Người chắp bút dự thảo Hiến pháp đầu tiên

Kỷ niệm 74 năm Ngày Quốc khánh 2/9 (1945 – 2019), Báo PLVN xin được giới thiệu đôi nét về Luật sư Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của Chính phủ Cách mạng Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), người được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ chắp bút dự thảo Hiến pháp đầu tiên của nước VNDCCH.

 Luật sư Vũ Trọng Khánh được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiệm vụ khởi thảo Hiến pháp nước VNDCCH.
Luật sư Vũ Trọng Khánh được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiệm vụ khởi thảo Hiến pháp nước VNDCCH.)

Luật sư danh tiếng

Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh sinh ngày 13/3/1912, trong một gia đình tiểu thương ở Hà Nội. Quê ông ở làng Cự Đà, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là ngoại thành Hà Nội).

Ông theo học ở Trường Lyceé Albert Sarraut, sớm chịu ảnh hưởng từ các phong trào yêu nước như đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh, khởi nghĩa Yên Bái…

Sau khi đỗ tú tài ở Trường Lyceé Albert Sarraut, cậu học trò Vũ Trọng Khánh theo học Trường Đại học Luật Đông Dương. Thời gian học trường luật, ông quen các sinh viên Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Hòe....

Đỗ cử nhân Luật năm 1936, ông làm thư ký cho một luật sư tại Hải Phòng, năm 1941 làm luật sư tập sự và bốn năm sau được cử làm luật sư chính thức. Với tài hùng biện, Luật sư Vũ Trọng Khánh nhanh chóng nhận được sự mến mộ của nhân dân Hải Phòng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập, Luật sư Vũ Trọng Khánh đã ra làm Thị trưởng Hải Phòng.

Trong Hồi ký “Tôi làm Thị trưởng Hải Phòng”, ông viết: “Lý do cấp bách tôi phải nhận làm Thị trưởng là sau khi Nhật đảo chính Pháp, thành phố như con ngựa đứt cương; công chức và nhân dân tụ tập, bàn tán, nghe ngóng, không ai cầm đầu. Viên lãnh sự Nhật chịu trách nhiệm hành chính thực ra chẳng biết làm gì, quân đội và hiến binh Nhật nắm chặt an ninh.

 Luật sư Vũ Trọng Khánh và phu nhân.
Luật sư Vũ Trọng Khánh và phu nhân.)

Những tên Việt gian tống tiền; dịch vụ hốt rác đổ thùng phân trì trệ, nước, điện chập chờn… Không có người lương thiện ra nắm quyền chỉ huy thì kẻ bất lương chạy chọt sẽ nhảy vào ghế Thị trưởng để dựa vào Nhật làm hại dân. Nhất thiết tôi phải nắm ngay ghế Thị trưởng”.

Sau một tháng làm Thị trưởng Hải Phòng, chiếm lĩnh các cơ quan, chiếm lĩnh ngân hàng, nắm lấy cảnh sát, trại giam, bảo an binh, thả tù chính trị, ngăn cản bọn thân Nhật mở sòng bạc, đôn đốc điện, nước, vệ sinh… ông bàn giao lại chính quyền thành phố cho mặt trận Việt Minh.

Ngày 23/8/1945, trong lễ ra mắt UBND cách mạng lâm thời thành phố trước cửa Nhà hát Lớn Hải Phòng, Luật sư Vũ Trọng Khánh được cử làm Ủy viên Hành chính (tương đương chức vụ Thị trưởng TP). “Ba hôm sau được điện của anh Võ Nguyên Giáp mời tôi lên Thủ đô nhận chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ Lâm thời nước VNDCCH”, ông viết trong Hồi ký.

Bản dự thảo đặc sắc

Tuy chỉ giữ chức vụ Bộ trưởng Tư pháp trong 181 ngày (2/9/1945 - 2/3/1946) nhưng Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh đã có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn cơ sở, cán bộ cũng như xây dựng hệ thống tư pháp cho nền cộng hòa non trẻ.

Ngày 20/9/1945, trong Sắc lệnh số 34, về việc lập một Ủy ban dự thảo và đệ trình Quốc hội một bản Hiến pháp cho VNDCCH, ông là một trong bảy thành viên Ủy ban gồm: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy (tức Vua Bảo Đại thoái vị), Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (tức Tổng Bí thư Trường Chinh).

Hơn 20 năm sau ngày ông mất (năm 2018), nhằm khẳng định những cống hiến của Luật sư Vũ Trọng Khánh đối với đất nước và cách mạng, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tư pháp và UBND quận Hà Đông, tên của ông đã được TP Hà Nội đặt cho một con phố đẹp trên địa bàn quận Hà Đông.

Phố này dài 1.210m, chiều rộng 36m (lòng đường 21m, vỉa hè mỗi bên 6m, phân cách 3m), đoạn từ ngã ba giao cắt đường Trần Phú tại điểm đối diện trụ sở 2 Công an TP Hà Nội, đến ngã ba giao cắt phố Tố Hữu.

Công việc trọng đại, mới mẻ, vô cùng khó khăn, trong thời gian gấp rút. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Ủy ban giao cho Đặng Thai Mai và Vũ Trọng Khánh soạn bản dự thảo đầu tiên. Hai ông tập trung trí tuệ và sức lực phác thảo đề cương trình Ủy ban góp ý thông qua, rồi chia nhau bắt tay vào việc chấp bút chi tiết.

Giáo sư Đặng Thai Mai kể lại: “Vũ Trọng Khánh chịu trách nhiệm viết các phần quan trọng nhất, chiếm khoảng ba phần tư dự án. Tôi chỉ viết một phần tư còn lại. Sau đó, anh Khánh duyệt phần do tôi viết, rồi viết lại toàn bộ văn bản trước khi chuyển tới Võ Nguyên Giáp”.

