(Pháp lý) - Tham gia giám sát xã hội, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Luật gia (được ghi nhận trong Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam năm 2010 và Kết luận số 19-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác Hội Luật gia Việt Nam).
Giám sát xã hội, phản biện xã hội có phạm vi rất rộng, nếu làm tốt sẽ góp phần tích cực vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở Thủ đô cũng như xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Xác định đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giám sát xã hội, phản biện xã hội, các cấp Hội Luật gia Hà Nội đã chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia giám sát xã hội, phản biện xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Công tác giám sát xã hội nội dung tập trung vào việc giải quyết những bức xúc, đòi hỏi của đông đảo nhân dân trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, hoạt động tư pháp, những lĩnh vực kinh tế, xã hội quan trọng và giám sát thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các chính sách bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội ở địa phương. Giám sát, phản biện xã hội của Hội Luật gia Việt Nam thông qua hình thức tập hợp lấy ý kiến nhân dân góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp; tổ chức hội nghị tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật; phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cùng cấp.
5 năm qua, Hội Luật gia thành phố Hà Nội phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội chủ trì tổ chức 12 đoàn giám sát thi hành pháp luật trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo; trật tự xây dựng, trật tự đô thị; cải cách thủ tục hành chính, 9 cuộc giám sát qua nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật. Hội Luật gia các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn phối hợp với MTTQ, HĐND cùng cấp tham gia giám sát việc thi hành pháp luật của cơ quan, tổ chức trong các lĩnh vực bồi thường giải phóng mặt bằng, khiếu nại, tố cáo, trật tự xây dựng, bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được hơn 100 cuộc. Thành hội xây dựng và thực hiện mô hình “Quy trình giám sát của nhân dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai của địa phương theo Điều 199 Luật Đất đai” thực hiện thí điểm ở 8 xã, phường, thị trấn. Các cấp Hội Luật gia thành phố Hà Nội tham gia thực hiện hơn 100 cuộc phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân.
Hoạt động giám sát xã hội, phản biện xã hội đã phát huy tác dụng, hiệu quả, đặc biệt là gắn với những vấn đề dân sinh mà nhân dân quan tâm, trăn trở, đã kịp thời phát hiện và đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng chấn chỉnh, kịp thời sửa đổi, bổ sung những bất cập trong các chính sách, văn bản do các cơ quan soạn thảo, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường đoàn kết ở khu dân cư, hạn chế các vụ khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Nhiều kiến nghị sau giám sát và ý kiến phản biện xã hội được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, trở thành kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo, quản lý và điều hành ở địa phương.
5 năm tham gia giám sát xã hội, phản biện xã hôi, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau:
- Việc giám sát xã hội, phản biện xã hội phải thực hiện đầy đủ 4 nguyên tắc giám sát, phản biện, đó là: sự lãnh đạo của Đảng; sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức; công khai, minh bạch; không làm ảnh hưởng đến đối tượng giám sát, phản biện.
- Gắn nhiệm vụ giám sát, phản biện với việc lắng nghe ý kiến của nhân dân, góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền. Có các hình thức lấy ý kiến, điều tra xã hội học phù hợp, tổ chức tham vấn ý kiến nhân dân về những vấn đề lớn liên quan đến lợi ích trực tiếp của người dân trước khi cấp có thẩm quyền quyết định, làm tăng thêm sự đồng thuận trong xã hội.
- Chủ động, linh hoạt, sáng tạo các hình thức phản biện xã hội là: tổ chức hội nghị phản biện xã hội; gửi dự thảo văn bản phản biện đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên với cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện xã hội.
- Làm tốt khâu chuẩn bị và tổ chức thực hiện phản biện xã hội; mời các chuyên gia, thành viên hội đồng tư vấn, người có kinh nghiệm tham gia phản biện xã hội. Có quy chế phối hợp giữa Ủy ban MTTQ, các đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng trong phản biện xã hội, tạo ra sức mạnh, tiếng nói chung trước những vấn đề nhân dân quan tâm.
Chúng tôi đề xuất 5 giải pháp thực hiện công tác giám sát xã hội, phản biện xã hội:
Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhân thức của hệ thống chính trị, của nhân dân, trước hết từ trong Đảng đến xã hội về tầm quan trọng, vai trò của phản biện xã hội trong điều kiện một Đảng cầm quyền vì lợi ích của nhân dân.
Hai là, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong việc đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổng hợp ý kiến của nhân dân phản ánh với Đảng, Nhà nước những vấn đề mà nhân dân quan tâm; tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật; đồng thời đưa ra các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.
Ba là, xây dựng và ban hành cơ chế, các quy định cụ thể để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt chức năng giám sát xã hội, phản biện xã hội.
Bốn là, chuẩn bị tốt các điều kiện, nhất là về tổ chức cán bộ, phương thức, tài chính cho việc thực hiện giám sát xã hội, phản biện xã hội.
Năm là, tiến hành đồng bộ và triệt để các giải pháp, đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Giải pháp quan trọng mang tính đột phá cho giám sát xã hội, phản biện xã hội chính là tổ chức các hình thức đối thoại.
Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến
Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội
Link nội dung: https://phaply.net.vn/hoi-luat-gia-thanh-pho-ha-noi-voi-cong-tac-giam-sat-xa-hoi-phan-bien-xa-hoi-a212052.html