật. Cho nên phải phát hiện kịp thời và bít lỗ hổng chính sách pháp luật kịp thời.

Là một trong ba cơ quan báo chí trực thuộc Trung ương Hội Luật gia VN, 26 năm qua, Tạp chí Pháp lý (TCPL) có tôn chỉ mục đích hoạt động: Tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho Hội viên Hội Luật gia VN. Giáo dục, tư vấn, trao đổi nghiệp vụ về pháp luật cho các thành phần kinh tế và nhân dân.

Bám sát tôn chỉ, nhiệm vụ đó, nhiều năm nay, TCPL đã tham gia tích cực vào công tác PCTN với cách thức đặc biệt riêng, đó là thông qua việc đăng tải các bài viết vừa lồng ghép việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCTN, vừa phản ánh việc thực hiện pháp luật về PCTN, đặc biệt từ thực tế thâm nhập tìm hiểu việc thực thi pháp luật về PCTN, pháp luật về kinh tế kinh doanh, pháp luật về cán bộ công chức, pháp luật về đầu tư xây dựng, đấu thầu…. Ban Biên tập cùng PV và các Đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học pháp lý, chuyên gia pháp luật (Luật gia, Luật sư) đã chỉ ra những kẽ hở, những bất cập, khuyết thiếu của hệ thống chính sách pháp luật nói chung, pháp luật về PCTN nói riêng đã “vô tình” giúp cho nạn tham nhũng “hoành hành”, từ đó kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền sửa đổi bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật để PCTN hiệu quả hơn.

TCPL nhận thấy để PCTN hiệu quả, các cơ quan chức năng không chỉ tập trung sửa và hoàn thiện Luật PCTN, BLHS và tăng cường hoạt động của cơ quan dân cử, cơ quan thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật, mà còn cần tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách pháp luật về công tác cán bộ, về hệ thống pháp luật kinh tế. Đây cũng là kiến nghị đề xuất của nhiều ĐBQH và chuyên gia luật.

Chỉ riêng 5 năm gần đây, TCPL đã đăng tải gần 300 bài viết phân tích bình luận, ghi chép, đối thoại nhằm thông tin phản ánh những ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Luật gia, chuyên gia... về những bất cập của hệ thống chính sách pháp luật có liên quan tới công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), từ đó đề xuất kiến nghị các giải pháp sửa đổi, bổ sung hàng loạt Luật liên quan.

Chúng tôi xin dẫn chứng một số chuyên đề nội dung, một số tuyến bài viết chuyên sâu mà TCPL đã đăng tải với mong muốn góp phần vào công tác PCTN nói chung của đất nước.

1. Trước lĩnh vực được cảnh báo là gây thất thoát, lãng phí và nguy cơ tham nhũng nhiều nhất - lĩnh vực đất đai, TCPL đã đăng tải nhiều tuyến bài phản ánh những sai phạm tiêu cực, những kẽ hở của Luật Đất đai và kiến nghị sửa đổi nhiều quy định của đạo luật quan trong này. Trong đó có các bài đặc sắc như: Quản lý, sử dụng đất “vàng”: Thực tế và lỗ hổng pháp luật; Đề xuất những giải pháp pháp luật toàn diện để PCTN từ nguồn lợi đất đai; Giải pháp chặn trục lợi từ hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất; “Soi” vai trò giám sát của HĐND để xảy ra chuyển nhượng giá rẻ, sử dụng lãng phí, thất thoát nhà đất công; Chuyển đổi đất rừng để làm Dự án kinh tế:

Chuyên gia chỉ ra hàng loạt lỗ hổng pháp luật và kiến nghị sửa Luật; Cần những giải pháp toàn diện để phòng, chống tham nhũng từ công tác thu hồi, đền bù đất và đấu giá quyền sử dụng đất; Từ các vụ án liên quan Vũ “nhôm”: Bàn giải pháp pháp luật để phòng ngừa hành vi tham nhũng, trục lợi tài sản công; Chỉ ra nhiều “kẽ hở” của Luật Đất đai: Đại biểu Quốc hội và chuyên gia kiến nghị gì? Cần tăng hình phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý tài sản công…