Trong quá trình dự thảo, hai ông tranh thủ ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hai cụ Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại. Nhiều trí thức nổi tiếng thời đó như Luật sư Phan Anh, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường còn cho mượn cả những văn kiện tiếng Pháp (như Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, Hiến pháp Hoa Kỳ, Hiến pháp Pháp, …) mà Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải tìm để tham khảo.

Ngày 8/11/1945, Ủy ban Dự thảo họp phiên cuối cùng do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng ban chủ trì. Người đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh đọc toàn văn bản dự thảo. Tất cả 7 thành viên biểu quyết tán thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Đây là một bản dự thảo đặc sắc, ông Vũ Trọng Khánh có công đầu”. Người yêu cầu cho công bố ngay để lấy ý kiến cả nước.

Bản dự thảo Hiến pháp Việt Nam của Chính phủ lâm thời là nền tảng cho việc xây dựng Dự án Hiến pháp năm 1946 sau này được Quốc hội tiếp tục thảo luận và thông qua ngày 9/11/1946. Bản Hiến pháp 1946 thông qua gồm Lời nói đầu, 7 chương, 70 điều, trở thành Đạo luật căn bản của Nhà nước VNDCCH.

Nhận xét về Luật sư - Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh, Giáo sư Đặng Thai Mai nói: “Tôi phải thừa nhận Vũ Trọng Khánh là một luật sư biết cách làm việc khoa học, luôn luôn lo nghĩ đến nhiệm vụ được trao phó, luôn luôn lo nghĩ đến nhân dân. Anh vừa hiểu sâu sắc các vấn đề Hiến pháp, vừa nắm vững tiếng Pháp ngành luật, vừa sử dụng thành thạo tiếng Việt ngành luật”.

Những đóng góp lớn lao

Cũng trên cương vị Bộ trưởng, ông Vũ Trọng Khánh đã trình và được Chính phủ duyệt bốn văn bản tư pháp nền tảng quan trọng: Sắc lệnh số 4 ngày 10/10/1945 về tổ chức đoàn luật sư; Sắc lệnh số 53 ngày 20/10/1945 về quy định quốc tịch Việt Nam; Sắc lệnh số 13 ngày 21/1/1946 về tổ chức các tòa án thường và ngạch thẩm phán; Sắc lệnh số 21 ngày 14/2/1946 về tổ chức tòa án quân sự.

Ngày 2/3/1946, khi thành lập Chính phủ chính thức, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe được cử sang làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay Luật sư Vũ Trọng Khánh.

 Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp duyệt binh lần đầu ở Hà Nội sau khi giành được chính quyền. (Hình chụp ngày 26/8/1945).
Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp duyệt binh lần đầu ở Hà Nội sau khi giành được chính quyền. (Hình chụp ngày 26/8/1945).)

Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tín nhiệm ký Sắc lệnh cử ông Vũ Trọng Khánh làm Chưởng lý Tòa Thượng thẩm Bắc Bộ (nay tương đương Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao) nước VNDCCH.

Ngày 4/6/1946, ông Vũ Trọng Khánh được cụ Huỳnh Thúc Kháng, quyền Chủ tịch Chính phủ ký Sắc lệnh cử làm Cố vấn Phái đoàn Việt Nam sang đàm phán tại Hội nghị Fontainbleu.

Trong suốt thời gian chín năm kháng chiến chống Pháp, ông làm Giám đốc Tư pháp Liên khu 10 (gồm sáu tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên…), Trưởng ban Nghiên cứu pháp lý, Giám đốc Vụ Hành chính tư pháp - Bộ Tư pháp, tổ chức toà án, phổ biến tư tưởng tư pháp mới, đúc kết kinh nghiệm, nghiên cứu chính sách, đào tạo cán bộ tư pháp, đồng thời tham gia soạn thảo nhiều văn bản pháp quy cho hệ thống luật chính quyền VNDCCH.

Hiệp định Genève được ký kết năm 1954, ông về tiếp quản Hải Phòng (tháng 5/1955), giữ chức Ủy viên hành chính (8/1955 - 12/1956), Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hải Phòng thường trực quản lý Hành chính, Văn hóa xã hội và Nhà đất (12/1956 - 4/1961), Ủy viên Hội đồng nhân dân TP, Trưởng ban Vận trù học, Phó Chủ tịch MTTQ TP, Chủ tịch Hội Luật gia Hải Phòng… cho đến khi nghỉ hưu năm 1977.

Do có nhiều công lao trong hai cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Tổ quốc, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (1994), Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (1961), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất (1986) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Luật sư Vũ Trọng Khánh qua đời ngày 22/1/1996, hưởng thọ 84 tuổi.

Trong điện chia buồn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi gia đình Luật sư Vũ Trọng Khánh ngày 25/1/1996 viết: “Anh là một trí thức yêu nước, có tâm huyết đối với vận mệnh của Tổ quốc, đã từng có đóng góp xứng đáng trong Chính phủ lâm thời đầu tiên của nước VNDCCH. Trong suốt những thập kỷ kháng chiến và những năm tiếp theo, anh đã hết lòng phục vụ nhân dân, có cống hiến xứng đáng đối với sự nghiệp đoàn kết toàn dân và xây dựng nền luật học của nước ta”.

Theo baophapluat.vn

Nguồn bài viết: https://baophapluat.vn/tu-phap/nguoi-chap-but-du-thao-hien-phap-dau-tien-468850.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nguoi-chap-but-du-thao-hien-phap-dau-tien-a211936.html