2. Dấu ấn trong công tác tham gia xây dựng chính sách pháp luật năm 2018 của TCPL không thể không nhắc đến, đó là, Ban Biên tập đã xây dựng, định hướng, chỉ đạo PV thực hiện chuyên đề pháp luật chuyên sâu dài 10 kỳ – Chuyên đề: “Chung tay hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật để phòng, chống tham nhũng hiệu quả”. Theo đó, trong Chuyên đề dài kỳ đặc biệt này, TCPL đã đăng tải 35 bài viết phân tích bình luận, ghi chép, đối thoại nhằm thông tin phản ánh những ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Luật gia, chuyên gia... về những bất cập của hệ thống chính sách pháp luật có liên quan tới công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), từ đó đề xuất kiến nghị các giải pháp sửa đổi, bổ sung hàng loạt Luật liên quan như: Luật Đất đai, Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Thanh tra, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật tổ chức HĐND & UBND; Luật Doanh nghiệp; Luật Cán bộ, công chức….

3. Để PCTN hiệu quả thì việc hoàn thiện Luật PCTN là yêu cầu cấp thiết. Từ năm 2017 đến nay, TCPL đã đăng tải loạt bài góp ý sửa đổi, bổ sung đạo luật quan trọng này. Trong đó có các bài viết đáng lưu tâm: Kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ - vấn đề mấu chốt để PCTN hiệu quả; Cần hình sự hóa một số hành vi sai phạm trong công tác cán bộ; ĐBQH và chuyên gia hiến kế chặn “công – tư bắt tay” tham nhũng; Tham nhũng trong khu vực tư và kiến nghị hoàn thiện pháp luật PCTN trong khu vực tư; Chống tham nhũng không thể chỉ dựa vào “con dao” duy nhất là Luật PCTN; “3 lớp phòng thủ” chống tham nhũng; Hiệu quả chống tham nhũng sẽ giảm nếu thiếu cơ chế tịch thu tài sản bất minh ; Hoàn thiện pháp luật về PCTN: Ba vấn đề lớn cần quan tâm giải quyết; Điểm yếu trong các “vũ khí” chống tham nhũng hiện nay; Từ các đại án kinh tế bàn về công tác phòng ngừa tham nhũng; Những khuyết thiếu, rào cản pháp luật gây khó cho công tác xác định và xử lý tài sản bất minh; Đề xuất “bít lỗ hổng” pháp luật và kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng trong các cơ quan tư pháp; Làm thế nào để khắc phục yếu kém trong phát hiện tham nhũng…

4. Để chống tham nhũng hiệu quả, pháp luật hình sự cần sắc bén và nghiêm khắc. Trong quá trình sửa đổi BLHS 2015, TCPL đã thực hiện loạt bài đăng tải ý kiến của ĐBQH, chuyên gia pháp luật góp ý sửa đổi các quy định pháp luật hình sự nhằm PCTN hiệu quả. Trong đó có các bài viết, bài phân tích đáng chú ý của các ĐBQH và chuyên gia pháp luật hình sự như: Đại biểu Quốc hội, chuyên gia pháp luật kiến nghị bổ sung nhiều tội danh hình sự để không bỏ lọt tội phạm tham nhũng; Góp ý hoàn thiện pháp luật về phòng, chống rửa tiền; Tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư theo Công ước UNCAC và hoàn thiện BLHS nước ta; Tham nhũng quyền lực hậu quả nặng hơn tham nhũng kinh tế, cần phải được xử lý bằng Luật Hình sự; Kiến nghị BLHS cần quy định thêm 5 tội danh về tham nhũng, đó là các tội: “lợi dụng chức vụ, quyền hạn đưa hối lộ hoặc làm môi giới hối lộ”; tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của nhà nước”; tội “nhũng nhiễu vì vụ lợi”; tội “không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi” và tội “bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật”.

5. Bên cạnh các cơ quan bảo vệ pháp luật thì cơ quan dân cử và Thanh tra Chính phủ có vai trò đặc biệt quan trọng trong PCTN. Do đó, để PCTN hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện Luật Thanh tra; Cần tăng cường kiểm soát giai đoạn tiền khởi tố; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra. Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử đối với công tác PCTN; Phát huy vai trò của Quốc hội trong PCTN: Cần làm tốt chức năng lập pháp và giám sát…Những vấn đề này được Pháp lý phân tích bình luận trong nhiều kỳ liên tiếp.

6. Hậu quả của tham nhũng là ghê gớm, làm xói mòn nền kinh tế. Cho nên nếu chỉ quan tâm hoàn thiện Luật PCTN & BLHS thì chưa đủ mà còn cần quan tâm hoàn thiện các đạo luật khác, đặc biệt là các quy định pháp luật về tổ chức – cán bộ; các quy định về quản lý tài chính kinh tế doanh nghiệp…

Từ nhận thức đó, Ban Biên tập TCPL đã cho khởi đăng tuyến bài góp ý hoàn thiện chính sách pháp luật để PCTN trong công tác cán bộ: Giám sát công tác cán bộ, phương thức nào sắc bén và hiệu quả; Những việc cần làm ngay trong công tác cán bộ để PCTN hiệu quả hơn; Kiến nghị các giải pháp pháp luật chặn “sân sau” của quan chức; Xử lý đảng viên vi phạm kinh tế và những lưu ý để không hành chính hóa hoặc hình sự hóa; Và các bài viết chỉ ra những quy định pháp luật trong công tác cán bộ và quy định pháp luật về doanh nghiệp cũng như pháp luật về PCTN có mâu thuẫn, bất cập dẫn đến khó xử lý cán bộ tham nhũng.

7. Trong 6 tháng đầu năm 2019, TCPL tiếp tục thực hiện loạt bài phân tích chuyên sâu góp ý, kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật để có công cụ sắc bén phòng, chống tham nhũng. Đó là các tuyến bài: Ngăn ngừa lợi ích nhóm tiêu cực trong xây dựng chính sách pháp luật; Ngăn chặn tham nhũng trong cơ quan có chức năng chống tham nhũng; Để Kiểm toán Nhà nước làm tốt hơn nữa vai trò phòng, chống tham nhũng; Đưa – nhận hối lộ, loại tội phạm như tảng băng chìm; Chống rửa tiền trong tình hình mới; Vụ án IPC và câu hỏi đặt ra cho cuộc chiến chống tham nhũng; Giải pháp chặn vấn nạn “sân sau”: Phải vô hiệu hóa “quyền lực mềm” của quan chức; Kiến nghị nhằm giảm, tiến tới ngăn chặn các tội phạm về chức vụ;…

8. Khuyết thiếu và những “lỗ hổng” của các quy định pháp luật về BT, BOT, cổ phần hóa, đầu tư xây dựng công trình dự án… khiến “lợi ích nhóm” trỗi dậy, “mảnh đất màu mỡ” cho tham nhũng hoành hành, khiến toàn xã hội bức xúc. Trước thực tế này, TCPL cũng có nhiều bài viết phản ánh, nhận diện, chỉ ra các lỗ hổng pháp luật và kiến nghị các giải pháp để PCTN trong lĩnh vực kinh tế đặc biệt quan trọng này. Đó là các bài viết: Lỗ hổng pháp luật giúp cổ đông làm giàu thông qua việc thâu tóm cổ phần; ĐBQH và chuyên gia phân tích các khía cạnh pháp lý xung quanh 12 dự án nghìn tỷ bị thua lỗ; Lỗ hổng của nhiều quy định pháp luật khiến BT được “ưa chuộng”; Cảnh báo một số hành vi vi phạm pháp luật khi thực hiện cổ phần hóa DNNN; Khoảng trống pháp luật và giải pháp quản BOT; Quy định của pháp luật về hoạt động của các tổ chức tín dụng cần phải rõ ràng và nghiêm minh; Lỗ hổng pháp luật và giải pháp chống chỉ định thầu trái luật; DN hưởng lợi tiền tỷ nhờ lỗ hổng chính sách: Xử lý ai? Xử thế nào?; Vì sao hàng loạt dự án đầu tư công dễ dàng đội vốn sai quy định; Cần những giải pháp chặn các dự án đội vốn, chống thất thoát tài sản Nhà nước…

9. Từ lăng kính “Bên khung cửa tư pháp” cũng là tên một chuyên mục nội dung chủ đạo của TCPL, từ năm 2017 đến nay, chúng tôi luôn theo dõi hoạt động của các cơ quan tư pháp, đặc biệt là công tác tố tụng các đại án kinh tế, tham nhũng. Qua theo dõi, Phóng viên TCPL đã cùng các chuyên gia pháp luật hình sự đã có những bài phân tích bình luận cụ thể: Xử đại án ngân hàng, lộ hàng loạt bất cập pháp lý và quản lý; Kiến nghị lấp các lỗ hổng pháp luật trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Vì sao ít phanh phui được tội phạm rửa tiền?; 3 tội danh được áp dụng trong 6 đại án kinh tế: Nhận diện, phân biệt và kiến nghị; Thực trạng thu hồi tài sản trong các đại án kinh tế, tham nhũng; Những lỗ hổng pháp luật tạo môi trường cho tội phạm rửa tiền; Nhận diện 1 số hành vi và thủ đoạn của tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng; Nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng; Tiền mất trong các đại án: Vì sao thu hồi được ít?; Chuyên gia pháp luật lý giải không có nhiều bị cáo bị kết tội nhận hối lộ; Kiến nghị bổ sung trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại tội rửa tiền…

10. Bên cạnh các bài viết góp ý xây dựng sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về PCTN đăng tải trên các chuyên mục Diễn đàn – Luật gia; Bên khung cửa tư pháp; Chính sách pháp luật kinh tế, TCPL còn có chuyên mục “Họ đã làm được như thế”, đây là chuyên mục đăng tải các bài viết tôn vinh những tấm gương sáng, sống, học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ năm 2017 đến nay, chuyên mục này của TCPL đã tôn vinh một số tấm gương là những cá nhân, tập thể tiêu biểu dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng như: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Vị Tướng có vai trò đặc biệt trong cuộc chiến chống giặc nội xâm; Ban Chỉ đạo TW về PCTN: Những dấu ấn đặc biệt; Những chiến công đặc biệt của công an Phú Thọ; Dấu ấn trong phá các đại án kinh tế của C46 – Bộ Công an;...

* * *

Trong hoàn cảnh hiện nay, các cơ quan báo chí (trong đó có TCPL) đứng trước cơ hội và thách thức không hề nhỏ. Để có thể đồng hành cùng các ĐBQH, hỗ trợ các ĐBQH tốt hơn trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để PCTN, theo chúng tôi các cơ quan báo chí cần vừa nghiên cứu chính sách pháp luật, vừa thâm nhập thực tế để ghi nhận việc thực thi pháp luật, từ đó mới có những bài phân tích bình luận chính sách chuyên sâu sắc sảo. Thực tế này đòi hỏi các Biên tập viên, Phóng viên phải là người có kinh nghiệm, vừa làm báo đồng thời lại phải có kiến thức pháp luật chuyên sâu.

Những năm tới, TCPL sẽ tiếp tục thực hiện những chuyên đề pháp luật dài kỳ, chuyên sâu như đã làm, để thực sự tạo dấu ấn, bản sắc riêng. TCPL mong muốn có thêm sự đồng hành, ủng hộ của các Luật gia, chuyên gia và sự ủng hộ, động viên của lãnh đạo HLGVN để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn nữa.

TCPL

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tap-chi-phap-ly-va-nhung-no-luc-dong-gop-cho-cong-tac-hoan-thien-he-thong-phap-luat-ve-phong-chong-tham-nhung-a212107.html